Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) diễn ra trên bán đảo Triều Tiên giữa Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) và Đại Hàn dân quốc (Nam Triều Tiên), từ ngày 25.6.1950 đến ngày 17.7.1953 với kết cục bất phân thắng bại.
Chiến tranh Triều Tiên là một trong những ví dụ điển hình cho sự đối đầu và xung đột giữa hai phe trong Chiến tranh Lạnh.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai nhà nước theo hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau, lấy vĩ tuyến 38 là ranh giới. Phía Bắc thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (gọi tắt là Triều Tiên) nằm dưới ảnh hưởng của Liên Xô, phía nam, do quân đội Mỹ chiếm đóng, thành lập nước Đại hàn dân quốc (gọi tắt là Hàn Quốc). Sự chia cắt bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia, với hai nhà nước và chế độ chính trị đối lập, nằm trong vòng ảnh hưởng của hai siêu cường đối đầu nhau trong cuộc Chiến tranh Lạnh chính là nguồn gốc của chiến tranh Triều Tiên.
Cả hai nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên là Kim Nhật Thành và Tổng thống Hàn Quốc là Lý Thừa Vãn đều có chủ trương muốn thống nhất bán đảo Triểu Tiên một cách nhanh chóng bằng vũ lực ngay từ những ngày đầu thành lập nước. Chính vì vậy, năm 1949 và đầu năm 1950, đã diễn ra nhiều cuộc tấn công quân sự mang tính chất khiêu khích ở ranh giới của cả hai bên. Bắc Triều Tiên với sự giúp đỡ vũ khí của Liên Xô đã tăng cường xây dựng lực lương quân đội có khả năng tấn công mạnh và có ưu thế sức mạnh vượt trội so với lực lượng quân đội của Hàn Quốc lúc đó. Liên Xô và Mỹ, mặc dù là nước viện trợ về tài chính và quân sự cho Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, song không thể hoàn toàn kiểm soát được chính sách ngoại giao và kiềm chế được ý muốn chiến tranh thống nhất lãnh thổ của cả hai nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc.
Nguyên nhân trực tiếp bùng nổ cuộc Chiến tranh Triều Tiên vẫn là một trong những vấn đề gây tranh cãi và có nhiều quan điểm trái chiều. Có hai luồng quan điểm lí giải nguyên nhân cuộc chiến tranh này. Quan điểm thứ nhất cho rằng, nguyên nhân từ sự kết hợp giữa tham vọng to lớn của Kim Nhật Thành, trong suốt các năm từ năm 1949 đến năm 1950 đã cố gắng thuyết phục cả Stalin và Mao Trạch Đông đồng ý xâm chiếm Nam Triều Tiên, cùng với sự toan tính về những lợi ích và cả những cạnh tranh chiến lược giữa Liên Xô và Trung Quốc ở bán đảo Triều Tiên. Quan điểm thứ hai lại cho rằng nguyên nhân đến từ tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ D. Acheson vào ngày 12.1.1950, trong bài diễn thuyết ở câu lạc bộ báo chí quốc gia nhắc tới các nước nằm trong “chu vi an toàn Thái Bình Dương” của Mỹ mà không có tên Triều Tiên. Điều này có nghĩa là Triều Tiên không còn được coi là nhân tố quan trong sống còn đối với lợi ích quốc gia của Mỹ. Việc đặt Triều Tiên ra ngoài “bán kính phòng thủ” của Mỹ ở Thái Bình Dương bị coi như là một hành động “bật đèn xanh” của Mỹ cho Triều Tiên khởi động cuộc chiến tranh.
Chuyến thăm Moskva vào tháng 4.1950 của Kim Nhật Thành có đề cập tới những khả năng có tính nguyên tắc tấn công Hàn Quốc và nhận được tín hiệu đồng tình từ phía Stalin. Phía Trung Quốc, Mao Trạch Đông dù không công khai lên tiếng về vấn đề này, song trong suốt quá trình Triều Tiên chuẩn bị xây dựng lực lượng quân đội trước khi chiến tranh bùng nổ, đã đồng ý chuyển giao 50.000 quân là người Triều Tiên đang phục vụ trong quân đội Trung Quốc đến Triều Tiên cùng với vũ khí. Điều này giúp Triều Tiên củng cố được sức mạnh quân sự đáng kể và là cơ sở để Kim Nhật Thành tin vào thắng lợi của Triều Tiên nếu phát động chiến tranh.
Ngày 25.6.1950 quân đội Triều Tiên vượt ranh giới vĩ tuyến 38, bắt đầu cuộc chiến tranh và nhanh chóng tiến về Seoul buộc quân đội Hàn Quốc phải rút lui. Vấn đề Triều Tiên được thảo luận trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nghị quyết 82 được thông qua, lên án cuộc tấn công của Triều Tiên và khuyến nghị tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc ngừng viện trợ cho Triều Tiên; yêu cầu Triều Tiên rút ngay quân đội về phía bắc khỏi vĩ tuyến 38.
Tình hình hết sức bất lợi cho Hàn Quốc sau ba ngày chiến tranh. Trưa ngày 28.6 lực lượng Bắc Triều Tiên chiếm được Seoul và sau đó nhanh chóng chiếm được 95% lãnh thổ miền nam, quân Nam Triều Tiên chỉ còn kiểm soát một vùng nhỏ ở quanh thành phố cảng Busan. Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ H.Truman ngay lập tức ra lệnh cho lực lượng vũ trang Mỹ ở Viễn Đông phải trợ giúp Hàn Quốc, không chờ thêm thảo luận của Liên hợp quốc về vấn đề này.
