Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Bắt chạch trong chum
Phiên bản vào lúc 16:30, ngày 4 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Bắt chạch trong chum''' (hay ''Quàng tay bắt chạch'') là là trò chơi nghi lễ thường diễn ra ở sân đình hoặc sân đ…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Bắt chạch trong chum (hay Quàng tay bắt chạch) là là trò chơi nghi lễ thường diễn ra ở sân đình hoặc sân đền trong hội xuân của nhiều làng xã vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. bắt chạch trong chum thuộc hệ thống trò vui của người Kinh (Việt) được gọi chung là bách hý, gồm: hát bộ, hát tuồng, quỷ thuật, rối nước, quan họ, bắt bài, múa bông, tổ tôm điếm, cờ người, đánh vật, đốt cây bông, bơi chải, bắt chạch trong chum, chọi gà, thả chim, thả diều, đánh đu, leo cột, bịt mắt bắt dê, nhảy bị, thổi cơm thi, v.v...

Ý nghĩa[sửa]

Bắt chạch trong chum là trò chơi nghi lễ mang ý nghĩa cầu phồn thực của cư dân nông nghiệp vào đầu năm mới, mong mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh. Thông qua các kiểu ôm nhau hay cảnh vai kề má ấp của đôi trai gái trong lúc bắt chạch, người ta liên tưởng tới hành vi giao phối, sự kết hợp âm dương, đực cái, nguồn gốc sự sinh của muôn loài. Người ta tin rằng, hành vi này của người sẽ truyền sự sinh sôi, nảy nở tới vật nuôi và cây trồng. Người thắng trong cuộc thi bắt chạch trong chum cũng được cho là sẽ được thần linh phù trợ và có nhiều may mắn trong năm. Ở một số hội làng, bắt chạch trong chum còn như một dạng tục hèm trong nghi lễ liên quan tới canh tác nông nghiệp truyền thống.

Luật chơi[sửa]

Để tổ chức bắt chạch trong chum, người ta bày một số chum (hay vại) ở giữa sân đình, đền, đổ nước vào khoảng lưng chum rồi thả chạch vào. Các đôi trai gái chưa có gia đình tự chọn lựa đôi trước khi tham gia và khi vào cuộc, họ phải vào đình,đền làm lễ bái yết (trình diện) thần linh. Trò bắt chạch trong chum có lệ quy định về tư thế của đôi nam nữ khi chơi. Thường, người nam luồn tay phải qua eo người nữ, tay trái người nữ ôm lưng người nam, cả hai cúi xuống, dùng tay còn lại cho vào chum bắt chạch. Trong một khoảng thời gian cụ thể tùy theo quy định của lệ làng, ban trưởng trò giám sát trò chơi và cặp nào bắt được chạch sớm nhất sẽ thắng, với phần thưởng là vuông lụa điều, mấy miếng trầu, cau hoặc gói trà thơm. Có nơi, đôi trai gái dùng một tay quàng lên vai bạn chơi của mình, tay còn lại bắt chạch trong chum, vì vậy mà có tên gọi là trò quàng tay bắt chạch. Dù theo cách nào, đôi trai gái kề cận bên nhau như vậy rất dễ khiến phân tán suy nghĩ, nên lệ chơi buộc họ phải có sự phối hợp ăn ý và khéo léo mới có thể bắt được chạch (loại cá da trơn chỉ nhỏ như ngón tay cái, dài khoảng 15 cm và lách bơi nhanh). Trong trò này, có làng chỉ đổ nước vào chum rồi thả chạch vào, nhưng có nơi lại đổ cả bùn vào chum làm cho việc bắt chạch càng thêm khó. bắt chạch trong chum được tổ chức sớm nhất ở hội chợ Rưng (hay chợ Dưng, xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán.

