Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Hát ví
Phiên bản vào lúc 15:15, ngày 19 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Hát xoan''' một loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian gắn với vùng đất Phú Thọ và tục thờ các Vua Hùng ở đ…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Hát xoan một loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian gắn với vùng đất Phú Thọ và tục thờ các Vua Hùng ở đây. hát xoan còn được gọi với các tên khác như hát Lãi Lèn, Hát Thờ, Khúc môn đình (Hát cửa đình),…Tương truyền hát xoan có nguồn gốc từ thời Hùng Vương, là loại hình ca hát mang tính thiêng được hát vào mùa xuân và tên khởi đầu cũng là hát Xuân, sau này do kỵ tên húy của vị Đức Thánh được thờ trong đình làng Xoan cổ mà hát Xuân chuyển thành hát xoan.

Lịch sử[sửa]

Hát xoan có ở nhiều làng ở Phú Thọ, ít nhất là gắn với 31 đình, đền ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc song phổ biến và nổi tiếng hơn cả là ở 4 làng trên đất Phú Thọ: làng Kim Đái (hay Kim Đới, Kẻ Đới), Phù Đức, Thét (thuộc xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) và làng An Thái (nay thuộc xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì). 4 làng này được xem là 4 làng Xoan cổ và trong truyền thống có phường Xoan và có việc đi hát Xoan ở các nơi. Trong đó miếu Lãi Lèn ở làng Xoan Phù Đức được xem là nơi thực hành hát xoan cổ xưa nhất.

Sự ra đời của hát xoan gắn với nhiều truyền thuyết ở các địa phương vùng Phú Thọ. Đó là truyền thuyết về ba anh em Vua Hùng trên đường đi tìm đất mở mang kinh đô đã nghỉ chân ở thôn Phù Đức và An Thái và dạy đám trẻ chăn trâu vừa chơi các trò chơi dân gian vừa hát, về sau tưởng nhớ công lao của ba anh em Vua Hùng dân làng mở hội vào ngày 13 tháng Chạp và trong hội luôn có hát xướng để tạ ơn các Vua Hùng đã dạy dân múa hát. Truyền thuyết về vợ Vua Hùng lúc lâm bồn đau mãi mà chưa sinh được nên đã mời người giỏi múa hát trong làng đến múa hát để giúp vợ Vua đỡ đau và sinh dễ hơn. Sau đó Vua Hùng truyền cho các Mỵ nương học lấy các điệu múa hát ấy để hát mừng trong lễ hội mùa xuân, gọi là hát Xuân, sau kiêng tên của con gái Vua Hùng là Xuân Nương nên gọi chệch là hát xoan. Truyền thuyết về công chúa con Vua Hùng lúc lọt lòng hay khóc mà không ai dỗ được cho đến khi nghe người dân làng An Thái hát thì công chúa mới chịu nín, đến khi công chúa lấy chồng có thai khi đi qua làng An Thái nghe hát xoan thì chuyển dạ đẻ, những người hầu phải chạy thật nhanh về cung để nàng kịp sinh nở. Hiện nay ở Cao Mại còn bảo lưu tục chạy kiệu Vua Bà và có tổ chức hát xoan trong những ngày lễ hội, đình đám. Truyền thuyết liên quan đến nữ tướng Xuân Nương, thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa có lần đi qua làng Hương Nộn được nghe hát Xuân, Xuân Nương rất thích thú. Sau ngày khởi nghĩa thắng lợi, Bà về thăm lại quê hương và cho người sưu tầm, ghi chép lại các bài ca Xuân ấy để truyền dạy trong quân. Vì thế ngày nay khi tế Xuân Nương, dân làng Hương Nộn tổ chức hát Xuân nghi lễ và để kiêng kỵ tên húy của bà hát Xuân được gọi chệch đi là hát xoan. Truyền thuyết về hoàng hậu Lê Xuân Lan, vợ Vua Lý Thần Tôn đi du xuân qua đất Phù Ninh đã được nghe những người nông dân ở đây vừa làm ruộng, đánh cá vừa hát say sưa, quên đi mệt mỏi, bà đã cho người ghi chép lại và về chùa Thiên Tạo, xã Hương Nộn dạy cho dân hát theo. Bà được dân tôn thờ là Đức Thánh Mẫu. Sau khi bà mất dân Phù Ninh đã sang Hương Nộn cùng nhau hát thờ bà.

