Norodom (1834 - 1904) là vua của Campuchia từ năm 1860 đến năm 1904, dưới rất nhiều áp lực đã phải ký kết các hiệp ước bất bình đẳng, chấp nhận sự bảo hộ của Pháp đối với Campuchia, cg. Ang Vody, tên dịch sang tiếng Việt là Nặc Ông Lân hoặc Nặc Lân.
Norodom là con trai cả của vua Ang Duong, anh cùng cha khác mẹ với hoàng tử Si Votha và vua Sisowath. Ang Vody được sinh ra tại Angkor Borei, tỉnh Takeo thuộc Nam Campuchia. Khi Ang Vody được sinh ra, Campuchia đang là chư hầu của cả Xiêm và nhà Nguyễn. Gia đình hoàng gia khi đó sinh sống ở thủ đô Oudong thuộc khu vực do Xiêm kiểm soát. Năm 1850, vua Ang Duong gửi Ang Vody sang học ở Bangkok, nơi ông theo học kinh Phật cũng như ngôn ngữ Pali cổ. Năm 1857, Ang Vody gia nhập quân đội hoàng gia Xiêm với vai trò cố vấn quân sự. Mục đích của việc gửi Ang Vody sang Bangkok cũng là để thắt chặt mối quan hệ giữa Campuchia và Xiêm.
Năm 1859, vua Ang Duong mất, Ang Vody lên nối ngôi, lấy hiệu là Norodom I. Năm 1861, người em cùng cha khác mẹ với ông là Sivotha đã nổi dậy tranh ngôi. Được sự hậu thuẫn của người Chăm, Sivotha đã chiếm thủ đô Udong, buộc Norodom phải chạy sang Xiêm cầu cứu. Tại Bangkok, vua Norodom đã kêu gọi người Xiêm, người Pháp, và người Chăm tại Châu Đốc qua giúp. Tháng 2.1862, Norodom được người Xiêm đưa về nước để giành lại ngôi vua. Triều đình Xiêm phái hai vị tướng là Phraya Mouk Montry và Phraya Ratchavoranukon sang giúp dẹp yên quân nổi dậy. Đến cuối năm 1962, tình hình Campuchia dần ổn định. Tuy nhiên, việc giúp đỡ vũ khí, đồ trang bị và ủng hộ của Xiêm đã làm cho Campuchia ngày càng phụ thuộc vào triều đình Bangkok. Vua Xiêm đặt chức Kinh lược sứ ở kinh thành Udong để chi phối triều chính Campuchia. Norodom luôn nơm nớp lo sợ cho địa vị bấp bênh của mình khi chưa được vua Xiêm tấn phong.
Năm 1863, Norodom được làm lễ tấn phong tại tỉnh Battambang, vùng đất do Xiêm kiểm soát. Tháng 6 năm đó, viên sĩ quan Pháp là De La Grandière được cử sang Campuchia với danh nghĩa xây dựng căn cứ thủy quân của Pháp tại đây. Tuy nhiên, mục đích chính của Pháp là muốn can thiệp sâu hơn vào tình hình Campuchia, tiến hành điều tra tình hình và chuẩn bị cho hành động quân sự. Sau nhiều cuộc hội kiến giữa De La Grandière và Norodom I, hai bên đã ký bản Hiệp ước ngày 11.8.1863 thừa nhận sự bảo hộ của Pháp ở Campuchia. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc thay đổi một số điều khoản trong nội dung Hiệp ước, nhưng Norodom không thể thay đổi được ý định của Grandière về việc thiết lập chế độ bảo hộ ở Campuchia.
Ngày 1.12.1863, Norodom đã ký với Xiêm một Hiệp ước mới, nhường cho Xiêm hai tỉnh Pursat và Kampong Svai và chấp nhận sự bảo hộ của Xiêm. Vua Xiêm hứa là sẽ tiến hành lễ tấn phong cho Norodom tại Bangkok trong thời gian gần nhất. Vua Norodom ngả theo Xiêm, Pháp mất chỗ dựa nên tìm cách lôi kéo, thuyết phục, thậm chí đe dọa nếu Norodom tiếp tục đi Bangkok Pháp sẽ đem quân đánh chiếm Udong. Quả thật, ngày 3.3.1864, khi Norodom chuẩn bị lên đường sang Bangkok, quân Pháp nổ súng tiến đánh kinh thành Udong, khiến cho Norodom phải hoãn lại chuyến đi.
