Lễ Lồng tồng còn gọi là Lễ xuống đồng, là một nghi lễ của người dân tộc Tày sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc, được tổ chức vào dịp đầu xuân, trước khi bắt đầu một mùa vụ sản xuất nông nghiệp, để tạ ơn trời đất, cầu xin mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc.
Lễ Lồng tồng có từ bao giờ thì chưa một tài liệu nghiên cứu nào khẳng định. Các bài viết và công trình liên quan chỉ đề cập đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn nông nghiệp, thể hiện ở cả nội dung nghi thức lẫn các trò chơi dân gian được biểu diễn tại thời điểm diễn ra nghi lễ. Các lễ Lồng tồng trong lịch sử từng bị gián đoạn một thời gian dài do điều kiện chiến tranh, cần ưu tiên tập trung cho các hoạt động lao động sản xuất. Thậm chí ở một số địa phương chúng gần như bị mai một hoàn toàn. Các lễ Lồng tồng chỉ mới được khôi phục thời gian gần đây, sau khi Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách khuyến khích bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống trong đó bao gồm lễ Lồng tồng. Các lễ Lồng tồng hiện nay khá phổ biến; chúng trở thành một hoạt động văn hoá đặc sắc tại các địa phương nơi có đông người Tày sinh sống.
Mỗi khi điễn ra, lễ Lồng tồng luôn là một sự kiện lớn của cả cộng đồng. Tuỳ theo địa phương, các lễ Lồng tồng sẽ có một ngày tổ chức riêng. Lịch tổ chức của các lễ Lồng tồng tại các bản/làng thường ít có sự trùng lặp do họ đã có sự trao đổi, thoả thuận trước đó để mỗi một lễ hội có thể thu hút được số người đến tham dự đông nhất.
Chuẩn bị[sửa]
Chuẩn bị cho lễ Lồng tồng, các gia đình trong bản/làng sẽ cùng nhau quét dọn nhà cửa, đường đi lối lại. Nhà nào cũng chuẩn bị cỗ bàn để dâng cúng và đón tiếp khách tới chơi. Các loại bánh truyền thống dùng để dâng cúng trong lễ Lồng tồng gồm: xôi (đỏ, vàng), thịt (lợn, gà), rượu, bánh chưng, bánh dầy, chè lam, bánh khảo, bánh bỏng, trứng luộc nhuộm giấy màu và các loại hoa quả.... Trên mâm cỗ của các gia đình, ngoài các loại xôi, thịt, bánh trái và trái hoa quả vừa nêu còn có thêm những quả còn được làm bằng vải, khâu thành 4 múi, 2 mặt, có tua rua ngũ sắc, bên trong nhồi cát, gạo và thóc trong đó thóc tượng trưng cho hạt giống, cát tượng trưng cho đất để trồng lúa còn gạo tượng trưng cho thành phẩm, là kết quả của quá trình lao động.
Hoạt động chính[sửa]
Các lễ Lồng tồng đều diễn ra ở ngoài trời, thường là trên một thửa ruộng lớn gần với nơi thờ tự (đình/miếu) của bản/làng. Trong tiếng dân tộc thửa ruộng này gọi là nà lồng tồng. Chủ trì lễ Lồng tồng là ông Thại Đình (người trông coi đình) hoặc người trông coi việc thờ cúng Thần Nông. Một lễ Lồng tồng bao giờ cũng có hai phần: lễ và hội. Mở đầu lễ Lồng tồng là nghi thức cúng tế, rước các thần linh và Thần Nông từ nơi thờ tự ra thửa ruộng đã chọn. Đi theo đám rước là các các cụ cao tuổi và nam nữ thanh niên trong trang phục quần áo dân tộc. Khi đám rước tới thửa ruộng, các gia đình trong bản/làng cũng lần lượt đem mâm cỗ của gia đình mình ra đó cúng thần, bày tỏ lòng thành kính. Tiếp theo, người chủ trì/thầy mo sẽ xướng các bài cúng. Sau khi kết thúc các bài cúng ông tuyên bố phá cỗ. Các gia đình lần lượt hạ mâm cỗ của mình và mời khách xem hội thụ lộc. Theo quan niệm, gia đình nào mời được nhiều khách cùng thưởng thức cỗ thì được coi là may mắn, cả năm làm gì cũng được thuận lợi, bình an. Ở một số nơi có tục lệ các cụ lão đi vòng quanh thưởng cỗ cùng với tất cả các gia đình. Đi cùng với các cụ lão là các nam nữ thanh niên –những người này có thêm nhiệm vụ múa hát chúc mừng các gia đình. Với những lễ Lồng tồng có quy mô lớn, bên cạnh các nghi thức cúng tế thần đơn giản như miêu tả ở trên người ta còn tổ chức hiến tam sinh (trâu, lợn, gà hoặc lợn, dê và gà).
