Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Airlangga
Phiên bản vào lúc 19:03, ngày 20 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “nhỏ|Tượng vua Airlangga {{sơ}}'''Airlangga''' (911 - 1049) là vị vua của vương quốc Phật giáo - Hindu giáo Mata…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Tượng vua Airlangga

Airlangga (911 - 1049) là vị vua của vương quốc Phật giáo - Hindu giáo Mataram trên đảo Java trong giai đoạn 1019 - 1049, xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc Java - Bali.

Ông sinh khoảng năm 1000, là kết quả của cuộc hôn nhân giữa nhà vua Bali Udäyana (Dharmodäyanavarmadeva) với hoàng hậu Mahendradattä (Gunapriyadharmapatni-một công chúa Java). Có lẽ vì điều này mà tên gọi Airlangga (vt. A) có nghĩa là “người vượt sóng”.

Là nhà vua nổi bật cuối cùng của vương quốc Mataram, Airlangga xuất hiện trong khung cảnh lịch sử đặc biệt của vùng quần đảo Indonesia, gắn liền với quá trình thiết lập các cấu trúc chính trị và lãnh thổ mới từ các vương quốc sơ kỳ. Cơ sở của sự thay đổi này là sự phát triển thương mại, mở rộng các mạng lưới kinh tế và tôn giáo tao nền tảng cho sự thịnh đạt của các thể chế mới cả vùng duyên hải và nội địa. Điều này gây ra cuộc cạnh tranh giữa đảo Java (với các vương quốc Phật giáo, Hindu giáo dựa vào đồng bằng nông nghiệp) với vương quốc Phật giáo Mahayana trên vùng đông nam đảo Sumatra là Srivijaya.

Vì thế, khoảng năm 991, vua Java tiến hành chính sách xung đột với Srivijaya với hệ quả là các cuộc chiến tranh thường xuyên giữa hai bên. Đáp lại, Sumatra đã tổ chức một cuộc tiến công vào năm 1006 - 07, giết vua Java và phá hủy cung điện. Khi cuộc đột kích diễn ra, Airlangga đang ở trong triều đình Java để kết hôn với con gái vua Dharmawangsa. Chỉ có mình ông chạy thoát cùng với gia đình hoàng gia về miền phía đông và xác lập quyền cai trị trên một vùng đất hẹp. Sau khi Srivijaya bị Chola tấn công (1024 - 1025), A đã tìm cách mở rộng quyền lực ra toàn đảo Java, bằng cách tạo nên một mạng lưới liên minh và chư hầu quanh châu thổ sông Brantas.

Từ năm 1029 đến năm 1037, Airlangga tiến hành một loạt các chiến dịch quân sự chinh phục, thống nhất đảo Java, bao gồm cả khu vực phía tây. Kinh đô đầu tiên ông thiết lập ở Wwatan Mas, nhưng một cuộc bao vây sau đó buộc ông phải chuyển sang Patakan. Vào năm 1032, kinh đô mới được xác lập là Kahuripan, tới năm 1042 thì văn bia lại thông báo rằng kinh đô của ông tại Dahana (Daha/Dahanapura).

Dù các thủ lĩnh địa phương (bupati) vẫn giữ được quyền lực, Airlangga xây dựng vương quốc theo hướng tập trung hóa với mức độ chặt chẽ hơn các thể chế trước đó ở Đông Nam Á hải đảo. Sau khi giành quyền cai trị đảo Java và Bali (1035-1042), Airlangga tập trung vào phát triển kinh tế nông nghiệp, thương mại và văn hóa. Một tấm bia vào năm 1037 cho biết ông xây dựng đập nước ở Wringin Sapta. Những công trình thủy lợi ở đồng bằng Brantas nhằm quản lí lũ lụt và mở rộng canh tác lúa nước để xuất khẩu qua hải cảng vừa mới được chinh phục là Surabaya. Sự mở rộng của thương mại quốc tế là một trong các cơ sở tạo ra sự thịnh đạt cho vương quốc Mataram.

Airlangga tích cực phát triển nền văn hóa Java. Ông tự đồng nhất mình với thần Vishnu. Các văn bia của ông nổi tiếng với sự trau chuốt về ngôn ngữ. Nhà vua còn bảo trợ cho sự ra đời của truyện thơ Java cổ vĩ đại là Arjunawiwâha được viết bởi Mpu Kanwa. Đây là một sáng tạo của người Java lấy cảm hứng từ sử thi Mahabharata của Ấn Độ nhưng được cho là mô tả chính đám cưới của Airlangga.

Vào khoảng năm 1045 theo huyền thoại, ông từ ngôi, quy ẩn sau khi chia đôi vương quốc của mình thành Kediri và Janggala cho hai\ người con trai.

Airlangga là một trong các vị vua vĩ đại ở Đông Nam Á thế kỷ X-XI. Ông có đóng góp quan trọng đối với lịch sử thống nhất và quá trình tạo dựng nền văn hóa đặc trưng Java, Bali nói riêng và Indonsia nói chung trong một giai đoạn có ý nghĩa bản lề đối với các vương quốc thời tiền hiện đại trong khu vực.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Buchari. “Sri Maharaja Mapanji Garasakan: A New Evidence on the Problem of Airlangga’s Partition of His Kingdom.” (Sri Maharaja Mapanji Garasakan: một bằng chứng mới về việc phân chia vương quốc của Airlangga), Madjalah Ilmu-Ilmu Sastra Indonesia 4, no. 1–2 (1968): 1–26.
  2. Kulke, Hermann. “Epigraphical References to the ‘City’ and the ‘State’ in Early Indonesia.” (Các tham khảo văn bia liên quan tới “Thành Phố” và “Nhà nước” trong buổi đầu của Indonesia), Indonesia 52 (October 1991): 3–22.
  3. Christie, Jan W., State formation in early maritime Southeast Asia: A consideration of the theories and the data (Hình thành nhà nước ở Đông Nam Á hải đảo thời sơ kỳ: xem xét từ góc độ lí thuyết và tài liệu), Bijdragen tot de Taal-, Land- en Volkenkunde 151 (1995), no: 2, Leiden, 235-288.
  4. Christie, Jan W., “Javanese Markets and the Asian Sea Trade Boom of the Tenth to Thirteenth Centuries A.D.” (Các thị trường ở Java và bùng nổ thương mại biển châu Á từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII), JESHO, vol. 41, no. 3, 1998, pp. 344–381.
  5. Hall, Kenneth R., "Traditions of Knowledge in Old Javanese Literature, C. 1000-1500." (Các truyền thống tri thức trong nền văn học cổ Java, khoảng năm 1000 - 1500), JSEAS 36, no. 1 (2005): 1-27.
  6. Hall, Kenneth R., Maritime Trade and State Development in Early Southeast Asia (Thương mại hàng hải và sự phát triển của nhà nước ở Đông Nam Á sơ kỳ). Honolulu: University of Hawai’i Press, 2011.