Biện pháp tác chiến là một trong những cách thức thực hiện phương pháp tác chiến, gồm các hoạt động quân sự, phi quân sự, kết hợp chặt chẽ với nhau theo một kế hoạch thống nhất nhằm đánh bại các phương thức, thủ đoạn tác chiến, hình thức chiến thuật của địch tạo ra tình huống, thế và thời cơ có lợi, hoàn thành nhiệm vụ tác tác chiến.
Biện pháp tác chiến được hình thành, phát triển gắn với sự phát triển của vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh, điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội, kinh nghiệm, truyền thống quân sự của từng nước. Với dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống chống xâm lược, tạo nên một nền nghệ thuật quân sự độc đáo sáng tạo, đánh thắng những đội quân xâm lược luôn có tiềm lực quân sự mạnh hơn. Một trong những sức mạnh tác chiến của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân là Việt Nam biết lựa chọn và vận dụng sáng tạo các Biện pháp tác chiến, bao gồm các hoạt động trực tiếp đánh địch và hoạt động hỗ trợ đánh địchtheo một ý định, kế hoạch thống nhất nhằm tạo thế hiểm, lực mạnh, thời cơ có lợi trong thực hiện các nhiệm vụ tác chiến được giao.
Phân loại[sửa]
Phân loại Biện pháp tác chiến theo lực lượng, có: Biện pháp tác chiến binh chủng hợp thành, các quân chủng, binh chủng; theo quy mô, có: Biện pháp tác chiến chiến lược, Biện pháp tác chiến chiến dịch, Biện pháp tác chiến chiến thuật (biện pháp vận dụng các thủ đoạn chiến đấu); theo hình thức tác chiến, có: Biện pháp tác chiến tiến công, phản công; Biện pháp tác chiến phòng ngự, phòng thủ, theo tính chất tác chiến, có: Biện pháp tác chiến quân sự, Biện pháp tác chiến phi quân sự.
Nội dung[sửa]
- Nghi binh lừa địch là sử dụng lực lượng, phương tiện bằng hoạt động tác chiến và phi tác chiến một cách mưu mẹo, khéo léo theo một kế hoạch thống nhất để đánh lừa đối phương, được tiến hành từ chuẩn bị, trong quá trình cho đến khi kết thúc tác chiến;
- Phòng, chống vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử và tác chiến không gian mạng, là Biện pháp tác chiến của mọi lực lượng tham gia tác chiến, phục vụ tác chiến, đều phải chủ động, tích cực vận dụng bằng kết hợp chặt chẽ kỹ thuật và chiến thuật, nhằm hạn chế thấp nhất tác hại của vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng của địch bảo toàn lực lượng, phương tiện và tiềm lực mọi mặt của ta, được sử dụng trong chuẩn bị, thực hành tác chiến cho tới khi kết thúc tác chiến ở tất cả các quy mô, loại hình tác chiến;
- Tác chiến phòng ngự, phòng thủ, ngăn chặn địch là Biện pháp tác chiến sử dụng một bộ phận lực lượng chủ lực kết hợp với lực lượng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, dựa vào hệ thống công sự, trận địa, hỏa lực, vật cản, các làng xã chiến đấu, công trình kiên cố, nơi địa hình có giá trị, kết hợp với các Biện pháp tác chiến khác nhằm ngăn chặn, kìm giữ địch một thời gian, tiêu hao lớn, tiêu diệt một bộ phận quân địch, bảo vệ các mục tiêu, địa bàn trọng yếu, tạo điều kiện, thời cơ để thực hiện các Biện pháp tác chiến phản cộng, tiến công;
- Đánh vận động tiêu diệt địch ngoài công sự, là sử dụng một bộ phận lực lượng (thường là bộ phận chủ yếu) của lực lượng binh chủng hợp thành và lực lượng các quân, binh chủng, kết hợp với lực lượng tại chỗ tiêu diệt một bộ phận cơ động của địch, được vận dụng ở tất các cấp chiến thuật, chiến dịch, chiến lược;
- Tiến công địch trong công sự, là là sử dụng một bộ phận lực lượng quan trọng của binh chủng hợp thành, các quân, binh chủng và lực lượng bảo đảm, phối hợp với lực lượng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, tiêu diệt một bộ phận quan trọng địch phòng ngự trong công sự, được vận dụng trong hình thức tác chiến tiến công là chủ yếu, cũng có trường hợp vận dụng trong phòng ngự, phòng thủ để đánh các mục tiêu trong hậu phương địch, trong phản công khi địch đã chiếm được công sự trận địa của ta;
