Công ty Đông Ấn Anh (1600 - 1874) tên gọi của công ty thương mại độc quyền của Anh nhằm cạnh tranh quyền lực với các đối thủ châu Âu khác là Bồ Đào Nha và Hà Lan ở khu vực phía đông của mũi Hảo Vọng. Được thành lập ngày 31.12.1600 tại London bởi Hiến chương hoàng gia của Nữ hàng Anh Elizbeth I và kết thúc tồn tại với việc chính quyền Anh chuyển sang trực tiếp quản lý và cai trị các thuộc địa cuối thế kỷ XIX.
Trải qua nhiều giai đoạn với các tên gọi khác nhau. Hai tên gọi chính thức là: Thủ lĩnh và công ty của các thương nhân London hoạt động thương mại tại Đông Ấn (Governor and Company of Merchants of London trading into the East Indies) trong giai đoạn 1600-1708), Công ty hợp nhất của các thương nhân Anh hoạt động thương mại tại Đông Ấn (United Company of Merchants of England trading to the East Indies) trong giai đoạn 1708-1874. Tên gọi chung là The English East India Company để phân biệt với các công ty của Hà Lan, Pháp, Đan Mạch. Ngoài ra, công ty có tên khác là Công ty danh dự Đông Ấn (Honourable East India Company), Công ty John (John Company).
Ở trong nước, công ty Đông Ấn Anh đã phải cạnh tranh độc quyền với các công ty khác của Anh như Courteen Association (1635-1637), Công ty Đông Ấn Anh mới (English Company Trading to the East Indies) được thành lập năm 1698. Năm 1708, hai công ty Đông Ấn mới hợp nhất thành một công ty với 24 thành viên giám đốc được bầu mỗi năm. Sự tồn tại của công ty Đông Ấn Anh luôn gắn liền với những đợt gia hạn độc quyền khác nhau của chính phủ Anh và công ty luôn phải trả cho chính phủ những khoản tiền lớn để duy trì thế độc quyền này. Trong giai đoạn hưng thịnh, đây là công ty thương mại lớn nhất ở London với những bến tàu riêng, hệ thống nhà kho, thương điếm, nhà xưởng, và trụ sở chính rộng lớn.
Nửa đầu thế kỷ XVII, với nguồn vốn nhỏ bé, rời rạc, thiếu tàu buôn và thủy thủ có kinh nghiệm, công ty hầu như chỉ tiến hành những chuyến buôn riêng lẻ đến châu Á. Công ty gặp phải cạnh tranh lớn từ người Bồ Đào Nha và Hà Lan, không trụ nổi ở Đông Á (ngoại trừ Bantam, Indonesia) và chỉ bước đầu xây dựng được thương điếm ở Ấn Độ (đầu tiên là Surat năm 1608, sau đó mở rộng đến Calcutta, Bombay, và Madras). Hiến chương năm 1657 chính thức biến Công ty Đông Ấn Anh thành một công ty cổ phần thương mại lâu dài với sự góp vốn của nhiều thành phần khác nhau.
Đầu thế kỷ XVIII với những bến tàu riêng, hệ thống nhà kho, thương điếm, nhà xưởng, và trụ sở chính rộng lớn. Công ty trực tiếp kết nối Ấn Độ - Trung Quốc và các thị trường khác ở châu Á. Các sản phẩm nổi tiếng trong hệ thống thương mại Á – Âu là hương liệu, hồ tiêu, chè, vải vóc, gốm sứ, kim cương.
Tại Ấn Độ, công ty từng bước xây dựng ảnh hưởng từ đầu thế kỷ XVII với các thương điếm ở Surat, Madras, Bombay, Calcuta, Bengal. Sau hàng loạt các cuộc cạnh tranh, Bồ Đào Nha, Hà Lan lần lượt bị gạt ra khỏi Ấn Độ. Đối thủ Pháp bị công ty đánh bại sau cuộc chiến tranh bảy năm (1756-1763). Vương triều Mughal bị suy yếu sau trận Plassey (1757), tạo điều kiện cho Anh hoàn toàn chuyển từ quản lý của công ty thương mại sang đại diện chính phủ Anh nắm thực quyền cai trị ở Ấn Độ.
