Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hiệp ước An ninh Nhật Bản - Mỹ
Phiên bản vào lúc 14:10, ngày 21 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “nhỏ|1960_Protests_against_the_United_States-Japan_Security_Treaty_01 {{sơ…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
1960_Protests_against_the_United_States-Japan_Security_Treaty_01

Các Hiệp ước an ninh Nhật Bản - Mỹ được ký kết ngày 8.9.1951 cùng với Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản tại Hội nghị San Francisco. Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 28.4.1952, và được thay thế bằng Hiệp ước Hợp tác và An ninh tương hỗ Mỹ - Nhật ký ngày 19.1.1960, chính thức có hiệu lực từ ngày 19.5.1960 cho đến nay. Các hiệp ước này đã thiết lập liên minh quân sự chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật Bản.

Để giải quyết các vấn đề hậu chiến với Nhật Bản, từ ngày 4 đến ngày 8.9.1951, Hội nghị San Francisco được triệu tập với sự tham dự của 50 nước liên quan. Tại hội nghị này, nhiều hiệp ước được ký kết trong đó có Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật.

Hiệp ước bao gồm phần mở đầu và 5 điều khoản. Lời nói đầu trình bày lí do dẫn đến việc ký kết hiệp ước: Nhật Bản đã ký kết hiệp ước hòa bình với các nước Đồng minh, vì thế, khi hiệp ước có hiệu lực, nước này sẽ không có những phương tiện cần thiết để thực hiện quyền phòng thủ chính đáng tự nhiên, do đã bị giải giáp vũ khí. Đứng trước sự de dọa của chủ nghĩa quân phiệt vẫn còn hiện hữu, Nhật Bản mong muốn một hiệp ước an ninh với Mỹ có hiệu lực đồng thời với hiệp ước hòa bình. Hiệp ước này căn cứ vào hai cơ sở pháp lý: 1- quyền kết luận các hiệp ước an ninh chung mà Hiệp ước Hòa bình đồng thuận cho Nhật Bản; 2- quyền phòng thủ riêng và chung chính đáng tự nhiên mà Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận đối với tất cả các quốc gia.

Nội dung chính của Hiệp ước quy định, Nhật Bản tạm thời đồng ý cho Mỹ có quyền duy trì quân đội (bộ binh, không quân và hải quân) trên lãnh thổ chính và các vùng xung quanh của Nhật Bản để ngăn chặn các cuộc tấn công quân sự chống lại Nhật. Nhằm mục đích đó, Mỹ cam kết trợ giúp theo yêu cầu cấp bách của Chính phủ Nhật Bản để chống lại các cuộc bạo loạn và xáo trộn nội bộ có quy mô lớn nổ ra do xúi giục hay can thiệp của một hoặc nhiều thế lực bên ngoài. Quân đội Mỹ có thể được sử dụng vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế ở Viễn Đông. Ngoài ra, Hiệp ước cấm Nhật Bản cho phép các cường quốc bên ngoài đặt căn cứ hoặc có quyền quân sự, quyền đồn trú, diễn tập hoặc chuyển quân đội (cả bộ binh, không quân và hải quân) nếu không có sự đồng thuận của Mỹ. Các điều kiện chi phối việc triển khai lực lượng vũ trang của Mỹ tại lãnh thổ và xung quanh Nhật Bản sẽ được xác định bởi các thỏa thuận hành chính giữa hai chính phủ.

Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật (1951) cùng với Hiệp ước Hòa bình San Francisco đã chính thức kết thúc tình trạng chiến tranh ở châu Á giữa Nhật Bản và các nước thuộc phe Đồng minh, đánh dấu sự khởi đầu của Hệ thống San Francisco. Hệ thống này thể hiện mối quan hệ Nhật - Mỹ và những tác động của nó đến Nhật Bản và quan hệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Những quy định của Hiệp ước này cùng với Hiệp ước Hòa bình đã khiến Nhật Bản phụ thuộc chặt chẽ vào Mỹ về vấn đề an ninh, do đó, nó bị các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa và các nước châu Á (thành viên sáng lập của phong trào Không liên kết sau này) chỉ trích gay gắt.

Tuy nhiên, Hiệp ước năm 1951 quy định việc duy trì lực lượng và các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, trong đó Nhật Bản ở vị trí thấp hơn trong quan hệ với Mỹ. Trong những năm 50 của thế kỷ XX, Chính phủ Nhật Bản chịu sức ép từ hai phía: trong nước, lực lượng cánh tả đòi giảm số căn cứ quân sự của Mỹ; ngoài nước, Mỹ gây sức ép đòi tiếp tục duy trì những điều khoản của Hiệp ước An ninh. Chính vì vậy, đến năm 1959, Mỹ và Nhật Bản đã tiến hành đàm phán về việc gia hạn Hiệp ước năm 1951, dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Hợp tác và An ninh tương hỗ ngày 19.1.1960 tại Washington.

