Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chức năng luận
Phiên bản vào lúc 13:48, ngày 19 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Chức năng luận''' là trường phái lý thuyết dành sự quan tâm vào việc lý giải các thể chế và thực hành văn hoá…”)

Chức năng luận là trường phái lý thuyết dành sự quan tâm vào việc lý giải các thể chế và thực hành văn hoá – xã hội trên cơ sở chức năng mà chúng thể hiện trong các hệ thống văn hoá- xã hội. Đây là hướng tiếp cận lý thuyết có ảnh hưởng khá lớn trong ngành Nhân học văn hoá – xã hội nói chung và lĩnh vực nghiên cứu văn hoá và văn hoá dân gian nói riêng.


Herbert_Spencer
Bronisław Kasper Malinowski

Chức năng luận xuất hiện đầu tiên vào cuối thế kỉ XIX, gắn liền với tên tuổi nhà xã hội học và triết học người Anh Herbert Spencer. Tuy nhiên, việc sử dụng chức năng luận để xây dựng sơ đồ tiến hoá phổ quát của xã hội loài người của ông, giống như cách tiếp cận tiến hoá luận khác của Morgan và Taylor, nhận nhiều sự chỉ trích từ các nhà nhân học. Vào đầu những năm đầu của thế kỉ XX, cách tiếp cận chức năng luận mới ra đời. Khác với tư tưởng chức năng luận của Spencer, chức năng luận mới (được biết đến rộng rãi là chức năng luận Anh) do hai nhà nhân học người Anh là Branislow Malinowski và Racliffe - Brown xây dựng, bác bỏ cách suy diễn mang tính tiến hoá về sự đa dạng và khác biệt văn hoá của loài người. Cả hai ông cho rằng, sự tồn tại của đa dạng các thực hành văn hoá, bao gồm cả văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, nên được lý giải thông qua chức năng mà chúng thể hiện trong chỉnh thể văn hoá (của nhóm hay tộc người) mà nó được sinh ra và tồn tại, thay vì nhìn chúng như những biểu hiện của các nấc thang tiến hoá văn hoá. Cách tiếp cận chức năng luận Anh được phát triển mạnh ngành Nhân học xã hội ở Anh và lan toả sang nhiều nước khác trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá cho đến tận những năm 1940 của thế kỉ XX. Sau Thế chiến thứ 2, chức năng luận dần mất vị thế vượt trội của nó, kể cả ở truyền thống học thuật nơi nó được sinh ra. Sự biến đổi nhanh chóng của văn hoá và xã hội ở nhiều nơi trên thế giới thời hậu chiến đã làm cho các nhà nghiên cứu không còn hứng thú với chức năng luận. Thay vì sử dụng cách cận phi lịch sử và bỏ qua tính biến đổi liên tục của văn hoá này, các nhà nhân học tập trung vào việc xây dựng và vận dụng các lý thuyết khác nhau về biến đổi văn hoá – xã hội để nghiên cứu văn hoá trong bối cảnh xã hội mới. Tuy nhiên, một số luận điểm then chốt của chức năng luận, đặc biệt ý tưởng về tính tương liên của các thành tố văn hoá của một truyền thống văn hoá cũng như vai trò của các thực hành văn hoá đối trong việc đáp ứng các nhu cầu khác nhau của con người, vẫn được sử dụng khá phổ biến trong nghiên cứu văn hoá nói chung và văn hoá dân gian nói riêng hiện nay.

Tuy cùng quan tâm đến vai trò và chức năng của văn hoá cũng như có cùng tham vọng xây dựng một công thức mang tính phổ quát trong việc giải thích các hiện tượng văn hoá, song cả Malinowski và Brown đều phát triển cách tiếp cận lý thuyết riêng của mình, theo hai hướng trái ngược nhau, trong việc tìm hiểu các thực hành văn hoá đang tồn tại ở các cộng đồng cư dân mà họ tiến hành nghiên cứu. Cái tạo ra sự khác biệt giữa chức năng luận của hai học giả này nằm ở chỗ, trong khi Malinowski quan tâm đến mối quan hệ giữa văn hoá và tâm sinh lý của các cá nhân, Brown dành sự quan tâm đến vai trò của văn hoá đối với sự tồn tại của cấu trúc văn hoá - xã hội. Vì vậy, hướng tiếp cận của Brown được các nhà nhân học sau này đặt tên là chức năng cấu trúc trong khi chức năng luận của Malinowski được gọi là chức năng tâm lý.

