Quan sát tham gia là phương pháp nghiên cứu định tính trong đó nhà nghiên cứu thực sự trở thành một phần của nhóm mà họ nghiên cứu, quan sát và tham gia vào các hoạt động của nhóm để thu thập dữ liệu và hiểu về vấn đề mà họ đang nghiên cứu. Phương pháp này còn gọi là Quan sát tham dự hay Quan sát hoà nhập được sử dụng trong nhiều ngành khoa học xã hội, đặc biệt là Dân tộc học, Nhân học, Văn hoá học, Tâm lý học,… Để thực hiện phương pháp này, nhà nghiên cứu tạo sự quen thuộc gần gũi và mật thiết với đối tượng nghiên cứu cũng như địa bàn nghiên cứu, tham gia vào các hoạt động sống của đối tượng nghiên cứu trong một khoảng thời gian đủ dài để có thể thu thập được các số liệu phong phú, đa dạng và sâu về vấn đề mà họ quan tâm.
Lịch sử[sửa]
Quan sát tham gia ra đời gắn với các chuyến đi thực địa của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn từ nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tiêu biểu là nhà nhân học Mỹ Frank Hamilton Cushing đã đi thực địa và quan sát tham gia trong 5 năm ở cộng đồng thổ dân Zuni (New Mexico) để sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá dân gian của cộng đồng này. Ông nói tiếng Zuni, đặt tên mình theo tiếng Zuni và sự trở thành một phần trong xã hội Zuni. Tiếp theo Cushing, vào đầu thế kỷ XX, phương pháp này đã trở nên phổ biến trong các công trình nghiên cứu gắn với tên tuổi của Bronisław Malinowski (1929), Evans-Pritchard (1940), Margaret Mead (1928),… Ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX, đội ngũ “trí thức Tây học” được đào tạo từ hệ thống giáo dục thuộc địa ở Đông Dương hoặc từ các trường học tại Pháp cũng đã tiếp thu các thành tựu nghiên cứu từ nước ngoài bao gồm cả phương pháp quan sát tham gia và thực hành nghiên cứu tại Việt Nam, tiêu biểu như Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh, Nguyễn Từ Chi,…Từ nửa sau của thế kỷ XX cho đến nay, phương pháp này đã trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong sưu tầm nghiên cứu về dân tộc, tôn giáo, văn hoá, xã hội Việt Nam, cho dù không phải khi nào các nhà nghiên cứu cũng gọi rõ tên phương pháp quan sát tham gia trong các kết quả nghiên cứu.
Thực hành quan sát tham gia, nhà nghiên cứu tham gia trực tiếp vào các hoạt động sống của đối tượng nghiên cứu, tương tác với họ hàng ngày, cùng ăn cùng ở, cùng làm và nói chuyện với họ một cách tự nhiên, thoải mái như bình thường về các chi tiết liên quan đến vấn đề nghiên cứu của mình. Phương pháp này cần nhiều thời gian ở địa bàn nghiên cứu và cần sự kiên nhẫn vì không phải khi nào nhà nghiên cứu cũng dễ dàng làm quen, nói chuyện thoải mái và hoà nhập được ngay với đối tượng nghiên cứu. Nhà nghiên cứu cũng thường xuyên tham gia vào các hoạt động, các sự kiện đặc biệt mà đối tượng nghiên cứu tham gia, quan sát đối tượng nghiên cứu trong quá trình họ tương tác với người khác hay thực hành các nghi lễ, tham gia trò chơi,… nhằm đảm bảo được sự “theo chân” triệt để các đối tượng nghiên cứu để ghi chép lại đa dạng các loại tư liệu về đối tượng nghiên cứu mà nhà nghiên cứu quan tâm.
Yêu câu[sửa]
Để quá trình tham gia được hiệu quả, nhà nghiên cứu thiết lập mối quan hệ thân thiết với một số cộng tác viên cả trong và sau thời gian điền dã, họ sẽ là những người cung cấp thông tin chính, những đầu mối quan trọng giúp nhà nghiên cứu tham gia và hội nhập tốt hơn vào nhóm/cộng đồng của đối tượng nghiên cứu. Nhà nghiên cứu cũng luôn cần đa dạng hoá các nguồn thông tin và kiểm tra chéo các nguồn thông tin để đảm bảo các tư liệu thu thập được là chính xác, khách quan, không bị chi phối bởi cảm tình cá nhân hay những ẩn ý có chủ đích.
