Norodom Sihanouk (1922 - 2012) là nhà chính trị, người đứng đầu quốc gia Campuchia, từng trải qua nhiều chức vụ trong suốt sự nghiệp chính trị bắt đầu từ năm 1941 nhưng vai trò lâu nhất và được biết đến nhiều nhất là Quốc vương Campuchia. Là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử Campuchia hiện đại trong gần 50 năm, ông từng đảm đương nhiều chức vụ: vua (2 lần), thái tử (2 lần), chủ tịch nước (1 lần), thủ tướng (9 lần), quốc trưởng (2 lần) và nhiều lần đứng đầu các chính phủ lưu vong.
Norodom Sihanouk sinh ngày 31.10.1922 tại Phnom Penh, mất ngày 15.10.2012 tại Bắc Kinh, là con trai của Hoàng thân Norodom Suramarit và Công chúa Sisowath Kossamak, cháu ngoại của vua Norodom I. Ông học tiểu học tại Trường François Baudouin và trung học tại Trường Preah Sisowath ở Phnom Penh và sau đó đến Sài Gòn học tại Trường Chasseloup Laubat vào năm 1936.
Sự nghiệp chính trị của Sihnaouk bắt đầu vào năm 1941 khi ông được chọn làm người kế vị ông ngoại của mình, thay vì Hoàng tử Sisowath Monireth, con cả của vua Sisowath Monivong. Trên danh nghĩa việc lên ngôi của Sihanouk là do đồng thuận của Hội đồng Hoàng tộc, nhưng thực tế, quyết định này được thực hiện dưới sức ép của Chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương. Ngày 23.4.1941, Sihanouk trở thành vua của Campuchia, chính thức tổ chức lễ đăng quang vào ngày 28.10.
Tháng 3.1945, Nhật Bản đảo chính Pháp, Sihanouk ký Sắc lệnh ngày 12.3, hủy bỏ toàn bộ những hiệp ước và công ước liên quan đến việc thiết lập và tổ chức của chế độ bảo hộ Pháp ở Campuchia, tuyên bố độc lập và thành lập chính quyền mới do ông làm Thủ tướng.
Sau khi Nhật Bản đầu hàng, cùng với người cậu Monireth, Sihanouk trở lại hợp tác và ký kết với Pháp Hiệp định tháng 1.1946, theo đó Campuchia được tự trị trong Liên hiệp Pháp. So với thời kỳ thuộc địa, Sihanouk giành được các quyền: thành lập Quốc hội lập hiến, soạn thảo Hiến pháp, tổ chức bầu cử Quốc hội theo hình thức phổ thông đầu phiếu, từ đó đặt cơ sở cho việc kết thúc vai trò tượng trưng của ông. Tháng 5.1947, Sihanouk thông qua Hiến pháp mới của Campuchia. Đầu năm 1949, ông đến Paris để thương lượng với Chính phủ Pháp, đòi nhiều quyền tự trị rộng rãi hơn cho Campuchia. Ngày 8.11.1949, Hiệp ước Pháp - Campuchia được ký kết, theo đó Pháp chính thức từ bỏ chế độ bảo hộ và công nhận Campuchia độc lập nằm trong Liên hiệp Pháp. Sau sự kiện này, Sihanouk nhận được sự viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ, đề nghị Liên hợp quốc kết nạp Campuchia là thành viên nhưng bị từ chối do quyền phủ quyết của Liên Xô.
Năm 1951 - 1952, cuộc khủng hoảng chính trị diễn ra, Sihanouk nhiều lần thay đổi Thủ tướng và các Chính phủ của Campuchia. Ngày 15.6.1952, ông lật đổ Chính phủ của Huy Kanthoul để thành lập chính phủ mới do ông làm Thủ tướng. Sihanouk chính thức tuyên bố tiến hành “cuộc thập tự chinh của Quốc vương vì nền độc lập”, đặt mục tiêu giành độc lập cho Campuchia trước năm 1955. Kề từ thời điểm này, đặc biệt là từ tháng 1.1953, Sihanouk tiến hành cuộc vận động ngoại giao, gây sức ép buộc chính phủ Pháp phải công nhận nền độc lập hoàn toàn của Campuchia. Từ tháng 2 đến tháng 11.1953, Sihanouk thực hiện chiến dịch này: ông đến Pháp vào tháng 2.1953 và gửi thư cho Tổng thống Vincent Auriol đòi Pháp công nhận nền độc lập theo mong muốn của nhân dân Campuchia. Không nhận được câu trả lời của Chính phủ Pháp, Sihanouk đến Canada, Mỹ và Nhật Bản. Tại Mỹ, ông gặp Ngoại trưởng Foster Dulles, trả lời phỏng vấn báo New York Times, trong đó, ông yêu cầu chính phủ Pháp phải đồng thuận với các nước Đông Dương cơ chế như Khối Thịnh vượng chung của Anh, và khẳng định: nếu Pháp không chấp thuận nền độc lập của Campuchia, người dân sẽ nổi dậy chống Pháp và đứng vào hàng ngũ Việt Minh. Sau khi kết thúc chuyến đi, Sihanouk không quay trở về Phnom Penh mà đến Siem Reap và Battambang để gây sức ép với Chính phủ Pháp. Tháng 6.1953, ông đến Bangkok để tiếp tục vận động ngoại giao cho nền độc lập của Campuchia. Sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Pháp Joiseph Laniel đã tiến hành thương lượng và ký kết các hiệp ước chuyển giao quyền lực cho Chính phủ Sihanouk (ngày 17.10.1953). Ngày 7.11.1953, Sihanouk trở về Phnom Penh và tuyên bố nền độc lập hoàn toàn của Campuchia.
