Vương quốc Lan Xang (1353 - 1707) là vương quốc đầu tiên của người Lào được thành lập trên vùng trung lưu sông Mekong, tồn tại từ giữa thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XVII, có tên đầy đủ là Lan Xang Hom Khao - Vương quốc triệu voi và chiếc Lọng trắng. Vương quốc Lan Xang là giai đoạn phát triển của lịch sử Lào trước khi nước rời vào phân tán ở thế kỷ XVIII.
Những cư dân đầu tiên cư trú trên lãnh thổ Lào ngày nay là người Lào Thơng. Họ là chủ nhân của nền văn hóa đồ sắt có niên đại thế kỷ V TCN-V CN trên Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng). Từ thế kỷ XIII, sau các cuộc tấn công của quân Mông Cổ ở Vân Nam, một bộ phận cư dân nói tiếng Thái di vào vùng trung lưu sông Mekong. Họ bắt đầu định cư ở các thung lũng và đồng bằng sông và phát triển nông nghiệp lúa nước dựa trên kỹ thuật canh tác mới là làm thủy lợi và sử dụng phân bón. Những cư dân mới này là người Lào Lùm.
Trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội dựa trên các xiềng (liên minh bản làng) và mường, năm 1353, Vương quốc Lan Xang được thành lập. Người lập quốc là Fa Ngum (1316-1393), một tù trưởng người Lào. Thuở nhỏ, ông lớn lên ở triều đình Campuchia, được giáo dục bởi các nhà sư Phật giáo. Năm 16 tuổi, ông được nhà vua Angkor gả con gái và giúp đỡ đạo quân một vạn người để chinh phục các mường Lào. Fa Ngum tiến hành các chiến dịch quân sự mở rộng đất đai trên một lãnh thổ mà ông tuyên bố một cách cường điệu là đến Campuchia ở phía đông nam, tới Sipsong Chu Thai (nay là Tây Bắc Việt Nam) và Sipsong Pana (nay thuộc Vân Nam) ở phía bắc, tới cao nguyên Khorat ở phía tây (nay thuộc Thái Lan). Nhà vua mới cũng xác lập kinh đô mới ở Luang Phrabang.
Các ảnh hưởng tôn giáo và chính trị từ vương quốc Angkor đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển buổi đầu của Vương quốc Lan Xang. Fa Ngum đã mời các nhà sư từ Campuchia tới truyền bá Phật giáo và cố vấn chính trị. Văn hóa Phật giáo vì thế trở thành một trong các cơ sở thống nhất quốc gia, đời sống xã hội cũng như tổ chức nhà nước.
Mặc dù vậy, hệ thống tổ chức chính trị của Vương quốc Lan Xang chưa chặt chẽ. Tầng lớp thủ lĩnh địa phương – thủ lĩnh các mường nắm giữ nhiều quyền lực quan trọng. Theo truyền thuyết, Fa Ngum đã chia vương quốc của mình thành 7 mường. Tới thời cầm quyền của vua Setthathirath (1534 – 1571) và Sourigna Vongsa (1637 – 1694), Vương quốc Lan Xang bước vào thời kỳ thịnh đạt, trở thành một trong các thế lực lớn ở vùng Đông Nam Á lục địa. Vương quốc Lan Xang mở rộng ảnh hưởng tới Lanna và nhiều tiểu quốc Thái khác, trong khi duy trì quan hệ bình đẳng với Đại Việt, Ayutthaya và tiến hành ba cuộc chiến tranh chống lại quân xâm lược Miến Điện. Để tránh các cuộc tấn công của Miến Điện, năm 1563, Setthathirath chuyển kinh đô về Viên Chăn, biến nơi đây thành trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự và tôn giáo của vương quốc Lào. Ông cũng thiết lập một chính quyền nhà nước tập trung và tổ chức bộ máy quân sự chặt chẽ nhằm phòng thủ đất nước. Nhà vua cũng đồng thời cho xây dựng nhiều ngôi chùa như Wat Xieng Thong (ở Luang Prabang), Haw Phra Kaew, Wat Ong Teu Mahawihan và Pha That Luang (Viên Chăn).