Các truyền thuyết trên dù mang màu sắc huyền thoại song qua đó có thể thấy được hát xoan xuất hiện từ rất sớm, từ thời Hùng Vương ở các làng cổ nằm trong vùng bán sơn địa của Phú Thọ, gắn với phong tục tập quán, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước, gắn với đời sống lao động thường ngày và đời sống nghi lễ trong các ngôi đình cũng như việc thờ cúng các vị thần ở đình, vì vậy mà hát xoan còn được gọi là hát cửa đình hay khúc môn đình.

Đặc điểm[sửa]

Hát xoan là loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống được truyền khẩu từ đời này sang đời khác theo các bài bản Xoan cũng như cách trình diễn Xoan. Tương truyền trong dân gian vùng Phú Thọ, có 31 bài Xoan cổ gắn với 3 chặng hát:

Hát thờ (thờ các vua Hùng, các vị thần, những người có công với nước và tổ tiên của các dòng họ). Đến mùa hội đình ở Phú Thọ (khoảng từ tháng Giêng đến hết tháng 3) các làng giữ lệ mời phường Xoan về hát thờ, mỗi phường Xoan thường chọn giữ một hoặc một số vị trí cửa đình để hát thờ. Cuộc lưu diễn mùa xuân của các phường xoan kéo dài có khi đến cả 3 tháng. Các phường Xoan và các làng mời phường xoan đến hát thường duy trì tục kết nghĩa (nước nghĩa) anh em. Việc mời làng Xoan đến hát, tục kết nghĩa giữa các làng và cả quá trình hát thờ đều được thực hiện trong những nghi thức mang tính thiêng với những qui định chặt chẽ về trang phục, nhạc cụ, lời hát, nghi thức trình diễn, nghi thức rước kiệu, dâng lễ, lễ vật,…Chính điều đó đã đưa đến những định lễ trong nghi thức hát thờ thần ở khắp các đình làng ở Phú Thọ và hát xoan được xem là loại hình hát thờ độc đáo của người dân Phú Thọ nói chung và ở các phường Xoan nói riêng.

Hát quả cách (ca ngợi, mô tả thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng). Cấu trúc của mỗi bài quả cách thường có ba phần: phần mở đầu (giáo cách), phần trung tâm (đưa cách), phần kết (kết cách). Hát quả cách có nội dung rất đời thường, thể hiện những cảm xúc của con người trước bốn mùa hay kể về 4 lớp người trong xã hội nông thôn thời phong kiến: Sỹ, Nông, Công, Thương. Hát Quả cách gắn bó chặt chẽ với các yếu tố thiêng, ví như khi trình diễn các quả cách, ông Trùm phường và các cô đào Xoan đều đứng trước nhang án, ông Trùm hát những bài ca Xoan bằng chữ Hán Nôm, các cô đào Xoan vừa múa vừa hát đối giọng với ông trùm phường.

Hát hội (gồm rất nhiều bài bản kết nối với nhau theo dạng tổ khúc múa hát và diễn trò). Hát hội là chặng hát sinh động nhất trong trình tự hát Xoan. Các màn múa hát rất phong phú, rất nhiều các bài bản bày tỏ ước mơ, trao đổi tình cảm, tình yêu nam nữ và phục vụ vui chơi giải trí, nhu cầu văn hóa của cộng đồng, chủ yếu gồm các làn điệu trữ tình, vui nhộn như: Bợm gái, Trống quân, Mò/Mó cá, Hát Đúm, Xin huê - Đố chữ… chứa đựng trong đó những thông điệp về âm - dương, những đụng chạm giới tính, những sự đối đáp giao duyên đưa đến sự sinh sôi và hoan hỷ. Trong chặng hát hội còn có những bài (như bỏ bộ), những điệu hát múa minh họa đời sống sinh hoạt của người nông dân nông thôn từ xẻ ván, trồng cấy, se chỉ, vá may, thêu thùa đến chợ búa,…

Hát xoan là loại hình dân ca nghi lễ phong tục và cũng là loại hình dân ca trữ tình giao duyên, lời ca vừa mang tính chất bác học vừa bình dân, sử dụng những tiếng đưa hơi (ơ, a, i, ê hê), tiếng đệm (tềnh là tềnh tang tềnh, vông vông tầm), kỹ năng hát thiên về hát nói, hát ngâm và kết hợp cả hai loại hình, giai điệu trữ tình, mộc mạc, chậm rãi, khoan thai, thang âm, điệu thức tự nhiên, vừa phải, tiết tấu đơn giản,…Các thành tố lời ca, âm nhạc, múa, trang phục, đạo cụ, không gian, thời gian diễn xướng hòa quyện vào nhau, gắn bó hữu cơ với nhau tạo nên hát xoan.

