Hiệp ước Aungsan - Attlee (1947) hiệp ước về tương lai của nền độc lập Miến Điện, đặt nền tảng quan trọng cho sự ra đời của Liên bang Miến Điện. Hiệp ước được ký kết ngày 27.1.1947 giữa đoàn đại biểu Hội đồng hành pháp Miến Điện do Ang San dẫn đầu và Chính phủ hoàng gia Anh do Thủ tướng Anh Clement Attlee làm đại diện. Trước sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh giành độc lập ở Miến Điện và uy tín của Aung San trong các tổ chức đấu tranh đòi độc lập cho Miến Điện, cuối năm 1946, Thủ tướng Anh Clement Attlee đã mời Aung San sang London để đàm phán về nền độc lập cho Miến Điện.
Ngày 9.1.1947, đoàn đàm phán của Miến Điện đến London nhưng phải tới ngày 13.1.1947, các cuộc đàm phán mới chính thức bắt đầu. Các phiên họp diễn ra khá căng thẳng khi hai bên không chấp nhận nhượng bộ về các vấn đề quan trọng. Sau hai tuần đàm phán, ngày 27.1.1947, Hiệp ước được Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Anh Attlee và Trưởng đoàn đoàn đàm phán Miến Điện Aung San ký tại số nhà 10, phố Downing, London. Hai thành viên trong đoàn đàm phán của Miến Điện là Thakin Ba Sein (lãnh đạo Đảng Cộng sản Miến Điện) và U Saw (Ủy viên Hội đồng hành pháp Miến Điện) không tán thành các nội dung của hiệp ước này.
Hiệp ước Aung San - Attlee gồm 10 điều về tương lai của nền chính trị Miến Điện, bao gồm việc thành lập hội đồng lập hiến, hình thức chính phủ chuyển tiếp, cơ quan lập pháp lâm thời, chính phủ lâm thời, các vấn đề đối ngoại, tư cách thành viên của Miến Điện trong các tổ chức quốc tế, vấn đề quốc phòng, vấn đề biên giới, vấn đề tài chính, và các vấn đề khác. Hiệp ước cũng bao gồm phụ lục với các điều khoản về tài chính cung cấp cho hoạt động của Chính phủ Miến Điện giai đoạn chuyển tiếp. Hiệp ước quy định về nền độc lập cho Miến Điện sớm nhất có thể nhưng không ấn định thời gian. Sau khi được trao trả độc lập, người Miến Điện có quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia khối Liên hiệp Anh. Trong thời kỳ quá độ, Hội đồng lập hiến sẽ được bầu thay cho Cơ quan lập pháp được thành lập trước đó theo Đạo luật năm 1935; Chính phủ Miến Điện tiếp tục hoạt động theo Đạo luật năm 1935 và Đạo luật năm 1945; Cơ quan lập pháp lâm thời là Hội đồng lập pháp do Chính phủ Hoàng gia Anh thành lập; Chính phủ lâm thời Miến Điện sẽ do Hội đồng điều hành thuộc Toàn quyền Anh ở Miến Điện thành lập. Các vấn đề đối ngoại, quốc phòng do Chính phủ Hoàng gia Anh điều hành. Miến Điện có quyền tự nộp đơn tham gia các tổ chức tài chính quốc tế nhưng nguồn tài chính chủ yếu cho hoạt động của chính phủ lâm thời vẫn do Chính phủ Hoàng gia Anh cung cấp. Trong vấn đề biên giới, Hiệp ước thể hiện sự thống nhất giữa Chính phủ Hoàng gia Anh và đoàn đàm phán Miến Điện về mối quan hệ giữa Chính phủ Miến Điện và các nhóm sắc tộc biên giới. Theo đó, một hội nghị đặc biệt sẽ được triệu tập nhằm thống nhất quan điểm giữa Chính phủ Myanmar và các nhóm sắc tộc về mối quan hệ giữa hai bên trong thời kỳ chuyển tiếp.
Những điều khoản bất bình đẳng của Hiệp ước Aung San - Attlee gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nhóm chính trị ở Miến Điện, đặc biệt là những người cộng sản. Trước những sức ép đó, Aung San yêu cầu thực dân Anh trao trả độc lập hoàn toàn cho Miến Điện trong thời hạn một năm, đồng thời xây dựng một chính phủ dân tộc có đại biểu của Đảng Cộng sản và các tổ chức cánh tả tham gia.
Thực hiện các điều khoản của Hiệp ước Aung San – Attlee, tháng 4.1947, Miến Điện tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến và thành lập Chính phủ lâm thời do Aung San đứng đầu. Quốc hội lập hiến khai mạc phiên họp đầu tiên vào ngày 10.6.1947. Quốc hội đã thông qua bản dự thảo Hiến pháp và tuyên bố Miến Điện độc lập, tách khỏi khối Liên hiệp Anh. Sau Hội nghị lập hiến, Chính phủ lâm thời đã tiến hành đàm phán với chính quyền Anh về việc chuyển giao quyền lực nhưng không có kết quả. Trong bối cảnh đó, ngày 19.7.1947, Aung San và sáu bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời đã bị các phần tử đối lập ám sát. Sự việc này đã làm dấy lên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân Miến Điện. Ngày 20.7.1947, tang lễ của Aung San và các bộ trưởng bị ám sát đã biến thành cuộc diễu hành của trên 10 vạn người. Từ Rangoon, phong trào lan rộng khắp cả nước. Trước sức ép đến từ sự đấu tranh của nhân dân và các lực lượng chính trị Miến Điện, thực dân Anh phải tiến hành đàm phán về việc chuyển giao chính quyền cho Chính phủ lâm thời Miến Điện do U Nu đứng đầu.
Hiệp ước Aung San - Attlee cũng đặt nền tảng quan trọng cho tương lai của mối quan hệ giữa Chính phủ Miến Điện với các nhóm sắc tộc ở các khu vực biên giới. Ngày 12.2.1947, Hội nghị Panglong được tổ chức tại bang Shan giữa chính phủ Miến Điện thuộc Anh và đại diện của các nhóm sắc tộc Chin, Kachin và Shan. Hội nghị đã đi đến thống nhất về mối quan hệ giữa chính phủ Miến Điện và các nhóm sắc tộc này. Theo đó, mỗi sắc tộc sẽ được chỉ định một Cố vấn theo đề xuất của Hội đồng tối cao các dân tộc miền núi thống nhất (SCOUHP). Các Cố vấn này đồng thời cũng là thành viên của Hội đồng hành pháp Miến Điện, có quyền lợi và trách nhiệm theo quy định của hội đồng này. Ngoài việc được tự chủ về quản trị nội bộ và tài chính thì vấn đề đối ngoại và quốc phòng thuộc sự quản lý của Hội đồng hành pháp. Hội nghị cũng được nhìn nhận là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của Liên bang Miến Điện (sau này là Cộng hòa Liên bang Myanmar).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á - Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.
- Angelene Naw, Aung San and the Struggle for Burmese Independence, Silworm Books, Chiang Mai, 2001.
- Michael Aung-Thwin and Maitrii Aung-Thwin, A History of Myanmar since Ancient Times: Traditions and Transformations, Reaktion Books, London, 2012.
- United Nations, Panglong Agreement, Panglong, 12 February 1947, https://peacemaker.un.org/sites/peacemaker.un.org/files/MM_470212_Panglong%20Agreement.pdf