Bất mãn với các chính sách thoả hiệp của vua Norodom, dân chúng Khmer đã nổi lên chống lại triều đình. Cháu vua Ang Duong là Assoua, tự nhận là hoàng tử Ang Phim, kêu gọi người Khơmer chống lại Norodom. Năm 1865, một tu sĩ Phật giáo tên là Pou Kombo cùng với 2.000 người Chăm tại Châu Đốc cũng nổi dậy chống lại Norodom, bao vây thành Udong. Khoảng 1.000 người Chăm khác từ Châu Ðốc theo quân Pháp sang bảo vệ thành Udong. Pou Kombo chạy sang Châu Ðốc và Tây Ninh tị nạn. Sau khi chiêu mộ thêm binh sĩ Chăm và Khmer, ngày 17.12.1866, Pou Kombo tiến vào Udong. Quân Khmer bỏ chạy. Tuy nhiên, sau đó, vì lý do tôn giáo binh lính người Chăm theo Hồi giáo đã làm phản chống lại Pou Kombo. Hoàng tử Sisowath, được cả người Khmer và người Chăm ủng hộ đã đứng ra lãnh đạo cuộc phản công chống lại Pou Kombo. Tháng 12.1867, quân phản triều đình Campuchia đã dẹp tan cuộc nổi loạn, giết chết Pou Kombo.
Ngày 15.7.1867, Chính phủ Pháp ký với Xiêm hiệp ước với nội dung Xiêm thừa nhận sự bảo hộ của Pháp ở Campuchia và Pháp cắt cho Xiêm hai tỉnh Battambang và Ăngkor. Với Hiệp ước này, Pháp đã chính thức đuổi Xiêm ra khỏi Campuchia, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thành công cuộc xâm lược Campuchia.
Tháng 4.1870, vua Norodom đại diện cho triều đình Campuchia ký với Thống đốc Nam Kỳ thuộc Pháp bản thỏa ước phân định biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia. Theo đó, biên giới giữa Campuchia và Nam Kỳ thuộc Pháp chính thức được điều chỉnh tại hai khu vực: phần lớn vùng lồi Svay Teep và vùng bờ bắc kênh Vĩnh Tế được cắt về Campuchia. Ngược lại, một phần đất nhỏ thuộc thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông giao cho chính quyền Nam Kỳ quản lý.
Ngày 17.6.1884, Pháp buộc Norodom ký Hiệp ước “bảo hộ”. Thống đốc Nam Kỳ là Charles Antoine Francois Thomson dẫn một đội quân mang súng ống và lưỡi lê xông vào cung điện nhà vua, yêu cầu Norodom ký vào bản Hiệp ước đã được viết sẵn. Hiệp ước có nội dung chính là:
1. Vua Campuchia chấp nhận mọi cải cách về hành chính, tư pháp, tài chính, thương nghiệp do chính phủ Pháp tiến hành.
2. Các quan chức bản xứ ở các tỉnh được giữ nguyên nhưng phải chịu sự kiểm soát và điều khiển của Pháp.
3. Các ngành thuế vụ, thương chính, giao thông trở thành những ngành riêng do quan chức người Pháp nắm giữ.
4. Chính phủ Pháp giữ quyền bổ nhiệm các viên công sứ người Pháp đứng đầu các tỉnh. Công sứ có quyền duy trì trật tự, trị an và kiểm soát các nhà chức trách địa phương. Công sứ chịu sự điều khiển của khâm sứ, khâm sứ đặt dưới quyền của Thống đốc Nam Kỳ.
Thời gian sau đó, với sự bổ sung của Hiệp ước Norodom - Paul Dumer năm 1897 Campuchia đã chính thức biến thành thuộc địa của Pháp. Năm 1904, Norodom băng hà tại cung điện ở Phnom Penh, em trai ông là Sisowath đã thay ông lên làm vua Campuchia.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tìm hiểu đất nước Campuchia anh hùng, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1979.
- D. G. E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
- Phan Ngọc Liên (chủ biên), Nghiêm Đình Vỳ, Đinh Ngọc Bảo, Trần Thị Vinh, Lược sử Đông Nam Á, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999.
- Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002.
- Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á - lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015.
- John Tully, A short history of Cambodia: From empire to survival (Lịch sử Campuchia giản lược: Từ đế chế đến hồi sinh sau nạn diệt chủng), Crows Nest, Allen& Unwin, 2005.