Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
C47-Dacota
Phiên bản vào lúc 14:44, ngày 2 tháng 11 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “thumb|C-47 chở lính dù, tại miền Nam Pháp, 15 tháng 8 năm 1944File:Douglas c47-a skytrain n1944a cotsw…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
C-47 chở lính dù, tại miền Nam Pháp, 15 tháng 8 năm 1944
C-47A Skytrain.

C47-Dacota (hay C -47 Skytrain) là máy bay vận tải quân sự do hãng McDonnell Douglas (Mỹ) chế tạo.

C-47 DACOTA được hãng McDonnell Douglas phát triển từ máy bay dân dụng chở khách DC-3. Năm 1942 máy bay C-47 được thiết kế, chế tạo để chở khách, chở thương binh, hàng hóa và thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt (thả dù hàng, huấn luyện dẫn đường, thả lính dù, kéo tàu lượn và nhiều nhiệm vụ khác). C-47 được quân Đồng minh sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II và tiếp tục sử dụng một số năm sau đó.

C-47 có thiết kế cánh thấp, một lớp cánh, sử dụng thiết bị hạ cánh thông thường với sơ đồ 3 bánh mũi, bánh trước có thể thu vào và 2 bánh sau cố định.

C-47 gồm các biến thể cơ bản như: C-47A, C-47B, TC-47B, VC-47B, XC-47C, AC-47, EC-47, RC-47. C-47A sử dụng hệ thống điện 24 V thay cho điện 12 V của thế hệ trước; C-47B được trang bị 2 động cơ R1830-90 tăng áp, công suất đạt 1118,55 kW mỗi chiếc ở độ cao bay 3.990 m hoặc 671,13 kW mỗi chiếc ở độ cao bay 5.305 m; TC-47B là máy bay huấn luyện dẫn đường; VC-47B là máy bay chuyên chở nhân viên; XC-47C là máy bay thử nghiệm lắp phao đậu nước; AC-47 là kiểu vũ trang được sử dụng nhiều trong chiến tranh Việt Nam; EC-47, trinh sát điện tử; RC-47, trinh sát chụp ảnh.

Ngoài AC-47, một số biến thể C-47 khác đã được Không quân Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam, gồm ba biến thể tác chiến điện tử tiên tiến thời bấy giờ, là: EC-47N, EC-47P hoặc EC-47Q tùy thuộc vào loại động cơ được sử dụng.

Douglas C-47 Skytrain 3-view line drawing.gif

Tính năng chiến - kĩ thuật chính của C-47B: dài 19,67 m, cao 5,15 m, sải cánh 28,96 m, diện tích cánh 91,69 m2, khối lượng rỗng 7.734 kg, khối lượng cất cánh lớn nhất 13.860 kg, máy bay lắp 2 động cơ pittông R-1830-90C công suất 894,84 kW mỗi chiếc, tốc độ bay lớn nhất 369 km/h, trần bay 7.300 m, kíp bay 3 người, chở 27-30 người hoặc 24 cáng thương binh hoặc 3.400 kg. C-47 có thể hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết.

Với khoảng hơn 10.000 chiếc C-47 với các biến thể khác nhau được sản xuất, trong đó hơn 2.000 chiếc được chế tạo ở nước ngoài theo giấy phép và được sử dụng tại hơn 40 quốc gia, đây là một trong những chiếc máy thành công nhất từng được Mỹ thiết kế, chế tạo. Tướng Dwight D. Eisenhower (là tư lệnh tối cao các lực lượng Đồng minh tại châu Âu trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II và là Tổng thống Mỹ thứ 34) từng nhận định: C-47 là một trong 4 trang bị góp phần to lớn đem lại chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II cho quân đồng minh. Năm 1998, quân đội Mỹ chính thức ngừng sử dụng C-47.

Tính năng chiến - kĩ thuật chính của máy bay vũ trang AC-47: kíp lái 8 người, chiều dài máy bay 19,6 m, sải cánh 28,9 m, chiều cao: 5,2 m, diện tích cánh: 91,7 m². Khối lượng rỗng của máy bay: 8.200 kg. Khối lượng cất cánh lớn nhất của máy bay: 14.900 kg, động cơ: 2 chiếc Pratt & Whitney R-1830, công suất 895 kW mỗi chiếc, vận tốc bay cực đại: 375 km/h, vận tốc bay hành trình: 280 km/h, tầm bay: 3.500 km, trần bay: 7.450 m, tải trên cánh 162,5 kg/m², Công suất/trọng lượng: 240 W/kg. AC-47 được trang bị ba khẩu súng 7,62mm.

Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã cung cấp một số phiên bản máy bay C-47 cho quân đội ngụy. Ngoài ra quân đội Mỹ đã dùng C-47 chở biệt kích xâm phạm bầu trời miền Bắc Việt Nam, một trong các tốp biệt kích đã bị lực lượng phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam bắn rơi tại chỗ ở Ninh Bình rạng sáng ngày 2.7.1961. Sau giải phóng miền Nam năm 1975, chúng ta thu được hơn 20 chiếc C-47 còn sử dụng tốt và biên chế cho các trung đoàn không quân để làm nhiệm vụ vận tải. Cũng như các loại khí tài do Mỹ sản xuất khác, cuối những năm thập niên 1980, toàn bộ máy bay này bị loại biên do hết niên hạn sử dụng và thiếu phụ tùng thay thế.

Trong thời gian chiến tranh biên giới phía Bắc, từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 3.1979, Không quân Nhân dân Việt Nam đã thực hiện một cuộc chuyển quân thần kỳ với việc đưa hơn 8.900 lượt quân cùng 1.000 tấn hàng từ miền Nam ra Bắc. Trong số các máy bay được sử dụng có cả những chiếc máy bay vận tải C-47.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. https://baophapluat.vn/quoc-te/cai-ket-dang-cua-biet-kich-quan-doi-viet-nam-cong-hoa-310387.html
  3. https://baoninhbinh.org.vn/kim-dai-vang-mai-ban-anh-hung-ca/d2015012310222334.htm
  4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Douglas_AC-47_Spooky
  5. https://www.globalsecurity.org/military/systems/aircraft/ac-47.htm
  6. https://en.wikipedia.org/wiki/Douglas_C-47_Skytrain
  7. https://www.pearlharboraviationmuseum.org/aircraft/douglas-c-47-skytrain-dc-3a-transport/