Trang viên là những vùng đất đai (chủ yếu là ruộng canh tác) tư hữu quy mô lớn của Hoàng thất, quý tộc, quan lại cao cấp và chùa xã trung ương, tồn tại từ giữa thế kỷ VIII đến thế kỷ XVI trong lịch sử Nhật Bản.
Trong tiếng Nhật, từ sho (trang) hay shoka (trang gia) xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ VIII với nghĩa ban đầu là ruộng canh tác hay kho chứa, nhà quản lí tại các vùng đất tư hữu của quý tộc hay chùa xã. Khoảng giữa thế kỷ VIII, từ này được ghép với từ en (viên) thành shoen – trang viên.
Sự hình thành các trang viên là kết quả của quá trình phát triển của chế độ ruộng đất tư hữu ở Nhật Bản vào các thế kỷ VII-VIII. Từ sau cải cách Taika, lực lượng sản xuất đã có những bước phát triển mới. Công cụ bằng sắt được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Nhiều công trình thủy lợi được xây dựng. Cùng với sự tăng nhanh dân số, diện tích trồng trọt được mở rộng, đặc biệt là đất khai hoang. Từ đầu thế kỷ VIII, nhà nước đã thi hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích khai khẩn đất hoang. Năm 743 nhà nước lại tuyên bố ruộng đất khai hoang thuộc quyền sở hữu vĩnh viễn của người khai khẩn. Lợi dụng tình hình đó, một số quý tộc đã giả mạo ruộng đất của nhà nước ban cấp thành ruộng “mới khai phá” để trốn thuế và chuyển dần thành sở hữu riêng. Đồng thời, nhiều nông dân sau khi được chia ruộng theo chế độ “ban điền” đã bị phá sản, một số thì bỏ đi làm thuê, một số gán ruộng cho chủ để trả nợ, số khác nữa thì hiến ruộng cho nhà chùa...Vì thế, chế độ “ban điền” sau cải cách Taika đã dần dần tan rã và đến thế kỷ X thì hình thức sở hữu tư nhân về ruộng đất của các chúa phong kiến đã hoàn toàn được xác lập. Đây là nguồn gốc và cơ sở để hình thành các trang viên.
Từ nguồn gốc hình thành, trang viên có thể có nhiều loại. Trước hết đó là các trang viên của các Hoàng thất, quý tộc, quan lại cao cấp, được ban cấp ruộng đất theo chức vụ, đẳng cấp và dần biến các loại ruộng đất này thành sở hữu riêng. Các trang viên này không những được miễn thuế mà còn có quyền bất khả xâm phạm, chính quyền địa phương không có quyền xâm nhập vào các vùng đất đó, gọi là quyền “bất thâu, bất nhập”.
Lợi dụng đặc quyền này và để trốn tránh các nghĩa vụ tô, thuế, lao dịch đối với nhà nước, nhiều nông dân tự canh và các chủ đất nhỏ cũng đem ruộng đất của mình để “gửi” cho bọn lãnh chủ lớn hoặc nhà chùa. Những người nông dân này biến thành các “trang dân”, còn những chủ đất nhỏ biến thành người quản lí cho các lãnh chủ lớn. Loại trang viên này gọi là Kishingalachi shoen -trang viên ủy thác, tức là loại trang viên ra đời do kết quả ủy thác của các chủ đất địa phương cho các cấp quan lại cao hơn để nhận được sự bảo hộ và che chở.
Ngoài các trang viên của các quý tộc, quan lại cao cấp, còn có các trang viên của nhà chùa do triều đình, các quý tộc và cả những người nông dân bị bần cùng hóa “ban”, “hiến” đất đai. Các trang viên của nhà chùa cũng không phải nộp thuế.
Cày cấy ruộng đất của lãnh chủ trong các trang viên, trang dân phải nộp 1/3 sản phẩm thu hoạch cho chủ cùng các loại tô phụ khác như rượu, hoa quả, vải, chiếu, dây thừng...Ngoài ra, các lãnh chủ còn giữ lại một phần ruộng đất của mình trong trang viên rồi bắt trang dân cày cấy không công cho mình. Ngoài nông dân, trong các trang viên còn có nhiều thợ thủ công như thợ dệt, thợ nhuộm, thợ rèn....để phục vụ tại chỗ cho các nhu cầu của trang viên.
Các trang viên cũng có lực lượng vũ trang riêng của mình. Hạt nhân của lực lượng này là các võ sĩ Samurai. Lực lượng vũ trang của các trang viên cũng bao gồm một bộ phận nông dân lớp trên tương đối có thế lực về kinh tế và có ảnh hưởng về mặt xã hội. Các võ sĩ phải trung thành với chủ và bảo vệ chủ không tiếc tính mạng của mình. Chủ phải có trách nhiệm cung cấp lương thực, quần áo và nhà ở cho các võ sĩ. Như vậy, trong xã hội đã xuất hiện một tầng lớp mới – tầng lớp võ sĩ chuyên nghiệp và hình thành một mối quan hệ mới giữa các chủ trang viên và các võ sĩ. Tầng lớp võ sĩ này được huấn luyện đặc biệt về võ nghệ, kỹ thuật chiến đấu, về “lòng trung thành”, sự “tận tâm” “tính chất phác”, ý thức “trọng danh dự”, “lòng dũng cảm”...vì lợi ích của lãnh chủ. Đó là đạo đức của võ sĩ, hay thường gọi là “võ sĩ đạo”. Tầng lớp Samurai này về sau có một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội Nhật Bản.
Như vậy, trang viên Nhật Bản không những chỉ là những đơn vị kinh tế độc lập mà thực chất còn là khu vực hành chính mà nhà nước không thể kiểm soát được, đồng thời cũng là những căn cứ vũ trang riêng của các lãnh chủ. Chế độ trang viên đặc biệt phát triển và bộc lộ đầy đủ các đặc điểm của nó trong các thế kỷ XII – XIV.
Tuy nhiên, sự phát triển của các trang viên rõ ràng là mâu thuẫn với lợi ích nhà nước. Vì vậy, từ năm 1069, Thiên hoàng đã cho lập cơ quan “Ký lục sở” nhằm kiểm tra ruộng đất của các trang viên, rút bớt số trang viên được miễn thuế để thu hồi đất cho nhà nước, bãi bỏ lệ cha truyền con nối đối với quyền cai trị các xứ do triều đình bổ dụng. Sang thời Muromachi, cuộc nội chiến Nam Bắc triều đã làm phân hóa trang viên. Từ nửa sau thế kỷ XV, cơ cấu sở hữu-quản lý nhiều cấp của trang viên đã được thay thế bằng cơ cấu ba cấp: lãnh chủ - địa chủ - nông dân trực tiếp canh tác. Mối quan hệ chi phối trong trang viên đã chuyển từ quan hệ giữa lãnh chủ - trang dân sang quan hệ giữa địa chủ - nông dân. Đến cuối thế kỷ XVI, cùng với chính sách Taikokenchi và chủ trương chia đất cho người trực tiếp canh tác, chế độ trang viên hoàn toàn tan rã.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Phan Ngọc Liên (chủ biên), Lịch sử Nhật Bản, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1995
- .G.Sansom, Lịch sử Nhật Bản, Tập I, II, III, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994,1995.
- Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Trần Văn La, Lịch sử thế giới trung đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998.
- Phan Hải Linh, Lịch sử trang viên Nhật Bản, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2003.