Thời kỳ Veda và sử thi là một giai đoạn trong lịch sử Hy Lạp, kéo dài trong khoảng 1500 – 600 TCN, nội dung lịch sử của thời kỳ này được phản ánh trong bộ kinh Veda và hai bộ sử thi lớn của Ấn Độ là Mahabharata và Ramayana.
Trong thời kỳ này, trên bán đảo Ấn Độ đã diễn ra những thay đổi sâu sắc như sự hình thành của các tiểu quốc, xuất hiện chế độ đẳng cấp, đạo Bà la môn và đạo Phật. Đây là giai đoạn người Aryan xâm nhập và làm chủ Ấn Độ. Người Aryan xâm nhập vào Ấn Độ khoảng giữa thiên niên kỷ II TCN, khi đó họ có trình độ kinh tế - xã hội thấp hơn người Dravidian bản địa đã ở thời kỳ phát triển với nền văn minh sông Ấn. Cuối thiên niên kỷ II đầu thiên niên kỷ I TCN, người Aryan đã làm chủ miền Bắc Ấn Độ và trở thành bộ phận cư dân đông đúc nhất ở đây.
Về chính trị - kinh tế, sau khi làm chủ được miền Bắc Ấn Độ, người Aryan sống định cư làm nông nghiệp, xây dựng các xóm làng, biết sử dụng công cụ đồ sắt. Họ đã phát triển một số ngành thủ công và tiến hành trao đổi với nhau.
Người Aryan bước đầu xây dựng những vương quốc đầu tiên của mình. Có 16 tiểu quốc đã được xây dựng ở lưu vực Sông Hằng, trong đó 2 vương quốc lớn mạnh nhất là Magadha và Kosala. Đứng đầu mỗi tiểu quốc là một thủ lĩnh quân sự mà họ gọi là “Raja”. Trên danh nghĩa người này có quyền hành tối cao, cha truyền con nối. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu tính chất dân chủ bộ lạc vẫn còn sâu đậm, nhà vua chỉ là một thủ lĩnh bộ lạc được suy tôn, có nghĩa vụ bảo vệ lãnh thổ và các thành viên của bộ lạc chống lại sự xâm lược từ bên ngoài.
Về tổ chức xã hội, xã hội của người Aryan được xây dựng trên cơ sở đơn vị hạt nhân là các công xã nông thôn. Bên cạnh đó, sự hình thành và phát triển của chế độ đẳng cấp Varna là đặc điểm nổi bật nhất của xã hội Ấn Độ trong Thời kỳ Veda và sử thi.
Chế độ Varna còn được gọi là chế độ sắc đẳng hay chế độ chủng tính, là một hệ thống các quan hệ xã hội dựa trên sự phân biệt về chủng tộc, về địa vị xã hội, mà những quan hệ đó được hình thành do sự phân hóa sâu sắc trong xã hội người Aryan trước khi vào Ấn Độ và trong quá trình người Aryan xâm nhập vào Ấn Độ và thống trị người Dravidian.
Chế độ Varna phân chia cư dân Ấn Độ thành bốn đẳng cấp chính, ba đẳng cấp đầu thuộc chủng tộc Aryan và đẳng cấp thứ tư là người bản địa Dravidian. Chế độ này đã được người Aryan giải thích bằng một nguồn gốc có tính chất thiêng liêng và hợp pháp hóa bằng bộ luật Manu. Theo sự phân chia đó, đẳng cấp Brahman có địa vị cao nhất trong xã hội, có nhiệm vụ thực hành các nghi thức tế lễ thần linh, truyền thụ kinh Veda, bói toán, xem thiên văn; Đẳng cấp Kshatriya nắm quyền quản lý đất nước, cai trị thần dân, nhà vua thuộc đẳng cấp này; Đẳng cấp Vaisya là lực lượng lao động sản xuất chính, có nghĩa vụ nộp thuế và lao dịch; Đẳng cấp Sudra làm mọi việc để kiếm sống và phục vụ vô điều kiện các đẳng cấp trên. Ba đẳng cấp đầu được xem là những người trong sạch về tôn giáo, có quyền học kinh Veda, cúng tế các thần của đạo Bàlamôn còn Sudra là đẳng cấp thấp kém nhất, bị xem là những người không trong sạch về tôn giáo. Việc tiếp xúc giữa các đẳng cấp bị coi là ô uế, việc kết hôn khác đẳng cấp cũng bị nghiêm cấm. Ngoài bốn đẳng cấp trên, trong xã hội còn có những người không được xếp vào đẳng cấp nào như người Paria hay Chandala.
