Hội Thượng đế tổ chức tôn giáo bí mật đặc biệt do Hồng Tú Toàn sáng lập vào năm 1843 với mục đích lật đổ sự thống trị của nhà Thanh, là tiền thân của Thái Bình Thiên Quốc, cg. Bái Thượng đế hội, Thái Bình Cơ đốc giáo.
Vào giữa thế kỷ XIX, Hồng Tú Toàn đã thực hiện một chuyến đi đặc biệt đến Quảng Châu để học giáo lý Cơ đốc giáo. Ông được một giáo sĩ tặng cho một quyển sách của Cơ đốc giáo tên là “Khuyến thế lương ngôn” (Những lời tốt đẹp để khuyên đời). Sau một trận ốm nặng, Hồng Tú Toàn bắt đầu tìm hiểu và chịu ảnh hưởng của cuốn sách này. Ông tự xưng là con trai của Đức chúa cha Jehovah, em trai của Jesus Christ, giáng thế để cứu nhân loại đang chịu khổ. Tháng 6.1843, Hồng Tú Toàn cùng với anh họ Lý Kính Phương làm lễ rửa tội và tuyên bố họ đã quy y theo đạo của Đức Chúa trời, sáng lập ra Hội Thượng đế.
Năm 1844, Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn đập phá tượng thờ Phật giáo và Đạo giáo, vứt bỏ bài vị của Khổng Tử.
Từ năm 1845 đến năm 1847, Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn có những hoạt động tích cực để xây dựng Hội Thượng đế.
Hồng Tú Toàn chủ yếu lo việc xây dựng lý luận. Ông kết hợp giáo lý của Cơ đốc giáo nguyên thủy với những khát vọng của người nông dân Trung Quốc như bình đẳng, bình quân và bình quyền, phản đối áp bức, bóc lột,… Ông viết nhiều bài lý luận như: Nguyên đạo cứu thế ca, Nguyên đạo tỉnh thế huấn, Nguyên đạo giác thế huấn,… Trong những tác phẩm đó, Hồng Tú Toàn đã đề xuất tư tưởng bình đẳng về chính trị. Ông cho rằng, Thượng đế của Cơ đốc giáo và Trời trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc là một. Thượng đế đối với tất cả mọi người đều như nhau. Mọi người đều bình đẳng trước Thượng đế. Ông đem quan niệm “mọi người đều là anh em” của Cơ đốc giáo phát triển thành “mọi người trong thiên hạ đều là anh em”. Ông cho rằng, trong thiên hạ có bao nhiêu người đàn ông thì đều là anh em với nhau cả; có bao nhiêu người đàn bà, đều là chị em cả. Tại sao lại chia ranh giới, phe này phe kia? Tại sao lại có ý nghĩa giành giật thôn tính nhau? Rồi ông kết luận, chỉ có phe diệt trừ hết loài yêu ma làm trái chân đạo của thượng đế thì mới có thể biến “cuộc đời giành giật đấu tranh” thành “cuộc đời công bằng chính trực”, mới có thể biến “thiên hạ cùng một nhà” cùng nhau chung hưởng thái bình.
Trong khi đó, Phùng Vân Sơn tích cực xây dựng tổ chức ở Quảng Tây. Đến năm 1847, hội viên của Hội Thượng đế lên đến hơn 3.000 người. Dương Tú Thanh, Tiêu Triêu Quý, Vi Xương Huy, Thạch Đạt Khai, Trần Nhật Cương, Hồ Dĩ Hoãn,… lần lượt gia nhập Hội Thượng đế. Hồng Tú Toàn cùng với Hội Thượng đế bí mật thành lập quân đội, chế tạo vũ khí và quân giới, chuẩn bị quân khí và xây dựng một đội vũ trang. Thôn Kim Điền, huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây trở thành cơ sở quan trọng của Hội Thượng đế. Năm 1850, ở Quảng Tây xảy ra thiên tai, một số lớn dân nghèo phải tìm lối thoát. Nhiều vụ nổi loại của nhân dân liên tiếp xảy ra. Cùng với đó, các cuộc xung đối giữa Hội Thượng đế và các đội vũ trang của cường hào địa phương ngày càng quyết liệt.
Nhận thấy thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi. Hồng Tú Toàn lệnh cho Hội Thượng đế ở các địa phương tập trung tại thôn Kim Điền. Ngày 11.1.1851, Hồng Tú Toàn lãnh đạo Hội Thượng đế khởi nghĩa tại thôn Kim Điền, lấy quốc hiệu là Thái Bình Thiên Quốc. Hồng Tú Toàn sử dụng danh nghĩa của Hội Thượng đế, niềm tin của đại bộ phận quần chúng nhân dân phát động một cuộc khởi nghĩa vũ trang chống lại nhà Thanh. Đến đây, Hội Thượng đế đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình với tư cách là một tổ chức tập hợp các tầng lớp nhân dân Trung Quốc chống lại nhà Thanh.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- Cát Kiếm Hùng (chủ biên), Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.
- 太平天国历史博物馆编,太平天国文书汇编,中华书局,1979年 (Bảo tàng lịch sử Thái Bình Thiên Quốc, Thái Bình Thiên Quốc văn thư hội biên, Trung Hoa thư cục, 1979).
- 王庆成,太平天国的历史和思想,中华书局,1985年 (Vương Khánh Thành, Lịch sử và tư tưởng của Thái Bình Thiên Quốc, Trung Hoa thư cục, 1985).