- Thọc sâu, luồn sâu, chia cắt, bao vây, đón lõng, là các Biện pháp tác chiến sử dụng một bộ phận lực lượng quan trọng, tinh nhuệ thực hiện những nhiệm vụ đánh hiểm để tạo những đột biến trong tác chiến. Thọc sâu, là nhanh chóng, táo bạo thọc thẳng vào các mục tiêu chủ yếu, hiểm yếu, tạo điều kiện cho lực lượng khác phát triển tiến công thuận lợi. Luồn sâu, là hành động bí mật, bất ngờ, lợi dụng khoảng cách, nơi tiếp giáp có nhiều sơ hở, cơ động một bộ phận lực lượng vào sâu đội hình địch, ém sẵn, hiệp đồng với các lực lượng khác, bất ngờ tiến công đánh chiếm mục tiêu quy định, thực hiện trong, ngoài cùng đánh. Chia cắt, là chiếm địa hình có lợi, thực hiện chia cắt đội hình địch, làm mất sự liên kết trong đội hình, rối loạn chỉ huy, hiệp đồng của chúng để nhanh chóng tiêu diệt. Bao vây, là hoạt động vây hãm các mục tiêu chưa đánh chiếm để diệt sau. Đón lõng, là các hoạt động mai phục ở những địa hình hiểm yếu, dự kiến địch sẽ phải đi qua để bất ngờ diệt địch. Các Biện pháp tác chiến trên được vận dụng, kết hợp hợp chặt chẽ với nhau, trong tất cả quy mô, loại hình tác chiến;
- Tác chiến nhỏ, rộng khắp, cài xen, bám trụ, là các Biện pháp tác chiến sử dụng lực lượng nhỏ, rộng khắp, trang bị gọn nhẹ (chủ yếu là lực lượng vũ trang, các ban, ngành đoàn thể, nhân dân các địa phương) tiến hành các trận tiến công quy mô nhỏ, đánh du kích với các hình thức tác chiến và đấu tranh chính trị đa dạng, phong phú như: tập kích, phục kích, chốt chặn, đánh cắt giao thông, vận chuyển, tiếp tế, tập kích hỏa lực, đánh bồi, đánh nhồi, đánh quần lộn quấy phá địch, kết hợp với đấu tranh chính trị ở phia sau đội hình và hậu phương địch, buộc địch phải phân tán, căng kéo lực lượng, tạo xen kẽ, chia cắt, kìm giữ, bao vây địch… tạo thế, thời cơ tiêu diệt, sát thương lớn quân địch, đánh vào ý chí, tinh thần quân địch;
- Triệt phá chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, hiểm yếu, là Biện pháp tác chiến tìm mọi cách để triệt phá, hạn chế chỗ mạnh của địch về: sức mạnh, độ chính xác cao của vũ khí công nghệ cao, sức cơ động cao, các phương tiện trinh sát, tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng hiện đại… Đồng thời xác định chính xác chỗ yếu, hiểm yếu, sơ hở của địch để tiến công. Cũng có khi sử dụng một bộ phận bộ đội tinh nhuệ hoặc bộ phận nhỏ bộ đội chủ lực thực hiện những đòn đánh vào sở chỉ huy, sân bay, bến cảng, kho tàng… là biện pháp để hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch, buộc chúng phải bị động đối phó với cách đánh của ta.
Biện pháp phi quân sự, là những biện pháp đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, binh vận, ngoại giao, kinh tế, môi trường, khoa học, công nghệ… nhằm phối hợp với biện pháp quân sự, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng các phương thức, thủ đoạn tác chiến, hình thức chiến thuật của địch.
Để nâng cao hiệu quả biện pháp tác chiến, người chỉ huy và cơ quan vận dụng linh hoạt tổng thể các biện pháp quân sự và phi quân sự, trong đó biện pháp quân sự giữ vai trò chủ yếu. Trong quá trình thực hành tác chiến, cần vận dụng sáng tạo kết hợp nhiều Biện pháp tác chiến, trong đó có biện pháp chủ yếu, biện pháp quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ để đánh thắng các trận then chốt (then chốt quyết định); thực hiện từng phần nhiệm vụ trong từng trận đánh, trận trước tạo thế, lực, thời cơ có lợi cho trận sau; thắng lợi của trận sau sẽ củng cố thắng lợi cho trận trước và từng bước giành thắng lợi cho các chiến dịch, thúc đẩy tác chiến chiến lược giành thắng lợi.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng, Từ điểnTthuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
- Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến Quân đội nhân dân việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
- Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến chiến dịch Quân đội nhân dân Việt Nam. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019.
- Học Viện Quốc phòng, Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Hà Nội, 2021.