Cơ động là di chuyển lực lượng và phương tiện có tổ chức trước và trong quá trình tác chiến từ vị trí này đến vị trí khác, nhằm chiếm vị trí có lợi, tổ chức lực lượng mới, tạo ưu thế so sánh lực lượng, phương tiện, tăng sức mạnh chiến đấu cho lực lượng hiện có hoặc đưa lực lượng ra khỏi khu vực bị uy hiếp.
Cơ động được hình thành, phát triển rất sớm trong lịch sử nghệ thuật quân sự, gắn liền với sự phát triển của phương tiện đấu tranh vũ trang và phương thức tiến hành chiến tranh qua các thời đại. Điển hình là các cuộc cơ động bằng đội quân kị binh thiện chiến của đế quốc Mông Cổ đầu thế kỷ XIII, do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy chinh phục từ Á sang Âu.
Ở Việt Nam, cuộc cơ động thần tốc do Quang Trung chỉ huy, bằng cả đường bộ và đường biển từ Nam ra Bắc từ tháng 12.1788 – 1.1789 đánh bại quân Thanh xâm lược, là những bài học quý về lập thế trận, tạo nắm thời cơ, cơ động thần tốc, táo bạo. bất ngờ, giành quyền chủ động trong chiến tranh. Trong kháng chiến chống Mĩ, để đưa lực lượng, phương tiện từ hậu phương lớn miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam, ta đã chủ động chuẩn bị hệ thống đường cơ động (gọi là “Đường mòn Hồ Chí Minh”), gồm: đường Đông và Tây Trường Sơn, đường bí mật trên biển, bảo đảm cơ động lực lượng, phương tiện từ hậu phương ra tiền tuyến. Mùa Xuân năm 1975, ta đã cơ động các quân đoàn, các đơn vị binh chủng dự bị của Bộ vào chiến trường miền Nam để hình thành thế trận cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nội dung Cơ động: Cơ động cả lực lượng, phương tiện vật chất, kĩ thuật, theo một quyết tâm, kế hoạch thống nhất; yêu cầu Cơ động: phải chuẩn bị chu đáo; triệt để lợi dụng địa hình, bí mật an toàn, đúng thời cơ, thời gian, địa điểm; bảo toàn được lực lượng, phương tiện vật chất kĩ thuật, sẵn sàng chiến đấu cao; tổ chức, chỉ huy chặt chẽ, kiên quyết, linh hoạt, kịp thời. Trường hợp Cơ động: Cơ động có thời gian chuẩn bị và cơ động trong điều kiện thời gian chuẩn bị ngắn hoặc gấp. Phương pháp Cơ động bao gồm: Cơ động lần lượt; Cơ động đồng thời; Cơ động gối đầu kế tiếp nhau (đơn vị đi trước chưa hết đội hình, đơn vị đi sau đã bắt đầu cơ động) và vận dụng kết hợp các phương pháp.
Về quy mô, có:Cơ động chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Cơ động chiến lược, do người chỉ huy và cơ quan tham mưu cấp chiến lược tổ chức, trên phạm vi một hay một số chiến trường, nhằm thực hiện mục đích tác chiến chiến lược; Cơ động chiến dịch được thực hiện bằng di chuyển các liên binh đoàn, binh đoàn, binh đội thuộc lục quân, các quân chủng, binh chủng chiến đấu và bảo đảm thực hiện các chiến dịch binh chủng hợp thành; cơ động chiến thuật được tiến hành bằng di chuyển các phân đội, binh đội bộ binh (bộ binh cơ giới), hải quân đánh bộ, các phân đội thuộc các binh chủng chiến đấu và bảo đảm, thực hiện các trận đánh.
Theo môi trường tác chiến, có: Cơ động đường bộ (đường mòn, đường xe cơ giới, đường sắt), đường thuỷ (đường sông, đường biển), đường không. Theo hướng vận động, có: Cơ động từ phía sau lên phía trước, từ phía trước về phía sau, Cơ động ngang, chuyển dịch ngắn nhằm chuyển hóa thế trận đánh địch trong các tình huống, bảo toàn lực lượng trước đòn tiến công hỏa lực của địch.
Theo lực lượng và phương tiện, có Cơ động lực lượng và Cơ động hậu cần, kĩ thuật. Cơ động lực lượng, là cơ động để chuyển lực lượng, vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu từ hướng (khu vực) này sang hướng (khu vực khác), nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu, chiến dịch, tác chiến chiến lược; cơ động hậu cần, kỹ thuật được tiến hành theo một kế hoạch (ý định) thống nhất nhằm tăng cường lực lượng hoặc thay thế lực lượng hậu cần, kỹ thuật bị tổn thất, đưa cơ quan, đơn vị hậu cần, kĩ thuật ra khỏi khỏi khu vực bị uy hiếp, để bảo toàn lực lượng; hoặc di chuyển các căn cứ, phân căn cứ hậu cần, kỹ thuật theo yêu cầu của tác chiến.
Cơ động còn có ý nghĩa là “chuyển di hoả lực” sang mục tiêu khác, mà không cần thay đổi trận địa bắn, được vận dụng phổ biến trong thực hiện các nhiệm vụ hoả lực của pháo binh, tên lửa nhằm kịp thời tập trung hỏa lực cho mục tiêu quan trọng, phân chia lại hoả lực, bảo đảm nhanh chóng chi viện cho bộ đội binh chủng hợp thành tác chiến.
Cơ động trong tác chiến luôn chịu sự tác động của các yếu tố địch, ta, địa hình thời tiết, khí hậu thuỷ văn; trong đó, đặc biệt là các thủ đoạn hoạt động chống phá của địch, chú ý bảo đảm cơ động cho lực lượng cơ giới ở các địa hình phức tạp và cơ động của các lực lượng hải quân và các lực lượng khác trên chiến trường biển, đảo. Để nâng cao hiệu quả Cơ động cần đặc biệt quan tâm các mặt bảo đảm chính, như: bảo đảm đường, bảo đảm hậu cần, kĩ thuật, bảo đảm công sự, ngụy trang, nghi binh, phòng không, phòng pháo, phòng hóa, phòng chống vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử đáp ứng yêu cầu nhịp độ cơ động cao, trong các loại hình tác chiến.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Tổng tham mưu, Sư đoàn bộ binh tiến công vào khu vực địch phòng ngự ở địa hình Trung du, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
- Bộ Tổng tham mưu, Nghệ thuật chiến dịch phòng ngự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2010.
- Bộ Tổng tham mưu, Bảo đảm công binh trong tác chiến phong thủ chiến lược, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2012.
- Bộ Tổng tham mưu, Nghệ thuật chiến dịch phản công, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011.
- Bộ Tổng tham mưu, Tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
- Bộ Tổng tham mưu, Tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
- Bộ Tổng tham mưu, Tác chiến phòng thủ quân khu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
- Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2018