Trống Đọi Tam là tên gọi sản phẩm trống của làng nghề Đọi Tam ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Tiếng trống đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của người Việt như trống trong hội lễ, trống đình, chùa, đền, miếu và trường học. trống Đọi Tam nổi tiếng với cách làm trống điêu luyện và sản phẩm đa dạng, phù hợp với những không gian tâm linh và sinh hoạt khác nhau.
Nghề làm trống ở làng Đọi Tam đã có lịch sử trên 1.000 năm. Truyền thuyết kể rằng vào năm 987, nghe tin vua Lê Đại Hành về làng làm Lễ tịch điền để khuyến nông, hai anh em Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã chặt hạ một cây mít trong vườn và thịt một con trâu lấy bộ da để làm trống đón vua. Ngài đã xuống ruộng hành lễ tịch điền ở Đọi Sơn trong tiếng trống như sấm rền của anh em Năng, Bản. Từ đó, hai ông được tôn làm Trạng Sấm và Đọi Sơn có ông tổ nghề làm trống.
Quy trình làm trống Đọi Tam gắn với các đặc trưng về nguyên liệu và bí quyết về kĩ thuật của làng nghề. Để làm một chiếc trống phải qua ba bước: làm da, làm tang và bưng trống. Da được chọn để làm trống là da trâu cái được nạo sạch mặt, ngâm khử mùi, chống thối, rồi sau đó được căng, phơi rồi sấy và cắt thành mặt trống. Lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da dưới dùng làm trống cho trẻ em. Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít già có độ cong theo đúng yêu cầu của từng loại trống. Gỗ mít dẻo, mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ, nên rất phù hợp để làm trống. Nếu cầu kì hơn thì có thể dùng gỗ gụ, gỗ dổi. Gỗ được cắt thành nhiều khúc rồi pha thành từng “dăm”. Tùy theo kích cỡ của trống, người thợ sẽ xác định cần bao nhiêu “dăm”, cũng như độ cong, độ dẻo của dăm để khi ghép với thân trông vừa khít, không kẽ hở. Ngoài ra, để cho trống thật kín, người ta còn dùng sơn ta miết vào các khe, cứ mỗi lớp sơn lại có một lớp vải màn. Bước cuối cùng là bưng trống. Da trâu được quây tròn, căng hết cỡ trên mặt trống, rồi đóng cố định vào thân trống bằng đinh. Đinh chốt được làm từ vầu hoặc tre già.
Nghề làm trống Đọi Tam là nghề cha truyền con nối vì mỗi dòng họ sở hữu những bí quyết của nghề được tích lũy hàng trăm năm nay. Vì thế, chỉ có nguyên liệu tốt là chưa đủ, để có được tiếng trống như ý thì phụ thuộc vào bí quyết cũng như tay nghề của người thợ. Mỗi loại trống lại có yêu cầu về âm thanh khác nhau như độ vang, rền và độ đanh, nên người làm trống đòi hỏi phải nắm bí quyết, có kinh nghiệm lâu năm và kỹ thuật tốt. Ví dụ, trống trường thì tiếng cần phải vang, rền, còn trống chèo thì đòi hỏi âm thanh trầm lắng hơn. Theo quy định, kỹ thuật làm trống chỉ được truyền cho con trai, không truyền cho con gái, con rể hay người ngoài. Trước kia, con trai làng Đọi Tam khoảng 12, 13 tuổi đã được dạy làm các loại trống nhỏ. Đến 16, 17 tuổi đã có thể theo cha anh đi làm trống đại. Trống sấm là loại trống có kích thước rất lớn, khi đánh đúng dùi thì âm thanh vang rền, hùng tráng, phù hợp trong việc khai mạc các lễ lớn, hội lớn. Chiếc trống sớm lớn nhất được cho là làm vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội với kích thước đường kinh 2,35m, cao 3m nặng khoảng 1.300kg do những người thợ giỏi của làng trống Đọi Tam chế tác. Chỉ cánh đàn ông khỏe mạnh, có kinh nghiệm và kỹ thuật điêu luyện mới có thể làm trống sấm. Các loại sản phẩm trống Đọi Tam phổ biến là trống dùng trong đình chùa, trống chèo, trống trường, trống Trung thu…
Làng Đọi Tam nay có khoảng 350 hộ thì có gần 500 thợ làm trống lành nghề. Trước kia, vào dịp Trung thu, thợ làng làm tới hơn hai vạn chiếc đem bán ở khắp nơi. Thế nhưng mấy năm gần đây, họ không làm nhiều nữa vì rất ít người mua. Hiện nay trên địa bàn có khoảng hơn 60 cơ sở sản xuất kinh doanh trống. Các nghệ nhân ở Đọi Tam vẫn đang ra sức bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Nghề làm trống của Đọi Tam nổi tiếng khắp nơi, thợ của làng có mặt ở khắp mọi miền đất nước nhưng cứ đến ngày hội làng và ngày giỗ tổ nghề thì họ lại trở về quê hương.
Tài liệu tham khảo[sửa]
Nguyễn Thế Vinh (Chủ biên), Đọi Sơn: Văn hóa – Dân gian (Biên khảo – Sưu tầm), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2019.