Quan họ là lối hát đối đáp nam nữ giao duyên, thường được diễn xướng vào các dịp lễ hội (mùa xuân và mùa thu) và gặp gỡ bạn bè ở vùng Bắc Ninh (hiện nay là một tỉnh nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 30km về phía Đông Bắc). quan họ được gọi với tên đầy đủ là Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Là lối hát không có nhạc đệm, các câu hát có thể là những lời thơ hay ca dao có sẵn song trong quá trình hát đối đáp lời hát cũng có thể được ứng tác theo khả năng ứng biến của cả hai bên. Loại hình dân ca này được xem là loại hình nghệ thuật tổng hợp của lời ca, giọng điệu, lề lối, phong tục, lối chơi, môi trường diễn xướng,…
Dù gắn với tên địa danh hành chính của tỉnh Bắc Ninh hiện nay song thực chất dân ca quan họ là nét văn hoá đặc trưng của người Việt cư trú hai bên bờ sông Cầu ở Bắc Ninh và một phần của Bắc Giang hiện nay, có 49 làng được xem là làng quan họ cổ đã và đang gìn giữ, lưu truyền và thực hành loại hình dân ca này. Tỉnh Bắc Ninh có 44 làng thuộc 3 huyện Tiên Du, Từ Sơn, Yên Phong và thành phố Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Giang có 5 làng thuộc huyện Việt Yên. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang còn có 13 làng khác cũng có thực hành hát quan họ tuy không được xem là làng quan họ cổ.
Trong 44 làng quan họ cổ ở Bắc Ninh, làng Diềm (tên chữ là làng Viêm Xá) thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong được xem là làng phát tích của dân ca quan họ và là nơi duy nhất có đền thờ Thủy tổ quan họ, gọi là đền Vua Bà. Tương truyền, Vua Bà chính là người con gái làng Diềm có tài ca hát, trong một lần chúa Trịnh đi ngang qua đất làng cảm động lời hát đã đưa cô gái về cung lấy làm vợ, sau một thời gian nàng xin về quê và dạy cho dân làng hát, khi bà mất dân làng thờ bà là Thủy tổ quan họ.
Dân ca quan họ hiện có 213 giọng, hơn 400 bài ca. Lời một bài ca gồm phần cốt lõi là những lời thơ, ca dao và những tiếng đệm, tiếng đưa hơi như i hi, ư hư, a ha, a tính tình tinh,…các giọng chia ra thành bốn nhóm giọng chính là: giọng lề lối, giọng sổng, giọng vặt và giọng giã bạn tương ứng với ba chặng của một cuộc hát quan họ là: chặng mở đầu, chặng giữa và chặng cuối. Giọng lề lối là giọng mở đầu, còn gọi là giọng cổ, hát với tốc độ chậm, lời hát nhiều luyến láy, tiếng đệm, ví như các bài Hừ la, Cây gạo, Tình tang, Đường bạn, Cái ả,…; Giọng sổng là làn điệu hát cho thoát giọng, chuyển tiếp từ giọng lề lối sang giọng vặt để bắt vào chặng giữa của cuộc hát, lời hát khoan thai, mực thước, hát để giảm độ chênh, độ hụt giữa hai bên, bài La rằng được xem là bài điển hình cho chặng hát giọng sổng; Giọng vặt là các giọng thuộc phần chính của buổi ca hát. Loại giọng vặt có nhiều âm điệu nhưng ngắn gọn về giai điệu. Tiết tấu của loại giọng vặt linh hoạt, sắc thái âm điệu phong phú, bài bản tương đối nhiều, ví như bài Trống cơm, Qua cầu gió bay, Tương phùng – tương ngộ, Ngồi tựa mạn thuyền; Giọng giã bạn là giọng hát trước lúc chia tay, lời hát mang nội dung tiễn biệt, giai điệu thường buồn, da diết, các bài phổ biến của giọng này là Người ở đừng về, Chuông vàng gác cửa tam quan, Kẻ bắc người nam, Chia rẽ đôi nơi, Con nhện giăng mùng…
Hát quan họ thường theo lề lối hát đối đáp từng đôi một, thường là một cặp nữ của bọn quan họ này hát với một cặp nam của bọn quan họ kia, trong một đôi của mỗi bên, có người hát chính gọi là dẫn giọng và người hát phụ gọi là luồn giọng. Người dẫn giọng phải là người hát khá, thuộc nhiều, có khả năng đối đáp linh hoạt, người luồn giọng phải biết hòa giọng với người dẫn giọng để các câu hát không vênh. Hát quan họ được xem là chuẩn khi giọng phải: nền, rền, vang, nảy. Hát quan họ không chỉ đòi hỏi hát tròn vành, rõ chữ, mượt mà, duyên dáng, bằng nhiều kỹ thuật như rung, ngân, luyến, láy mà còn phải hát nảy hạt (tùy theo người hát, sự nảy hạt có thể lớn hay nhỏ về cường độ).