Trải nghiệm nghiên cứu thông qua quan sát tham gia từ năm 1915-1918 tại vùng đảo Trobiand thuộc Papua New Guinea đã làm cho Malinowski tin rằng, tất cả các thành tố của một truyền thống văn hoá, cho dù đó là thực hành ma thuật, phong tục tập quán, niềm tin tôn giáo – tín ngưỡng, dân ca, tục ngữ, kiêng kị, vv… đều đóng một vài trò nào đó trong việc đáp ứng các nhu cầu tâm sinh lý cơ bản mang tính phổ quát của các cá nhân trong một xã hội. Các nhu cầu tâm sinh lý cơ bản này có thể là nhu cầu về dinh dưỡng, tái sinh sản, sự thoải mái mang tính sinh học của cơ thể, nhu cầu về sự an toàn (thể chất hay tư tưởng), nhu cầu thư giãn, hay nhu cầu về sự vận động và phát triển. Nói cách khác, văn hoá của một cộng đồng, một tộc người, bao hàm cả cấu trúc xã hội của truyền thống văn hoá đó cũng như bất cứ một thành thành tố văn hoá đơn lẻ nào, theo cách tiếp cận này, phải được hiểu như là một phương tiện mang tính công cụ, có chức năng đáp ứng các nhu cầu tâm sinh lý cơ bản của các cá nhân trong xã hội. Tư tưởng lý thuyết của ông thể hiện rõ ở nhiều tiểu luận, tiêu biểu trong số đó là Ma thuật, khoa học và tông giáo (1925) và Bản chất của vòng Kula (1922). Theo diễn giải của ông, các thực hành ma thuật có chức năng làm tăng sự tự tin, niềm hy vọng và sự lạc quan vào khả năng thành công đối với các hoạt động thực tiễn của con người. Do vậy, ở người Andaman vùng đảo Trobrian, ma thuật hiện diện ở hầu hết các hoạt động như trồng trọt, đánh bắt cá ngoài biển hay đóng thuyền. Khi thực hiện các công việc quan trọng với nhiều rủi ro khó đoán định trước này, bên cạnh sử dụng các tri thức và kỹ năng, họ cũng sử dụng ma thuật như một phương tiện để đảm bảo sự thành công và tránh bất trắc, rủi ro. Tương tự như vậy, dưới góc nhìn chức năng tâm lý, vòng Kula, đối với người dân Andaman, góp phần gia tăng mức độ an toàn đối với đời sống kinh tế và sự tồn tại bởi tập quán trao đổi vòng Kula giữa các cộng đồng giúp họ thiết lập các mối quan hệ xã hội để trao đổi hàng hoá và để giữ hoà khí.

Khác với Malinowski, mối quan tâm chính trong chức năng luận của Radcliffe-Brown không phải là các cá nhân mà là xã hội. Chịu ảnh hưởng từ tư tưởng 'đoàn kết xã hội' của nhà xã hội học pháp Durkheim và ý tưởng của Spencer về việc coi sự vận hành của các cấu phần của văn hoá với các bộ phận mang tính sinh học của cơ thể, Radcliffe-Brown tin rằng, mỗi thành tố văn hoá, giống như các bộ phận khác nhau trong cơ thể của một sinh vật, đều đóng một chức năng nào đó đối với sự tồn tại của chỉnh thể cấu trúc của hệ thống xã hội mà các thành tố đó thuộc về. Trong mạng lưới chỉnh thể mang tính cấu trúc này, mỗi cá nhân đóng một vai trò xã hội nào đó và các hành vi của họ trong các mối quan hệ xã hội bị quản lý và chi phối bởi các chuẩn mực và khuôn mẫu đạo đức, văn hoá và xã hội do xã hội thiết lập nên. Các thành tố văn hoá và văn hoá dân gian, chẳng hạn như nghi lễ, phong tục, niềm tin tôn giáo, âm nhạc, nghi lễ, ẩm thực hay nghệ thuật, và đặc biệt là các thiết chế xã hội như dòng họ, gia đình vv…cùng đóng một vai trò nào đó trong việc duy trì và củng cố các chuẩn mực và khuôn mẫu này. Chỉ có như vậy, các xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các cá nhân với các vị thế xã hội khác nhau mới được được giải quyết và cấu trúc xã hội được tạo bởi các cá nhân đó được duy trì mà không bị phá vỡ. Các bài viết thể hiện tư tưởng chức năng luận của Brown thể hiện rõ trong cách ông diễn giải về chức năng của người cậu trong văn hoá ở Nam Phi hay tục con rể tránh gặp mẹ vợ trong văn hoá của các nhóm thổ dân châu Úc ở quần đảo Andaman.