Hiệp ước năm 1960 gồm phần mở đầu và 10 điều khoản. Lấy Hiến chương Liên Hợp Quốc căn cứ quốc tế để giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, Mỹ và Nhật cam kết hợp tác với nhau trong khuôn khổ những quy định của Hiến pháp mỗi nước, chống lại bất cứ cuộc tấn công quân sự bằng việc phát triển phương tiện riêng của mỗi bên và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau một cách liên tục và có hiệu quả. Điều V quy định cụ thể hơn: hiệp ước bao trùm các vùng lãnh thổ dưới “sự kiểm soát của Nhật Bản” và cam kết, trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang, hai bên sẽ thực hiện các biện pháp đối mặt với “nguy cơ đe dọa chung”. Nhật Bản tiếp tục đồng thuận cho Mỹ đóng quân (bộ binh, hải quân và không quân) tại các vùng và các địa điểm của Nhật Bản nhằm đảm bảo an ninh và duy trì hòa bình tại Viễn Đông. Những điều khoản cụ thể sẽ được thỏa thuận bằng một hiệp ước riêng về các vùng và các căn cứ đóng quân cũng như về tình trạng của các lực lượng quân sự. Hiệp ước có giá trị trong thời hạn không xác định nhưng sau mỗi 10 năm, hai bên có thể hủy bỏ, nhưng cần thông báo trước một năm.

So với Hiệp ước 1951, Hiệp ước Hợp tác và An ninh tương hỗ đã đưa vị trí của Nhật Bản cân bằng hơn với Mỹ thông qua việc đưa vào khái niệm hợp tác lẫn nhau. Mặc dù được tiếp tục duy trì quân đội và các căn cứ quân sự nhưng Mỹ cần phải tham khảo ý kiến của chính phủ Nhật Bản khi sử dụng hoặc trong trường hợp đưa vũ khí hạt nhân vào các khu vực này. Mỹ cũng đề ra những nền tảng cho quan hệ giữa hai quốc gia ở cấp độ chính trị và kinh tế.

Hiệp ước năm 1960 được gia hạn theo đúng quy định và tăng cường bằng các thỏa thuận quân sự khác. Ngày 27.11.1978, Mỹ và Nhật ký thỏa thuận về điều phối và hợp tác quân sự song phương trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang trong khu vực. Năm 1996, thông qua Tuyên bố Clinton - Hashimoto, Nhật Bản và Mỹ tái xác nhận liên minh giữa hai nước. Ngày 23.9.1997, hai nước ký bản Hướng dẫn về hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật (thay thế cho thỏa thuận ngày 27.11.1978) và được sửa đổi ngày 27.4.2015. Lực lượng quân đội đồn trú của Mỹ tại Nhật có khoảng hơn 33.000 quân nhân cùng 5.500 nhân viên dân sự. Hạm đội 7 và Lực lượng Viễn chinh Biển số 3 của Mỹ đóng quân tại các căn cứ Yokosuka, Okinawa, Misawa, Kadena.

Các Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật luôn là đề tài để các đảng đối lập đưa ra nhằm chỉ trích chính phủ của đảng cầm quyền, đồng thời gây nên sự phản đối của người dân Nhật Bản, đặc biệt là các cuộc đấu tranh những năm 1959 - 1960, bùng nổ trở lại vào năm 1970 (thường được gọi là “cuộc đấu tranh Anpo”). Năm 2016, các cuộc biểu tình đòi Mỹ rút căn cứ khỏi Okinawa thu hút gần 70.000 người tham gia.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Security Treaty Between the United States and Japan; September 8, 1951 (Hiệp ước an ninh giữa Mỹ và Nhật Bản; 8 tháng Chín 1951), https:..avalon.law.yale.edu.20th_century.japan001.asp.
  2. Treaty of Mutual Cooperation and Security between the United States and Japan (January 19, 1960) (Hiệp ước Hợp tác và an ninh tương hỗ (ngày 19 tháng Một 1960)), http:..afe.easia.columbia.edu.ps.japan.mutual_cooperation_treaty.pdf.
  3. Igarashi Yoshikuni, Bodies of Memory: Narratives of War in Postwar Japanese Culture, 1945 - 1970, Princeton University Press, 2000. (Igarashi Yoshikuni, Vùng ký ức: Những câu chuyện về chiến tranh trong văn hóa Nhật Bản thời hậu chiến, Nxb. Đại học Princeton, 2000).
  4. Focsaneanu Lazar, Les traités de paix du Japon, Annuaire français de droit international, Vol. 6, 1960. (Focsaneanu Lazar, Các hiệp ước hòa bình của Nhật Bản, Tạp chí Luật quốc tế của Pháp, số 6, 1960).