Công ty Đông Ấn Pháp (1664 - 1769) được lập ra nhằm cạnh tranh trực tiếp với hai đối thủ lớn ở châu Âu là Anh và Hà Lan trong hoạt động thương mại ở châu Á với Sắc lệnh hoàng gia của vua Louis XIV ngày 27.8.1664, tên tiếng Pháp là La Compagnie Francaise des Indes Orientales.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Jean Baptiste Colbert đề xuất ý tưởng về sự thành lập Công ty như một phần trong kế hoạch thay đổi nền kinh tế Pháp. Số vốn ban đầu của Công ty là 15 triệu livers, trong đó Louis XIV là nhà đầu tư lớn nhất với 3 triệu livers. Khác với công ty Đông Ấn Anh và Hà Lan, công ty của Pháp chịu ảnh hưởng và được đầu tư lớn từ Hoàng gia chứ không phải các nhóm thương nhân tự do. Louis XIV đã viết thư cho 119 thành phố kêu gọi thương nhân Pháp cùng chung sức xây dựng công ty nhưng nhiều người đã từ chối tham gia. Công ty có trụ sở chính ở Paris và 5 trung tâm thương mại lớn nhất ở Lyon, Rouen, Le Havre, Nantes và Bordeaux.
Đầu thế kỷ XVII, Pháp tìm cách phát triển thương mại ở châu Á nhằm cạnh tranh với các đối thủ châu Âu khác nhưng thất bại trong các chuyến thám hiểm hoặc lập thương điếm do chính phủ không thực sự chú trọng thương mại hàng hải và các công ty thương mại hoạt động ở châu Á khá nhỏ lẻ. Năm 1601, công ty thương mại đầu tiên của Pháp là Công ty của các thương nhân vùng Saint Malo, Laval và Vitré (Compagnie des marchands de Saint Malo, Laval et Vitré) đã gửi tàu đến Malacca. Ngày 1.6.1604, một công ty thương mại được các thương nhân Pháp lập ra dưới sự bảo trợ của nhà vua. Ngày 2.7.1615, “Công ty Malacca” hoạt động ở châu Á dưới ảnh hưởng của Henri de Montmorenchy. Năm 1642, Cardinal Richelieu thành lập công ty thương mại phương Đông. Colbert, xuất thân là một thương nhân, không muốn Pháp phụ thuộc quá lớn vào việc nhập khẩu hương liệu và gia vị từ hai công ty Đông Ấn của Anh và Hà Lan, đã quyết định lập công ty Đông Ấn Pháp dựa trên nền tảng những công ty trước đó.
Công ty được ban độc quyền buôn bán 50 năm tại phía đông mũi Hảo vọng, thuộc địa Madagascar, hai đảo Réunion và Mauritius, và những địa điểm buôn bán quan trọng ở Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia. Sau khi hết hạn năm 1714, công ty nhiều lần được gia hạn độc quyền tại châu Á.
Công ty non kém rất nhiều mặt so với đối thủ: thiếu thương nhân và đoàn thủy thủ kinh nghiệm, thiếu các hải cảng, trạm dừng chân buôn bán trên các đại dương, và thương nhân Pháp không đủ tiềm lực để cạnh tranh với đối thủ. Vai trò của công ty ngày càng suy kém sau cái chết của Colbert (1683) và của con trai ông, Marquis de Seignelay (1690) và ngày càng lệ thuộc vào hoàng gia.
Tại Ấn Độ, công ty có được thương điếm đầu tiên ở Surat (Guiarat) năm 1668, và Masulipatam tại bờ biển phía Tây. Thương điếm quan trọng Pondicherry ở bờ biển đông nam (Coromandel) được thiết lập từ năm 1673 (năm 1693 bị rơi vào tay người Hà Lan, năm 1699 được trả lại với hiệp ước Ryswick). Công ty đã mở rộng hoạt động với các thương điếm ở Mahe (Malabar), Chandarnagar (Bengal), Calicut, Dhaka, Panta, Qasimbazar, Balasore, và Jogdia. Trong 50 năm độc quyền, công ty đã tập trung vào việc buôn bán vải vóc, đồ nhuộm và một số mặt hàng vải vóc khác. Sau hiệp ước Utrecht năm 1713, Pháp trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhất với Anh ở Ấn Độ vì thương nhân Hà Lan chỉ còn tập trung ở Indonesia.
