Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thời đại đồ đá
Phiên bản vào lúc 17:15, ngày 29 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “thumb|Đầu mũi tên bằng đá vỏ chai.thumb|Các chủng loại công cụ đá{{sơ}…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Đầu mũi tên bằng đá vỏ chai.
Các chủng loại công cụ đá

Thời đại đồ đá là một giai đoạn phát triển của thời kỳ tiền sử theo cách phân kỳ lịch sử của Khảo cổ học, kéo dài từ khi con người xuất hiện (khoảng 4 triệu năm trước) đến khoảng thiên niên kỷ IV TCN.

Thời đại đồ đá bắt đầu khi Người tối cổ hình thành, biết chế tạo công cụ lao động. Vì vậy, niên đại khởi đầu của Thời đại đồ đá cũng là thời gian khi con người tách mình khỏi giới sinh vật và trở thành Người. Đa số các nhà khảo cổ và cổ nhân học cho rằng các di cốt mới được phát hiện ở vùng Đông Phi gần đây, có niên đại khoảng trên dưới 4 triệu năm trước đây là dấu tích sớm nhất được biết đến. Niên đại cuối của Thời đại đồ đá được cho là trùng khớp với niên đại đầu của thời đại kim loại, tức là vào khoảng thiên niên kỷ IV TCN. Tuy nhiên, những công cụ và vật dụng bằng đá vẫn tiếp tục tồn tại và được sử dụng ngay cả trong thời sơ kỳ sắt sau này. Niên đại sự xuất hiện kim loại ở các khu vực khác nhau cũng không giống nhau. Do đó, niên đại thiên niên kỷ IV TCN chỉ có tính chất ước lệ.

Dựa vào kỹ thuật chế tác đá, loại hình công cụ, phương thức sinh hoạt của con người...các nhà nghiên cứu đã phân chia Thời đại đồ đá thành các giai đoạn nhỏ, thể hiện quá trình tiếp nối và phát triển liên tục của lịch sử loài người thời tiền sử. Về đại thể, Thời đại đồ đá bao gồm ba giai đoạn lớn: đồ đá cũ, đồ đá giữa và đồ đá mới. Mỗi giai đoạn đó lại được chia thành sơ kỳ, trung kỳ và hậu kỳ với những tên gọi và đặc trưng cụ thể khác nhau ở mỗi khu vực. Tuy nhiên, trong thời đại đồ đá, nhìn chung trên phạm vi toàn thế giới, loài người đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong đời sống kinh tế, tinh thần và tổ chức xã hội.

Thời đại đồ đá tương đương với thời gian tồn tại của xã hội nguyên thủy. Trên thế giới, quá trình phát triển của xã hội nguyên thủy thường được chia thành ba giai đoạn: bầy người nguyên thủy, công xã thị tộc và giai đoạn phân hóa và tan rã, nhường chỗ cho xã hội có giai cấp và nhà nước. Trong thời kỳ đầu, khi vừa thoát thai khỏi giới động vật, do trình độ còn thấp kém, con người phải dựa vào sức mạnh của tập thể để tìm kiếm thức ăn và tự bảo vệ mình. Bầy người nguyên thủy là một nhóm gồm năm, bảy chục người, có người đứng đầu, có sự phân công lao động giữa nam và nữ, cùng tìm kiếm thức ăn và chăm sóc con cái. Khi dân số tăng lên, bầy người nguyên thủy buộc phải tách ra. Khi đó, một nhóm người có cùng dòng máu, họ hàng gần gũi với nhau, có khi do cùng một bà mẹ sinh ra, tách khỏi bầy, tạo thành một tổ chức mới, chặt chẽ hơn, gọi là công xã thị tộc. Công xã thị tộc là một tổ chức xã hội, trong đó mọi thành viên đều có quan hệ huyết thống với nhau và cùng làm cùng hưởng. Đến cuối Thời đại đồ đá, nhất là khi công cụ bằng kim loại xuất hiện, do sản xuất phát triển, trong xã hội bắt đầu xuất hiện của dư thừa, một số người đã lợi dụng uy tín và địa vị của mình để chiếm đoạt của dư thừa, trở nên giàu có hơn. Xã hội nguyên thủy bắt đầu phân hóa thành kẻ giàu người nghèo và bước vào giai đoạn tan rã.

