Cao Thắng (1864-1893), là danh tướng, nhà chế tạo vũ khí của nghĩa quân Phan Đình Phùng chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX.
Cao Thắng xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, quê làng Yên Đức, xã Tuần Lễ, tổng An Ấp (nay là xã Sơn Lễ), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1874, Cao Thắng đã đi theo Đội Lựu (Trần Quang Cán) làm liên lạc cho nghĩa quân. Cuối năm 1874, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, Đội Lựu chết, những người tham gia khởi nghĩa bị bắt, Cao Thắng còn nhỏ nên không bị quản chặt, được giáo thụ Phan Đình Thuật (anh ruột Phan Đình Phùng) đưa về nuôi. Năm 1881, Phan Đình Thuật mất, Cao Thắng trở về quê làm ruộng. Năm 1884, bị vu cáo là thủ phạm giết vợ Quản Loan nên bị bắt, giam tại nhà lao Hà Tĩnh. Ngày 5.11.1885 (tức ngày 2.10 năm Ất Dậu), Lê Ninh, thủ lĩnh phong trào Cần Vương đưa quân đến tập kích nhà lao Hà Tĩnh, giết Bố chánh Lê Đại, bắt Án sát Trịnh Vân Bưu, giải phóng tù nhân, trong đó có Cao Thắng. Được tự do, Cao Thắng trở về quê cùng em là Cao Nữu và bạn là Nguyễn Đình Kiểu chiêu mộ quân khởi nghĩa trên quê hương. Đầu năm 1886, được tin Phan Đình Phùng lập căn cứ chống Pháp ở Hương Khê, Cao Thắng đem toàn bộ lực lượng xin gia nhập nghĩa quân. Nhờ có tài quân sự, Cao Thắng được Phan Đình Phùng tin tưởng giao giữ chức Quản cơ (phụ trách việc tổ chức, xây dựng lực lượng). Khi Phan Đình Phùng ra Bắc Hà để liên kết với các sĩ phu yêu nước chống Pháp, Cao Thắng được giao quyền chỉ huy xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng chiến đấu lâu dài. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Cao Thắng, lực lượng nghĩa quân lên tới hàng nghìn người, nhiều căn cứ được thành lập như: Căn cứ Cồn Chùa (vùng rừng núi giáp ranh hai xã Sơn Lễ và Sơn Lâm, huyện Hương Sơn), Căn cứ Thượng Bồn và Hạ Bồng (nay là hai xã Đức Bồng và Đức Lĩnh, huyện Đức Thọ)… tạo cơ sở cho cuộc chiến đấu của nghĩa quân.
Để có vũ khí luyện quân, đánh giặc, Cao Thắng huy động hàng trăm thợ rèn, thợ mộc giỏi ở các làng Trung Lương (nay là phường Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh), làng Văn Chàng (nay thuộc phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh), làng Yên Thái (nay là xã Yên Thái, huyện Đức Thọ), làng Xa Long (nay thuộc xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn) cùng hàng chục thợ đúc đồng, đúc bạc từ các huyện Can Lộc, Thạch Hà về căn cứ để sản xuất vũ khí. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Cao Thắng, lúc đầu những người thợ chỉ rèn được giáo, mác, câu liêm, về sau làm được cả súng kíp. Súng khi bắn phải nhồi thuốc ở ống súng, rồi cò máy để hạt nổ, khi cò lửa bật thì đạn bay. Tuy còn hạn chế về tính năng, tác dụng nhưng là thành công bước đầu của Cao Thắng và nghĩa quân trong chế tạo vũ khí.
Để có vũ khí tốt hơn, Cao Thắng chủ trương đánh địch, cướp súng của địch để nghiên cứu, chế tạo vũ khí cho nghĩa quân. Thực hiện chủ trương trên, Cao Thắng trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chặn đánh quân Pháp từ thành Nghệ An vào Đồn Phố (Hương Sơn) diệt 2 chỉ huy người Pháp, 15 lính tập, thu 17 súng, 600 viên đạn. Để chế tạo được súng “kiểu 1874” (súng trường mới của Pháp lúc bấy giờ), Cao Thắng đã tháo rời từng chi tiết, tự nghiên cứu, sau lập ra đội đúc, đội rèn đảm nhận từng bộ phận của súng. Những chi tiết đòi hỏi phải có công nghệ cao và vật liệu đặc chủng, được Cao Thắng và những người thợ nghiên cứu tìm cách thay thế, như: ruột gà (lò xo) phải có thép cứng và dẻo được thay bằng thép gọng dù uốn lại; nòng súng được cuốn bằng sắt và gia cố thêm lồng ngoài để bắn không bị vỡ; vỏ đạn dùng mâm đồng, nồi đồng tán mỏng cuốn lại; thuốc súng lúc đầu dùng một phần thuốc tự chế trộn lẫn với phần thuốc súng thu được từ quân Pháp, sau cử người sang Xiêm (Thái Lan ngày nay) tìm mua… Sau một thời gian làm việc khẩn trương, nhẫn nại, súng mẫu được chế tạo rồi sau đó 350 súng trường “kiểu 1874” được Cao Thắng và nghĩa quân chế tạo thành công, góp phần trang bị cho nghĩa quân chiến đấu lâu dài và làm cho quân Pháp kinh ngạc. Những khẩu súng tự tạo được nghĩa quân gọi là “Súng trường Cao Thắng”; súng không thua vũ khí của Pháp, chỉ khác hai điểm lò xo yếu và nòng súng không có rãnh xoắn, nên đạn bắn đi không xa và không mạnh. Những năm 1890-1892, nghĩa quân Cao Thắng đánh bại hai cuộc tiến công lớn của quân Pháp vào căn cứ. Để mở rộng địa bàn hoạt động, tháng 11 năm 1893 (tức tháng 10 năm Quý Tỵ), Cao Thắng cùng với Cao Nữu chỉ huy hơn một nghìn nghĩa quân tiến ra Nghệ An. Ngày 21.11.1893, Cao Thắng hi sinh khi đánh Đồn Nu (nay thuộc xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương). Di hài của Cao Thắng được nghĩa quân đưa về chôn cất tại Ngàn Trươi (núi Vụ Quang, thuộc huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).
Là người có công khôi phục lại phong trào khởi nghĩa Hương Khê trước nguy cơ bị tan rã (1886-1887), có nhiều đóng góp trong xây dựng căn cứ địa, tổ chức lực lượng và phát huy sức mạnh của nhân dân trong khởi nghĩa, trong chế tạo vũ khí, Cao Thắng trở thành một chỉ huy giỏi, một kỹ sư quân sự xuất sắc của Việt Nam trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh Hà Tĩnh có đền thờ Cao Thắng; tên Cao Thắng cũng được dùng để đặt cho trường học, đường phố tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, tập 3, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009, tr. 213 - 223.
- Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Từ điển lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr. 40.
- Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1 – Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân Việt Nam, Hà Nội, 2015, tr. 33.