Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lamarck
Phiên bản vào lúc 16:46, ngày 26 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “thumb|Họa phẩm chân dung Lamarck vẽ bởi Charles Thévenin, k. 1802{{sơ}}'''Lamarck''' (1744 - 1829) là…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Họa phẩm chân dung Lamarck vẽ bởi Charles Thévenin, k. 1802

Lamarck (1744 - 1829) là một nhà tự nhiên học - sinh vật học ở Pháp, tên thật là Jean-Baptiste Lamarck, người đầu tiên đề xuất ý tưởng về quá trình tiến hóa của sinh vật diễn ra theo quy luật tự nhiên.

Lamarck sinh ở miền Bắc nước Pháp trong một gia đình công giáo quý tộc nghèo. Lúc nhỏ, ông đăng ký vào học tại một trường cao đẳng Dòng Tên theo mong muốn của cha. Sau khi cha mất năm 1760, Lamarck gia nhập quân đội, tham gia trong chiến tranh Pháp – Phổ và đã lập chiến công, được thăng chức khi mới 17 tuổi. Nhưng ngay sau đó ông bị mắc bệnh viêm các tuyến bạch huyết ở cổ và phải trở về Paris để điều trị. Sau khi giải ngũ, ông vào học trường Y trong 4 năm và làm thêm trong văn phòng một ngân hàng. Sau đó, ông bỏ trường Y và bắt đầu quan tâm tới thực vật học, đặc biệt là sau chuyến thăm Jardin du Roi và trở thành học trò của Bernard de Jussieu, một nhà tự nhiên học nổi tiếng người Pháp. Dưới sự dẫn dắt của Bernard de Jussieu, Lamarck đã dành 10 năm để nghiên cứu hệ thực vật của Pháp. Kết quả nghiên cứu được ông công bố năm 1778 trong cuốn sách Flore Francaise (Hệ thực vật nược Pháp) gồm 3 tập. Cuốn sách được hoan nghênh nhiệt liệt và ông trở nên nổi tiếng ở Pháp. Cũng nhờ đó, ông được bổ nhiệm là trợ lí cho Jadin des Plantes, một nhà thực vật học làm việc tại Vườn thực vật hoàng gia và tiếp tục làm trợ lí tại Vườn thực vật của nhà vua (Jardin du Roi) cho đến năm 1793. Cũng vào năm này, ông đã đề xuất và được chấp nhận đổi tên Vườn thực vật hoàng gia thành Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia (Musée National d'Histoire Naturelle). Tại đây, ông đã tiến hành sưu tập và nghiên cứu về loài động vật không xương sống. Từ năm 1809 ông bắt đầu xuất bản một loạt sách về động vật không xương sống và cổ sinh vật học. Trong số này, cuốn Philosophie zoologique (Triết học động vật), xuất bản năm 1809, trình bày rõ ràng nhất các lý thuyết tiến hóa của Lamarck. Tuy nhiên, học thuyết của ông đã không được ủng hộ trong giai đoạn đó và ông luôn phải sống trong sự đói nghèo. Từ khoảng năm 1818, ông bắt đầu mất thị lực và bị mù hoàn toàn vào cuối đời. Ông qua đời vào ngày 28 tháng 12 năm 1829.

Trong các công trình đã công bố của mình, Lamarck đã dần phát triển học thuyết về sự tiến hóa tự nhiên của giới sinh học. Ông là một trong những người đầu tiên sử dụng thuật ngữ sinh học theo nghĩa hiện đại của nó. Đi trước Darwin, Lamarck đã nêu lên những nguyên lí cơ bản của quá trình tiến hóa. Theo ông, môi trường sống thay đổi một cách chậm chạp và liên tục theo những hướng khác nhau. Vì vậy, sinh vật chủ động thích ứng với môi trường bằng cách thay đổi tập quán hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Cơ quan nào hoạt động nhiều thì liên tục phát triển, cơ quan nào không hoạt động thì dần dần tiêu biến. Các đặc điểm thích nghi này luôn được di truyền lại cho thế hệ sau. Dần dần, từ một loài ban đầu đã hình thành các loại khác nhau thích nghi với điều kiện sống khác nhau và không có loài nào bị diệt vong. Với quan điểm này, Lamarck đã chứng minh rằng, thế giới sinh vật kể cả loài người, là một sản phẩm của quá trình phát triển liên tục, từ đơn giản đến phức tạp. Đồng thời, ông đã bước đầu giải thích được cơ chế tác động của ngoại cảnh thông qua việc sử dụng hay không sử dụng các cơ quan trong cơ thể và sự di truyền cho đời sau các tập tính đã thu được.

Lamarck đã xây dựng một trong những khung lý thuyết đầu tiên về sự tiến hóa hữu cơ. Mặc dù lý thuyết này không được ủng hộ lúc đương thời, nhưng ý tưởng của ông và cách ông cấu trúc lý thuyết của mình, đã tạo sự khởi đầu cho tư duy trong sinh học tiến hóa cho đến ngày nay.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. G.N.Machusin, Nguồn gốc loài người, Nxb. Mir, Matxcova, bản dịch của Phạm Thái Xuyên, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1986.
  2. Phạm Thành Hồ, Nguồn gốc loài người, Nxb. Giáo dục, Cần Thơ, 2001.
  3. Nguyễn Đình Khoa, Nguồn gốc loài người trong tiến hóa, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  4. История первопытной общины, Том I. изд. Наука, Москва, 1983. (Lịch sử công xã nguyên thủy, tập 1, Nxb. Khoa học, Matxcova, 1983).