Chiến trường là vùng đất, vùng biển, vùng trời phía trên, nơi có thể hoặc đang diễn ra cuộc chiến tranh hoặc các hoạt động tác chiến chiến lược.
Chiến trường có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của chiến tranh. Thời cổ đại, do chỉ sử dụng “vũ khí lạnh”, nên phạm vi chiến trường cũng rất hẹp. Từ thế kỷ X trở đi do tìm ra thuốc súng, các loại hỏa khí tầm xa được chế tạo và sử dụng, nghệ thuật tác chiến cũng phát triển theo, đội hình chiến đấu được bố trí phân tán, giãn rộng hơn để hạn chế sát thương bằng hỏa lực của đối phương, từ đó chiến trường được mở rộng hơn. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Nhất (1914 - 1918), quân đội các nước có bước phát triển cả quy mô lực lượng, xuất hiện các lực lương mới như: không quân, hải quân, pháo binh, xe tăng, công binh, thông tin… vũ khí trang bị và nghệ thuật quân sự cũng phát triển mới, từ đó phạm vi chiến trường đã thay đổi, ngoài chiến trường trên bộ, còn chiến trường trên không, trên biển, phạm vi chiến trường không còn giới hạn trong một quốc gia mà còn mở rộng trên lãnh thổ của nhiều quốc gia ở một số châu lục. Tới chiến tranh thế giới lần thứ Hai (1939 - 1945), tổ chức, trang bị quân đội, nghệ thuật quân sự có bước phát triển vượt bậc, Từ đó phạm vi chiến trường được mở ra lãnh thổ nhiều nước, hình thành các chiến trường châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi (trong đó Chiến trường Châu Âu là chiến trường chính). Các Chiến trường lớn được chia thành các mặt trận để tiện chỉ huy, điều hành tác chiến. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ Hai, chỉ xảy ra chiến tranh cục bộ ở một số khu vực, Liên hợp quốc đã quy định: Chiến trường không bao gồm lãnh thổ của các nước trung lập, nhằm ngăn chặn mở rộng chiến tranh. Do vậy phạm vi Chiến trường thường nằm trong phạm vi một nước hoặc một vài nước. chiến trường không chỉ là nơi trực tiếp tác chiến, mà còn là nơi cung cấp các nguồn lực cho chiến tranh, chiến trường bao gồm cả tiền tuyến và hậu phương, công tác chuẩn bị chiến trường ngày càng có ý nghĩa quan trọng để giành thắng lợi trong chiến tranh.
Ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, vũ khí, trang bị kỹ thuật và phương thức tiến hành chiến tranh của quân đội các nước đã có nhiều phát triển, tầm bắn của các loại hỏa lực không quân, pháo binh, tên lửa… ngày càng tăng; các phương tiện đổ bộ đương không, đổ bộ đường biển hiện đại được sử dụng rộng rãi trên chiến trường; lực lượng tham chiến trong các cuộc chiến tranh của liên minh các nước thường là lực lượng đa quốc gia trong các cuộc chiến tranh cục bộ ở một nước, nhưng không gian chiến tranh đã mở rộng trên lãnh thổ của một số nước lân cận để triển khai lực lượng.
Đặc trưng cơ bản của Chiến trường trong chiến tranh hiện đại thể hiện ở không gian, thời gian chiến tranh và các hoạt động tác chiến chiến lược trên chiến trường. Không gian Chiến trường trong chiến tranh hiện đại bao gồm: vùng đất, vùng biển, vùng trời phía trên và khoảng không vũ trụ (cả trường điện từ), ở đó các bên tham chiến tiến hành các hoạt động tác chiến, mà đặc trưng là hoạt động tác chiến chiến lược (bao gồm: chuẩn bị và thực hành tác chiến chiến lược) để giành thắng lợi trong chiến tranh.
Phân loại Chiến trường: Theo môi trường tác chiến, có: Chiến trường trên bộ (đất liền); Chiến trường biển đảo; Chiến trường trên không; Chiến trường không gian mạng và chiến trường vũ trụ. Theo địa lí, có: Chiến trường trong nước; Chiến trường ngoài nước. Theo vị trí, vai trò và quy mô, có: Chiến trường chiến tranh (cho cả cuộc chiến tranh); Chiến trường tác chiến (tiến hành các hoạt động tác chiến ở các quy mô khác nhau).
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tổ chức các Chiến trường có vai trò chiến lược rất quan trọng trong xây dựng, bố trí lực lượng, thề trận, tổ chức chỉ huy và hậu cần, kỹ thuật, các mặt bảo đảm cho hoạt động tác chiến chiến lược và sự phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa các Chiến trường trong phạm vi cả nước; trong đó chú trọng cho các chiến trường, hướng chiến lược trọng điểm. Đây là bước chuẩn bị trước từ thời bình, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để rút ngắn thời gian chuẩn bị trực tiếp khi có chiến tranh.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Học viện Quốc phòng, những vấn đề cơ bản về tác chiến biển đảo trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2004.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Học viện Quốc phòng, Một số vấn đề về quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, năm 2005.
- Bộ Quốc phòng, Phát triển nghệ thuật quân sự đánh thắng, chiến tranh kiểu mới của địch, năm 2006.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
- Bộ Quốc phòng, Tập lịch sử quân sự Việt Nam, trong bộ bách quân sự Việt Nam về Chiến tranh thế giới - I và Chiến tranh thế giới -II, năm 2015.
- Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ chính trị về chiến lược quân sự Việt Nam, Kết luận số 31- KL/ TW, ngày 16. 4. 2018.
- Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến lục quân Mĩ FM 3.0, Tổng cục II.