Chiến tranh nhân dân là chiến tranh do lực lượng quần chúng nhân dân tiến hành, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của giai cấp cách mạng hoặc lực lượng xã hội tiến bộ, sử dụng mọi loại vũ khí, tiến hành dưới nhiều hình thức, biện pháp để chống xâm lược hoặc ách thống trị áp bức.
Chiến tranh nhân dân xuất hiện từ sớm trong lịch sử của nhân loại, từ thời kỳ nô lệ khởi nghĩa chống lại chủ nô đến các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng do giai cấp tư sản lãnh đạo chống chế độ phong kiến lạc hậu như Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (1911 - 1913), Cách mạng Tháng Mười Nga (1917).
Trong lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự thế giới, khái niệm “Chiến tranh nhân dân” xuất hiện trong các công trình nghiên cứu về quân sự, chiến tranh và quân đội của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin trong thế kỷ XIX-XX. Ăngghen (1820 - 1895) là người đặt nền móng cho tư tưởng khoa học về Chiến tranh nhân dân. Khi bàn về các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, tự vệ, chính nghĩa, Ăngghen cho rằng, quần chúng nhân dân và các đội du kích có vai trò, tác dụng rất lớn trong tiến trình và kết cục chiến tranh: “Một dân tộc muốn giành độc lập cho mình thì không được tự giới hạn trong những phương thức thông thường để tiến hành chiến tranh. Lênin (1870 - 1824), phát triển và hoàn thiện tư tưởng về Chiến tranh nhân dân của Mác và Ăngghen thành tư tưởng “vũ trang nhân dân”, “khởi nghĩa vũ trang của toàn dân”, lấy Hồng quân công nông làm nòng cốt để tiến hành nội chiến cách mạng và chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Ở Việt Nam, phương thức tiến hành Chiến tranh nhân dân được thực hiện từ sớm trong các cuộc kháng chiến chống phong kiến phương Bắc xâm lược và khởi nghĩa vũ trang đánh đuổi kẻ thù đô hộ, dành độc lập dân tộc; Đảng cộng sản Việt Nam đã phát huy kinh nghiệm chống ngoại xâm của dân tộc, nắm vững quy luật của chiến tranh cách mạng, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về chiến tranh vào thực tế Việt Nam lãnh đạo toàn dân tiến hành Chiến tranh nhân dân dành thắng lợi trong hai cuộc Kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) và Kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) tất cả đều theo quan điểm "toàn dân là binh, cả nước đánh giặc".
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Chiến tranh nhân dân là: “toàn dân kháng chiến”, “toàn diện kháng chiến”, “trường kì kháng chiến”, “Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.
Mục đích kiên quyết của Chiến tranh nhân dân là giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, chống xâm lược, chống lại sự thống trị, áp bức, trong nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc mà trọng tâm là bảo vệ chủ quyền quốc gia và thành quả cách mạng của nhân dân lao động. Tính chất Chiến tranh nhân dân là chính nghĩa, tự vệ, cách mạng, tiến bộ, hợp xu thế thời đại.
Lực lượng tham gia Chiến tranh nhân dân là lực lượng tổng hợp của toàn dân tộc gồm các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các đảng phái chính trị, các giới, các lứa tuổi dựa trên cơ sở thống nhất về mục đích của chiến tranh. Phương tiện tiến hành chiến tranh hết sức đa dạng, kết hợp giữa thô sơ và hiện đại, truyền thống và hiện tại, tại chỗ và cơ động, không ngừng sáng tạo ra các loại vũ khí phù hợp với hình thức và cách đánh của từng lực lượng trên từng chiến trường.
Phương thức tiến hành là sự kết hợp chặt chẽ hai phương thức cơ bản: Chiến tranh nhân dân bằng các binh đoàn chủ lực và Chiến tranh nhân dân địa phương, Chiến tranh nhân dân địa phương thực hiện đánh sát thương, tiêu hao rộng khắp, thường xuyên, liên tục, tạo thế, giữa thế cho chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực, chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực, thực hiện đánh tiêu diệt có trọng điểm, tiêu diệt địch về chiến dịch, chiến lược tạo đột biến về chiến dịch, chiến lược và chiến tranh, đồng thời hỗ trợ cho Chiến tranh nhân dân địa phương phát triển. Sức mạnh của Chiến tranh nhân dân là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại, đó là sự kết hợp sức mạnh của các nhân tố chính trị - tinh thần (đường lối chính trị, quân sự, chế độ chính trị, tính chất của chiến tranh…); nhân tố quân sự (lực lượng, phương tiện, nghệ thuật quân sự, trạng thái tinh thần của quân đội và nhân dân); nhân tố kinh tế (khả năng huy động nhân tài, vật lực, cơ sở vật chất của quốc gia và nhân dân cho chiến tranh); nhân tố khoa học, kỹ thuật (khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học vào phục vụ cho chiến tranh); nhân tố địa lý, môi trường tự nhiên (địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn).
Chiến tranh nhân dân được tiến hành trên phạm vi cả nước và từng chiến trường, tác chiến diễn ra mọi lúc, mọi nơi, phía trước, phía sau và trong lòng địch với các qui mô từ nhỏ đến lớn, từ các trận chiến đấu ở các làng, xã, thôn, bản, đường phố đến những chiến dịch, chiến dịch chiến lược hiệp đồng quân binh chủng lớn. Chiến tranh nhân dân thường kết thúc bằng những trận quyết chiến chiến lược, chiến dịch quyết chiến chiến lược. Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, kết hợp tiến công và nổi dậy, vừa đánh vừa đàm đã trở thành những nét đặc sắc của chỉ đạo, điều hành chiến tranh của Đảng cộng sản Việt Nam.
Ngày nay, Chiến tranh nhân dân tiếp tục được phát triển đến trình độ cao, chỉ có Chiến tranh nhân dân phát triển cao mới đánh bại được chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, một cuộc Chiến tranh nhân dân đích thực thì không một thế lực nào có thể đánh bại được, mọi luận thuyết đề cao vai trò của vũ khí sẽ không thể đứng vững trước sức mạnh của Chiến tranh nhân dân, vì xét đến cùng, con người mới có vai trò quyết định.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng Liên Xô, Viện sử quân sự, Ph. Angghen.nhà lý luận quân sự lỗi lạc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977.
- Angghen tuyển tập luận văn quân sự, quyển 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 19793. Bách khoa Toàn thư quân sự Liên Xô, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985.
- Đại bách khoa Toàn thư Trung Quốc, Nxb Đại bách khoa Toàn thư Bắc Kinh, Thượng Hải, 1989.
- Trung tướng D.A Vôn-Cô-Gô-Nốp, Học thuyết Mác-Lê Nin về chiến tranh và quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998.
- Tổng cục Chính trị, Học thuyết Mác-Lê Nin về chiến tranh và quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.
- Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng. Giáo trình giáo dục quốc phòng, dùng cho bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đối tượng 1, tập 1, cuốn 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự, Tư tưởng Hồ Chí Minh về đường lối quân sự của Đảng, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2017.
- Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
- Quốc Hội, luật số 22/2018, Luật Quốc phòng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2018.