Hồng Tú Toàn lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc chống lại Triều đình Mãn Thanh ở Trung Quốc, dẫn tới thành lập một nhà nước ở Nam Kinh do ông làm vua, đối lập với nhà nước Mãn Thanh.
Tự là Hỏa Tú, còn có tên là Nhân Khôn, sinh ngày 1.1.1814 trong một gia đình trung nông ở thôn Phúc Nguyên Thủy, huyện Hoa (nay là quận Hoa Đô,thành phố Quảng Châu), tỉnh Quảng Đông. Cha ông là Hồng Cạnh Dương, mẹ là Vương Thị. Khi còn nhỏ, ông học hành thông minh, 13 tuổi có thể đọc thuộc Tứ thư Ngũ kinh. Năm 15 tuổi, gia đình gặp khó khăn, ông phải nghỉ học ở nhà giúp đỡ gia đình và trở thành thày đồ dạy trẻ trong làng. Năm 1836, thi tú tài ở Quảng Châu, nhưng không đỗ, thi lại bốn lần đều bị trượt. Sau đó, ông chuyển đến sống tại thôn Quan Lộc, rồi kết hôn với Lại Tích Anh, làm thục sư tại Thư Phòng các và một số trường học ở Liên Hoa Đường.
Năm 1843, tình cờ đọc cuốn Lời lành răn đời của Hội Truyền bá Thiên Chúa giáo, xuất bản ở Quảng Châu, nhân đang sẵn có tâm lý bất mãn với chế độ khoa cử và sự hủ bại của triều đình Mãn Thanh, Hồng Tú Toàn đi theo chủ nghĩa bình đẳng của đạo Thiên Chúa, sáng lập ra hội Bái Thượng đế để tập hợp người dân chống lại chính quyền Mãn Thanh.
Năm 1844, ông cùng Phùng Văn Sơn dời quê hương đến vùng núi tỉnh Quảng Tây truyền đạo, phát triển hội viên . Trong hội Bái Thượng đế, các hội viên nam nữ đều bình đẳng và coi nhau như anh em,Thượng đế là chân thần duy nhất. Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa sắp tới, trong những năm 1845 -1846, Hồng Tú Toàn viết một loạt sách như Nguyên đạo cứu thế ca, Nguyên đạo tỉnh thế huấn, Nguyên đạo giác thế huấn,… Tỉnh Quảng Đông và tỉnh Quảng Tây mấy năm liền mất mùa, người dân đói khổ lại thêm sự bóc lột nặng nề bởi phong kiến Mãn Thanh, họ náo nức đi theo Bái Thượng đế hy vọng thoát khỏi cuộc sống khó khăn. Vì thế, lực lượng hội phát triển nhanh chóng.
Mùa hè năm 1850, Hồng Tú Toàntập hợp lực lượng khởi nghĩa tại thôn Kim Điền, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây và kêu gọi khởi nghĩa. Mùa đông năm đó có hàng vạn người dưới sự chỉ huy của Dương Tú Thanh, Tiêu Triều Quý kéo về Kim Điền chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 1.1.1851, cuộc khởi nghĩa bùng nổ với hiệu là Thái Bình Thiên Quốc, nghĩa quân đánh đuổi phong kiến gian ác, phá hủy nha môn, Khổng miếu, tiêu hủy văn tự, khế ước nợ nần, lấy lại ruộng đất của địa chủ chia cho người nghèo, …
Tháng 9. 1851, khi quân Thái Bình chiếm được châu Vĩnh An (nay là huyện Mông Sơn), Hồng Tú Toàntuyên bố thành lập Thái Bình Thiên Quốc, tự xưng Thiên vương và phân phong cho các tướng lĩnh. Ngày 8.3.1853, quân Thái Bình tiến vào Nam Kinh, ngày 19.3 chiếm được thành này và ông đặt Nam Kinh làm kinh đô của Thái Bình Thiên Quốc, gọi là Thiên Kinh. Hồng Tú Toàn ban hành chế độ “Thiên triều điền mẫu”, là cương lĩnh về ruộng đất của nhà nước Thái Bình Thiên Quốc, đồng thời ông cũng quy định việc tổ chức chính quyền và các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục,… Trong đó, mọi người đều có quyền sở hữu một mảnh đất do Thượng đế ban cho, “có ruộng cùng cày; có cơm cùng ăn, có áo cùng mặc, có tiền cùng tiêu; không nơi nào là không công bằng; không người nào là không no ấm”. Nhà nước Thái Bình Thiên Quốc còn quy định nam nữ bình quyền, chế độ một vợ một chồng, phụ nữ được học hành, thi cử như nam giới, được đi lính, làm tướng lĩnh, …
Sau khi chiếm được Nam Kinh, Hồng Tú Toàn ra lệnh Tây chinh, Đông chinh và Bắc phạt với những mục tiêu khác nhau. Cuộc Bắc chinh với mục tiêu đánh bại triều đình Mãn Thanh nhưng bị thất bại. Cuộc Đông chinh và Tây chinh trên đường tiến quân thu được nhiều thắng lợi, nhưng vì sự biến Dương – Vi nên phải lui quân.
