Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
"Kỳ tích sông Hán"
Phiên bản vào lúc 16:42, ngày 26 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''"Kỳ tích sông Hán"''' thuật ngữ chỉ giai đoạn phát triển kinh tế nhanh chóng, quá trình phát triển đáng kinh ngạc c…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

"Kỳ tích sông Hán" thuật ngữ chỉ giai đoạn phát triển kinh tế nhanh chóng, quá trình phát triển đáng kinh ngạc của Hàn Quốc sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, chứng kiến sự chuyển biến từ nước đang phát triển trở thành nước phát triển. Thuật ngữ này được mô phỏng từ “Kỳ tích sông Rhin” khi nói về sự phục hồi của kinh tế Đức sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Từ năm 1911 đến năm 1945, Hàn Quốc là thuộc địa, nơi khai thác và thị trường của Nhật Bản. Sau khi giành độc lập, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Tiếp đó, đất nước bị tàn phá nặng nề sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), là nước nông nghiệp lạc hậu trong thời kỳ lãnh đạo của chính quyền Rhee Syngman (1953 - 1960). Người được coi là “tác giả”, trực tiếp khởi xướng và dẫn dắt Hàn Quốc tạo ra “Kỳ tích sông Hán” là Tổng thống Park Chung-hee (giữ chức vụ từ năm 1962 đến năm 1979). Học tập mô hình kinh tế dưới sự quản lý và điều hành có hiệu quả của Nhà nước ở Liên Xô, Park Chung-hee đã triển khai các kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ nhất (1962 - 1966), lần hai (1967 - 1971), lần ba (1972 - 1976). Đây là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc từ thời kỳ này. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất tuy không tạo ra sự thay đổi đáng kể đối với nền kinh tế nhưng đã đặt cơ sở hạ tầng cho giai đoạn sau. Chính phủ của Park Chung-hee quyết định hi sinh công nghiệp nhẹ để tập trung phát triển công nghiệp nặng và hướng về xuất khẩu để thay thế cho nền kinh tế hướng nội kém hiệu quả. Các ngành công nghiệp nặng được ưu tiên phát triển: hóa chất, xi măng, dầu, sắt thép, đóng tàu, sau đó là điện tử, ô tô, hệ thống đường bộ, đường sắt và bến cảng được cải thiện và xây dựng mới. Bên cạnh công nghiệp, chương trình Saemau Udong (phong trào Cộng đồng mới) được triển khai từ ngày 22.4.1970 nhằm hiện đại hóa nông thôn, làm thay đổi bộ mặt các vùng khó khăn và đời sống của nông dân, giải quyết tình trạng thiếu lương thực, đặt cơ sở cho sự cất cánh của nền kinh tế. Điểm nổi bật nhất trong chính sách của Park Chung-hee là đầu tư và dành nhiều ưu đãi cho các tập đoàn sở hữu gia đình (cheabol), nhờ đó, 10 cheabol đã đóng góp 60% vào “Kỳ tích sông Hán”. Các cheabol đã gánh vác trách nhiệm đưa kinh tế Hàn Quốc phát triển.

Sự phát triển kinh ngạc này được minh chứng qua rất nhiều lĩnh vực. Trước hết, tổng giá trị kinh tế Hàn Quốc đạt quy mô chưa từng có: từ 156,2 tỉ won (năm 1966) tăng lên 4.075,1 tỉ won (năm 1976), tức tăng 26 lần. Tổng sản phẩm quốc gia GNP tăng từ 1,95 tỉ USD (năm 1960) lên 62,37 tỉ USD (năm 1979), tức tăng 32,5 lần trong vòng gần 20 năm. Từ năm 1962 đến năm 1975, tốc độ tăng GNP trung bình đạt 10%/năm, đạt 10,8%/năm giai đoạn 1972 đến 1978, và 11,2% từ sau năm 1973. Giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc tăng trưởng thần kỳ từ 32,82 triệu USD (năm 1960) lên 10 tỉ (năm 1977), và 17,5 tỉ (năm 1980), tăng 530,3 lần. Sau năm 1979, xuất khẩu hàng năm vẫn tăng trung bình 21% và đạt 542,2 tỉ USD vào năm 2019. Từ một nước không có công nghiệp, Hàn Quốc đã trở thành nước sản xuất thép thô lớn thứ 14 thế giới. Công nghiệp ô tô phát triển bắt đầu từ sự ra đời của công ty Huyndai vào năm 1968, Hàn Quốc có 14 triệu xe hơi, sản xuất được 1,5 triệu xe các loại và xuất khẩu 347.000 xe hơi và xe tải vào năm 1990. Thu nhập bình quân đầu người cũng chứng tỏ sự tăng trưởng kỳ tích: từ 67 USD (1953), lên 83 USD (năm 1962), 1.000 USD (năm 1977) và 32.115 vào năm 2019. Soeul từ một “thành phố vô vọng” sau các cuộc chiến tranh vươn lên thành phố toàn cầu, trở thành trung tâm kinh tế - tài chính - thương mại - khoa học - công nghệ và văn hóa bậc nhất ở Đông Á và trên toàn thế giới với dân số 10 triệu người.

