Trật tự Versailes - Washington (1919-1939) quan hệ quốc tế mới được thiết lập bởi các quốc gia thắng trận sau khi Chiến tranh thế giới thứ Nhất kết thúc thông qua hệ thống các hiệp ước được ký kết trong Hội nghị Versailles (1919-1920) và Hội nghị Washington (1921-1922); từng bước bị xói mòn và chính thức sụp đổ vào tháng 9. 1939 khi Chiến tranh thế giới Hai bùng nổ.
Chiến tranh thế giới thứ Nhất đã khiến hơn 25 triệu người chết và làm sụp đổ trật tự ở châu Âu trước đó (trật tự Vienna), làm thay đổi bản đồ địa chính trị châu Âu và tương quan lực lượng giữa các cường quốc. Trong bối cảnh đó, các nước thắng trận họp lại với nhau để giải quyết các vấn đề sau chiến tranh và thiết lập một trật tự thế giới mới.
Hội nghị Versailles được bắt đầu từ ngày 18.1.1919, kết thúc vào ngày 21.1.1920 tại cung điện Versailles (Pháp). Ngoài Hiệp ước Versailles được ký ngày 28.6.1919 với nước Đức, các hiệp ước khác cũng lần lượt được ký với các nước bại trận: Hiệp ước Saint-Germain-en-Laye ngày 10.9 với Áo, Hiệp ước Neuilly ngày 27.11 với Bulgaria, Hiệp ước Trianon ngày 4.6.1920 với Hungaria và Hiệp ước Sèvres ngày 10.8.1920 với đế quốc Ottoman.
Hệ thống hòa ước Versailles áp đặt những điều khoản nặng nề lên nước Đức và các nước bại trận khác. Nước Đức mất 15% lãnh thổ và 10% dân số cho Pháp, Bỉ, Đan Mạch và Ba Lan; phi quân sự hóa toàn bộ lãnh thổ và bồi thường khoản thiệt hại chiến tranh lên tới 132 tỉ marks vàng Đức trong vòng 15 năm từ tháng 5.1921 cho các nước thắng trận; thuộc địa của Đức được chia cắt cho Anh, Pháp, Bỉ, Nam Phi, Mỹ và Nhật, trong khi đó các thuộc địa tại Cận Đông giao cho Ủy ban ủy trị của Hội Quốc Liên. Bên cạnh đó, kết quả của hệ thống hòa ước mang tới sự thay đổi bản đồ địa chính trị thế giới. Đế quốc Đức, Áo - Hung, Ottoman sụp đổ và thay vào đó là sự thành lập các quốc gia mới: Ba Lan, Tiệp Khắc và Nam Tư. Một kết quả quan trọng khác của Hội nghị Versailles là sự thành lập Hội Quốc Liên, tổ chức quốc tế đầu tiên trên thế giới vào ngày 28.4.1919 theo điểm thứ 14 trong Chương trình 14 điểm của Tổng thống Mỹ Wilson.
Các nước thắng trận đều không thỏa mãn với những gì họ đạt được sau hội nghị Versailles. Mâu thuẫn giữa các nước thắng trận với các nước bại trận, giữa nội bộ các nước thắng trận xuất hiện ngay khi hệ thống hòa ước ký chưa ráo mực. Quốc hội Mỹ, vì nhiều lí do khác nhau đã không thông qua Hệ thống hoà ước Versailles. Chính vì vậy, Warren Gamiliei Harding ngay sau khi đắc cử Tổng thống năm 1921 đã bắt đầu thực hiện đường lối đối ngoại theo hướng nâng cao vị thế nước Mỹ trong các vấn đề quốc tế và tìm cách lấy lại những lợi ích mà nước Mỹ đã bỏ lỡ tại Hội nghị Versailles. Trong đó, vấn đề quan tâm nhất của Tổng thống Harding chính là những lợi ích ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Mỹ không thể tự do hành động bởi sự chống đối quyết liệt từ Nhật Bản. Do đó, Mỹ đã dùng ảnh hưởng của mình đối với các nước châu Âu đề nghị mở một hội nghị tại Washington nhằm giành lấy lợi ích và quyền bá chủ ở khu vực này.
