" Chính sách mới " là chương trình mới (tiếng Anh: New Deal) bao gồm các chính sách, đạo luật, giải pháp của chính quyền Tổng thống Franklin D. Roosevelt, được triển khai trong những năm 1933 - 1939 nhằm đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc Đại suy thoái kinh tế (1929-1933) thông qua việc tăng cường sự quản lý của Nhà nước đối với các vấn đề kinh tế, xã hội.
Trong "Chính sách mới" lần thứ nhất (tháng 3.1933 - tháng 6.1935), Chính phủ tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất là cứu trợ hệ thống tài chính ngân hàng, giải quyết nạn thất nghiệp, cứu trợ nông nghiệp và công nghiệp. Phần lớn các đạo luật mới được ban hành trong vòng 100 ngày đầu sau khi Roosevelt lên nắm quyền, sớm nhất là Đạo luật Phục hồi Ngân hàng khẩn cấp (Emergency Banking Relief Act- EBRA), theo đó Nhà nước chỉ cho phép ngân hàng hoạt động trở lại khi có chế độ đảm bảo tốt cho khách hàng. Đạo luật Bảo trợ Dân sự (Civilian Conservation Reforestation Relief Act- CCRRA) và Đạo luật Phục hồi Liên bang Khẩn cấp (Federal Emegency Relief Act –FERA) nhằm trợ giúp tài chính, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động.
Năm 1933, Đạo luật Điều chỉnh Nông nghiệp (Agriculture Adjustment Act-AAA) được ban hành nhằm cứu trợ nông nghiệp. Cơ quan Điều chỉnh Nông nghiệp được thành lập, thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, thu mua nông sản … Tháng 6.1933, Quốc hội thông qua Đạo luật Phục hồi Công nghiệp Quốc gia (National Industrial Recovery Act- NIRA), thành lập Cơ quan Phục hồi Quốc gia (NRA), Cơ quan Quản lý công trình Công cộng (PWA)… thực hiện hàng loạt các dự án xây dựng lớn. NIRA đảm bảo cho người lao động quyền được thương lượng tập thể thông qua các tổ chức công đoàn.
Trong "Chính sách mới" lần thứ hai, bắt đầu từ tháng 6.1935, Chính phủ đặt trọng tâm vào các cải cách kích thích kinh tế phát triển, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội. Cơ quan Xúc tiến Việc làm (Work Progress Administration- WPA) được thành lập nhằm giải quyết việc làm mới cho người lao động. Cơ quan Thanh niên Quốc gia (NYA) xây dựng các chương trình đào tạo, trợ cấp, tạo việc làm bán thời gian điều kiện cho học sinh, sinh viên.
Đạo luật An ninh Xã hội (Social Security Act- SSA), ban hành tháng 8.1935, là một trong những cải cách lập pháp trụ cột của Chính sách mới nhằm xây dựng hệ thống phúc lợi xã hội, trợ cấp cho người già, người tàn tật, người nghèo, người thất nghiệp, người về hưu dựa trên đóng góp của các bang và liên bang. Tháng 8.1935, Luật Tăng thuế thu nhập đối với người giàu được thông qua. Chính phủ ban hành Đạo luật về các công ty công ích nhằm hạn chế sự độc quyền về kinh doanh, tăng cường sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ trong lĩnh vực cung cấp điện, nước, khí đốt.
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Quốc hội đã thông qua Luật Quan hệ Lao động Quốc gia, Luật Tiêu chuẩn công bằng trong lao động (Faire Labor Standards Act- FLSA), qui định mức lương, giờ lao động cho công nhân. Trong nông nghiệp, Đạo luật Bảo tồn đất nông nghiệp được thông qua (1936), Cơ quan An ninh Nông nghiệp (Farm Security Administration- FSA) được thành lập (1937) nhằm giám sát và thúc đẩy các cải cách nông nghiệp. Thông qua Đạo luật Quốc gia về Nhà ở (1937), Chính phủ xây dựng trên 150 ngàn khu nhà ở cho người nghèo theo chương trình trả góp.
Việc thực thi các đạo luật mới vấp phải sự phản đối của giới doanh nghiệp và phe bảo thủ trong Quốc hội. Tính đến năm 1936, bảy trong chín đạo luật của Chính sách mới được đệ trình lên Tòa án tối cao xem xét lại, trong đó có hai đạo luật cơ bản là AAA và NIRA. Năm 1935, Đạo luật NIRA bị tuyên bố là không hợp hiến. Đạo luật AAA bị bãi bỏ năm 1936 do có các điều khoản cho phép dùng biện pháp tăng thuế đối với các công ty chế biến thực phẩm để lấy kinh phí trợ cấp nông dân. Năm 1938, Quốc hội khôi phục lại một số điều của Đạo luật AAA.
"Chính sách mới" đưa nước Mỹ thoát ra khỏi cuộc Đại suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử. Bằng việc tăng cường sự điều tiết của Nhà nước vào nền kinh tế, Chính phủ Roosevelt tạo thêm hàng triệu việc làm mới, phục hồi sự phát triển của hệ thống tài chính, ngân hàng, công nghiệp và nông nghiệp. Trong 8 năm (1932 - 1940), tổng thu nhập quốc dân (GNP) của Mỹ tăng 58%, tỉ lệ thất nghiệp giảm từ 25% (1933) xuống còn 9,1% (1937).
Một số đạo luật và thể chế kinh tế quan trọng nhất của nước Mỹ hiện đại đều bắt nguồn từ "Chính sách mới", trong đó có các thể chế cốt yếu của ngành tài chính, ngân hàng. "Chính sách mới" đã mở rộng quyền hạn của Nhà nước trong hoạt động kinh tế. Những cải cách luật pháp quan trọng đặt nền móng cho sự ra đời hệ thống bảo hiểm và phúc lợi xã hội của nước Mỹ hiện đại.
Phần đông những người lao động, người có thu nhập thấp, người yếu thế đều ủng hộ các cải cách kinh tế- xã hội của "Chính sách mới". Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, Chính phủ đã trực tiếp đứng ra thực hiện các dự án kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm mới cho người lao động, đồng thời làm giảm bớt phần nào khoảng cách giữa những người lao động nghèo với tầng lớp trung lưu ở Mỹ, tăng cường sức mạnh cho liên minh chính trị của Đảng Dân chủ. Chính sách mới tấn công vào sức mạnh và lợi nhuận của các tập đoàn tư bản kếch xù ở Mỹ. Việc xây dựng các thể chế, thi hành các đạo luật mới được đánh giá là một cuộc cách mạng trên bình diện kinh tế, xã hội ở Mỹ và được cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chấp thuận. Phần lớn các cải cách của "Chính sách mới" được chính quyền kế nhiệm tiếp tục thực hiện trong Chương trình Công bằng Xã hội (Faire Deal) của Tổng thống H.Truman những năm 1945-1953.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bách khoa toàn thư Britanica, Chính sách mới, https://www.britannica.com/event/New-Deal
- Thư viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Chính sách mới 1933-1945, http://www.loc.gov/teachers/classroommaterials/presentationsandactivities/presentations/timeline/depwwii/newdeal/
- Nhà Trắng. Franklin D Roosevelt, Tổng thống thứ 32 của nước Mỹ, https://www.whitehouse.gov/about-the-white-house/presidents/franklin-d-roosevelt/