Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hiệp ước Anh - Pháp (1896, 1904)
Phiên bản vào lúc 16:12, ngày 25 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Hiệp ước Anh - Pháp (1896, 1904)''' thỏa thuận phân chia ảnh hưởng của Anh, Pháp ở các khu vực thuộc địa, phụ thu…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Hiệp ước Anh - Pháp (1896, 1904) thỏa thuận phân chia ảnh hưởng của Anh, Pháp ở các khu vực thuộc địa, phụ thuộc tại châu Á và châu Phi, đánh dấu hòa hoãn mâu thuẫn giữa hai nước. Hiệp ước Anh - Pháp năm 1896, được ký kết ngày 15.1 tại London (Anh) giữa Huân tước Salisbury và Nam tước M. De Courcel nhằm phân chia phạm vi ảnh hưởng lãnh thổ giữa Anh và Pháp ở Xiêm, tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên (Trung Quốc), vùng Hạ Niger (Tây Phi), Tunis.

Nguyên nhân dẫn đến ký kết Hiệp ước này là do cuối thế kỷ XIX, khi hai nước Anh và Pháp đẩy mạnh quá trình xâm chiếm thuộc địa trên thế giới đã xảy ra những tranh chấp, xung đột. Để có thể phân chia phạm vi ảnh hưởng các vùng lãnh thổ giữa hai cường quốc ở các khu vực tranh chấp, Anh và Pháp đã đi đến thỏa thuận và ký kết Hiệp ước.

Nội dung của Hiệp ước Anh - Pháp năm 1896 bao gồm hai vấn đề chính. Một là, thỏa thuận về vấn đề Xiêm theo điều khoản I, II, III. Sau khi đặt được sự thống trị ở Việt Nam, Campuchia, chính quyền thực dân Pháp đẩy mạnh quá trình xâm chiếm khu vực sông Mekong để tìm kiếm con đường xâm nhập vào Trung Quốc và do đó đã gặp phải sự đối đầu trực tiếp từ phía Xiêm, vì vương quốc Lạn Xạng đã trở thành thuộc địa của Xiêm vào cuối thế kỷ XVIII. Ngày 1.10.1893, Pháp – Xiêm đã ký kết hiệp định phân chia phạm vi ảnh hưởng ở khu vực sông Mekong. Trong khoảng thời gian này thì Anh đã thiết lập được sự thống trị ở Ấn Độ và thôn tính Miến Điện. Cả hai nước Anh, Pháp đều muốn giữ Xiêm là khu vực đệm để phân chia phạm vi ảnh hưởng lãnh thổ của mình ở khu vực Đông Nam Á và khẳng định lại những điều khoản mà Pháp - Xiêm đã ký kết ngày 1.10.1893. Cụ thể, cả hai nước đảm bảo nền độc lập của Xiêm và cam kết không ký bất kỳ một thỏa thuận riêng biệt nào cho phép một nước thứ ba thực hiện bất cứ hành động nào liên quan đến những điều khoản đã ký kết. Dòng chảy sông Mekong là ranh giới phân chia ảnh hưởng giữa Anh và Pháp.

Nội dung thứ hai đề cập đến việc hai nước công nhận đặc quyền, lợi ích thương mại của nhau ở hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên (Trung Quốc) theo điều khoản IV. Ngoài ra, Hiệp ước này còn đề cập đến vùng phía Hạ Niger và Tunis điều khoản V, VI.

Sau khi Hiệp ước Anh - Pháp năm 1896 được ký kết, giữa hai nước vẫn còn những tranh chấp xung đột ở các thuộc địa. Trước sự gia tăng ảnh hưởng của Đức và Nhật, hai nước đã đi đến ký kết thỏa thuận chấm dứt những xung đột và phân định rõ phạm vi ảnh hưởng của nhau ở các khu vực tranh chấp.

Hiệp ước Anh - Pháp năm 1904 phân chia phạm vi ảnh hưởng lãnh thổ giữa Anh và Pháp ở Xiêm, Ai Cập, Ma rốc, Madagascar, Canada. Tên tiếng Anh là Entente Cordiale. Được ký kết ngày 8.4.1904, giữa Paul Cambon, Đại sứ của Pháp tại London, và Ngoại trưởng Anh Lord Lansdowne.