Tiếp sau thủ tục phá cỗ, những người tham dự lễ Lồng tồng sẽ cùng nhau chơi ném còn. Đây là trò chơi mở đầu của phần hội. Để thực hiện trò chơi ném còn, ở giữa thửa ruộng nơi trước đó bày biện các mâm cỗ cúng, người ta dựng một cây mai cao từ 20–30 m làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 – 60 cm dán giấy điều phong kín, có điểm hồng tâm. Cột dựng theo hướng đông tây, đề chữ Nhật- Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, cho âm và dương. Người chủ trì/thầy mo của buổi lễ sẽ cầm các quả còn đặt trên mâm cúng từ trước đó tung lên trời để mọi người cướp lấy và dùng nó ném thủng hồng tâm. Ai ném trúng đầu tiên sẽ được nhận phần thưởng và coi là điềm may mắn. Quả còn trúng đích đầu tiên này được đem đặt lên ban thờ cúng thần. Cuộc thi ném còn kết thúc ngay sau khi quả còn đầu tiên ném trúng hồng tâm. Người chủ trì/ông mo sẽ làm lễ hạ cột còn, mọi người tham dự coi đó như là một tín hiệu may mắn cho một năm mới. Trường hợp không ai ném trúng hồng tâm, người ta sẽ phải tiếp tục để cột còn ở đó, để nam nữ thanh niên trong làng/bản tiếp tục ném. Thậm chí họ phải tổ chức ném còn lần thứ 2.
Cùng với nghi thức hạ cột còn, các trò chơi khác bắt đầu diễn ra. Tuỳ theo địa phương số lượng trò chơi có thể ít hoặc nhiều. Các trò chơi trong dịp tổ chức lễ Lồng tồng bao gồm kéo co, múa lân, múa võ, đi cà kheo, đánh yến, diễn trò tứ dân hay sĩ nông …v.v. Một số làn điệu hát dân ca như hát sli, hát lượn cũng được các nam nữ thanh niên biểu diễn.
Ý nghĩa[sửa]
Các lễ Lồng tồng rất quan trọng đối với đời sống văn hoá tinh thần của người Tày; nó phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong ước của người dân về một năm mới thuận lợi, mùa màng bộ thu. lễ Lồng tồng cũng mang lại những giờ phút nghỉ ngơi cho mọi người sau một năm lao động vất vả. Dịp lễ còn là cơ hội cho người dân có điều kiện gặp gỡ, thăm hỏi, chúc tụng lẫn nhau; đồng thời đây cũng là dịp để nam nữ thanh niên tiếp xúc, giao lưu tình cảm thông qua các trò chơi, điệu hát dân ca. Các lễ Lồng tồng là tài sản văn hóa tinh thần vô giá, góp phần làm phong phú, đa dạng các giá trị văn hoá của tộc người.
Cùng với xu thế sự giao lưu và hội nhập giữa các dân tộc, các lễ Lồng tồng gần đây không chỉ là lễ hội riêng của người Tày mà còn thu hút được sự tham gia của nhiều tộc người khác trong vùng… Những người tới tham dự lễ Lồng tồng đến từ những vùng lân cận hoặc từ nơi xa theo lời mời của các gia đình. Họ tham dự lễ Lồng tồng ngoài để thỏa mãn nhu cầu tâm linh còn vì mục đích giao lưu kết bạn, nâng cao tình đoàn kết giữa các dân tộc.
Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa lễ Lồng tồng của người Tày vào Danh sách di sản văn hóa vật thể quốc gia. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các lễ Lồng tồng tiếp tục được bảo vệ, phát huy trong đời sống văn hoá dân tộc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Phương Bằng, Đôi nét về hội Lùng Tùng và việc khôi phục nó, in trong Tạp chí Dân tộc học, số 1, năm 1990.
- Hoàng Choóng, Hội Lồng Tồng ở Văn Lãng, in trong Tạp chí Dân tộc học, số 2, năm 1991.
- Nhiều tác giả, Lễ hội cầu mùa của các dân tộc ở Việt Nam, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1993.
- Hà Đình Thành (chủ biên), Văn hoá tín ngưỡng Then, Tào, Mo của người Tày, Nùng ở Việt Nam, Thư viện Viện Văn hoá dân gian, Bản đánh máy, năm 1999.
- Hoàng Văn Páo, Lễ hội Lồng Tồng của người Tày bản Chu, xã Hưng Đạo, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, Sở Văn hoá thông tin Lạng Sơn, 2002.