Sách phong, Triều cống là thuật ngữ để diễn tả một hình thức đặc biệt của mối quan hệ đối ngoại giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng thời quân chủ, nội dung cơ bản, cốt lõi để xây dựng và tạo nên “hệ thống triều cống” (Tributary system) hay “trật tự thế giới Trung Hoa” (Chinese world order) trong lịch sử.
Sách phong được hiểu là việc nhà vua ban tước hiệu, đất đai cho một người để xác định địa vị của người đó. Chế độ phân phong ở Trung Quốc có nguồn gốc từ thời Thương và được xác lập, phát triển ở thời Tây Chu. Với chế độ tông pháp, thiên tử nhà Chu đã thi hành việc phong tước, cắt đất chia cho con cháu, công thần, lập nên một hệ thống chư hầu trong lãnh thổ Trung Quốc. Việc phân phong này tùy theo tôn ti, địa vị chính trị của người được phong theo thứ bậc: công, hầu, bá, tử, nam. Tương ứng với thứ bậc các tước này là phần diện tích đất sẽ được phân: ở giai đoạn đầu tước công, hầu được 100 dặm vuông; tước bá được 70 dặm vuông, tước tử, nam được 50 dặm vuông.
Về sau, dưới thời Đông Chu, tước công đã được phân 500 dặm vuông, tước hầu được phân 400 dặm vuông, tước bá được phân 300 dặm vuông, tước tử được phân 200 dặm vuông, tước công được phân 100 dặm vuông. Các tước vị và đất phong được thừa kế theo chế độ cha truyền, con nối. Vua các nước chư hầu được cai quản trên phần đất được phân phong song phải có trách nhiệm phục tùng và thực hiện các nghĩa vụ với thiên tử nhà Chu. Ngược lại, thiên tử nhà Chu phải có trách nhiệm che chở, giúp đỡ các nước chư hầu. Nếu chư hầu bị ngoại tộc xâm lược thì nhà Chu sẽ cử quân đội đến giúp đỡ, nếu mất mùa thì cứu trợ...Từ thời nhà Hán về sau, các triều đại cũng thực hiện chế độ phong vương cho con cháu hoặc công thần ngoại lệ, nhưng diện tích đất phong thường không quá lớn và thời gian tồn tại không dài.
Triều cống là khái niệm được dùng để chỉ việc một nước nhỏ đem dâng vật phẩm cho nước lớn, hoặc một chư hầu đem dâng vật phẩm cho vua.
Chế độ triều cống gắn liền với chế độ phân phong thời Tây Chu. Theo đó, vua các nước chư hầu hằng năm phải có nghĩa vụ đến chầu và cống nộp cho thiên tử nhà Chu. Đây cũng chính là nguồn gốc của chế độ triều cống mà sau này các vương triều quân chủ phương Bắc áp dụng với các nước xung quanh. Gắn liền với chế độ này có hành động “cống”, chỉ việc sứ thần nước phiên thuộc hoặc nước ngoài đến triều để cống hiến phương vật. Công việc này được tiến hành đều đặn mỗi năm thì gọi là tuế cống.
Như vậy, chế độ triều cống cùng với sách phong xuất phát điểm ban đầu là một hình thức cai trị nội bộ được xác lập và thi hành từ thời nhà Chu. Trong chế độ này, việc phong tước và triều cống có mối quan hệ mật thiết với nhau: Phong tước gắn liền với việc cấp đất và ngược lại, nhận sách phong, nhận tước, nhận đất thì phải có nghĩa vụ triều cống thiên triều.
Với sự hình thành và phát triển của những triều đại lớn ở Trung Quốc từ Hán, Tấn, Tùy, Đường đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh, các vị vua Trung Quốc đã áp dụng phương thức sách phong và triều cống từ thời Chu để xử lí mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia xung quanh có quan hệ với mình.