Quá trình phục hồi[sửa]

Cho đến nay hát xoan đã trải qua nhiều thăng trầm gắn với những bối cảnh xã hội của từng giai đoạn lịch sử. Những năm đầu thế kỷ XX, hát xoan vẫn tồn tại phong phú ở các làng quê Phú Thọ song đến những năm 40 cho đến tận những năm 70 của thế kỷ XX, hát xoan gần như vắng bóng do chiến tranh loạn lạc, kinh tế khó khăn,... Cuối những năm 70 hát xoan bắt đầu được phục hồi song vẫn chủ yếu ở bốn làng Xoan cổ. Mốc lịch sử quan trọng khiến hát xoan trở lại và phổ biến rộng rãi hơn là hát xoan được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp vào ngày 24 tháng 11 năm 2011. Ngay sau đó, hàng loạt những chính sách, những chương trình, kế hoạch hành động,…được chỉ đạo từ Trung ương và tỉnh Phú Thọ thực hiện nhằm mục đích bảo vệ di sản này. Các ban ngành từ trung ương đến địa phương, từ các nhà quản lý đến mỗi người dân đều nỗ lực cao để bảo vệ di sản Xoan. Thực tế đó đã mang tới cho hát xoan những sự hồi sinh nhanh chóng, những sự lan tỏa mạnh mẽ. Hiện nay, hát xoan trở nên quen thuộc với cả nước, được đưa vào dạy trong các trường học, công sở ở Phú Thọ, hát xoan xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các lễ hội, các nghi lễ, các dịp kỷ niệm, các hoạt động du lịch,… Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 100 câu lạc bộ hát xoan và dân ca, khoảng gần 300 nghệ nhân thực hành hát xoan. Chính vì những cố gắng và sự thành công của người dân Phú Thọ trong quá trình đưa Xoan trở lại với đời sống mà ngày 8 tháng 12 năm 2017, hát xoan Phú Thọ được UNESCO chuyển ra khỏi danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp và được ghi danh trong Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại

Những vấn đề không mong muốn[sửa]

song hành với những thành công đó, quá trình phục hồi hát xoan, phổ biến hát xoan và nhanh chóng đưa hát xoan ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề và cả những hệ quả không mong muốn.

Vấn đề “Xoan hóa”: “Xoan hóa” là từ mà nhiều nhà nghiên cứu dùng để gọi tên thực trạng “người người hát Xoan, nhà nhà hát Xoan, trường trường hát Xoan” ở Phú Thọ như hiện nay. Việc đầu tư, phục hồi, quảng bá, phát triển Xoan quá nhanh, quá tích cực và cấp tập bên cạnh những tác động tích cực thì cũng tạo hiệu ứng không mong muốn: Người dân có cảm giác họ “bị bão hòa” với Xoan; Xuất hiện tình trạng “ăn theo Xoan”, “lợi dụng Xoan”; Tạo ra sự thiếu công bằng cho các thể loại dân ca cũng như các di sản khác.

Vấn đề cải biên, sân khấu hóa hát Xoan: Thuật ngữ Xoan mới (trong sự phân biệt với Xoan cổ) là thuật ngữ đã trở nên phổ biến ở ngay chính vùng Xoan Phú Thọ. Xoan mới là sự cải biên các làn điệu Xoan cổ theo nhiều cách khác nhau hoặc kết hợp Xoan với các loại hình dân ca hay ca hát hiện đại khác. Nếu như Xoan cổ gắn bó chặt chẽ với các phường Xoan, các nghệ nhân Xoan, các cửa đình thì Xoan mới gắn nhiều hơn với sân khấu biểu diễn, với những “bài hát Xoan”, “liên khúc Xoan”, “ca cảnh Xoan”,…gắn với hội thi, hội diễn, có sự hỗ trợ của âm nhạc, sự kết hợp của nhiều loại hình ca múa nhạc kịch khác, sự sáng tạo của các nghệ sĩ chuyên nghiệp và gắn với du lịch, với lớp trẻ. Việc cải biên Xoan, đưa Xoan lên sân khấu như vậy đã gây ra nhiều tranh luận. Nhiều nhà nghiên cứu cùng các nghệ nhân Xoan khẳng định rõ ràng là chỉ có một di sản hát Xoan được thực hành ở các làng Xoan cổ, không có Xoan mới hay bất cứ một loại hình Xoan nào khác, mọi hình thức cải biên Xoan đều là khó chấp nhận. Không ít nhà khoa học và các nhà quản lý khác lại cho rằng Xoan mới có cái hay riêng, chính nó đem đến sự hồi sinh cho Xoan cổ và cũng đưa Xoan vượt ra khỏi biên giới của làng xã để đến với cả nước và ra quốc tế, Xoan mới được thực hành rộng khắp tạo nên sức sống cho Xoan. Thực tế này đặt ra bài toán nan giải cho công tác bảo vệ và phát huy hát Xoan trong đời sống đương đại: không cải biên Xoan thì khó phổ biến Xoan rộng rãi mà cải biên Xoan thì Xoan không còn tính nguyên gốc của hát Xoan.