Quan họ chủ yếu là nghệ thuật phổ lời ca dao và thơ, được người quan họ gọi là “đặt câu, bẻ giọng”. Ðặt câu là sáng tác lời ca, thường là thơ, bẻ giọng là phổ nhạc cho lời ca ấy. Cách thức sáng tác này cho phép được lấy một đoạn thơ, một bài thơ, một đoạn ca dao có sẵn trong vốn thơ ca dân gian để phổ nhạc, hoặc cũng có thể có người chỉ giỏi “đặt câu” để rồi người khác “bẻ giọng”, hoặc cũng có thể một người làm cả việc “đặt câu” và “bẻ giọng”. Những sáng tác này sử dụng những tiếng phụ, lời phụ bên cạnh những tiếng chính, lời chính nhằm làm cho tiếng hát trôi chảy, lời ca thêm phong phú, linh hoạt, giàu tính nhạc.
Hát quan họ được chia thành 8 hình thức: hát đối đáp, hát hội, hát canh, hát thờ, hát cầu đảo, hát kết chạ, hát mừng, hát giải hạn, trong đó phổ biến hơn cả là 3 hình thức hát đối đáp, hát hội và hát canh. Hát đối đáp chủ yếu là đối giọng (đối âm điệu), đối lời, đối ý, tức là bên hát trước hát làn điệu nào thì bên hát sau phải đối lại cũng một bài có làn điệu như thế nhưng lời ca phải khác đi mà vẫn gắn bó với tình, ý, hình tượng...của lời ca người hát trước để tạo nên hiệu quả hô ứng, tương hằng, đối xứng, cảm thông. Hát hội bao gồm hát vui và hát thi. Hát vui là hát trong các dịp hội làng, gặp gỡ giữa các nhóm quan họ, hát thi tuân thủ qui định chặt chẽ về lề lối, bài bản, trình tự cũng như cách thức đối đáp theo qui định. Hát canh là hình thức đặc trưng của dân ca quan họ, mỗi canh hát thường kéo dài từ 7,8 giờ tối đến 2,3 giờ sáng, có canh hát kéo dài tới 2,3 ngày đêm. Trình tự một canh hát đúng lề lối gồm 3 chặng: chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối tương ứng với 4 giọng: giọng lề lối, giọng sổng, giọng vặt, giọng giã bạn. Hát canh gắn với sự giao lưu giữa các bọn quan họ tạo nên lối chơi quan họ. Hát thờ thường diễn ra vào các dịp hội làng, mỗi nhóm quan họ sắm sửa trầu, cau, hương, nến, hoa quả vào đình làm lễ Thánh. Sau khi đặt lễ xong, các nhóm quan họ thường ca một đôi bài theo giọng La rằng để chúc thánh, chúc dân làng người an, vật thịnh, phúc, lộc, thọ, khang ninh. Hát cầu đảo, khi trời hạn hán kéo dài mãi không mưa thì ở một số đền miếu trong vùng quan họ thường có hát cầu đảo (cầu mưa), họ tin rằng tiếng hát quan họ có thể thấu đến trời cao và đánh động đến thế giới thần linh để có thể cầu xin được mưa thuận gió hòa. Hát giải hạn, khi gặp nhiều việc không may hoặc vào năm xung tháng hạn, dân làng hát quan họ tập hợp một số nhóm quan họ, vừa nam vừa nữ hát những bài vui vẻ chúc may mắn, bình yên. Hát mừng khi gia đình có việc vui như nhà mới, sinh con, mừng thọ hay con cái đỗ đạt, khi đó bên cạnh tiệc mừng thì còn có canh hát quan họ của một số nhóm quan họ. Hát kết chạ thường vào dịp các làng kết chạ với nhan có hội, quan họ hai làng mời nhau sang hát hội, hát thờ, hát đối đáp hoặc hát canh. Dân ca quan họ không chỉ là một lối hát mà còn gắn với rất nhiều những phong tục, tập quán, lễ hội nên còn được gọi là chơi quan họ.
Bọn quan họ và tục ngủ bọn: Những người say mê hát quan họ thường tự nguyện rủ nhau lập thành bọn quan họ nam hoặc bọn quan họ nữ, mỗi bọn quan họ thường có 4-6 người, được đặt tên theo thứ tự anh/chị Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu. Trong các sinh hoạt quan họ, các thành viên của bọn quan họ không gọi nhau bằng tên thật mà gọi theo tên đặt trong bọn. Để truyền dạy hát quan họ, buổi tối người học thường rủ nhau ngủ ở nhà ông/bà Trùm để học câu, luyện giọng (gọi là tục ngủ bọn). Yêu cầu đặt ra với tục ngủ bọn là liền anh/liền chị phải ghép và luyện sao cho từng đôi một, thật hợp giọng nhau để đi hát.
