Khởi nghĩa ở Acheh (1873 - 1903) cuộc khởi nghĩa của nhân dân Acheh ở phía bắc của đảo Sumatra (thuộc Indonesia), nhằm chống lại sự xâm lược của thực dân Hà Lan, kéo dài từ năm 1873 đến năm 1903, cg. Chiến tranh Acheh.
Acheh là vương quốc Hồi giáo được hình thành khoảng thế kỷ XV, ở phía Bắc của đảo Sumatra (Indonesia ngày nay). Với vị trí địa lý thuận lợi, án ngữ con đường giao thương quốc tế từ phía Tây qua Eo biển Malacca tới Đông Nam Á, từ khi ra đời Acheh đã trở thành địa điểm tranh giành ảnh hưởng của các thế lực trong vùng. Từ đầu thế kỷ XVII, các thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ…đã thường xuyên lui tới các cảng thị của Acheh và tích cực thiết lập quan hệ với các thủ lĩnh địa phương. Mặc dù cả Hà Lan và Anh đều có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Bắc Sumatra, cho đến giữ thế kỷ XIX, Acheh vẫn duy trì là một quốc gia Hồi giáo độc lập.
Sau khi kênh đào Suez được khai thông năm 1869, địa vị của Acheh càng trở nên quan trọng. Các nước tư bản như Pháp và Mỹ đều cố gắng tìm cách để thâm nhập và kiểm soát các cảng thị của vương quốc Hồi giáo này. Trong khi đó, Anh không thể chấp nhận Acheh trở thành một thương cảng quốc tế dưới danh nghĩa một quốc gia độc lập. Anh lo sợ nếu Acheh rơi vào tay cường quốc như Mỹ và Pháp thì sẽ trở thành mối đe dọa lớn cho các thuộc địa của Anh ở Ấn Độ và bán đảo Malaya. Vì vậy, năm 1871, Anh ký kết “Điều ước Sumatra” với Hà Lan, trong đó quy định Hà Lan nhượng thuộc địa Bờ biển vàng (Gold Coast) ở châu Phi cho Anh, và đổi lại Anh đồng ý rút lui ra khỏi Acheh, không can thiệp tới việc Hà Lan xâm lược vương quốc này.
Ngày 26.3.1873, Hà Lan lấy cớ trị an trên biển Bắc của đảo Sumatra, đã gửi một thông điệp đến Hồi quốc Acheh yêu cầu được quyền tiếp quản chủ quyền về kinh tế tại Acheh. Sau khi bị từ chối, Hà Lan bèn tuyên chiến với Acheh. Ngày 8.4.1873, 3000 quân do tướng Kohler chỉ huy đổ bộ lên Acheh. Nhân dân Acheh đã anh dũng chiến đấu, ngăn chặn sự chiếm đóng của quân đội Hà Lan, kiên cường bảo vệ vương quốc với tài bắn súng, bắn cung tên và lòng quả cảm tuyệt vời. Sau 17 ngày đổ bộ lên đất Acheh, quân Hà Lan chỉ tiến được vài cây số và bị thiệt hại hơn 1000 người. Nhưng vì quyền lợi thôi thúc, Hà Lan vẫn tiếp tục phái thêm quân đội quay trở lại đánh Acheh. Tháng 10.1873, Hà Lan tổ chức một đợt viễn chinh thứ hai từ Batavia tiến đánh Acheh. Đây là đội quân mạnh nhất cho tới thời điểm bấy giờ với 8500 lính và 4300 người phục vụ hậu cần, cộng với 1500 lính được tuyển từ vương quốc Padang gần đó. Mặc dù quân dân Acheh kháng cự quyết liệt, Hà Lan đã chiếm được thủ đô của Acheh. Với việc chiếm được thủ đô Acheh, Hà Lan hi vọng chính quyền Acheh sẽ đầu hàng. Tuy nhiên, quân đội Acheh đã nhanh chóng rút vào rừng và cùng với nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh du kích, thường xuyên đột kích quân Hà Lan. Thấy không thể khuất phục Acheh ngay được, Hà Lan đành phải thực hiện chính sách đồn trú.