Các vương triều ở trung nguyên Trung Quốc luôn tự xem mình là thiên triều - “nước trung tâm”. Người đứng đầu thiên triều cũng luôn cho rằng bản thân họ là trung tâm của trời đất. Ngược lại, các dân tộc, bộ lạc ngoài Trung Nguyên ở bốn phương xung quanh chỉ là man di mọi rợ. Ý niệm về “thiên hạ” của hoàng đế thiên triều được giới hạn tới những vùng xung quanh đế chế Trung Hoa, chủ yếu tương ứng với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á mà vài phần của Trung Á hiện nay. Theo đó, muốn thiết lập và duy trì mối quan hệ với Trung Quốc và được hoàng đế Trung Quốc sách phong, các vương quốc và các bộ tộc phải thừa nhận và phục tùng thiên triều, thiên tử; đồng thời phải tuân theo các nguyên tắc do triều đình Trung Quốc đặt ra, phải thực hiện xưng thần, cầu phong và triều cống định kì.
Dựa theo tư liệu trong Sử ký của Tư Mã Thiên thì từ thời Tây Hán, các hoàng đế Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng chế độ Sách phong, Triều cống trong quan hệ với các nước xung quanh. Tuy nhiên, khác với thầy Tây Chu, việc phong tước cho những người đứng đầu các nước xung quanh không gắn với việc cấp đất và người dân sống trên phần đất ấy. Việc phong tước chỉ có tính chất tượng trưng. Khi hoàng đế Trung Quốc phong vương cho vua một nước khác thực chất là sự công nhận sự tồn tại của nước đó. Ngược lại, các triều đại Trung Quốc cũng luôn tìm cách gây sức ép bắt các nước này phải thần phục và triều cống. Các triều đại Trung Quốc quan hệ với bên ngoài chủ yếu thông qua sự kết hợp của “quyền lực mềm” (kiểm soát thương mại) với công cụ quân sự (chinh phạt) để xây dựng và vận hành trật tự quốc tế.
Như vậy, thông qua hoạt động Sách phong, Triều cống trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước xung quanh, Trung Quốc đã từng bước xây dựng một hệ thống trật tự chính trị phản ánh mạng lưới chế độ đẳng cấp theo hướng lấy Trung Quốc là hạt nhân trung tâm. Hệ thống triều cống cũng dần trở thành mô thức chủ yếu trong quan hệ quốc tế thời cổ trung đại. Là quốc gia láng giềng, Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử chế độ quân chủ cũng từng có quan hệ Sách phong, Triều cống. Các vương triều quân chủ ở Việt Nam đã chọn con đường bang giao mềm dẻo, linh hoạt; chấp nhận việc nhận sách phong và cử người đi triều cống song vẫn giữ đúng tinh thần “ở trong thì xưng đế, mà đối ngoại thì xưng vương”. Đây cũng một dạng thức quan hệ đặc biệt trong lịch sử chế độ Sách phong, Triều cống trên thế giới.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Thị Kiều Trang, Về quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.
- 韦庆远:《中国政治制度史》,北京:中国人民大学出版社1991年版 (Vi Khánh Viễn, Lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc, Nxb Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, 1991).
- 黄枝连《天朝礼治体系研究》(上卷),《亚洲的华夏秩序———中国与亚洲国家关系形态论》,北京:中国人民大学出版社1992年版 (Hoàng Chi Liên, “Trật tự Hoa Hạ ở Châu Á: Bàn về hình thái mối quan hệ giữa các quốc gia Châu Á và Trung Quốc”, in trong Nghiên cứu hệ thống Lễ trị thiên triều, quyển thượng, Nxb Đại học Nhân dân Trung Quốc, Bắc Kinh, 1992).
- 喻常森:《试论朝贡制度的演变》,《南洋问题研究》2000年第1期 (Dụ Thường Sâm, “Thử bàn về diễn biến chế độ triều cống”, Tạp chí Nghiên cứu vấn đề Nam Dương, số 1/2000).
- 李云泉:《朝贡制度史论:古代时期中国对外关系体制研究》,北京:新华出版社2004年版 (Lý Vân Tuyền, Bàn về chế độ triều cống: Nghiên cứu chế độ về mối quan hệ giữa Trung Quốc với nước ngoài thời kỳ cổ đại, Nxb Tân Hoa, Bắc Kinh, 2004).
- Zhang Feng (2009), Rethinking the “Tributary System”: Broadening the conceptual horizon of historical East Asian politics, The Chinese Journal of International Politics, Vol.2, pp.545-574 (Trương Phong, “Lại bàn về chế độ triều cống: Sự mở rộng phạm vi nhận thức