Tập tin:Cách chơi trò chơi bắt chạch bắt lươn.jpg
Cách chơi trò chơi bắt chạch bắt lươn

Đây cũng là ngày lễ dành cho Đức Ông, tương truyền là một danh tướng thời Lý, được thờ ở một ngôi miếu bên cạnh chợ. bắt chạch trong chum diễn ra cùng với các trò đánh đu, kéo co, đấu vật, đánh cờ người, bơi thuyền ván, nấu cơm thi trong khu chợ và miếu thần. Khi đôi trai gái tham gia bắt chạch trong chum, tiếng hò reo trêu chọc khi thấy đôi trai gái mải bắt chạch mà quên ôm nhau hoặc ngược lại, mải ôm mà quên bắt của người tham dự tạo nên không khí sôi động cho lễ hội. Vì thế, người dân Tứ Trưng có câu ca: “Bỏ con bỏ cháu, không ai bỏ mồng 6 chợ Rưng”. Cũng ở đất Vĩnh Phúc, trò bắt chạch trong chum còn diễn ra ở hội cầu đinh làng Thạc Trục (tại đền thờ Cao Sơn- Quý Minh, trung tâm huyện Lập Thạch), ở lễ hội làng Bạch Trữ (tại đền thờ Mỵ Nương- vợ Tản Viên, phối thờ với tướng của Hai Bà Trưng, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh- nay thuộc Hà Nội). Ở lễ hội Kén rể làng Đường Yên (Đông Anh, Hà Nội, thờ nữ tướng Lê Hoa), trò bắt chạch trong chum lại là cuộc thi giữa hai chàng trai (để được làm rể...). Chạch được thả vào một chum to và có thêm một cái hũ dùng để thả chạch đã bắt được. Hai chàng trai dự thi thuộc phe Hậu và phe Bắc phải hoàn thành trước đó phần thi cày, câu ếch, chõng chó. Khi họ thò tay vào chum để bắt chạch sẽ có hai chàng trai khác giả gái làm mọi cách cản trở họ trước sự chứng kiến của nữ tướng Lê Hoa (do một cô gái được làng chọn đóng giả).

Từ Cách mạng tháng 8 đến nay[sửa]

Trò bắt chạch trong chum đã từng có ở một số hội làng của huyện Tiên Du và Yên Phong (Bắc Ninh), hấp dẫn đến nỗi các nghệ nhân tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành) đã khắc họa cùng với cảnh đánh đu trên loại tranh in dập đầy màu sắc, với hình người nam ôm eo cô gái từ phía sau, hai tay vươn về phía trước nắm bầu ngực cô gái khi cô thò tay vào chum bắt chạch.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bắt chạch trong chum bị xem là dung tục nên nhiều làng có trò chơi này đã không tổ chức. Bước vào thời đổi mới (từ năm 1986) và khi nhà nước có chính sách bảo tồn văn hóa truyền thống, Luật Di sản Văn hóa ra đời năm 2001, lễ hội truyền thống ở Việt Nam và các trò chơi, trò diễn đi cùng được khôi phục. bắt chạch trong chum hồi sinh khi nó được nhìn nhận đúng ý nghĩa đối với hệ thống các nghi lễ nông nghiệp. Nhiều làng vốn không có truyền thống chơi bắt chạch trong chum cũng đã học theo bởi nó dễ đem đến tiếng cười sảng khoái qua sự cổ vũ và trêu đùa của mọi người đối với người chơi. Trò bắt chạch trong chum cũng được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức chơi với mục đích trình hiện văn hóa truyền thống. Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội) cũng cho tổ chức trò chơi này vào dịp đầu xuân năm mới như một cách bảo tồn truyền thống văn hóa tộc người.

Hiện tại, quy tắc trò chơi bắt chạch trong chum đã không hoàn toàn theo lệ cũ và ý nghĩa tín ngưỡng cũng đã bị tước bỏ, chỉ đơn thuần là trò vui cần sự khéo léo. Tuy nhiên, dù hồi sinh dưới diện mạo nào, bắt chạch trong chum vẫn là một phần của di sản lễ hội nông nghiệp ở Việt Nam, phản ánh những thay đổi trong đời sống tín ngưỡng của người Kinh trên các chặng đường lịch sử.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp, 1990.
  2. Toan Ánh, Nếp cũ- hội hè đình đám (quyển hạ), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2005.
  3. Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2016.