Nhà chứa Quan họ: là nơi sinh hoạt riêng của bọn quan họ. Thông thường một làng có bao nhiêu bọn quan họ thì phải có bấy nhiêu nhà chứa. Chủ nhà chứa được gọi là “ông chứa” (nếu là nhà chứa bọn quan họ nam) hoặc “bà chứa” (nếu là nhà chứa bọn quan họ nữ) thường là những liền anh, liền chị cao tuổi, có uy tín nhất trong bọn quan họ. Nhà chứa là nơi hội họp, luyện tập, nơi “ngủ bọn” của bọn quan họ và truyền dạy quan họ, cũng là địa điểm đón tiếp và mời cơm quan họ bạn, là nơi tổ chức hát canh giữa bọn quan họ sở tại và bọn quan họ kết bạn trong những dịp lễ hội của làng. Vì vậy mà các ngôi nhà kiểu này thường khá rộng rãi, thoáng mát, khang trang, có không gian cho các cuộc hát và cũng có nơi nghỉ riêng cho quan họ nam và quan họ nữ. Hiện nay, ở làng Viêm Xá, xã Hoà Long, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh vẫn còn ngôi nhà chứa quan họ của cụ Ngô Thị Khu đã hơn 100 năm.
Kết chạ: Giữa các làng quan họ có tục kết chạ rất phổ biến. Trong 44 làng quan họ cổ của tỉnh Bắc Ninh đã có 33 cặp kết chạ. Từ tục kết chạ, các bọn quan họ có tục kết bạn quan họ. Mỗi bọn quan họ của một làng đều kết bạn với một bọn quan họ của làng khác theo nguyên tắc quan họ nam kết bạn với quan họ nữ và ngược lại. Với các làng đã kết chạ, trai gái trong các bọn quan họ đã kết bạn không được nên duyên vợ chồng với nhau, họ coi nhau như anh em một nhà, luôn quan tâm giúp đỡ nhau và có mặt khi gia đình mỗi người trong bọn có việc hiếu, việc hỉ. Nhiều nhà nghiên cứu về quan họ cho rằng vì tục này mà lời hát quan họ trở nên da diết, nhớ nhung và luôn có những lời hát giã bạn dùng dằng khó dứt.
Trang phục quan họ: Trang phục quan họ rất đặc trưng mà nhìn vào có thể nhận ra ngay, không lẫn với các trang phục truyền thống khác. Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối, bên trong mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Kiểu áo dài đó kết hợp với quần dài trắng, ống rộng, dài tới mắt cá chân, có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần, đầu đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp, cầm ô. Trang phục liền chị thường được gọi là "áo mớ ba mớ bảy", gồm: chiếc yếm, một chiếc áo cánh màu trắng, 3-7 lượt áo dài năm thân. Liền chị mặc váy sồi, váy lụa màu đen, đi dép cong, chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao, và thắt lưng đeo dây xà tích.
Ẩm thực quan họ: Ẩm thực quan họ rất đặc trưng với miếng trầu têm cánh phượng và têm cánh quế, với mâm cỗ quan họ được bày ra mâm đan, bát đàn, các món ăn trong bữa cơm phụ thuộc vào tập quán của từng làng, nhưng bao giờ cũng phải có một đĩa thịt gà, hai đĩa giò lụa, thịt lợn nạc, không dùng thức ăn có nhiều mỡ để tránh hỏng giọng. Đồ ăn ngọt thường gồm hồng, bánh xu xê, bánh cốm, chè đường,...Trong khi ăn uống, người quan họ dùng những lời lẽ ý nhị, ngọt ngào để mời nhau.
Lễ hội Quan họ: Hội Lim là lễ hội nổi tiếng nhất của sinh hoạt Dân ca quan họ Bắc Ninh, hội Lim được tổ chức hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng trên đồi Lim (xã Lũng Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Vào dịp hội này quan họ được hát trong các gia đình, các làng, các câu lạc bộ, hát trên sân khấu chính của lễ hội, hát trên đồi Lim, hát trước chùa Lim,...các loại hình hát hội, hát thi, hát thờ, hát đối đáp, hát canh,...được các nghệ nhân, nghệ sĩ và những người dân các làng quan họ thể hiện.
Dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 30 tháng 9 năm 2009. Từ đây, loại hình dân ca này đã được đầu tư trọng điểm, được nghiên cứu, bảo vệ và giữ gìn một cách toàn diện hơn trong đời sống cộng đồng và quảng bá rộng rãi trong nước cũng như quốc tế.