Từ những năm 1950 của thế kỉ XX, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số hạn chế cơ bản của cách tiếp chức năng luận mà Malinowski và Brown xây dựng. Một trong số đó là sự tập trung quá lớn của chức năng luận vào chức năng duy trì sự “bất biến” và “ổn định” của văn hoá trong khi văn hoá, kể cả ở những cộng đồng có cấu trúc xã hội được coi là đơn giản như bộ tộc hay làng xã, cũng hàm chứa những yếu tố xung đột và tạo ra sự thay đổi. Thêm vào đó, tham vọng xây dựng một công thức chung, mang tính phổ quát trong việc lý giải sự đa dạng của các thực hành văn hoá của tất cả mọi xã hội, từ quá khứ đến hiện tại của các nhà chức năng luận, cũng bị chỉ trích là một mô hình phi thực tế.

Mặc dù không còn là trường phái lý thuyết lớn và chiếm ưu thế trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá trên thế giới, song chức năng luận, dù là từ góc nhìn tâm sinh lý của Malinowski hay cấu trúc xã hội của Brown, cũng góp phần cung cấp cho các nhà nghiên cứu văn hoá nói chung và nghiên cứu văn hoá dân gian nói riêng những góc nhìn lý thuyết khác nhau trong việc lý giải vai trò và chức năng của các thành tố văn hoá hay văn hoá dân gian. Quan trọng hơn, quan điểm cốt lõi nhấn mạnh đặc tính tương liên, tính hữu cơ của các thành tố văn hoá trong một chỉnh thể văn hoá tiếp tục được sử dụng như một quan điểm tiếp cận mang tính phương pháp luận trong nghiên cứu văn hoá và văn hoá dân gian hiện nay. Khi được trang bị quan điểm tiếp cận này, các nhà nghiên cứu sẽ ý thức được rằng, chỉ có thể có được một cách đầy đủ và sâu sắc nội dung, ý nghĩa và chức năng của một thực hành văn hoá nào đó trong bối cảnh rộng nhất có thể của chúng. Chính vì vậy, khi nghiên cứu một thành tố văn hoá nào đó, việc dành sự ưu tiên thoả đáng đến mối quan hệ của thành tố văn hoá đó với các thành tố văn hoá khác là yêu cầu mang tính phương pháp luận.

Tư tưởng của chức năng luận có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu và văn hoá dân gian ở Việt Nam trước đây và hiện nay. Đặc biệt, hướng tiếp cận lý thuyết này được các các nhà nghiên cứu được sử dụng nhiều trong việc lý giải vai trò, giá trị và chức năng của nghi lễ, lễ hội dân gian, của tôn giáo tín ngưỡng dân gian và ở một mức độ nào, đó là nghệ thuật trình diễn dân gian. Trong vài năm trở lại đây, chức năng luận đã được đưa vào giảng dạy trong một số chương trình đào tạo sau đại học ngành Văn hoá học và Nhân học văn hoá.

Tài liệu tham khảo

  1. Durkheim, Émile, The Elementary Forms of Religious Life. Trans. J. W. Swain. London,. George Allen & Unwin Ltd, 1915.
  2. Malinowski, Bronislaw, Argonauts of the Western Pacific. New York: Dutton, 1922.
  3. Radcliffe-Brown, Reginald, On the Concept of Function in Social Science, American Anthropologist 37:394–402, 1935.
  4. Thompson Michael và các cộng sự, Cultural theory, Westview Press, Colorado, 1990.
  5. McGee, Jon và và Rechard L., Lý thuyết nhân loại học- giới thiệu lịch sử (Lê Sơn Phương và các cộng sự dịch), Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2010.