Khăn rằn là loại khăn được sử dụng phổ biến trong đời sống sinh hoạt, lao động của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo các nhà nghiên cứu thì khăn rằn có nguồn gốc từ loại khăn Krama của người Khmer. Chính quá trình cộng cư, người dân Nam Bộ đã tiếp nhận khăn Krama và sáng tạo phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhu cầu thẩm mỹ và chức năng sử dụng của họ. Cùng với áo bà ba, nón lá, khăn rằn là một trong bộ ba biểu tượng văn hóa trang phục đặc sắc của người Việt vùng đồng bằng sông Cửu Long từ trong lịch sử cho đến ngày nay.
Khăn rằn Nam Bộ truyền thống thường có hai màu đen - trắng hoặc nâu - trắng, phổ biến nhất là chiếc khăn rằn màu đen - trắng. Hai màu đan nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn. Có lẽ, do chính các lằn ngang dọc trên khăn nên được gọi tên là khăn rằn. Khăn có hình dạng chữ nhật, chiều dài 1,2 mét, chiều rộng từ 40-50cm. Buổi đầu, sợi vải dệt chiếc khăn rằn cần được ngâm trong bột hồ ba ngày ba đêm, sau đó mang đi dệt. khăn rằn được ngâm trong bột hồ, khi mới sử dụng sợi vải hơi thô cứng, càng sử dụng khăn càng mềm mại, càng đẹp bền hơn. Trong suốt quá trình sản xuất khăn rằn, công đoạn lên hồ (bột hồ được lấy từ bột gạo) được xem là quan trọng nhất, bởi nó giúp những sợi chỉ cứng hơn, dễ dàng dệt khăn và khi dệt xong khăn có độ cứng vừa phải, dễ gấp nếp; nhưng càng sử dụng, lớp hồ trôi đi, khăn trở nên mềm mại dần. Ngày nay, kỹ thuật dệt khăn rằn có nhiều cải tiến, sản phẩm làm ra đẹp và đa dạng về màu sắc hơn, có năm mẫu khăn rằn phối màu chủ đạo như: trắng – đen, trắng – nâu, trắng – đỏ, trắng – tím, trắng – xanh lá. Tuy nhiên, về kích thước và mẫu ô vuông đan nhau của hai màu trên một chiếc khăn vẫn không thay đổi.
Hình ảnh chiếc khăn rằn rất quen thuộc phổ biến trong đời sống thường nhật của cư dân Nam Bộ. khăn rằn có nhiều công dụng, phù hợp cả nam lẫn nữ, với mọi lứa tuổi. Nam giới khi làm việc đồng áng thường lấy khăn buộc ngang trán, lật hai đầu khăn đưa lên trời để ngăn mồ hôi không chảy xuống mặt cản trở công việc. Các cô gái khi cày cấy, gánh mạ… thường quấn khăn ở cổ để lau mồ hôi. Người lớn tuổi thì quàng khăn ở cổ, một đầu khăn thả trước ngực, một đầu khăn thả sau lưng hoặc cả hai đầu khăn thả buông xuôi trước ngực.
Khăn rằn hiện diện trong đời sống xã hội văn hóa của con người Nam Bộ một cách hết sức gần gũi, phổ biến. khăn rằn trở thành một biểu tượng trong văn hóa trang phục đời thường thể hiện sự dung dị, mộc mạc, đôn hậu của con người vùng đất này. khăn rằn là hình ảnh được phản ánh qua tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa, sân khấu… khăn rằn như “mã văn hóa” mang tính biểu tượng, sử dụng trong các buổi giao lưu văn hóa, trình diễn thời trang, biểu diễn văn nghệ… Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, khăn rằn còn là một trong những sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo tại các địa phương Tây Nam Bộ thu hút sự quan tâm tìm hiểu và mua sắm đối với du khách trong và ngoài nước.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Công Bình, Lê Xuân Diệm, Mạc Đường, Văn hóa và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
- Thạch Phương, Hồ Lê. Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh, Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
- Trần Phỏng Diều, Nét đặc trưng trong trang phục nông dân Nam Bộ, Tuổi trẻ online, ngày 5/4/2008.