Hội nghị Washington có sự tham dự của 9 nước là Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Trung Quốc, diễn ra từ ngày 12.12.1921 đến ngày 6.2.1922 và có 3 hiệp ước được ký kết: Hiệp ước 4 nước, Hiệp ước 5 nước và Hiệp ước 9 nước. Ngày 14.12.1921, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật ký Hiệp ước 4 nước với nội dung cơ bản là cam kết nguyên trạng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khi Hiệp ước này được ký kết thì liên minh hải quân Anh - Nhật mất hiệu lực. Ngày 6.2.1922 Hiệp ước 5 nước được ký kết giữa Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Italy quy định về hạn chế vũ trang và tương quan giữa các nước lớn về sức mạnh hải quân sau rất nhiều tranh cãi và đấu tranh gay gắt giữa các nước tham gia ký kết. Theo đó, Mỹ và Anh được quyền ngang nhau về trọng tải tàu chiến, Nhật đứng hàng thứ hai, Pháp và Italia đứng hàng thứ ba. Cũng trong ngày 6.2.1922, Hiệp ước 9 nước cũng được ký kết công nhận nguyên tắc “độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc”, mở cửa thị trường Trung Quốc cho các nước vào tự do buôn bán, thực chất là biến Trung Quốc thành một “thị trường chung” của các nước phương Tây và Nhật.
Như vậy, Hội nghị Washington hoàn toàn có lợi cho Mỹ và cũng phản ánh thực chất của so sánh lực lượng trên thế giới lúc đó. Cùng với Hệ thống hòa ước Versailles, các hiệp ước của Hội nghị Washington đã tạo nên một trật tự thế giới mới với tên gọi “Trật tự Versailes - Washington”. Trật tự Versailes - Washington không mang lại hòa bình thực sự cho thế giới bởi những mâu thuẫn không thể giải quyết và những bất đồng gay gắt nảy sinh. Chính vì vậy, Trật tự Versailes - Washington về thực chất đã “xây dựng một nền hòa bình giả tạo”.
Trật tự này không chấp nhận Đức và các nước bại trận quay trở lại tham dự vào trật tự mới ở châu Âu, điều chưa từng có trong tiền lệ ở các trật tự châu Âu trước đó. Vì vậy đã tạo điều kiện cho Đức không bị ràng buộc bởi những quy định của trật tự thế giới mới, tự do hành động tái vũ trang và phát động chiến tranh sau đó. Bên cạnh đó, hai nước trụ cột trong trật tự mới là Pháp và Anh lại mất lòng tin vào đồng minh và luôn có mối lo an ninh thường trực đối với Đức nên đã tìm cách ký những hiệp ước an ninh riêng rẽ cho mình. Nước Pháp, để bảo vệ an ninh cho mình, đã tìm cách ký các hiệp ước an ninh riêng rẽ với các nước có chung biên giới: liên minh với Bỉ (1920), Ba Lan (1921), Tiệp Khắc (1924), Romania (1926), Nam Tư (1927). Nước Pháp thậm chí đã lùi bước khi Đức thể hiện tham vọng lãnh thổ với Ba Lan và Tiệp Khắc tại Hiệp ước Locarno năm 1925.
Nước Anh không còn thực hiện chính sách là “hiệp sĩ” của châu Âu như trước đây nữa mà thực hiện chính sách “thoái lui”, mục đích là không để Đức trở thành mối đe dọa hải quân với Anh. Chính vì vậy, Anh đã chấp nhận lời đề nghị của Đức để cùng ký Hiệp ước hải quân Anh - Đức vào năm 1935, thậm chí không hề thông báo với đồng minh là Pháp, trong khi Trật tự Versailes - Washington quy định Đức không được phép xây dựng lực lượng hải quân. Chính sách của Anh và Pháp ở thời kỳ này, về thực chất là sự “nhân nhượng thỏa hiệp với kẻ thù” và “phản bội đồng minh”. Những hành động này của Anh và Pháp đã từng bước phá vỡ Trật tự Versailes - Washington và nhất là đã mở đường cho Đức từng bước phá vỡ trật tự thế giới.
Bên cạnh đó, việc thành lập Hội Quốc liên không có sự tham gia của Mỹ là một nhân tố ảnh hưởng đến uy tín và sức mạnh của tổ chức này. Đồng thời, sự không có mặt nước Đức đã khiến tổ chức này trở nên không hiệu quả khi muốn ngăn cản các hành động gây chiến của Đức sau này (Đức gia nhập Hội Quốc liên năm 1926 và ra khỏi tổ chức này năm 1933 để tự do hành động). Mặt khác, ngay chính bản thân các nước tham gia xây dựng các thể chế pháp lý của Hội quốc liên cũng đều vì những toan tính riêng mà không muốn tuân thủ các quy định. Hội quốc liên-tổ chức cao nhất đại diện cho trật tự Versailles-Washington, mặc dù được đánh giá là tổ chức giám sát trật tự quốc tế đầu tiên trên thế giới, nhưng có một cấu trúc lỏng lẻo và không có hiệu lực trong suốt quá trình tồn tại. Các nước muốn phát động chiến tranh như Đức, Italy, Nhật Bản nhận thấy họ đều không bị nhận hậu quả nghiêm trọng nào nếu vi phạm vào các điều khoản của Hội quốc liên.