Lần đầu tiên thế giới biết đến “Kỳ tích sông Hán” là việc Hàn Quốc tổ chức thành công Thế vận hội năm 1986 tại Seoul, sau đó là Thế vận hội năm 1988 và là đồng tổ chức World Cup 2002 với Nhật Bản. Các cheabol như Samsung, LG và Huyndai đã phát triển quy mô tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Từ đầu thập niên 1990, Hàn Quốc trở thành một trong những nước công nghiệp mới lớn nhất, một trong bốn con Rồng kinh tế châu Á cùng với Đài Loan, Singapore và Hồng Kông. Tháng 12.1996, Hàn Quốc trở thành thành viên thứ 29 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD - tổ chức kinh tế lớn nhất thế giới. Với tốc độ tăng trưởng GDP gấp 3 lần (từ 504,6 tỉ USD năm 2001 lên 1.646,3 tỉ năm 2019), Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, thuộc nhóm nước G-20 vào năm 2010.

Nguyên nhân dẫn đến “kỳ tích” này trước tiên là do chính sách quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt dưới thời Tổng thống Park Chung-hee, sự lớn mạnh của các tập đoàn sở hữu gia đình (cheabol) dưới sự bảo trợ của Nhà nước, cùng với tinh quyết tâm làm việc đến “tận xương tủy” của nhân dân Hàn Quốc để phát triển đất nước. Yếu tố bên ngoài xuất phát từ sự trợ giúp về kinh tế và kĩ thuật của Mỹ và các nước phương Tây, đặc biệt là Nhật Bản thông qua Hiệp ước về nền tảng quan hệ Nhật - Hàn ngày 22.6.1965. Theo Hiệp ước này, Nhật Bản cung cấp cho Hàn Quốc 800 triệu USD dưới dạng “hợp tác kinh tế” bao gồm viện trợ, cho vay và cho vay tín chấp tư nhân. Số tiền này được sử dụng vào các dự án phát triển công nghiệp nặng tiêu biểu là Công ty sắt thép Pohang. Các nguồn vốn khác từ việc đưa công nhân sang làm việc tại các nước phương Tây, việc buôn bán với thị trường của các nước này và việc Hàn Quốc đưa quân vào Chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1959 đến năm 1970, đã có 3,7 tỉ USD được đưa vào Hàn Quốc với nhiều hình thức, trong đó có 3,4 tỉ là tiền vay.

“Kỳ tích sông Hàn” là một trong những hiện tượng chú ý nhất ở châu Á nửa sau thế kỷ XX: đưa Hàn Quốc từ một nước nghèo đói trở thành cường quốc kinh tế chỉ trong một thế hệ. Tuy nhiên, “kỳ tích” này cũng dẫn đến những cuộc đấu tranh xã hội và biến độn chính trị diễn ra liên tục từ cuối thập niên 1970 và sự xuất hiện hiện tượng “bong bóng kinh tế”, dẫn đến sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Vĩnh Sơn, Tìm hiểu Hàn Quốc, Trung tâm Quốc gia biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 1996.
  2. You Yong-tae, Park Jin-woo, Park Tea-gyun, Một góc nhìn Đông Á cận hiện đại, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011.
  3. Kim Byung-kook, Ezra F. Vogel, Kỷ nguyên Park Chung-hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.
  4. Lê Tùng Lâm, Hàn Quốc dưới chế độ độc tài phát triển Park Chung-hee (1961 - 1979), NXB Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, 2020.
  5. George E. Ogle, South Korea: Dissent Within the Economic Miracle, London & New Jersey: Zed Books, 1990. (George E. Ogle, Hàn Quốc: Bất đồng trong phép lạ kinh tế, London & New Jersey: Zed Books, 1990)
  6. Peter H. Lee, Wm. Theodore de Bary; Yongho Ch'oe, Sources of Korean Tradition, Vol. 2: From the Sixteenth to the Twentieth Centuries, Columbia: Columbia University Press, 2000. (Peter H. Lee, Wm. Theodore de Bary; Yongho Ch'oe, Nguồn gốc của truyền thống Hàn Quốc, Tập 2: Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX, Columbia: Columbia University Press, 2000.)
  7. Jurgen Kleiner, Korea: A Century of Change, World Scientific Publishing Company, 2001. (Jurgen Kleiner, Hàn Quốc: Một thế kỷ thay đổi, Công ty xuất bản Thế giới khoa học, 2001)
  8. Lee Byeong-Cheon, Developmental Dictatorship and The Park Chung-hee Era: The Shaping of Modernity in the Republic of Korea, Homa & Sekey Books, 2005. (Lee Byeong-Cheon, Chế độ độc tài phát triển và Kỷ nguyên Park Chung-hee: Định hình tính hiện đại của Hàn Quốc, Homa & Sekey Books, 2005)
  9. Brian Bridges, The Seoul Olympics: Economic Miracle Meets the World, The International Journal of the History of Sport, 25 (14), 2008. (Brian Bridges, Thế vận hội Seoul: Nền kinh tế thần kỳ chào đón thế giới, Tạp chí Lịch sử Thể thao quốc tế, số 25 (14), 2008)
  10. Kim Hyung-a, Clark W. Sorensen, Reassessing the Park Chung Hee Era, 1961-1979: Development, Political Thought, Democracy, and Cultural Influence, Center For Korea Studies Publications, 2011. (Kim Hyung-a, Clark W. Sorensen, Nhìn lại Kỷ nguyên Park Chung-hee, 1961 – 1979: Sự phát triển, tư duy chính trị, dân chủ và ảnh hưởng văn hóa, Trung tâm Xuất bản Nghiên cứu Hàn Quốc, 2011)
  11. Lee Chong-sik, Park Chung-Hee: From Poverty to Power, KHU Press, 2012. (Lee Chong-sik, Park Chung-hee: Từ nghèo đói đến quyền lực, KHU, 2012)