Ngày 2.3.1955, Sihanouk nhường ngôi cho cha mình - vua Norodom Suramarit; ông vừa là hoàng tử, vừa là Thủ tướng, thành lập Đảng Cộng đồng Xã hội Chủ nghĩa Bình dân. Trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1970, Sihanouk thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập, không tham gia vào liên minh quân sự hoặc chính trị nào, tiếp nhận mọi viện trợ từ bên ngoài miễn là không có điều kiện ràng buộc. Từ sau năm 1960, sau khi vua Suramarit qua đời, Sihanouk trở thành Quốc trưởng của Campuchia. Tuy nhiên, các hành động ngoại giao thân thiết với Trung Quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nguyên nhân khiến Mỹ can thiệp vào Campuchia. Ngày 18.3.1970, Lon Nol thực hiện đảo chính, bắt giữ quan chức trong chính quyền, triệu tập Quốc hội và tuyên bố phế truất vị trí Quốc trưởng của Sihanouk. Ông đến sống lưu vong ở Bắc Kinh, ủng hộ lực lượng Khmer Đỏ, trở thành nguyên thủ quốc gia về mặt hình thức của Chính quyền Pol Pot từ năm 1975 đến tháng 4.1976. Ông từ chức và đến sống tại Trung Quốc và Triều Tiên.
Sihanouk quay trở lại chính trường khi có giải pháp về vấn đề Campuchia. Ông tiến hành các cuộc vận động ngoại giao để kết thúc các xung đột ở Campuchia bằng giải pháp chính trị. Trở thành Chủ tịch Chính phủ liên hiệp Campuchia dân chủ từ năm 1982, ông quay về Phnom Penh vào tháng 11.1991 để thực hiện tiến trình dân chủ hóa Campuchia sau Hiệp định Paris. Ông giữ cương vị Quốc vương từ ngày 24.9.1993 cho đến khi tuyên bố thoái vị vào ngày 7.10.2004. Người kế vị Sihanouk là con trai ông, vua Norodom Sihamoni. Sihanouk sống tại Bình Nhưỡng từ tháng 1.2004 và qua đời tại Bắc Kinh ngày 15.10.2012 do bệnh tim. Thi hài của ông được đưa về Phnom Penh và hỏa táng vào ngày 4.2.2013.
Cùng với Léopold Sédar Senghor, Habib Bourguiba, Hamani Diori, Sihanouk là một trong những nguyên thủ sáng lập Cộng đồng Pháp ngữ. Ông đã xuất bản một số sách dưới dạng hồi ký: La monarchie cambodgienne et la croisade royale pour l’indépendance (1955), La CIA contre le Cambodge (1973), Souvenirs doux et amers (1984). Toàn bộ tài liệu và giấy tờ cá nhân của Sihanouk được tập hợp trong phông lưu trữ ký hiệu 665A, được bảo quản tại Lưu trữ Quốc gia Pháp (Pierrefitte-sur-Seine, Paris).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Norodom Sihanouk, Wilfred Burchett (ghi), Cuộc chiến của tôi với CIA - Hồi ký của Hoàng thân Sihanouk, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2019.
- David P. Chandler, The Tragedy of Cambodian History: Politics, War and Revolutions since 1945, Yale University Press, USA, 1991. (David P. Chandler, Tấn bi kịch của lịch sử Campuchia: Chính trị, chiến tranh và các cuộc cách mạng từ năm 1945, NXB Đại học Yale, Hoa Kỳ, 1991).
- Milton E Osborne, Sihanouk Prince of Light, Prince of Darkness, Honolulu: University of Hawaii Press, 1994. (Milton E Osborne, Sihanouk Hoàng thân của ánh sáng, Hoàng thân của bóng tối, Honolulu: NXB Đại học Hawaii, 1994)
- Julio A Jeldres, Volume 1 - Shadows Over Angkor: Memoirs of His Majesty King Norodom Sihanouk of Cambodia, Phnom Penh: Monument Books, 2005. (Julio A Jeldres, Tập 1 – Bóng tối bao phủ Angkor: Hồi ức của Vua Campuchia Norodom Sihanouk, Phnom Penh: Monument Books, 2005).
- Archives nationales d’Outre-mer, Fonds: Haut-commissaire de France en Indochine, dossier 305. (Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại, Phông: Cao ủy Pháp tại Đông Dương, hồ sơ số 305)
- Norodom Sihanouk, La monarchie cambodgienne et la croisade royale pour l’indépendance, Phnom Penh, Ministère de l’Éducation Nationale, Direction des Services Pédagogiques, 1955. (Norodom Sihanouk, Hoàng gia Campuchia và cuộc thánh chiến hoàng gia vì nền độc lập, Phnom Penh, Bộ Giáo dục Quốc gia, Phòng Dịch vụ giảng dạy, 1955)
- André Tong, Sihanouk la fin des illusions, La Table ronde, collection “L’Ordre du Jour”, 1972. (André Tong, Sihanouk điểm kết thúc của những ảo ảnh, Bàn tròn, Bộ sưu tập “Chương trình nghị sự”, 1972).
- Bernard Hamel, Sihanouk et le drame cambodgien, L’Harmattan, 1992. (Bernard Hamel, Sihanouk và bi thảm Campuchia, NXB Harmattan, 1992)
- Jean-Marie Cambacérès, Sihanouk: le roi insubmersible, Le Cherche midi, Collection Documents, 2013. (Jean-Marie Cambacérès, Sihanouk: vị vua không thể khuất phục, Sưu tầm tư liệu, 2013)