Vì tham gia sâu vào đời sống của nhóm/cộng đồng và liên tục “theo chân” đối tượng nghiên cứu nên nhà nghiên cứu cần có chiến lược ghi chép và lưu trữ thông tin khoa học và hợp lý. Nhà nghiên cứu có thể ghi âm (nếu được đối tượng nghiên cứu cho phép) và ghi chép bằng các hình thức khác song luôn cố gắng ghi lại sớm nhất trước khi quên hoặc có quá nhiều hoạt động chi phối. Nhà nghiên cứu cũng nên sử dụng nhiều cách lưu giữ thông tin khác nhau như lưu trong máy tính, USB, ổ nhớ rời, icloud, trong các cuốn sổ ghi chép, các băng/file ghi âm, video, các bức ảnh,…
Việc thực hành phương pháp quan sát tham gia luôn đi cùng vấn đề đạo đức nghiên cứu. Nhà nghiên cứu luôn cần tuân thủ các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu, ví như: không làm tổn hại đến đối tượng nghiên cứu trong bất cứ trường hợp nào, không để đối tượng nghiên cứu chịu bất cứ tác động không tốt nào từ nghiên cứu của mình, khi công bố kết quả nghiên cứu luôn cần ẩn danh tính của đối tượng nghiên cứu, cũng luôn cần xin phép để được sự đồng ý của họ trong suốt quá trình nghiên cứu (từ việc đồng ý gặp gỡ, tham gia vào các hoạt động, nói chuyện, ghi âm ghi chép, công bố kết quả,…).
Ưu điểm và hạn chế[sửa]
Phương pháp quan sát tham gia có rất nhiều ưu điểm. Thực hành quan sát tham gia giúp các nhà nghiên cứu trở nên linh hoạt trong giao tiếp, thiết lập được mạng lưới quan hệ xã hội rộng và lâu dài, nắm vững thực tiễn, đa dạng, chính xác và cập nhật được các nguồn số liệu từ thực tiễn và vì vậy kết quả nghiên cứu có nền tảng vững chắc từ thực tiễn, có sự sống động và có gương mặt, giọng nói của các chủ thể. Điều này đã làm thay đổi hẳn cách tiếp cận nghiên cứu hiện nay, nghiên cứu trong sự kết hợp chặt chẽ lý luận và thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, tôn trọng các chủ thể, gia tăng các chiều cạnh tương tác, các bằng chứng, các mạng lưới xã hội. Tuy vậy phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định. Nhà nghiên cứu có thể bị chi phối bởi tình cảm, niềm tin với đối tượng nghiên cứu dẫn đến có sự chủ quan hoặc thiên lệch nhất định trong cách thu thập tư liệu cũng như cách phân tích, diễn giải tư liệu. Sự xuất hiện của nhà nghiên cứu cũng có thể dẫn đến việc đối tượng nghiên cứu có chủ ý trong sự tạo dựng hành động, ý nghĩa và câu chuyện vì không muốn nhà nghiên cứu hiểu rõ thực tiễn của họ. Phương pháp quan sát tham gia cũng đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về đạo đức nghiên cứu mà không phải nhà nghiên cứu nào cũng tuân thủ được tuyệt đối.
Hiện nay, phương pháp quan sát tham gia vẫn đang được sử dụng phổ biến trong nhiều ngành khoa học ở Việt Nam, trong đó có ngành Văn hoá học và Văn hoá dân gian. Các nhà nghiên cứu Văn hoá dân gian và Văn hoá học đã sử dụng hiệu quả phương pháp này, coi đây là phương pháp đặc trưng trong các nghiên cứu khoa học của ngành và được giảng dạy trong các cơ sở đào tạo từ bậc đại học trở lên.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Spradley, J.P., Participant Observation, Holt, Rinehart and Winston, New York, USA, 1980.
- Alan Bryman, Social Research Methods, Oxford University Press, Oxford, UK, 2001.
- Carol Grbich, New Approaches in Social Research, Sage Publication, London, UK, 2004.
- Silverman, D., Interpreting Qualitative Data, Sage Publications Limited, London, UK, 2011.
- Ngô Thị Phương Lan và Trương Thị Thu Hằng dịch, Viết ghi chép điền dã dân tộc học, Robert M.Emerson – Rachel I. Fretz – Linda L. Shaw, NxbTri Thức, 2014.
- Nguyễn Trung Kiên, “Phương pháp quan sát định tính: Loại bỏ sai lầm và thực hành mô tả sâu”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 11 (207), 2015, tr. 108-117.