Vấn đề truyền dạy hát Xoan: Số lượng các nghệ nhân có thể truyền dạy được Xoan cổ hiện nay còn rất ít và mỗi nghệ nhân truyền dạy một kiểu, chưa có một giáo trình nào dạy hát Xoan một cách bài bản. Việc truyền dạy hát xoan trong các câu lạc bộ cũng có nhiều thách thức khi không phải câu lạc bộ nào cũng có nghệ nhân Xoan truyền dạy, việc truyền dạy chủ yếu là dạy Xoan mới, vì vậy vốn Xoan cổ dần dần khó được bảo tồn một cách đúng nghĩa ở các Câu lạc bộ. Việc đưa Xoan vào truyền dạy trong các công sở, trường học cũng gặp nhiều khó khăn khi việc dạy và học nặng tính đối phó, thiên về hình thức và không phải khi nào cũng đạt được hiệu quả như mong muốn.

Vấn đề “hành chính hóa” hát xoan: Sau khi hát xoan được UNESCO ghi danh, các công việc liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát huy Di sản này được giao cho Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Phú Thọ. Gần như bất cứ vấn đề gì liên quan đến Xoan cũng cần thiết phải có ý kiến của Sở. Thậm chí, các nghệ nhân muốn đi đâu truyền dạy hay biểu diễn hay muốn được công nhận nghệ nhân đều phải có ý kiến và sự chỉ đạo của bên ngành Văn hóa. Sự can thiệp sâu vào các thực hành hát xoan như vậy dẫn đến sự thiếu chủ động của người dân với chính di sản của họ, dần hình thành tâm lý di sản là của Nhà nước.

Hát xoan trong đời sống dân gian[sửa]

Hát xoan gắn bó với đời sống tín ngưỡng phong tục, nhất là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, gắn bó với đời sống lao động sản xuất, đời sống lao động thường ngày và đời sống tâm linh của người dân Phú Thọ nói chung và người dân ở các làng Xoan cổ nói riêng. hát xoan mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa (khi gắn với thời đại Hùng Vương và với các lớp văn hóa Nho giáo sau này), giá trị nghệ thuật (khi có sự kết hợp hài hòa và gắn kết giữa ca từ, lời thơ, âm nhạc, múa, trình diễn), giá trị tâm linh (khi gắn với các nghi lễ trước cuộc hát, nghi lễ hát chúc Thánh, Vua), giá trị gắn kết cộng đồng (với các trò chơi, các chặng hát quả cách, hát hội với nội dung giao duyên, kết hợp với múa hát, rồi tục giữ cửa đình, tục kết nghĩa giữa các làng). Chính vì vậy, hát xoan đã trở thành nét văn hóa đặc sắc gắn vùng đất Phú Thọ. Hiện nay, hát xoan không những được phục hồi nhanh chóng mà còn có sự lan tỏa, mở rộng không gian thực hành và phát triển thêm loại hình Xoan mới (Xoan văn nghệ, Xoan trình diễn,...). hát xoan đi vào các lễ hội làng, sống trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian, trong các trường học, các công sở và cả các hoạt động phục vụ du lịch,…tạo ra một thương hiệu di sản văn hoá không chỉ cho Phú Thọ mà còn của cả Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tú Ngọc, Hát Xoan (Dân ca Vĩnh Phúc), Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1977.
  2. Nhiều tác giả, Dân ca Xoan Ghẹo (Kỷ yếu hội thảo khoa học dân ca Xoan Ghẹo Vĩnh Phú lần thứ 1, 1994), Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao Vĩnh Phú xb., 1995.
  3. Tú Ngọc, Hát Xoan (Dân ca lễ nghi - phong tục), Viện Âm nhạc, Hà Nội, 1997.
  4. Nguyễn Khắc Xương, Hát Xoan Phú Thọ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch – Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, Phú Thọ, 2008.
  5. Bùi Thị Mai Lan (2012), Hát Xoan làng Phù Đức (xã Kim Đức, tỉnh Phú Thọ), Luận văn Thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012.
  6. Cao Khắc Thùy, Hát Xoan – Hát Ghẹo, dấu ấn một chặng đường, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 2012.
  7. Nguyễn Khắc Xương, Hát Xoan Phú Thọ, Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, 2015.