Ngày 7.7 Hội đồng Bảo an ra Nghị quyết dự kiến thành lập một đội quân đa quốc gia của Liên hợp quốc ở Triều Tiên dưới sự chỉ huy của Mỹ. Sự can thiệp của Mỹ ở Hàn Quốc từ thời điểm này là dưới danh nghĩa quân Liên hợp quốc. Cục diện chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên nhanh chóng thay đổi, quân đội Bắc Triều Tiên bắt đầu rút lui và quay trở lại vĩ tuyến 38. Mục tiêu hỗ trợ chính phủ Hàn Quốc của Mỹ và Liên hợp quốc đã đạt được, song các nhà lãnh đạo Mỹ đã quyết định tranh thủ thời cơ thuận lợi để đi xa hơn, thực hiện mục tiêu thống nhất Triều Tiên dưới chính phủ của Lý Thừa Vãn. Khi đưa ra quyết định này, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Triều Tiên, tướng McArthur đã cho rằng Trung Quốc không có khả năng can thiệp vào cuộc chiến Triều Tiên. Chính vì vậy, quân đội Mỹ ở Triều Tiên quyết định vượt quyền ủy trị của Liên hợp quốc, vượt ranh giới tấn công lên phía bắc chiếm thủ đô Bình Nhưỡng, rồi tiến về biên giới giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Liên Xô. Quyết định này của Mỹ đã tạo ra bước ngoặt và làm thay đổi tính chất của cuộc chiến. Chiến tranh không còn là hỗ trợ Hàn Quốc, khôi phục nguyên trạng theo như nghị quyết của Liên hợp quốc mà còn là việc sáp nhập lãnh thổ.
Đầu tháng 10, lực lượng quân Liên hợp quốc vượt qua biên giới tiến vào Triều Tiên. Ngày 2.10.1950 Trung Quốc đã tham chiến theo yêu cầu của Liên Xô và Triều Tiên. Đạo quân lớn của Trung Quốc dưới sự chỉ huy của nguyên soái Bành Đức Hoài vượt sông Áp lục, chặn đà tiến công của liên quân Mỹ và sau đó chuyển sang phản công. Ngày 4.1.1951, quân đội Trung Quốc đã đẩy lùi liên quân Mỹ ra khỏi lãnh thổ Bắc Triều Tiên và tái chiếm Seoul. Phía liên quân Mỹ lâm vào nguy cơ thất bại hoàn toàn buộc Tổng thống H. Truman vào ngày 16.12.1950 phải công bố tình trạng khẩn cấp trên toàn nước Mỹ với tinh thần chuẩn bị đối với một cuộc xung đột toàn diện, có khả năng góp mặt của cả Trung Quốc và Liên Xô, song song với việc kêu gọi kiềm chế tại Triều Tiên và ra lệnh cho Mc Arthur rút quân về Nhật Bản. Ngày 23.3.1951, tướng McArthur bất tuân chỉ thị từ Washington, tung lên sóng phát thanh tuyên bố tối hậu thư gửi Trung Quốc yêu cầu dừng can thiệp ở Triều tiên và đe dọa dùng vũ khí nguyên tử. Tuyên bố này đã gây nên chấn động ở các nước đồng minh của Mỹ và lãnh đạo các nước này gây sức ép lên chính phủ Mỹ phải dừng cuộc chiến. Cả Mỹ và Liên Xô đều không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện xảy ra. Chính quyền dân sự Mỹ ngày 23.3.1950 đã bác bỏ đề nghị của McArthur và bày tỏ mong muốn ngừng bắn, đàm phán tìm giải pháp. Phía Liên Xô thể hiện thái độ kiên quyết thuyết phục Trung Quốc từ bỏ kế hoạch tiêu diệt các cánh quân Mỹ, dừng tiến công và chiến tuyến lùi lên phía bắc ở vĩ tuyến 38.
Ngày 10.7.1951, với sự ủng hộ bất thành văn của Liên Xô, cuộc đàm phán đình chiến giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ được bắt đầu. Chiến sự trên chiến trường vẫn diễn ra cục bộ vả lẻ tẻ. Ngày 17.7.1953 Hiệp định đình chiến được ký kết tại Bàn Môn Điếm, các bên thỏa thuận tạo ra Khu phi quân sự Liên Triều (DMZ) và bắt đầu các hoạt động trao trả tù binh. Tuy nhiên không có một hiệp định hòa bình nào được ký kết cho đến hiện nay.
Chiến tranh Triều Tiên, bên cạnh những kết quả tàn khốc nhất trong những cuộc chiến tranh ở châu Á thời hiện đại, còn là cuộc xung đột đầu tiên trong lịch sử Chiến tranh Lạnh có thể chuyển thành chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên điều này không xảy ra bởi sự kiềm chế của cả Mỹ và Liên Xô. Cuộc chiến này cũng tạo nên những khủng hoảng đầu tiên trong nội bộ khối các nước phương Tây trước nguy cơ xung đột hạt nhân. Đồng thời, nó cũng thúc đẩy việc phân cực theo trục “Mỹ –Liên Xô” trong Chiến tranh Lạnh.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bruce Cumings, The Korean War: A History (Lịch sử chiến tranh Triều Tiên), A Modern Library Chronicles Book, 2011
- Henry Kissinger, Bàn về Trung Quốc, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 2016.
- Bogaturov Alecksey Demosfenovich&Averkov Viktor Viktorovich, Lịch sử Quan hệ Quốc tế, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016.
- Catherine Durandine, La Guerre Froide (Chiến tranh Lạnh), Presses Universitaire de France, Paris, 2019