Hồn, vía là dạng thần thể cư ngụ trong thân xác con người và các vật thể, được xem là có liên quan hoặc quyết định sự sống còn của sinh thể. Ở mỗi tộc người, hồn, vía có những tên gọi riêng: hồn, vía, linh hồn (Việt), khuân, khoăn, văn (Thái), vại (Mường), chua lua (hồn), plỳ (vía) (H'mông), khoăn (Tày, Nùng), vun (hồn), phac (vía) (Sán Dìu), vần (Dao), pơ ngol (Ba Na), suen thap (Chăm)…, với những sắc thái khác biệt trong từng không gian văn hóa.
Ý niệm về hồn, vía xuất hiện ở hầu khắp các nhóm cộng đồng tộc người ở Việt Nam. Quan niệm về hồn, vía thường được xem là cốt lõi của tín ngưỡng vạn vật hữu linh, hình thành trong quá trình con người tương tác với thế giới tự nhiên đầy huyền bí, trong nhu cầu thần thánh hóa các yếu tố siêu nhiên nhằm lí giải về thế giới và về sự tồn tại của chính mình. Những ghi chép, khảo cứu trong lĩnh vực sử học, văn hóa học cung cấp thông tin cho biết, ý niệm về hồn, vía thể hiện trong cách con người thời tiền và sơ sử chôn người chết trong nơi cư trú ngay gần bếp lửa, cách chôn người chết kèm các đồ tùy táng, mong muốn linh hồn người chết được tái sinh thể hiện qua hình ảnh các cặp nam nữ giao phối trên nắp thạp đồng trong thời kì văn hóa Đông Sơn. Ý niệm, niềm tin về sự tồn tại của hồn, vía (cả của người và các vật thể trong tự nhiên), hiện diện trong hệ thống những chuyện kể dân gian, ẩn tàng trong nhiều lệ tục, thực hành tôn giáo tín ngưỡng và trong phương cách ứng xử của con người.
Hồn, vía được xem là không hiện diện trong đời sống vật chất, không có hình tướng cụ thể nhưng những hình dung của nhiều cộng đồng tộc người ở Việt Nam về hồn, vía là rất đa dạng và phong phú. Sự đa dạng này thể hiện trong quan niệm về số lượng hồn vía trong sinh thể người, về điểm đến, thế giới của hồn sau khi chết và trong cách hồn tác động đến thế giới người sống, cũng như cách người sống ứng xử với hồn. Hệ thống những quan niệm về hồn, vía là cơ sở của nhiều các thực hành tôn giáo tín ngưỡng. Đa dạng những hình thức tương tác với các vật thể tự nhiên, thờ cúng thần linh, tổ tiên, cúng hồn ma, cúng làm vía, giải hạn, các nghi thức cúng lễ trong tang ma nhằm chuyển hóa linh hồn của người sống sang thế giới của hồn người chết,… được tiến hành dựa trên các ý niệm đã được con người tại một nền văn hóa hình dung cụ thể về hồn, vía. Ý niệm về hồn, vía cũng là nguyên ủy của các kiêng kị và nhiều những phương cách ứng xử của con người trong đời sống.
Riêng với hồn, vía người, niềm tin vào sự tồn tại của hồn sau khi chết dẫn tới nhiều những hình thức tương tác với linh hồn (chẳng hạn, thờ cúng thần linh, tổ tiên, thờ cúng cô hồn, oan hồn, hình thức gọi hồn, lên đồng nhập hồn,…) và vai trò quan trọng của những người chuyên hành nghề tâm linh. Ý niệm về sự tồn tại của hồn, vía trong sinh thể và đời sống của hồn sau cái chết còn cho thấy cách con người trong nhiều cộng đồng văn hóa ứng xử với cái chết, hay sự từ chối của họ về tính kết thúc mà cái chết gây ra. Cái chết hay sự sống bị chấm dứt là khủng hoảng lớn nhất mà con người phải đối mặt. Những hình dung cụ thể về đời sống của hồn, về sự tiếp nối của một đời sống khác sau cái chết, gắn với đó là sự xác định vai trò quan trọng của người sống trong việc tham gia, tạo dựng, hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro cho hồn sau khi chết được xem là sự an ủi lớn nhất, giúp con người vượt qua khủng hoảng và tạo lập một cuộc sống mới thiếu vắng người chết.
Trong lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam có những tranh luận trái chiều liên quan đến ý niệm về hồn, vía. Một dòng quan điểm cho rằng, niềm tin vào hồn, vía của người và vạn vật trong tự nhiên gắn liền với thời kỳ tôn giáo sơ khai, là chỉ dấu cho các xã hội nguyên thủy hoặc các nhóm xã hội kém phát triển, và niềm tin này là lạc hậu, mê tín, nguyên ủy của các thực hành tín ngưỡng lãng phí, cần phải loại bỏ. Nhiều nghiên cứu khác phản đối cách tiếp cận này và cho rằng, niềm tin vào sự hiện diện của hồn, vía ở nhiều tộc người là một phần quan trọng hình thành nên thế giới quan, nhân sinh quan, góp phần tạo dựng chiều sâu văn hóa của một cộng đồng. Vì lẽ đó, niềm tin của con người vào sự hiện diện của hồn, vía và những thực hành văn hóa liên quan cần được diễn giải trong đúng bối cảnh của một nền văn hóa cụ thể.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Giran, Paul, Bùa chú và tôn giáo Việt Nam, Nxb Augustin Challamel, Paris, 1912.
- . Keyes, Charles, 1987, "From Death to Birth: Ritual Process and Buddhist meaning in the North of Thailand", Folk, 29: 181-206.
- Cadière, Leopold, Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2010.
- Nguyễn Văn Huyên, Hội hè lễ tết của người Việt, Nxb Nhã Nam, Hà Nội, 2017.
- Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2018.