Động lực thúc đẩy quá trình phát triển của xã hội nguyên thủy trong Thời đại đồ đá, chính là con người luôn tìm cách cải tiến kỹ thuật chế tác đá. Thời đồ đá cũ, với kỹ thuật ghè đẽo, từ kỹ thuật ghè Clacton thô sơ, người ta đã biết đến kỹ thuật Levallois và ghè thẳng góc, đến thời đồ đá giữa là kỹ thuật đồ đá nhỏ. Việc phát minh ra kỹ thuật mài đá ở thời đồ đá mới thực sự là một cuộc cách mạng. Bởi lẽ, với nguyên liệu đá, chỉ có thể mài cho mòn dần mới tạo ra được những loại hình công cụ có hình dáng và công dụng đúng như mong muốn. Vì thế, thời đại đá mới được mệnh danh là “cách mạng đá mới” với những chuyển biến căn bản trong kỹ thuật chế tác đá, loại hình công cụ và cả trong phương thức sinh hoạt của người nguyên thủy.

Thời đại đồ đá cũng chứng kiến những bước chuyển biến to lớn trong đời sống kinh tế của con người. Từ chỗ chỉ biết săn bắt thú và hái lượm hoa quả, củ có sẵn ngoài tự nhiên, người ta đã phát minh ra cung và tên để chuyển sang săn bắn, sau đó là trồng trọt và chăn nuôi gia súc vào thời kỳ đồ đá giữa. Sang thời đá mới, người nguyên thủy đã biết làm nông nghiệp dùng cày với sức kéo của động vật, biết đắp đê trị thủy và làm thủy lợi, đào hồ chứa nước, làm kênh, máng tưới, tiêu. Hàng loạt các nghề thủ công cũng được hình thành và phát triển trong giai đoạn này như làm gốm, dệt vải, đan lưới đánh cá, chế tác đồ gỗ, đồ bằng xương, sừng...

Họ cũng đã biết kỹ thuật làm nhà chung cho cả thị tộc và nhà riêng cho từng gia đình mẫu hệ. Đời sống của con người đã ổn định hơn.

Về đời sống tinh thần, người nguyên thủy đã biết vẽ tranh, tạc tượng bằng đá hoặc nặn bằng đất nung, làm đồ trang sức là những chiếc vòng đeo tay, đeo cổ chân bằng đá, vòng đeo cổ bằng vỏ ốc hay răng thú...Họ còn biết trang trí trên những bình gốm hay trên các vật dụng bằng gỗ, xương, sừng những hình vẽ, hoa văn phức tạp, đa dạng và phong phú.

Thời đại đồ đá thực sự là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của lịch sử loài người, khi mà con người mới chỉ biét tới nguyên liệu đá duy nhất để chế tạo công cụ lao động, nhưng đã đạt nhiều thành tựu to lớn, tạo nền tảng cho các giai đoạn kế tiếp.


Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ph.Ăng-ghen: Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước. Nxb. Sự thật, HN, 1972
  2. Hán Văn Khẩn (chủ biên), Cơ sở khảo cổ học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011.
  3. Lương Ninh (chủ biên), Lịch sử thế giới cổ đại, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2012.
  4. История первопытной общины, Том II, III. изд. Наука, Москва,1986, 1988.(Lịch sử công xã nguyên thủy. Tập II, III, Nxb. Khoa học, Matxcova, 1986,1988. Tiếng Nga)
  5. История древнего востока, Под редакцией В.И.Кузищика, Изд.Высшая школа. Москва, 1988.(Lịch sử cổ đại phương Đông. V.I. Kuzisik (chủ biên), Nxb., Đại học, Matxcova, 1988. Tiếng Nga).