Vè là một thể loại tự sự dân gian, nói hoặc kể bằng văn vần, một loại thơ truyền miệng giàu tính thời sự. Theo "Đại Nam quốc âm thi tập", vè là chuyện khen chê có ca vần và việc sáng tác vè là việc đặt chuyện khen chê có ca vần.
Chưa thể khẳng định vè có từ bao giờ, song xuất hiện nhiều ở thời kỳ phong kiến và phát triển nhất vào khoảng thế kỷ XVIII - XX. Đặc trưng bản chất của thể loại vè là hình thức tự sự bằng văn vần, kể chuyện người thật việc thật, mang tính thời sự, tính trào phúng, và tính địa phương. Vè thuộc loại hình tự sự do có tính chất kể việc và có tình tiết diễn biến cốt truyện; chính mục đích, chức năng thông tin thời sự, trần thuật các vấn đề xã hội của vè quy định tính tự sự của nó; vè mang tính thời sự: là một dạng báo chí truyền miệng, các sự kiện trong quá khứ ít được vè quan tâm, vè phản ánh tức thời, nắm bắt nhạy bén sự việc, sự kiện, lan truyền trong dư luận (vè thách cưới, vè bão năm Tý, vè sai đạo...); vè kể chuyện người thật việc thật: trần thuật những sự trạng khác thường xảy ra trong một thời, một vùng, những sự việc xảy ra với thời gian địa điểm và chi tiết xác thực bằng ngôn ngữ dân gian và thể thơ dân gian, bộc lộ rõ thái độ của người dân địa phương trước những sự việc, sự kiện trong xã hội như đời sống khổ cực của dân nghèo, chuyện áp bức bóc lột của cường hào địa chủ, thói hư tật xấu trong xã hội...; Tính trào phúng: âm hưởng ngợi ca cũng có xuất hiện trong những bài vè ca ngợi các anh hùng, nghĩa sĩ tham gia kháng chiến song đa phần các bài vè là mang tính châm biếm, phê phán đả kích nhưng thói hư tật xấu, những hành vi phương hại đến phong tục tập quán, những tệ trạng xã hội (vè chửa hoang, vè uống rượu, vè nói dóc...); Tính địa phương: tính cụ thể, xác thực trong phạm vi địa phương xuất hiện và lưu truyền trong các bài vè gắn với tính cách con người, danh lam thắng cảnh, địa điểm, phong tục, tín ngưỡng, ngôn ngữ cụ thể của từng địa phương (vè cầu Ngói chợ Liễu, V xứ Nghệ...). Bên cạnh hầu hết những bài V có tính thời sự, tính địa phương thì cũng có một số dạng bài vè đề cập đến những vấn đề có tính chất chung như các bài: vè đi ở, vè đi phu, vè giữ trâu, vè dạy con, vè đi chợ, vè trái cây, vè vực nghé… và một số các bài vè lịch sử có ảnh hưởng trên một vùng rộng lớn toàn quốc như: vè cải dịch y phục (nói về việc vua Minh Mệnh buộc nhân dân đất Bắc Hà cũ thay đổi y phục), vè sai đạo (nói về việc Nguyễn Thân theo lệnh thực dân Pháp khủng bố người dân Quảng Nam), vè vua Tự Đức mừng thọ 50 tuổi, vè chàng Lía, vè vợ ba Cai Vàng, vè thất thủ Kinh Đô…
Có thể phân loại vè theo các tiêu chí khác nhau: phân loại theo nhóm nội dung, theo tiêu chí thể thơ, theo hình thức diễn xướng... Theo tiêu chí nội dung, vè có thể được chia thành hai nhóm gồm: vè sinh hoạt (là những bài vè trẻ em, vè vui chơi giải trí, vè kể vật kể việc, vè châm biếm những thói hư tật xấu, vè tâm sự); vè chống phong kiến đế quốc (là những bài vè kêu gọi động viên khuyên nhủ tuyên truyền cách mạng, vè kể tội ác của phong kiến đế quốc,vè tố cáo châm biếm đả kích phong kiến đế quốc, vè ca ngợi những người anh hùng); cũng có quan điểm khác phân loại vè thành ba nhóm nội dung gồm: vè sự vật, ở nội dung này vè có những điểm trùng với đồng dao phản ánh thế giới phong phú của loài vật, cây trái, sự vật (vè rau, vè chim chóc, vè trái cây, vè cá, vè các thứ lúa...), vè lịch sử gồm các bài vè nông dân khởi nghĩa, vè đấu tranh chống Pháp (vè chàng Lía, vè vợ ba Cai Vàng, vè thất thủ kinh đô...), vè thế sự (vè sinh hoạt xã hội) kể về sinh hoạt, sự kiện của địa phương, phê phán đả kích những thói hư tật xấu, những tệ trạng xã hội (vè uống rượu, vè chửa hoang, vè đánh bạc...), mô tả cuộc sống của người dân dưới ách thống trị của thực dân phong kiến (vè bão năm Tý, vè thầy cai, vè đi phu...), ngoài ra cũng có một số bài vè ca ngợi các anh hùng nghĩa sĩ tham gia kháng chiến, ca ngợi sĩ tử vinh quy bái tổ. Theo tiêu chí thể thơ, vè có thể chia thành các loại: vè lục bát, vè ba tiếng, vè bốn tiếng. Theo tiêu chí diễn xướng, vè có các loại: hát vè, nói vè, kể vè.
