Công phiếu kháng chiến trái phiếu do Nhà nước phát hành theo Sắc lệnh số 160/SL ngày 14.4.1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhằm huy động tiền nhàn rỗi trong nhân dân, đáp ứng nhu cầu về tài chính phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, nhu cầu của kháng chiến ngày càng tăng, trong khi nền kinh tế, tài chính của đất nước chủ yếu dựa vào sự đóng góp của nhân dân. Để thúc đẩy kinh tế phát triển, giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống nhân dân trong điều kiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, được sự thống nhất của Ban Thường trực Quốc hội và Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ký Sắc lệnh ban hành trái phiếu trong toàn quốc gọi là Công phiếu kháng chiến; đồng thời quy định phương thức phát hành và thể thức mua, bảo đảm sự công bằng, hiệu quả.
Tổng số tiền Công phiếu kháng chiến dự kiến phát hành là: Năm trăm triệu đồng (500.000.000 đồng), quy ra thóc khoảng 40 nghìn tấn. Công phiếu kháng chiến được lưu hành có giá trị như giấy bạc (tiền Việt Nam khi đó) theo đúng số tiền ghi trên phiếu, được hưởng lãi suất 3% thời hạn 5 năm, được miễn các thứ thuế hiện có, thuế sẽ đặt ra, thuế trước bạ khi chuyển nhượng. Người mua một lần 10.000 đồng (mười nghìn đồng) trở lên sẽ được tặng Bằng Danh dự; người làm giả hoặc có hành động phá hoại sẽ bị truy tố.
Công phiếu kháng chiến được phát hành ở ba khu vực. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ do Bộ Tài chính in và phát hành; khu vực miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ do Ủy ban Kháng chiến Hành chính miền Nam Trung Bộ và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ tổ chức in và phát hành. Khi cần thiết, trong trường hợp mối liên lạc giữa Chính phủ Trung ương và Ủy ban Kháng chiến Hành chính các địa phương bị gián đoạn hoặc khó khăn, Ủy ban Kháng chiến địa phương có thể ra lệnh lưu hành Công phiếu kháng chiến như giấy bạc. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh, việc tuyên truyền, vận động mua Công phiếu kháng chiến vẫn còn những hạn chế nhất định nên đến hết đến năm 1949, mới đạt khoảng 40% so với dự kiến phát hành (tương đương 16.200 tấn thóc). Sau đó, Công phiếu kháng chiến tiếp tục được phát hành trong các năm 1950, 1951 và 1952.
Mua Công phiếu kháng chiến trở thành phong trào thi đua yêu nước của nhân dân Việt Nam, đáp ứng một phần về tài chính, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Việt Nam trong thế kỷ XX.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hậu phương chiến tranh tranh nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 505.
- Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.190, 191.
- Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý, Từ điển luật học, Nxb Từ điển Bách khoa, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2002, tr. 81.
- Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Sắc lệnh 160/SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
- Công phiếu kháng chiến chuyên bây giờ mới kể.