Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Múa Xoang
Phiên bản vào lúc 15:25, ngày 12 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “thumb|Các cô gái dân tộc BaNa trong điệu múa Xoang{{sơ}}'''Múa Xoang''' l…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Tập tin:Các cô gái dân tộc BaNa trong điệu múa Xoang.jpg
Các cô gái dân tộc BaNa trong điệu múa Xoang

Múa Xoang là hình thức múa tập thể theo nhịp điệu của nhạc cồng chiêng phổ biến trong các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên, đặc biệt là dân tộc Ba Na và Jrai. Đây là một thể loại múa dân gian và hình thức sinh hoạt sinh hoạt mang tính tập thể trong những dịp lễ nghi của gia đình hay cộng đồng gắn bó chặt chẽ trong nếp sống của người dân Tây Nguyên từ lâu đời.

Những người tham gia xoang thường vừa vừa dịch chuyển tịnh tiến từng bước ngắn thành một đội hình theo nhịp điệu của nhạc cồng chiêng vừa múa những động tác tay đơn giản. Các động tác tay này thường mô phỏng một cách trực tiếp hay gián tiếp các động tác trong đời sống sinh hoạt và sản xuất hàng ngày của người dân như phát cây, chặt cây, tỉa lúa, gùi đồ, hay dệt vải. Múa xoang về cơ bản là sự phối hợp nhịp nhàng giữa chuyển động của bàn tay, cánh tay cùng các bước nhún nhảy và di chuyển của đôi chân tịnh tiến cùng cả nhóm.

Sự nhịp nhàng và chuyển đổi phong phú giữa các động tác của nhóm múa xoang phụ thuộc nhiều vào người lĩnh xướng luôn đi đầu các tốp múa xoang. Đây thường là người múa đẹp nhất, có kinh nghiệm biểu diễn nhất, biết nhiều nhất các điệu múa nhất, và biết chuyển đổi linh hoạt giữa các động tác để có đội hình biểu diễn hiệu quả nhất.

Cách múa xoang của các dân tộc ở Tây Nguyên, đặc biệt là ở các dân tộc Ba Na và Jrai, khá đơn giản, sinh động và mang tính tập thể cao và thường đi cùng với nhạc cồng chiêng. Xoang nhịp nhàng theo điệu chiêng, nên những người tham gia xoang cho rằng phần đánh chiêng hay sẽ làm nền và cộng hưởng để nhóm xoang thêm nhịp nhàng và biểu cảm.

Các cộng đồng ở Tây Nguyên thường xoang trong các lễ nghi vòng đời đời người hay các lễ nghi mùa vụ như lễ thổi tai, lễ cưới, lễ tang, hay trong các lễ ăn trâu cúng sức khỏe, cúng nhà rông mới.

Có 02 hình thức xoang chính thường được gọi bằng tiếng Việt để phân biệt là ‘xoang nghi thức’ và ‘xoang tự do’. ‘Xoang nghi thức’ là những điệu xoang được thực hiện trong các bước nghi lễ của các lễ ăn trâu mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, hay cúng sức khỏe. Trong những nghi lễ này có những phần hành lễ nhất định mà thầy cúng cầu khấn, sau đó nhạc chiêng lễ được tấu lên, chỉ các thành viên gia đình làm lễ nắm tay nhau đi cùng đội chiêng xoang xung quanh cột ăn trâu hay đi xung quanh nhà. Phần nghi lễ này thường diễn ra ngắn gọn, người tham gia xoang nghiêm túc thực hiện các động tác xoang đơn giản và kết thúc ngay khi tiếng chiêng dứt.

Sau phần lễ này, trong phần hội các thành viên trong cộng đồng có thể tham gia và thể hiện những điệu ‘xoang tự do’. Những người xoang lúc này có thể tự do thể hiện các động tác xoang phong phú, sáng tạo, thậm chí hài hước. Họ có thể di chuyển từ nhóm này sang nhóm kia đang vây quanh các ghè rượu để mời thêm người tham gia góp vui. Đội chiêng lúc này cũng tấu lên những bản chiêng với nhịp điệu rộn ràng hơn để dẫn nhịp. Lúc này, thỉnh thoảng nhóm xoang và chiêng sẽ quây xung quanh một già làng để “đánh đố” cho đến khi người này xin thôi và thưởng cho đội chiêng và xoang một khoản tiền. Trong không gian ‘tự do’ đó, xoang cùng cồng chiêng thực sự tạo nên không khí lễ hội và sinh hoạt cộng đồng.

Xoang gắn liền với âm nhạc cồng chiêng, là hình thức múa dân gian cũng như một hình thức sinh hoạt lễ nghi và cộng đồng của các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên. Gắn với các nghi lễ vòng đời và vụ mùa quan trọng trong suốt một năm xoang là sinh hoạt gắn kết cộng đồng và chứa đựng những nội dung văn hóa dân gian phong phú. Ngày nay, trong các hoạt động du lịch tại cộng đồng, xoang trở thành sinh hoạt lôi cuốn được sự tham dự của khách du lịch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lâm Tô Lộc, Múa dân gian các dân tộc Việt Nam, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1994.
  2. Lâm Tô Lộc, “Sự phát triển múa dân gian các dân tộc ở Tây Nguyên”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 1, 1995.
  3. Lâm Tô Lộc, “Hệ thống Xoang Gia-rai, Ba–na”, Tạp chí Văn hoá Kon Tum, Kon Tum, số 25, tr.56-58, 2006.