Chữ hình nêm loại văn tự cổ, xuất hiện ở Lưỡng Hà vào khoảng thiên niên kỷ IV TCN, được cho là phát minh của người Sumer – chủ nhân của nền văn minh Lưỡng Hà.
Chữ hình nêm (cuneiform) là hệ thống chữ viết phổ biến và có ý nghĩa lịch sử ở Trung Đông cổ đại. Rất nhiều tộc người ở Tây Á thời cổ đại đã sử dụng loại Chữ hình nêm, vì thế có thể coi chữ viết do người Sumer phát minh ra là thứ chữ mẹ đẻ của nhiều chữ viết cổ khác của người Accad, Babilone, Assyria, Ba Tư.
Đầu tiên, người Sumer dùng những hình vẽ - về sau là những nét vạch hợp lại thành ý. Họ dùng một thanh gỗ nhỏ hay sậy vót nhọn 1 đầu, ấn trên phiến đất sét mềm tạo thành những nét chữ thẳng trông như những cái nêm hay chiếc đinh. Do có hình dáng đó, thứ chữ này được gọi là chữ hình đinh, hay Chữ hình nêm. Qua nhiều năm, quá trình này được chuẩn hóa và đơn giản hóa, ban đầu các ký hiệu được đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Vật liệu dùng để viết là đất sét mềm được nặn thành những tấm mỏng hay thành những khối hình lăng trụ, hình quả cầu… Người ta dùng que ấn nét lên trên những tấm đất sét còn ướt rồi phơi khô hoặc nung cho khô cứng lại. Trên đất sét rất khó thể hiện các hình tròn, hình bán nguyệt và đường cong. Vì thế, các ký hiệu – hình vẽ đều được đơn giản hóa thành những nét, những vạch thẳng.
Lúc đầu, chữ viết cổ Sumer cũng giống như các chữ cổ khác ở phương Đông, là chữ tượng hình. Một hình vẽ có thể được dùng để chỉ một số khái niệm có nghĩa gần nhau. Ví dụ, hình vẽ đôi mắt không những để chỉ đôi mắt mà còn được dùng để biểu đạt một số khái niệm: “khuôn mặt”, “phía trước”,… Trong hệ thống chữ cổ Sumer có tới hơn 600 ký tự tượng hình, tuy nhiên với những ký hiệu này người ta chỉ có thể diễn đạt được những từ, những câu đơn giản. Dần dần, về sau, người Sumer và người Akkadia đã sáng tạo ra những ký hiệu chỉ âm. Việc sáng tạo ra các ký hiệu chỉ âm, sử dụng hỗn hợp ký hiệu tượng hình và ký hiệu chỉ âm để viết là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng chữ viết của cư dân Lưỡng Hà.
Về sau, nhiều dân tộc ở Lưỡng Hà đều sử dụng và biến đổi Chữ hình nêm. Người Phoenicia, một dân tộc chuyên buôn bán quanh Địa Trung Hải thời đó đã dựa vào chữ hình góc của người Lưỡng Hà, một phần chữ tượng hình của người Ai Cập cổ để đặt ra hệ thống chữ cái a, b… Từ chữ Phoenicia đã hình thành ra chữ Hy Lạp cổ. Từ chữ Hy Lạp cổ đã hình thành ra chữ Latin và chữ Slav, từ đó hình thành nên chữ viết của nhiều dân tộc trên thế giới ngày nay.
Khi khai quật thành phố Niniveh – thủ đô của đế quốc Assyria, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một thư viện lớn trong cung điện của vua Assurbanipal, trong đó lưu trữ tới 2200 cuốn sách. Đó chính là những “trang sách” bằng đất sét, được ghi bằng loại Chữ hình nêm Sumer. Đây là nguồn tư liệu đồ sộ, quý giá về lịch sử và văn hóa cổ đại Lưỡng Hà.
Cũng giống như chữ tượng hình của người Ai Cập, Chữ hình nêm của các bộ tộc Tây Á cổ đại dần dần cũng trở thành “một thứ chữ chết”, không ai dùng đến nữa. Việc dịch giải văn tự hình đinh này là một công việc hết sức khó khăn. Mãi đến nửa đầu thế kỷ XIX, hai nhà ngôn ngữ học Grotefend (người Đức) và Henry Rawlinson (người Anh) thông qua văn tự Ba Tư mới đọc được loại Chữ hình nêm này. Việc này đánh dấu sự ra đời của một ngành khoa học mới: ngành Assyria học. Ngành khoa học mới này có tên như thế bởi vì hầu hết các văn bản được dịch giải lúc đó viết bằng Chữ hình nêm Assyria. Từ đó, việc nghiên cứu lịch sử của khu vực Lưỡng Hà thời cổ đại càng đạt được những thành tựu mới.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Chiêm Tế, Lịch sử thế giới cổ đại, tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
- Lương Ninh (chủ biên), Đinh Ngọc Bảo, Đặng Quang Minh, Nguyễn Gia Phu, Nghiêm Đình Vỳ, Lịch sử thế giới cổ đại, (Tái bản lần thứ tư), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000.
- Lương Ninh (chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Đinh Ngọc Bảo, Dương Duy Bằng, Lịch sử văn hóa thế giới cổ trung đại, tái bản lần thứ 3, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- Ariane Thomas, Timothy Potts (edited), Mesopotamia – Civilization Begins (Lưỡng Hà – Khởi đầu nền văn minh), The J.Paul Getty Museum, Los Angeles, 2020.
- https://www.britannica.com/topic/cuneiform