Từ năm 1933, nước Đức phát xít dưới sự lãnh đạo của Hitler đã từng bước phá vỡ trật tự thế giới và phát động chiến tranh dựa vào chiến thuật “chiến tranh tâm lý”, đó là “nỗi sợ hãi chiến tranh” và “sự mất lòng tin” của các nước đồng minh phương Tây.
Ngày 14.10.1933 Hitler tuyên bố rút khỏi Hội nghị giải trừ quân bị. Ngày 19.10.1933 Hitler tuyên bố rút khỏi Hội quốc liên để nước Đức có thể tự do hành động. “Phép thử” liều lĩnh của Hitler đã không bị chịu trừng phạt của các nước Đồng minh bởi sự chia rẽ và né tránh chiến tranh của họ thời điểm đó. Chính điều này đã khiến Hitler quyết định những bước đi táo bạo hơn trong chiến lược ngoại giao của mình.
Hitler tìm cách chia rẽ và làm suy yếu các nước Đồng minh bằng việc ký các hiệp ước riêng rẽ như: vào tháng 1.1934, ký với Ba Lan “Hiệp ước không xâm lược lẫn nhau” nhằm chia rẽ liên minh Pháp - Ba Lan để dễ tiêu diệt Ba Lan, đồng thời cũng làm suy yếu những mối liên minh của Pháp vói Đông Âu mà Ba Lan là pháo đài vững chắc; vào tháng 6.1935 ký với Anh “Hiệp định hải quân Anh - Đức” nhằm đảm bảo cho việc Đức xây dựng lực lượng hải quân mà không bị Anh tấn công, đồng thời cũng chia rẽ liên minh Anh-Pháp… . Cho đến sát thời điểm cuộc Chiến tranh thế giới Hai bùng nổ thì Hitler đã ký các hiệp ước không xâm lược lẫn nhau với các nước đồng minh và với cả Liên Xô. Hiệp ước “Không xâm lược lẫn nhau Xô-Đức” và “Biên bản mật” về việc phân chia Đông Âu giữa Liên Xô và Đức ký ngày 23.8.1939 là sự đảm bảo chắc chắn cho Đức phát động chiến tranh. Bên cạnh đó, chính quyền Đức tăng cường tìm kiếm liên minh, củng cố trục phát xít để chuẩn bị chiến tranh. Năm 1937 trục phát xít Berlin - Tokyo - Roma được hình thành và thực sự trở thành một liên minh quân sự phát xít vào năm 1939 với việc ký “Hiệp ước thép”.
Trật tự Versailes - Washington đã bị phá vỡ từng phần bởi một trong những chiến lược ngoại giao mà chính quyền phát xít Đức đã tiến hành trong giai đoạn trước khi quyết định tuyên chiến chính thức như những “phép thử” phản ứng của các nước Đồng minh và Liên Xô bằng những đòi hỏi về lãnh thổ. Tháng 3.1936 Đức kéo quân vào khu phi quân sự Đức - Pháp ở sông Rhine, vi phạm trắng trợn hòa ước Versailles; tháng 3.1938 xâm lược Áo; tháng 9.1938 đòi vùng đất Sudette của Tiệp Khắc và xâm lược luôn nước này vào tháng 3.1939; tháng 9.1939 tấn công Ba Lan và cuộc Chiến tranh thế giới Hai bùng nổ.
Chiến tranh thế giới Hai bùng nổ đã chấm dứt hoàn toàn sự tồn tại của Trật tự Versailes - Washington -một trật tự thế giới tồn tại chưa được 20 năm và là trật tự ngắn nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại. Đây là trật tự thế giới do các nước thắng trận xác lập, trong đó ba cưòng quốc Anh, Pháp, Mỹ giành được nhiều ưu thế và quyền lợi nhất, đồng thời đây cũng là trật tự chứa đầy mâu thuẫn và có cấu trúc lỏng lẻo nhất trong lịch sử các trật tự thế giới hiện đại. Đồng thời, sự sụp đổ của trật tự Versailles-Washington cũng là sự cáo chung của một giai đoạn đỉnh cao nhất của châu Âu trong vai trò thiết lập và vận hành trật tự thế giới.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Paul Kennedy, The rise and fall of the Great Powers (Sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc), Randon House, New York, 1988.
- Đào Huy Ngọc, Lịch sử quan hệ quốc tế (1870-1964), Học viện Quan hệ Quốc tế, Hà Nội, 1996.
- Samuel Hungtington, Sự va chạm cảu các nền văn minh, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2005.
- William L.Shirer, Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2007.
- Henry Kissinger, Trật tự thế giới, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2014.