Năm 1874, Hà Lan tuyên bố Acheh trở thành khu vực phụ thuộc, được sáp nhập vào khu vực cai quản của Hà Lan. Binh lính Hà Lan đã xâm nhập vào cung điện, nhưng các binh sĩ Hồi giáo đã nhanh chóng tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược, theo cách gọi của người Hồi giáo Indonesia là jihad hay perang, nghĩa là “thánh chiến”. Trong cuộc chiến tranh chống xâm lược của Acheh đã xuất hiện rất nhiều anh hùng dân tộc, mà tù trưởng Teuku Umar là một hình mẫu điển hình. Năm 1893, Teuku Umar giả hàng phục quân Hà Lan, ngỏ ý muốn giúp thực dân Hà Lan truy lùng các lãnh tụ khởi nghĩa ở các vùng thôn quê. Thực dân Hà Lan vì muốn sớm thoát ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài, nên đã cấp cho Teuku Umar nhiều súng đạn và tiền bạc, với ý đồ dùng người Acheh để đánh người Acheh. Tuy nhiên, cuối cùng Teuku Umar đã sử dụng chính vũ khí của Hà Lan để trang bị cho quân đội Acheh, khiến cho quân Hà Lan bị tổn thất nặng nề. Trong một trận chiến vào năm 1899, Teuku Umar đã anh dũng hi sinh.
Sau hơn 30 năm chiến tranh với nhiều tổn thất nặng nề, Hà Lan nhận ra rằng, người Acheh sẽ không bao giờ chịu khuất phục. Vì vậy, song song với các hoạt động quân sự tấn công vào các vùng nông thôn và miền rừng núi của quân khởi nghĩa, thực dân Hà Lan tích cực sử dụng chính sách mua chuộc tầng lớp trên của giai cấp phong kiến Acheh, khôi phục chế độ thừa kế lãnh chúa của họ và ban cho họ nhiều chức tước, cấp chọ họ bổng lộc. Đứng trước sự uy hiếp và dụ dỗ của thực dân Hà Lan, các lãnh chúa phong kiến của Acheh đã nối tiếp nhau đầu hàng. Năm 1903, Hồi vương Acheh tuyên bố hàng phục quân Hà Lan sau khi nhiều thành viên của hoàng gia đã bị quân Hà Lan bắt giữ. Sự kiện này về cơ bản đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh Acheh. Tuy nhiên, mặc dù giới hoàng gia đã đầu hàng, nhân dân Acheh vẫn tiếp tục tiến hành chiến tranh du kích chống lại quân Hà Lan. Cho đến năm 1913, các lực lượng khởi nghĩa còn lại ở Acheh mới cơ bản bị đánh dẹp. Cuộc chiến tranh của nhân dân Acheh được đánh giá là cuộc chiến tranh dài nhất và gian khổ nhất ở Indonesia chống lại thực dân. Đây cũng là cuộc chiến tranh thuộc địa kéo dài và tốn kém nhất của Hà Lan. Sự kết thúc của cuộc Chiến tranh Acheh (1873 - 1903) cũng đánh dấu việc Hà Lan đã hoàn thành xong công cuộc chinh phục thực dân toàn bộ quần đảo Indonesia.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- D. G. E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997.
- Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng, Lịch sử thế giới cận đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002.
- Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á - lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015.
- Anthony Reid, The contest for North Sumatra, Atjeh, the Netherlands and Britain 1858-1898 (Cuộc tranh giành Bắc Sumatra giữa Acheh, Hà Lan và Anh giai đoạn 1858-1898), Oxford University Press, London, 1969.
- E. Locher-Scholten, Sumatran sultanate and colonial state; Jambi and the rise of Dutch imperialism, 1830-1907 (Hồi vương Sumatra và nhà nước thuộc địa: Jambi và sự nổi lên của chủ nghĩa đế quốc Hà Lan, giai đoạn 1830-1907), Cornell University Press, Ithaca, NY, 2003.