Về đời sống tinh thần và tôn giáo, người Aryan lúc đầu đã theo một tôn giáo đa thần, sùng bái các lực lượng tự nhiên như thần Không trung, thần Bão táp, thần Lửa, thần Gió…và cũng bắt đầu tổ chức các lễ hiến tế. Những tín ngưỡng và tôn giáo nguyên thủy đó phần lớn được phản ánh trong các bộ kinh Veda, nên thường được gọi là đạo Veda.
Hình thành trên cơ sở đạo Veda, đạo Bàlamôn xuất hiện vào đầu thiên niên kỷ I TCN và được coi là tôn giáo của xã hội có giai cấp và nhà nước đầu tiên do người Aryan lập ra. Đạo Bàlamôn tôn thờ thần Bhrama là đấng sáng tạo tối cao, tạo ra vạn vật, trong đó có Varna. Phò tá cho Bhrama có thần Visnu (thần bảo vệ) và thần Siva (thần hủy diệt). Ngoài ra, tôn giáo này tiếp tục tôn sùng các vị thần tự nhiên như thần Sấm (Indra), thần Mặt trời (Surya), thần Gió (Vayu), thần Lửa (Anhi)…Thánh kinh của đạo Bàlamôn là kinh Veda. Veda không đơn thuần là một bộ kinh, mà hơn hết nó là một kho tàng tri thức, phản ánh những tư duy cổ xưa nhất của người Ấn Độ về vũ trụ và con người.
Thời kỳ này cũng đánh dấu sự ra đời của đạo Phật vào thế kỷ VI TCN như là sự phản kháng của đẳng cấp quý tộc với tăng lữ. Người sáng lập tôn giáo này là Shidharta Gautama - hiệu là Sakia Muni. Hạt nhân tư tưởng của đạo Phật là đề cao lòng thương yêu của con người với chúng sinh, mong muốn giải thoát con người khỏi những khổ đau.
Về mặt nhân sinh quan: nội dung cơ bản của đạo Phật là Tứ diệu đế gồm khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế. Phật giáo chỉ ra 8 con đường để giải thoát, gọi là “bát chính đạo và khuyên con người thực hiện “ngũ giới” (Không sát sinh; Không tà dâm; Không trộm cắp; Không uống rượu; Không nói bịa đặt). Thực hiện đúng Bát chính đạo và Ngũ giới thì con người sẽ thoát khỏi nỗi khổ đau, có thể đi tới cõi Niết bàn (Nirvana).
Về mặt thế giới quan: đạo Phật nêu thuyết “duyên khởi”, cho rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có nhân duyên quan hệ theo kiểu nhân quả. Từ thuyết “duyên khởi” đạo Phật nêu ra 3 quan điểm: vô tạo giả; vô ngã; vô thường. Đạo Phật chủ trương không thừa nhận chế độ đẳng cấp. Nhìn chung, Thời kỳ Veda và sử thi là thời kỳ có sự dung hợp giữa văn hóa của người Aryan và văn hóa bản địa, hình thành nên nền văn hóa Ấn Độ cổ đại thống nhất, mở đầu cho nền văn minh sông Hằng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đặng Đức An, Đặng Quang Minh, Trần Thị Vinh, Dương Duy Bằng (sưu tầm và tuyển chọn), Tư liệu giảng dạy lịch sử thế giới cổ đại, Nxb.Giáo dục, 1983.
- Nguyễn Thừa Hỷ, Tìm hiểu văn hóa Ấn Độ, Nxb.Văn hóa, 1986.
- Doãn Chính, Lịch sử tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại, Nxb.Chính trị Quốc gia, 1998.
- Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Nxb.Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006.
- Romila Thapar, A History of India (Lịch sử Ấn Độ), volume one, Penguin Books, 1984.