Tại Trung Quốc, công ty bắt đầu đạt được việc buôn bán trực tiếp từ cuối thế kỷ XVII sau quá trình dài sử dụng các thương điếm gián tiếp ở Đông Nam Á. Trong thế kỷ XVIII, trà trở thành mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của công ty ở quốc gia này. Sang thế kỷ XIX, Anh thực hiện buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp, gây ra cuộc Chiến tranh thuốc phiện (1839-1842) và (1856-1860), đánh bại triều đình Mãn Thanh và đạt được những đặc quyền buôn bán và ngoại giao tại Trung Quốc.
Giữa thế kỷ XVIII, công ty dần chuyển sang hình thức buôn bán mới – sử dụng quân sự để xâm lược lãnh thổ, áp đặt độc quyền thương mại thay vì tự do buôn bán. Lực lượng quân sự của công ty tăng dần từ vài trăm lính với vai trò bảo vệ lên đến hơn 50.000 lính cuối thế kỷ XVIII để phục vụ mục tiêu tấn công quân sự và xâm lược. Công ty đã trở thành một tổ chức bán nhà nước. Chính phủ Anh can thiệp chính trị sâu vào hoạt động của công ty, nhất là sau khi ban bố Đạo luật công ty Đông Ấn Anh (1772 – hay Đạo luật điều chỉnh 1773) và Đạo luật Ấn Độ của Thủ tướng William Pitt (1784). Công ty dần dần mất quyền kiểm soát cả về thương mại và chính trị ở Ấn Độ. Năm 1813, Hiến chương công ty được gia hạn thêm 20 năm, nhưng độc quyền thương mại của công ty ở châu Á dần bị phá vỡ. Năm 1833 độc quyền thương mại của công ty bị xóa bỏ và Hiến chương mới chỉ cho phép các hoạt động chính trị và quản lý. Năm 1834, công ty trở thành một đại diện của chính phủ Anh để quản lý Ấn Độ cho đến khởi nghĩa Xipay (Sepoy – 1857-1859), vai trò của công ty hầu như đã chấm dứt. Đạo luật vì một chính phủ tốt hơn của Ấn Độ năm 1858 đã hoàn toàn thực hiện việc kiểm soát của chính phủ Anh ở Ấn Độ, buộc đội quân 24.000 lính của công ty trở thành quân đội của nước Anh. Ngày 1.1.1874, công ty bị xóa bỏ.
Công ty Đông Ấn Anh là công ty thương mại tồn tại lâu đời nhất thời cận đại. Công ty là biểu tượng cho sự vươn lên và thành công của nước Anh như một cường quốc thương mại hàng hải hàng đầu thế giới. Trong hơn hai thế kỷ tồn tại, công ty đã chuyển mình từ một tổ chức thuần thương mại sang một tổ chức bán nhà nước, sử dụng quân sự và chính trị để đạt được mục đích mở rộng ảnh hưởng, quyền lực của Anh ở châu Á. Công ty đã góp phần quan trọng giúp nước Anh mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, cạnh tranh ảnh hưởng với các cường quốc châu Âu khác và đưa Anh thành đế quốc hàng đầu thời cận đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- John Keay, The Honourable Company: A History of the English East India Company (Công ty danh dự: Lịch sử công ty Đông Ấn Anh), Harper Collins Publishers, 1991.
- Emily Erikson, Between Monopoly and free trade: the English East India Company, 1600-1757 (Giữa độc quyền và tự do thương mại: Công ty Đông Ấn Anh, 1600-1757), Princeton University Press, 2014.
- William Dalrymple, The Anarchy: the relentless rise of the English East India Company (Sự hỗn loạn: sự phát triển mạnh mẽ của công ty Đông Ấn Anh), Bloomsbury, 2019.