Nội dung của Hiệp ước này có ba vấn đề chính. Một là công ước liên quan đến vấn đề Ai Cập và Marốc, với 9 điều khoản. Thỏa thuận trao quyền tự do hành động cho Anh ở Ai Cập và cho Pháp ở Ma rốc. Hai chính phủ đảm bảo tự do và thương mại trong ba mươi năm ở cả Ai Cập và Ma rốc. Đảm bảo quyền tự do đi lại của kênh đào Suer và eo biển Gibraltar. Đồng thời hai chính phủ cũng xem xét những lợi ích của Tây Ban Nha ở Marốc.

Hai là công ước liên quan đến vấn đề Xiêm, Madagasca và New Hebrides. Đối với Xiêm, bản thỏa thuận khẳng định tiếp tục duy trì các điều khoản 1, 2 của Hiệp ước đã ký kết ngày 15.1.1896 tại London. Đồng thời khẳng định, vùng lãnh thổ ở phía tây lưu vực Sông Menam thuộc ảnh hưởng của Anh bao gồm bán đảo Mã Lai và các đảo lân cận, còn tất cả tài sản của người Xiêm ở các vùng lãnh thổ phía đông đến đông nam và các đảo lân cận của khu vực thuộc ảnh hưởng của Pháp; bác bỏ bất kỳ ý tưởng sáp nhập bất kỳ vùng lãnh thổ nào của Xiêm và quyết tâm kiềm chế mọi hành động đi ngược lại các quy định của Hiệp ước. Các dàn xếp cũng đã được thực hiện để làm dịu sự cạnh tranh giữa thực dân Anh và Pháp ở New Hebrides và Madagascar.

Ba là công ước liên quan đến vấn đề Newfoundland (Canada), Gambia với quần đảo Los ở phía đông Niger với 9 điều khoản. Vương quốc Anh nhượng quần đảo Los (ngoài khơi Guinea thuộc Pháp) cho Pháp theo điều khoản VI, VII, xác định biên giới của Nigeria có lợi cho Pháp (điều khoản VIII) và đồng ý để Pháp kiểm soát vùng thượng lưu thung lũng Gambia (điều khoản V), trong khi Pháp từ bỏ độc quyền đối với việc đánh bắt cá ngoài khơi Newfoundland được đề cập trong điều khoản II, III, IV. Hiệp ước Anh - Pháp năm 1896, năm 1904 là hai Hiệp ước quan trọng đánh dấu việc thỏa thuận phân chia phạm vi ảnh hưởng ở các thuộc địa trên thế giới và kết thúc những tranh chấp giữa hai cường quốc thực dân Anh – Pháp vào đầu thế kỷ XX, có tác động lớn đến tình hình thế giới và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, đáng chú ý là Xiêm bị biến thành “vùng đệm” giữa hai khu vực thuộc địa của Anh và Pháp ở Đông Nam Á.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. A.Pedone, Les Accords Franco – Anglais, du 8 Avril 1904 (Hiệp ước Anh-Pháp ngày 8 tháng 4 năm 1904), Libraire de la cour d'appel et de l'ordre des avocats, Paris, 1905.
  2. A. Salaignac, La question du Siam et la défense de l’Indochine (Câu hỏi về Xiêm và việc bảo vệ Đông Dương), Librairie Africaine et Coloniale, Paris, 1904.
  3. William Woodville Rockhill, Treaties and conventions with or concerning China and Korea 1894 – 1904, together with various state papers and documents affecting foreign interests (Các hiệp ước và công ước liên quan đến Trung Quốc và Hàn Quốc, 1894-1904, cùng các loại giấy tờ và tài liệu của nhà nước có ảnh hưởng đến lợi ích ở nước ngoài), Văn phòng Chính phủ, Washington, 1904.
  4. Les conventions franco-anglaises du 8 avril 1904 (Hiệp ước Anh-Pháp ngày 8 tháng 4 năm 1904), https://www.persee.fr/doc/geo_0003-4010_1904_num_13_69_6595, truy cập ngày 27/2/2021.