Chính sách "Đóng cửa" của triều đình Mãn Thanh là sự hạn chế nghiêm ngặt giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học… với bên ngoài của nhà Thanh, một phản ứng trước chính sách tăng cường xâm nhập của các nước phương Tây vào Trung Quốc trong thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX vì lo sợ người dân, nhất là người Hán cấu kết với bên ngoài ảnh hưởng đến sự cai trị của triều đình, cg. chính sách bế quan tỏa quốc.
Từ những năm cuối triều vua Khang Hy (1661 – 1722), nhà Thanh bắt đầu thực hiện chính sách cấm biển. Năm 1717, vua Khang Hy ra lệnh cấm thuyền nước ngoài tới biển phía nam, tăng cường kiểm soát tại các cảng bờ biển. Tất cả những người đã định cư ở nước ngoài phải trở về Trung Quốc trong vòng ba năm, nếu vi phạm lệnh sẽ bị đưa về nước xử tử. Mặc dù lệnh cấm thuyền tới biển phía nam được dỡ bỏ vào năm 1727 dưới sức ép mạnh mẽ từ trong triều đình và giới bình dân, nhưng lệnh cấm cư trú ở nước ngoài đối với người dân và lệnh cấm đối với những thuyền đi ra nước ngoài ngày càng nghiêm ngặt hơn.
Triều đình nhà Thanh đã xóa bỏ Thị Bạc ty, thiết lập Việt Hải quan. Giám đốc của Việt Hải quan do những người thân tín của vua đảm nhiệm, có chức năng thu các loại thuế về ngoại thương, đồng thời, cùng với các quan lại địa phương như Tổng đốc Lưỡng Quảng, Tuần phủ Quảng Đông lo việc quản lý ngoại thương. Tuy nhiên, Việt Hải quan không trực tiếp quản lý ngành ngoại thương, tất cả những sự vụ liên quan đến ngoại thương phải thông qua Hàng thương của Nha hàng. Về sau, để tránh sự cạnh tranh giữa các Nha hàng, năm 1720, triều đình nhà Thanh thành lập Công hàng để quan lý ngoại thương. Từ năm 1757, chính phủ nhà Thanh quy định việc ngoại thương chỉ cho phép tiến hành tại Quảng Châu.
Chính sách đóng cửa của triều đình Mãn Thanh thể hiện trên hai phương diện là đối nội và đối ngoại.
Về đối ngoại, triều đình nhà Thanh quy định: chỉ cho phép thương gia ngoại quốc tiến hành buôn bán mậu dịch tại Quảng Châu vào tháng mười hằng năm, không cho phép cư trú tại Quảng Châu. Nếu hết thời hạn mà hàng hóa và tiền bạc chưa thanh toán xong thì có thể để lại một vài nhân viên ở Áo Môn.
Thương nhân ngoại quốc trong thời gian ở Quảng Châu phải trọ tại các Thương quán. Thương nhân ngoại quốc không được ra ngoài dạo chơi, không được ngồi thuyền đi trên sông (về sau cho phép vào các ngày 8, 18, 28 hàng tháng được phép đến các chùa, miếu, quan viên dạo chơi, mỗi lần đi không quá mười người, phải trở về trước khi trời tối). Gia quyến của thương nhân nước ngoài không được cư trú tại Thương quán, chỉ được phép ở trên thuyền và đậu tại Áo Môn.
Thương nhân Trung Quốc thiếu nợ thương nhân người nước ngoài sẽ bị khép vào tội “kết giao với người ngoại quốc, lừa đảo tài sản”. Binh lính nhà Thanh sẽ tăng cường tuần tra ở những nơi có thuyền bè của thương nhân ngoại quốc.
Thương nhân nước ngoài không được mang theo vũ khí lên bờ, không được lén vận chuyển vũ khí đến Thương quán. Thuyền bè của thương nhân nước ngoài không nộp thuế nhập khấu, buôn lậu, bán thuốc phiện sẽ bị trục xuất.
Về đối nội, triều đình nhà Thanh quy định: hạn chế ngành đóng thuyền; Hạn chế thủy thủ, người buôn bán ra biển. Những người muốn ra biển phải xin phép, cam kết, có người bảo đảm,… Những người ra biển được chính phủ cấp cho một tấm “Bài yêu” khắc họ tên, tuổi, quê quán để tiện cho quan binh xét hỏi; Hạn chế xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc, như: lương thực, các loại đậu, sắt, đồ làm bằng sắt,...
Thương nhân nước ngoài không được mua sách lich sử của Trung Quốc. Người Trung Quốc đem sách lịch sử bán cho người nước ngoài sẽ bị xử tội đóng gông một tháng sau đó sung ra biên cương. Người Trung Quốc dạy người nước ngoài học chữ Hán, tiếng Hán bị khép vào tội “Hán gian”. Người Trung Quốc học ngoại ngữ cũng bị phạt.
Mục đích của chính sách “đóng cửa” của triều đình nhà Thanh là đề phòng người Trung Quốc qua lại và liên hệ với người ngoại quốc.
Nguyên nhân của chính sách đóng cửa trước hết là để nhà Thanh củng cố quyền lực. Nhà Thanh cầm quyền trong bối cảnh còn chịu nhiều đe dọa từ xung quanh. Vào cuối thời nhà Thanh, một số nước phương Tây liên tục xâm lược và chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc. Triều đình nhà Thanh lo lắng rằng người dân ven biển dễ có giao lưu trao đổi với bên ngoài, như vậy sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia. Hơn nữa, triều đình Mãn Thanh cũng muốn khống chế hệ thống tư tưởng đang không ngừng lớn mạnh của người Hán. Xét về dân số hay trình độ văn hóa, người Hán đều chiếm ưu thế hơn hẳn. Điều này là mối lo lớn đối với chính quyền nhà Thanh, khiến nhà Thanh luôn trong tâm thế lo sợ chính quyền của họ sẽ không thể cai trị đất nước lâu dài. Vì thế, nhà Thanh thực hiện đóng cửa đất nước nhằm cắt đứt mọi mối liên hệ của người Hán với thế giới bên ngoài. Chính phủ nhà Thanh tin rằng chính sách này có thể giúp ích cho việc cai trị và củng cố quyền lực của chính quyền mình.
Một nguyên nhân nữa của chính sách đóng cửa là xuất phát từ chính sự ngạo mạn của nhà Thanh. Chính quyền nhà Thanh cho rằng, Trung Quốc đương thời là một quốc gia có nền công nghiệp phát triển, lãnh thổ rộng lớn, dân số đông đúc, vì thế mọi việc đều có thể tự cung tự cấp. Hơn nữa, việc mở cửa giao lưu với nước ngoài lại tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, bất cập đe dọa quyền lực quốc gia. Vì thế, nhà Thanh kiên quyết thực hiện chính sách “đóng cửa” bất chấp những hệ luỵ kéo theo.
Chính sách “đóng cửa” của triều đình Mãn Thanh đã gây trở ngại cho việc học hỏi những tư tưởng văn hóa và khoa học kỹ thuật tiến bộ trên thế giới. Đồng thời, chính sách này cũng làm thui chột những mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa mới xuất hiện ở Trung Quốc khiến cho xã hội Trung Quốc càng trở nên lạc hậu.
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- Cát Kiếm Hùng (chủ biên), Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.
- 刘军,明清时期“闭关锁国”问题赘述,财经问题研究,2012年第11期 (Lưu Quân, Bàn thêm về vấn đề “bế quan tỏa quốc” thời kỳ Minh Thanh, Nghiên cứu vấn đề tài chính, số 11 năm 2012).