Ung thư phổi tế bào nhỏ là bệnh lý mà tế bào của nhu mô phổi phát triển mất kiểm soát và hình thành nên khối u.
Dịch tễ học[sửa]
Theo số liệu của Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế, trong năm 2020, ung thư phổi là loại ung thư phổi biến đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc với 2.206.771 ca mắc với (chiếm 11,4%) và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu với 1.796.144 ca (chiếm 18%). Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ 2 về cả tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong sau ung thư gan với 26.262 ca mắc mới và 23.797 ca tử vong trong năm 2020. Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu cả về tỷ lệ mắc và tử vong ở nam giới, đứng thứ 3 ở nữ giới về tỷ lệ mắc sau ung thư vú và ung thư đại trực tràng, thứ 2 về tỷ lệ tử vong sau ung thư vú. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất quan sát thấy ở Micronesia, Đông Âu và Nam Âu, Tây Á và tương đối thấp ở châu Phi.
Đặc điểm[sửa]
Ung thư phổi được chia thành hai nhóm chính: ung thư tế bào nhỏ và ung thư không tế bào nhỏ. Ung thư phổi tế bào nhỏ là loại ít phổ biến hơn, chỉ chiếm khoảng 10-15% các loại ung thư phổi. Trước đây, căn bệnh này được gọi là ung thư tế bào tổ yến vì khi nhìn dưới kính hiển vi, các tế bào ung thư giống như tổ yến. Đây là loại ung thư phổi phát triển nhanh chóng và có nhiều khả năng di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Khi tế bào ung thư hình thành, chúng sẽ phát triển dần thành khối ung thư, gây cản trở lưu thông khí hô hấp gây khó thở, tắc nghẽn dịch nhầy gây nhiễm trùng. Ở giai đoạn muộn, khối ung thư di căn sang nhiều cơ quan khác gây nên triệu chứng tại các cơ quan đó.
Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]
Ung thư phổi tế bào nhỏ được gây ra bởi một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ sau: hút thuốc lá (80-90% ung thư phổi liên quan đến thuốc lá), tiếp xúc với bụi amiang, bụi phóng xạ và radon, nhiễm khuẩn (vi rút gây u nhú ở người, HPV), ô nhiễm không khí trong môi trường sống và làm việc (công nhân mỏ than, nhà máy gỗ, luyện kim, bông dệt…).
Ung thư phổi tế bào nhỏ là bệnh lý có độ ác tính cao, dễ di căn, di căn sớm. Triệu chứng bệnh biểu hiện dựa vào vị trí của khối u trong phổi và vị trí cơ quan mà khối u di căn đến. Hơn 80% các bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ xuất hiện triệu chứng chỉ trong 3 tháng hoặc ít hơn và ít trường hợp được phát hiện ở giai đoạn sớm. Các triệu chứng thường xuất hiện ở bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ vào thời điểm được chẩn đoán là: ho kéo dài, đau ngực, khó thở, nhiễm trùng ở phổi tái diễn như viêm phế quản, viêm phổi, nước bọt hoặc đờm có máu hoặc màu nâu, khàn tiếng kéo dài, giảm cân và sốt không rõ nguyên nhân.
Các khối u ung thư tế bào nhỏ thường chèn ép mạch máu lớn gần phổi được như tĩnh mạch chủ trên, gây ra hội chứng tĩnh mạch chủ trên. Tình trạng này có thể khiến bệnh nhân bị ứ nước, ho và khó thở. Do ung thư phổi tế bào nhỏ thường di căn nhanh đến xương và hệ thần kinh trung ương nên bệnh nhân cũng có thể bị đau xương, nhức đầu và co giật.
Ung thư phổi tế bào nhỏ có thể gây ra một số rối loạn nội tiết tố. Khoảng 40% bệnh nhân bắt đầu tiết ra một loại hormone chống lợi tiểu. Hormone này khiến cơ thể giữ nước, có thể khiến bệnh nhân bị lú lẫn, co giật hoặc hôn mê. Ít gặp hơn là sự phát triển của hội chứng Cushing và hội chứng Eaton-Lambert. Các triệu chứng của hội chứng Cushing bao gồm béo phì, mệt mỏi nhiều, huyết áp cao, đau lưng, lượng đường trong máu cao, dễ bị bầm tím và các vết rạn da màu đỏ xanh. Hội chứng Eaton-Lambert là một chứng rối loạn thần kinh cơ gây yếu cơ, mệt mỏi và cảm giác ngứa ran trên da. Tất cả những rối loạn nội tiết tố này thường giảm bớt sau khi khối u phổi được điều trị thành công.