Từ khi chiếm được Vĩnh An, Dương Tú Thanh, trên thực tế, nắm mọi quyền hành, tự cao, tự đại, lạm dụng cả quyền của Hồng Tú Toàn, làm cho ông bị rơi xuống địa vị thứ yếu, chỉ giữ hư vị ở ngôi Thiên vương. Các tướng lĩnh khác đều mâu thuẫn với Dương Tú Thanh. Khi chiếm được Nam Kinh, cả Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh đều kiêu căng và sống xa hoa, biến chất, thù hằn lẫn nhau và chờ dịp thanh toán nhau. Dương Tú Thanh đòi được tung hô “vạn tuế” ngang với Hồng Tú Toàn Sau khi chấp nhận đòi hỏi của họ Dương, Hồng Tú Toàn nhận thấy nguy cơ bị hất khỏi ngôi vương ngày càng đến gần, ông mật gọi Vi Xương Huy từ Giang Tây về loại trừ họ Dương. Nửa đêm ngày 2.9.1856, Huy đem 3000 quân vây phủ Đông vương, bắt Dương Tú Thanh, gia quyến và những người thân thích đem giết. Thạch Đạt Khai đang làm cuộc Tây chinh thắng lợi, nghe tin Thiên Kinh có biến, liền bỏ cuộc kéo quân về khuyên ngăn, nhưng Vi không nghe, còn định giết luôn cả ông. Thạch Đạt Khai một mình trốn thoát khỏi Thiên Kinh chạy về An Khánh, nhưng gia quyến bị Vi giết hết. Căm ghét hành động dã man này, tháng 11.1856, các tướng lĩnh ở Thiên Kinh nổi lên giết Vi Xương Huy. Sau đó, Hồng Tú Toàn liền gọi Thạch Đạt Khai về ổn định triều chính, nhưng khi về họ Thạch cũng như các tướng khác không được Thiên vương tin tưởng nữa. Trước tình hình đó, họ Thạch cùng 10 vạn quân ra đi với cuộc tiến quân vô mục đích và cuối cùng bị tiêu diệt. Lúc này, Hồng Tú Toàn trao quyền chỉ huy cho tướng trẻ Trần Ngọc Thành. Sau cuộc Chiến tranh thuốc phiện lần 2 (1857 – 1860), các nước phương Tây đã giúp nhà Thanh trấn áp Thái Bình Thiên Quốc, Trần Ngọc Thành khuyên Hồng Tú Toàn rời bỏ Nam Kinh, nhưng ông không nghe. Mùa xuân 1864, Thiên Kinh bị bao vây. Ngày 1.6.1864, Hồng Tú Toàn uống thuốc độc tự tử. Ngày 19.7.1864, Thiên Kinh thất thủ.
Hồng Tú Toàn đã tổ chức và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân quy mô lớn nhất, đẫm máu nhất trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài 14 năm, trải rộng 17 tỉnh thành, nhưng ông cũng sớm chấm dứt sự nghiệp do những sai lầm của mình.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Văn Hồng, Vũ Dương Ninh, Võ Mai Bạch Tuyết, Lịch sử thế giới cận đại, quyển III, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1985.
- Đặng Đức An (chủ biên), Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, Nxb. Giáo dục, 2000.
- Phạm Ngọc Tân (chủ biên), Nguyễn Văn Tuấn, Hoàng Hải Yến, Giáo trình Lịch sử Thế giới cận đại, Nxb. Đại học Vinh, 2020.