Thời Sourigna Vongsa là giai đoạn phát triển đỉnh cao của Vương quốc Lan Xang. Theo ghi chép của các giáo sĩ và thương nhân phương Tây tới Lào giai đoạn này như Gerritt Van Wuysthoff và Giovanni Filippo de Marini thì các đại thần và quan chức chủ yếu của vương quốc có 8 người. Người đứng đầu là tể tướng, chịu trách nhiệm đảm đương một phần công việc của vương quốc và giúp vua trông nom mọi việc của quốc gia.
Tài liệu cũng cho biết về sự phát triển kinh tế đa dạng của Vương quốc Lan Xang bao gồm canh tác lúa nương, lúa nước, săn bắn, đánh cá, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, khai thác lâm sản, vàng bạc, dệt vải. Các ghi chép này cho thấy người Lào sử dụng nhiều loài động vật trong sản xuất, đặc biệt là trâu bò với số lượng lớn. Họ cũng trồng nhiều cây ăn quả và trồng lúa trên những đất đai màu mỡ. Các dòng sông thì đầy cá. Hoàng cung nhà vua Lan Xang có kiến trúc lộng lẫy và rộng lớn như một thành phố với vô số người cư trú trong đó. Các khu dành cho nhà vua thì có mặt tiền đẹp đẽ và tráng lệ.
Phật giáo không chỉ đóng vai trò là tôn giáo thống trị thượng tầng kiến trúc mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống văn hóa xã hội và văn học nghệ thuật của Vương quốc Lan Xang. Bên cạnh việc sử dụng chữ viết Ấn Độ, chữ Lào và nền văn học viết của Lào cũng phát triển từ thế kỷ XIV-XV với nhiều thành tựu văn học như truyện thơ Phạlắc Phạlam, truyền thuyết Khún Bulôm… Kiến trúc và điêu khắc của Vương quốc Lan Xang có những công trình đặc sắc như hoàng cung ở Viên Chăn và các chùa tháp Phật giáo. Trong khi đó âm nhạc, ca múa và lễ hội của người Lào cũng rất phổ biến với nhiều nét độc đáo.
Sự ra đời và phát triển của Vương quốc Lan Xang tạo ra một cấu trúc văn hóa, chính trị mới ở vùng trung tâm của bán đảo Đông Dương, xây dựng nền văn hóa Phật giáo độc đáo, giữ được tương quan ổn định với các cường quốc khu vực là Đại Việt, Ayuutthya, và Miến Điện. Tới thế kỷ XVIII, Vương quốc Lan Xang bị phân chia thành ba tiểu quốc là Viên Chăn, Luang Phrabang và Champasask.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lương Ninh, Nghiêm Đình Vỳ, Trần Thị Vinh, Đất nước Lào – lịch sử và văn hóa. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội , 1996.
- Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Lịch Sử Đông Nam Á, Hà Nội, NXB.Giáo dục, 2005.
- Coèdes, Georges, The Indianized States of Southeast Asia (Các nhà nước Ấn hóa ở Đông Nam Á), Trans. Susan Brown Cowing. Honolulu: East-West Center Press, 1968.
- Wyatt, David K., Aroonrut Wichienkeeo. The Chiang Mai Chronicle (Biên niên sử Chiang Mai), Silkworm Books, 1995
- Stuart-Fox, Martin. A History of Laos (Lịch sử Lào), Cambridge: Cambridge University Press, 1997.
- Marini, Gio. Filippo de, and Claudio Bertuccio. A New and Interesting Description of Lao Kingdom (1642-1648) (Một mô tả mới và thú vị về Vương quốc Lào (1642-1648)). Bangkok: White Lotus Press, 1998.
Peter Simms, and Sanda Simms. The Kingdoms of Laos: Six Hundred Years of History (Các Vương quốc Lào: lịch sử 600 năm), Curzon Press, 1999.