Chẩn đoán[sửa]
Khám lâm sàng[sửa]
Cần khai thác kỹ tiền sử, đánh giá các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ kiểm tra họng bệnh nhân để loại trừ nguyên nhân khác gây ho và khàn tiếng. Nghe phổi để đánh giá tình trạng bệnh lý phổi.
Chẩn đoán hình ảnh[sửa]
Chụp X-quang phổi để phát hiện khối u phổi. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đặc biệt khác như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ có thể cho biết chính xác hơn về kích thước, hình dáng, vị trí của khối u.
Xét nghiệm đờm[sửa]
Phân tích đờm là một xét nghiệm không xâm lấn bao gồm kiểm tra bằng kính hiển vi của các tế bào từ dịch tiết của phổi. Xét nghiệm này có thể chẩn đoán ít nhất 30% các trường hợp ung thư phổi, ngay cả khi không nhìn thấy khối u trên X-quang ngực.
Sinh thiết phổi.[sửa]
Sinh thiết phổi là phương pháp chẩn đoán ung thư chính xác nhất bệnh và thể bệnh. Có 3 kỹ thuật: sinh thiết qua nội soi phế quản, sinh thiết xuyên thành và phẫu thuật sinh thiết.
Dấu ấn ung thư[sửa]
CEA, NSE…
Các phương pháp y học hạt nhân[sửa]
Xạ hình xương, PET/CT…đóng vai trò trong chẩn đoán giai đoạn bệnh ung thư.
Chẩn đoán mô bệnh học[sửa]
Phân loại ung thư phổi tế bào nhỏ chủ yếu dựa vào phân loại của WHO (2015), theo đó ung thư phổi tế bào nhỏ nằm trong nhóm u thần kinh nội tiết của phổi bao gồm 5 týp.
Chẩn đoán giai đoạn[sửa]
Phân chia giai đoạn ung thư phổi tế bào nhỏ chủ yếu theo VALSG và TNM. Ung thư phổi tế bào nhỏ có nguy cơ di căn xa rất sớm, ngay cả ở thời điểm chẩn đoán bệnh. VALSG chia ung thư phổi tế bào nhỏ ra 2 giai đoạn:
Giai đoạn khu trú: Bệnh giới hạn, có thể bao phủ bởi một trường chiếu xạ trị, thường được đánh giá giới hạn ở ½ lồng ngực và hạch vùng, bao gồm hạch trung thất và thượng đòn cùng bên.
Giai đoạn lan tràn được định nghĩa khu bệnh vượt quá giới hạn của các vùng trên, bao gồm cả tràn dịch màng phổi, màng tim ác tính hoặc di căn theo đường máu.
Điều trị[sửa]
Không giống như các loại ung thư phổi khác, giai đoạn của ung thư phổi tế bào nhỏ tương đối đơn giản. Điều này là do khoảng 70% bệnh nhân đã di căn khi bệnh nhân được chẩn đoán và sự khác biệt nhỏ về số lượng khối u được tìm thấy trong phổi không làm thay đổi tiên lượng. Ung thư phổi tế bào nhỏ thường được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn khu trú (tế bào ung thư khu trú trong phổi), giai đoạn lan tràn (khối u đã di căn đến các cơ quan khác), giai đoán tái phát (khối u xuất hiện trở lại sau khi được điều trị).
Nếu không điều trị, ung thư phổi tế bào nhỏ có tiến triển xâm lấn mạnh nhất trong các loại u phổi, với thời gian sống trung bình từ khi chẩn đoán chỉ từ hai đến bốn tháng. So với các loại ung thư phổi tế bào khác, ung thư phổi tế bào nhỏ có xu hướng xâm lấn rộng xung quanh vào thời điểm chẩn đoán, nhưng đáp ứng nhanh hơn với hóa trị và xạ trị.
Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ phụ thuộc vào bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn khu trú, lan tràn hay tái phát. Điều trị thường bao gồm xạ trị và hóa trị. Phẫu thuật hiếm khi được áp dụng cho loại ung thư phổi này vì khối u thường tiến triển nhanh.
Bệnh nhân ở giai đoạn khu trú thường áp dụng hóa trị liệu. Phối hợp hai hoặc nhiều loại thuốc với nhau cho hiệu quả tốt hơn khi điều trị với một loại thuốc. Khoảng 90% bệnh nhân ở giai đoạn này đáp ứng với hóa trị. Hóa chất thường được phối hợp sử dụng là Etoposide và Cisplatin. Kết hợp hóa trị với xạ trị ở ngực có hoặc không có phẫu thuật cũng kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ở giai đoạn khu trú.
Ngoài xạ trị ở ngực, các bệnh nhân được xạ trị toàn não dự phòng ngay cả khi chưa có tổn thương di căn não.
Kết hợp các hóa chất với nhau cũng được áp dụng trong điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn lan tràn. Tuy nhiên, so với giai đoạn khu trú tỷ lệ đáp ứng của bệnh nhân ở giai đoạn lan tràn thấp hơn. Hóa chất thường được sử dụng là Cyclophosphamide, Doxorubicin và Vincristine hoặc Etoposide và Cisplatin. Việc bổ sung xạ trị vào hóa trị liệu không cải thiện khả năng sống sót ở những bệnh nhân này. Tuy nhiên, xạ trị được sử dụng để điều trị giảm nhẹ (giảm đau) các triệu chứng của di căn, đặc biệt là các khối u não và xương.
Những bệnh nhân bị ung thư phổi tế bào nhỏ tái phát thường không đáp ứng với hóa chất. Những bệnh nhân này được điều trị bằng phương pháp xạ trị giảm nhẹ.
Tiên lượng[sửa]
Ung thư phổi tế bào nhỏ là bệnh lí có tính ác tính cao. Nếu không được điều trị bệnh nhân ở giai đoạn khu trú sẽ sống được từ 3 đến 6 tháng, ở giai đoạn lan tràn sẽ sống trong vòng 6 đến 12 tuần. Tuy nhiên, ung thư phổi tế bào nhỏ đáp ứng với hóa chất và xạ trị tốt hơn nhiều so với các loại ung thư khác. Trong số những bệnh nhân được điều trị bằng hóa trị, 70-90% có đáp ứng chính với điều trị.
Nhìn chung, phụ nữ có xu hướng tiên lượng tốt hơn nam giới. Những bệnh nhân có bệnh đã lan đến hệ thần kinh trung ương hoặc gan có tiên lượng xấu hơn nhiều. Mặc dù tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 5-10%, tỷ lệ sống cao hơn ở những bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn khu trú. Sau hai năm không tái phát có khoảng 70% bệnh nhân khỏi bệnh. Sau 5-10 năm không mắc bệnh, bệnh rất hiếm khi tái phát.
Phòng bệnh[sửa]
- Quan trọng nhất là hạn chế hoặc không hút thuốc lá.
- Hạn chế tiếp xúc với các chất gây ung thư.
- Kiểm tra các ngôi nhà có nguy cơ rơi bụi amiang và khí radon.
- Đảm bảo an toàn lao động trong môi trường làm việc có nhiều nguy cơ.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Abeloff, M. D., et al. Clinical Oncology. 3rd ed. Philadelphia:Elsevier, 2004.
- Goldman, L., and D. Ausiello, eds. Cecil Textbook of Internal Medicine. 23rd ed. Philadelphia: Saunders, 2008.
- Mason, R. J., et al. Murray & Nadel’s Textbook of Respiratory Medicine. 4th ed. Philadelphia: Saunders, 2007.
- Stephen B., Frederick L. G., et al (2017), Lung, AJCC Cancer Staging Manual eighth edition, Springer, pp.431-456.
- Nguyễn Bá Đức, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Tuyết Mai (2010), Ung thư phổi, Điều trị nội khoa bệnh ung thư, Nhà xuất bản Y học, 2010.
- Trần Văn Thuấn, Lê Văn Quảng, Nguyễn Tiến Quang. Ung thư phổi tế bào nhỏ, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư thường gặp, Nhà xuất bản Y học, 2020, Tr.105-121.