Đầy cữ là thời điểm đứa trẻ sinh ra được vài ngày và cần tạ ơn các bà mụ cũng như cầu xin sự phù hộ để đứa trẻ khôn lớn. Vào dịp này, cha mẹ đứa trẻ sẽ làm lễ cúng đầy cữ với các bà mụ và xin các bà phù hộ, dạy cho cháu bé biết cười, lật, bò, đứng, đi, ăn, nói… Sau lễ cúng đầy cữ thường sẽ có lễ đầy tháng và khi em bé được một tuổi thì làm lễ đầy năm, hay còn gọi là thôi nôi.
Theo quan niệm dân gian, một đứa trẻ sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà Chúa đầu thai) và Tiên Mụ mà trực tiếp là 12 bộ Tiên Nương (12 bà mụ) nặn ra. Vì vậy, khi đứa trẻ chào đời thì bố mẹ đứa trẻ phải bày tiệc cúng mụ để tạ ơn các bà mụ và cầu xin các bà mụ ban cho đứa trẻ mọi điều tốt lành. Tục lệ cúng bà mụ vào dịp đầy cữ được cho là bắt nguồn từ Trung Hoa từ lâu đời nhưng cũng có nhiều sự khác nhau trong việc xác định ngày đầy cữ. Lê Quý Đôn chép trong sách Vân đài loại ngữ ở thế kỷ XVIII rằng, tục của người Việt đẻ con được ba ngày thì làm cỗ cúng mụ. Cuối thập niên 1930, Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương viết rằng người Việt tin vào vai trò của các bà mụ trong việc tạo thành đứa trẻ nên sau khi sinh 7 ngày đối với bé trai và 9 ngày đối với bé gái thì cha mẹ làm lễ đầy cữ, và đây cũng là quan niệm phổ biến hiện nay.
Trong năm đầu tiên, đặc biệt là những ngày mới sinh, tính mệnh đứa trẻ rất mỏng manh, thân thể yếu ớt cả về thể chất cũng như hồn vía. Người Việt quan niệm hồn vía trong cơ thể đứa trẻ lúc này rất non nớt trước những hung thần, ma quỷ xung quanh nên cần được che chở, bảo vệ. Những tập tục như đặt tên con xấu xí, không đưa con qua cửa cho người khác bế, bôi nhọ nồi lên trán khi ra ngoài, đeo bùa cho đứa trẻ hoặc treo ở cửa nhà đều nhằm mục đích này. đầy cữ và những nghi thức thờ cúng, kiêng kỵ là những biện pháp để thông qua các bà mụ và những thiện thần giúp cho đứa trẻ mạnh khỏe, dễ nuôi dưỡng.
Tuy các sách cổ có ghi chép lễ cúng đầy cữ vào những ngày khác nhau, nhưng đều hướng đến việc cúng bà mụ để cầu cho đứa trẻ được tròn trặn trơn tru. Trong khi Lê Quý Đôn nhắc đến việc làm vài mâm cỗ cúng mụ, thì Phan Kế Bính chỉ rõ rằng lễ cúng mụ gồm có mười hai đôi hài, mười hai miếng giầu (trầu), cua, ốc, nham, bánh đúc,… vì người ta tin rằng có mười hai bà mụ nặn ra đứa trẻ.
Vào ngày đầy cữ, sau khi bày lễ xong, bố mẹ cháu bé thắp 3 nén hương, rồi bế cháu bé ra trước án và khấn theo bài khấn cúng mụ đầy cữ. Bài khấn cúng mụ có nhiều bản, tùy thuộc vào địa phương, nhưng thường bằng việc kính cẩn xưng danh các bà mụ, thần phật; ngày tháng cúng; tên 2 vợ chồng và tên đứa bé là trung tâm của lễ cúng, nơi ở của gia đình; lý do cúng; bày tỏ lòng biết ơn công lao của các bà mụ và cuối cùng là lời cầu mong các bà ban phước lành, may mắn cho em bé. Khi đã khấn xong, vái 3 vái và sau 3 tuần hương thì lễ tạ. Lễ vật vàng mã được đem hóa, đồ ăn thì người nhà thụ lộc; động vật sống thì phóng sinh; đồ chơi thì giữ lại cho em bé và phân phát cho trẻ em hàng xóm để lấy khước.
Gắn với tục đầy cữ là những kiêng khem của người sản phụ. Người mẹ phải nằm trong phòng kín gió, đốt than để sưởi ấm, chỉ được ăn cơm với muối trắng hấp hay nước mắm chưng. Vài ba ngày sau mới ăn thịt nạc heo rim nước mắm, phải tuyệt đối kiêng đồ lạnh như cua, ốc, ếch… Sau khi đầy cữ, người sản phụ tìm cách trút bỏ cho những sự không may trong những ngày ở cữ bằng cách mua hoặc bán một thứ gì đó, và thông qua đó trút bỏ sự không may vào đồng tiền hay món hàng trả ra. đầy cữ là thời điểm vài ngày sau khi đứa trẻ được mẹ sinh ra. Tục đầy cữ không chỉ bao gồm một số nghi lễ nhằm tạ ơn các bà mụ và cầu xin các bà ban cho đứa trẻ mọi điều tốt lành, mà còn gắn với những kiêng khem của người sản phụ. Đây là hai con người với thể trạng và linh hồn yếu ớt, cần được sự trợ giúp về cả vật chất và tinh thần.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2014.
- Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, (1913-1914) [2014].
- Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018.