Năm 1717, Pháp thành lập thêm công ty Tây Ấn Pháp (La Compagnie Francaise des Indes Occidentales) với độc quyền buôn bán ở vùng biển Caribbean, Canada, và Louisiana. Năm 1719, công ty Đông Ấn gần kề phá sản và bị hợp nhất với công ty Tây Ấn thành Công ty Ấn Độ (Compagnie Perpétuelle des Indes) theo ý tưởng của John Law, một thương nhân người Scotland. Công ty đón nhận nhiều nhà đầu tư hơn từ quý tộc, quan tòa, thương nhân, binh lính, và cả thợ thủ công. Năm 1720, công ty được tái cấu trúc sau một cuộc khủng hoảng và phá sản của nhiều nhà đầu tư với tên gọi mới là Công ty Ấn Độ thuộc Pháp. Năm 1723, công ty Đông Ấn được tách ra. Nhà vua và quan nhiếp chính vẫn tiếp tục đầu tư vào mảng Ấn Độ, giúp công ty có thể cạnh tranh với thương nhân Anh ở Ấn Độ trong vài chục năm tiếp theo. Năm 1742, Joseph-Francois Dupleix được phong Toàn quyền Pháp ở Ấn Độ và thực hiện chính sách hợp tác với chính quyền địa phương ở Ấn Độ nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Anh.
Năm 1746 - 1747, Pháp bao vây và chiếm giữ Madras. Năm 1751 và 1752, người Anh đuổi Dupleix ra khỏi Arcot, Trichinopolgy và nhiều thương điếm của Pháp. Dupleix bị triệu hồi về Pháp năm 1754. Năm 1757, Anh thắng trận Plassey, kiểm soát toàn bộ Bengal và đặt dấu chấm hết cho ảnh hưởng thương mại của công ty Đông Ấn Pháp tại Ấn Độ. Pháp thất bại trong chiến tranh bảy năm (1756-1763) và Pondicherry bị Anh chiếm năm 1761.
Dưới thời vua Louis XV, công ty không được coi trọng và chính thức bị hủy độc quyền thương mại năm 1769. Công ty phải chuyển mọi tài sản và thương điếm cho chính phủ Pháp để trực tiếp cai trị thuộc địa. Năm 1785, Charles Alexandre de Calonne cố gắng lập một công ty mới nhưng những nỗ lực này nhanh chóng bị dập tắt bởi sự bùng nổ của cách mạng Pháp 1789.
Công ty Đông Ấn Pháp ra đời giữa thế kỷ XVII bởi một nỗ lực cá nhân nhằm giúp Pháp cạnh tranh thương mại với Anh và Hà Lan. Tuy nhiên, do đặc trưng kinh tế, thương nhân Pháp không thể cạnh tranh được với các đối thủ và công ty nhanh chóng rơi vào suy thoái trong thế kỷ XVIII. Sự ra đời, tồn tại và thăng trầm của công ty là ví dụ tiêu biểu cho hình ảnh nước Pháp thời cận đại – một quốc gia coi trọng kinh tế lục địa và không thể vươn tầm trở thành cường quốc thương mại hàng đầu thế giới như Anh, Hà Lan.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Paul Cheney, Revolutionary Commerce: Globalization and the French Monarchy (Cách mạng thương mại: Toàn cầu hóa và nền quân chủ Pháp), Havard University Press, 2010.
- Felicia Gottmann, “French-Asian connections: the Compagnies des Indies, France’s Eastern trade, and new directions in historical scholarship” (Kết nối Pháp – châu Á: Công ty Đông Ấn Pháp, thương mại Pháp tại Đông Ấn, và những chỉ dẫn mới cho các nghiên cứu lịch sử), The Historical Journal, vol. 56, no. 2, 2013, pp. 537-552.
- Elizabeth Cross, “The Last French East India Company in the Revolutionary Atlantic” (Công ty Đông Ấn Pháp trong cuộc cách mạng ở Đại Tây Dương), The William and Mary Quaeterly, vol. 77, no. 4, 2020, pp. 613-640.