Vè sử dụng nhiều hình thức văn vần, thể thơ, điệu nói khác nhau: câu hai, ba, bốn, năm chữ, lục bát, hát giặm, nói lối. Thể thơ bốn chữ là phổ biến nhất trong các hình thức thể loại vè, có cách ngắt nhịp linh hoạt, tạo khả năng diễn xướng thuận lợi, dễ nhớ, dễ thuộc; bên cạnh thể bốn chữ còn có các bài bốn chữ biến thể đan xen các dòng khác thường là dòng lục bát; những bài vè năm chữ thường gắn liền với hình thức diễn xướng hát giặm; thể lục bát có nhiều trong các bài vè chăn trâu, vè đi ở... mang tính chất tâm tình, kể lể. Là thơ để kể nên vè còn có thuật ngữ đặt vè, kể vè, nói vè. Ngôn ngữ vè chủ yếu là ngôn ngữ đời thường, ngôn ngữ quần chúng, không mang tính ước lệ, tượng trưng, mô tả sự việc một cách trực diện. Nhiều bài vè sử dụng công thức diễn tả nhất định, đặc biệt là công thức mở đầu: Nghe vẻ nghe ve, Nghe vè... hay Ve vẻ vè ve...
Khác với hình thức diễn xướng dân ca, yếu tố ca hát trong diễn xướng vè rất hạn chế; người kể vè, nói vè sử dụng một số một số động tác, làn điệu như hát giặm, nói lối chỉ nhằm truyền đạt nội dung câu chuyện một cách sinh động, còn diễn xướng dân ca chủ yếu gắn với nhạc điệu, ca hát nhằm truyền đạt cảm xúc, ý tình. Nội dung của vè và truyện cười cũng có những điểm gần gũi, song bên cạnh nét tương đồng là cùng nhằm châm biếm những thói hư tật xấu (anh sợ vợ, anh nói khoác, anh chàng lười, thói hay ăn quà...) hay các tầng lớp quan lại trong xã hội, thì cũng có những điểm khác biệt về mặt thi pháp thể loại như: yếu tố gây cười trong truyện cười được khái quát hoá, mang tình tiết điển hình (anh chàng hà tiện, ông quan tham lam...), ngôn ngữ chọn lọc, bố cục ngắn gọn, cách thắt nút mở nút rõ nét; còn ở vè, yếu tố gây cười không phải là mục đích chủ yếu, các tình huống gây cười gắn với người thật việc thật, mang tính địa phương và tính thời sự, tác giả dân gian không có dụng công tìm tòi xây dựng những yếu tố, tình huống gây cười.
Ngày nay, thể loại vè vẫn tiếp tục được sáng tác lưu truyền trong đời sống và trên các trang mạng xã hội mang hơi thở đương đại. Các sáng tác theo hình thức vè vẫn được sử dụng để ca ngợi, khen chê hay bày tỏ cảm xúc một cách dí dỏm, độc đáo; đó là những bài vè mang ý nghĩa giáo dục thể hiện nét vui tươi của tuổi học đường như vè ca ngợi công ơn thầy cô, vè về lứa tuổi học trò khuyên nhủ các em cố gắng học tập, không lười biếng, hay là những câu vè trào phúng về thời bao cấp, vè sự vật mang âm hưởng đồng dao giúp bé nhận biết về thế giới xung quanh, vè về các biện pháp phòng chống covid-19...
Phương pháp biểu hiện của vè gắn với mục đích và đặc điểm thể loại. Những ý nghĩa ẩn chứa trong phần lớn các bài vè có khả năng định hướng dư luận, tác động mạnh mẽ vào tinh thần quần chúng nhân dân ở những thời điểm nhất định.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, tập 2, Nxb Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, Tp Hồ Chí Minh, 1991.
- Vũ Thị Hảo, Thi pháp thể loại Vè, Luận án tiến sĩ khoa học Ngữ văn, Hà Nội, 1995
- Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên), Từ điển Văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới, 2004
- Vũ Tố Hảo, Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 13, Vè sinh hoạt, Nxb Khoa học xã hội, 2006.
- Vũ Anh Tuấn (chủ biên), Giáo trình văn học dân gian, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2012