Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Gùi
Phiên bản vào lúc 14:25, ngày 6 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Gùi''' vật dụng sinh hoạt làm từ mây/tre, thân dẹt hoặc hình trụ, thuôn dần về đáy, có nhiều kích cỡ khác nhau…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Gùi vật dụng sinh hoạt làm từ mây/tre, thân dẹt hoặc hình trụ, thuôn dần về đáy, có nhiều kích cỡ khác nhau tuỳ theo mục đích và lứa tuổi sử dụng, có thể có nắp hoặc không, thường có dây/quai đeo tết từ vỏ cây, dây mây, dây dương xỉ hoặc bằng vải mềm để sử dụng làm phương tiện vận chuyển hạt giống, phân bón lên rẫy hoặc gùi thóc, lúa, ngô, khoai, củi, nước, rau rừng...về nhà. G sử dụng để chứa đồ đạc tư trang (váy áo, khố, chăn mền...) trong nhà có thể có hoặc không có dây/quai đeo nhưng thường có nắp. Ở Việt Nam, G được sử dung phổ biến ở các tộc người thiểu số miền núi vùng Tây Nguyên và Tây Bắc như H’Mông, Dao, Thái, Mường, Cao Lan, Lự, Giáy, Mảng, Gia Rai, Ê Đê, Bahnar, K’Ho, M’nông, Mạ, Cơ Tu, Stiêng...vv.

Từ thế kỷ X, trong các tài liệu ghi chép, gùi được miêu tả như là một vật dụng không thể thiếu trong đời sống của các tộc người thiểu số miền núi vùng Tây Nguyên và Tây Bắc do phải sống trong điều kiện rừng núi, đường xá đi lại khó khăn, nhiều dốc đèo và chưa có các phương tiện vận chuyển cơ giới, phải chủ yếu dựa vào sức người. gùi có thể giúp người sử dụng giải phóng đôi tay và di chuyển dễ dàng. Trải qua thời gian, gùi hiện nay vẫn tiếp tục khẳng định vị trí trong đời sống; ngoài chức năng là một vật dụng vận chuyển/sinh hoạt thuần tuý, gùi còn được gán thêm nhiều giá trị/ý nghĩa văn hoá khác.

Sự gắn bó mật thiết của chiếc gùi với các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc đã khiến nó trở thành chất liệu cho các sáng tác văn hoc, nghệ thuật, thơ ca. Hình ảnh người phụ nữ trong buôn làng ở Tây Nguyên đeo gùi đi lấy nước, lên nương, xuống chợ… hay hình ảnh các cô gái H’Mông ở vùng cao Tây Bắc đeo gùi, dắt ngựa đi dưới rừng hoa mận, hoa đào trong tiết trời mùa xuân đã trở nên quen thuộc trong các tác phẩm sáng tác về người dân tộc thiểu số.

Với nhiều người, gùi còn trở thành một tín hiệu của bản sắc, giúp phân biệt/nhận diện tộc người. gùi của dân tộc này khác với gùi của các dân tộc khác ở hình dáng, chất liệu, hoạ tiết trang trí. Thông qua tạo hình một chiếc gùi, gu thẩm mỹ, óc sáng tạo và thậm chí là đặc điểm cư trú của tộc người sẽ được bộc lộ. gùi của người Cơ Tu ở Tây Nguyên đan bằng các loại mây, mỗi chiếc đều có 3 phần: thân gùi được đan bằng mây, chung quanh có 4 thanh gỗ nhỏ áp vào thành gùi từ đáy trở lên miệng, giúp cho gùi cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng. Mặc dù cũng sinh sống ở Tây Nguyên nhưng gùi của người Cơ Tu lại không có đế cao như gùi của người Ê Đê và Bahnar trong vùng. Ở Tây Bắc, gùi của các tộc người ví dụ người H’Mông được đan bằng tre có miệng tròn, loe hơn so với gùi của các tộc người ở Tây Nguyên. Sự khác biệt này có ý kiến cho rằng đó là vì các tộc người ở phía Bắc sinh sống ở những vùng núi cao, di chuyển ở địa thế dốc đèo. Hình dáng của chiếc gùi như vậy sẽ giúp người sử dụng thuận tiện hơn trong di chuyển.

Trong sinh hoạt, gùi có mặt ở hầu hết các sự kiện quan trọng của gia đình như tang ma, cưới hỏi, cúng lễ... gùi được sử dụng để chuyên chở lễ vật và bản thân nó cũng đóng vai trò của một biểu tượng văn hoá. gùi là thước đo cho những phẩm chất tốt đẹp của một người đàn ông. Ở Tây Nguyên và Tây Bắc, nhiều người vẫn quan niệm một người đàn ông giỏi đan gùi sẽ rèn luyện được sự khéo léo, cần mẫn, siêng năng và tinh thần trách nhiệm với gia đình. Xưa kia người ta kể rằng các chàng trai muốn cưới vợ thì phải học đan được những chiếc gùi thật đẹp. Chỉ những chàng trai giỏi đan gùi mới được nhiều cô gái để ý.

Hiện nay, gùi tuy không còn là vật dụng vận chuyển duy nhất nhưng nó vẫn có một vị trí quan trọng, luôn là một vật dụng quen thuộc và khó thay thế đối với các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc. gùi biểu trưng cho vẻ đẹp, sự sáng tạo và gu thẩm mĩ của các tộc người. Đó là một sản phẩm văn hoá truyền thống cần được giữ gìn và phát huy. Việc sử dụng G ở các tộc người này còn góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của túi ni lông – rác thải nhựa đối với môi trường.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lưu Hùng, Văn hoá cổ truyền Tây Nguyên, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1996.
  2. Nguyễn Thị Kim Vân, Chiếc gùi trong đời sống của cư dân Bắc Tây Nguyên, in trong cuốn: Đến với lịch sử văn hoá Bắc Tây Nguyên, Nxb. Đà Nẵng, 2007.
  3. Pham Cẩm Thượng, Văn minh vật chất của người Việt, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2011.
  4. Nguyễn Văn Mạnh, Biến đổi nghi lễ vòng đời người của các dân tộc thiểu số Tà Ôi, Cơ Tu, Bru-Vân Kiều ở Bắc Trung Bộ hiện nay, in trong Tạp chí khoa học, Đại học Huế, Tập 72A, số 3, năm 2012, tr.185-193.