Hiện nay, dân ca quan họ Bắc Ninh vẫn duy trì được hình thức, lề lối hát và các sinh hoạt ca hát truyền thống song đã phát triển thêm nhiều hình thức và sinh hoạt mới. Các hình thức, lề lối hát quan họ cổ, các giọng quan họ cổ không còn được duy trì phổ biến, loại hình quan họ mới hình thành và phát triển mạnh, được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: Ca nhạc quan họ, quan họ sân khấu, quan họ đài, quan họ chuyên nghiệp, quan họ cải biên,… quan họ được đưa lên sân khấu biểu diễn trên nền âm nhạc hiện đại, được dàn dựng thành những hoạt cảnh, được cải biên dưới nhiều hình thức, được biểu diễn bởi các diễn viên chuyên nghiệp, quan họ cũng xuất hiện dưới hình thức Karaoke quan họ, Mashup quan họ,… Môi trường truyền dạy quan họ cũng mở rộng hơn, không chỉ truyền dạy trong môi trường cộng đồng (qua tục kết bọn, ngủ bọn, sinh hoạt tại nhà chứa quan họ, hát canh…) mà quan họ còn được truyền dạy trong các câu lạc bộ, các trường học, trường nghệ thuật chuyên nghiệp, các đoàn nghệ thuật,…). Hình thức hát canh quan họ hiếm dần, phổ biến hơn cả là hát quan họ biểu diễn, quan họ trên sân khấu dùng micro, nhạc đệm, trang phục thoải mái, cách điệu và có sự tự do hơn trong việc hát đơn, hát đôi hay hát nhóm,… quan họ hiện nay được hát trong các phần văn nghệ trước các lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị, các sinh hoạt xã hội, trong các lễ khánh thành nhà mới, trong đám mừng thọ, trong các buổi tiệc như tiệc mừng con cái đỗ đạt, tiệc mừng lên chức, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới, khai trương Công ty,… Sự phổ biến của sinh hoạt quan họ, nhất là quan họ mới cùng các phương thức trình diễn quan họ hiện nay đã gây nên nhiều tranh luận trong xã hội và trong chính cộng đồng chủ nhân của quan họ. Nhiều nhà nghiên cứu và các nghệ nhân rất bức xúc về sự phổ biến của các loại hình quan họ mới, họ cho rằng đó là giả quan họ, quan họ trình diễn, quan họ thương mại và cần phải giữ lấy quan họ cổ, quan họ gốc mà theo họ quan họ cổ, quan họ gốc mới là quan họ đích thực. Trong khi đó nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý và cả không ít các nghệ nhân khác lại cho rằng, quan họ cần phải như vậy để thích ứng với bối cảnh mới, cứ khư khư mỗi quan họ cổ toàn các cụ hát sẽ rất ít người nghe lvà như thế, quan họ cũng không phát triển được, thậm chí không sống được trong cộng đồng. Khi quan họ mới được xã hội chấp nhận và có sức lan toả, cần để cho quan họ mới phát triển. Dù tranh luận nhiều như vậy song thực tế hiện nay cả quan họ cổ và quan họ mới đều đang được bảo vệ và thực hành phổ biến, trong đó quan họ mới có sự phát triển, phổ biến và lan toả rộng rãi hơn trong xã hội.
Quan họ là một lối hát, một lối chơi, một sinh hoạt văn hoá nghệ thuật gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân Kinh Bắc xưa, Bắc Ninh hiện nay. Người dân nơi đây rất tự hào về di sản văn hoá đặc sắc này của họ. quan họ từ trong quá khứ đến hiện tại luôn là nét đặc trưng, là dấu ấn quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa, tạo nên thương hiệu cho vùng đất và con người Bắc Ninh.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1961.
- Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Một số vấn đề về dân ca quan họ, Ty Văn hoá Hà Bắc xuất bản, Hà Bắc, 1972.
- Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý, Quan Họ nguồn gốc và quá trình phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.
- Liên hiệp các Hội khoa học kĩ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kĩ thuật châu Á - Thái Bình Dương, Khảo cứu văn hóa Kinh Bắc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Hà Nội, 1997.
- Trần Linh Quý, Hồng Thao, Tìm hiểu dân ca Quan họ, Nxb. Văn hoá Dân tộc & Sở Văn hóa thông tin Hà Bắc, Hà Nội, 1997.
- Hồng Thao, Dân ca quan họ, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội, 1997.
- Phạm Trọng Toàn, "Mấy nét về văn hoá âm nhạc Quan họ", Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Số 3/2001, 2001.
- Bộ Văn hóa - Thông tin, Phát triển âm nhạc truyền thống ý nghĩa văn hoá và thành tựu nghệ thuật, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học, Hà Nội, 2004.
- Nhiều tác giả, Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội, 2008.