Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ung thư phổi không tế bào nhỏ
Phiên bản vào lúc 20:53, ngày 3 tháng 10 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Ung thư phổi không tế bào nhỏ''' là bệnh lý mà tế bào của nhu mô phổi phát triển và phân chia mất kiểm soát, d…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Ung thư phổi không tế bào nhỏ là bệnh lý mà tế bào của nhu mô phổi phát triển và phân chia mất kiểm soát, dẫn đến hình thành nên khối u.

Dịch tễ học[sửa]

Theo số liệu của Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế, trong năm 2020, ung thư phổi là loại ung thư phổi biến đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc với 2.206.771 ca mắc với (chiếm 11,4%) và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu với 1.796.144 ca (chiếm 18%). Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ 2 về cả tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong sau ung thư gan với 26.262 ca mắc mới và 23.797 ca tử vong trong năm 2020. Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu cả về tỷ lệ mắc và tử vong ở nam giới, đứng thứ 3 ở nữ giới về tỷ lệ mắc sau ung thư vú và ung thư đại trực tràng, thứ 2 về tỷ lệ tử vong sau ung thư vú. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất quan sát thấy ở Micronesia, Đông Âu và Nam Âu, Tây Á và tương đối thấp ở châu Phi.

Đặc điểm[sửa]

Có hai loại ung thư phổi: nguyên phát và thứ phát. Ung thư phổi tiên phát bắt nguồn từ chính nhu mô phổi và chia làm nhóm là ung thư tế phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Ung thư phổi tế bào nhỏ có độ ác tính cao, lây lan nhanh và chiếm 10-15% ung thư phổi. Ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm gần 85% tổng số ung thư phổi nguyên phát. Ung thư phổi thứ phát là ung thư bắt đầu từ một nơi khác trong cơ thể (ví dụ: vú hoặc đại tràng) và di căn đến phổi. Khi tế bào ung thư hình thành, chúng sẽ phát triển dần thành khối ung thư, gây cản trở lưu thông khí hô hấp gây khó thở, tắc nghẽn dịch nhầy gây nhiễm trùng. Ở giai đoạn muộn, khối ung thư di căn sang nhiều cơ quan khác gây nên triệu chứng tại các cơ quan đó. Tốc độ phát triển của khối u không tế bào nhỏ phụ thuộc vào loại tế bào u.

Có 3 loại tế bào chính của ung thư phổi không tế bào nhỏ: biểu mô tuyến, biểu mô vảy và tế bào lớn.

Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]

Nguyên nhân[sửa]

Ung thư phổi không tế bào nhỏ được gây ra bởi một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ sau: hút thuốc lá (80-90% ung thư phổi liên quan đến thuốc lá), tiếp xúc với bụi amiang, bụi phóng xạ và radon, nhiễm khuẩn (vi rút gây u nhú ở người, HPV), di truyền (đột biến T790M), ô nhiễm không khí trong môi trường sống và làm việc (công nhân mỏ than, nhà máy gỗ, luyện kim, bông dệt…).

Triệu chứng[sửa]

Ung thư phổi có xu hướng di căn sớm và chỉ 15% các trường hợp được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, để phát hiện sớm thì người bệnh cần kiểm tra tại trung tâm y tế khi có các triệu chứng sau: ho kéo dài, đau ngực, khó thở, nhiễm trùng ở phổi tái diễn như viêm phế quản, viêm phổi, nước bọt hoặc đờm có máu hoặc màu nâu, khàn tiếng kéo dài, giảm cân và sốt không rõ nguyên nhân.

Ở giai đoạn di căn, bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác như: đau đầu, gãy xương, đau, chảy máu, huyết khối.

Chẩn đoán[sửa]

Khám lâm sàng[sửa]

Cần khai thác kỹ tiền sử, đánh giá các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ kiểm tra họng bệnh nhân để loại trừ nguyên nhân khác gây ho và khàn tiếng. Nghe phổi để đánh giá tình trạng bệnh lý phổi.

Chẩn đoán hình ảnh[sửa]

Chụp X-quang phổi để phát hiện khối u phổi. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đặc biệt khác như chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ có thể cho biết chính xác hơn về kích thước, hình dáng, vị trí của khối u.

Xét nghiệm đờm[sửa]

Phân tích đờm là một xét nghiệm không xâm lấn bao gồm kiểm tra bằng kính hiển vi của các tế bào từ dịch tiết của phổi. Xét nghiệm này có thể chẩn đoán ít nhất 30% các trường hợp ung thư phổi, ngay cả khi không nhìn thấy khối u trên X-quang ngực.

Sinh thiết phổi.[sửa]

Sinh thiết phổi là phương pháp chẩn đoán ung thư chính xác nhất bệnh và thể bệnh. Có 3 kỹ thuật: sinh thiết qua nội soi phế quản, sinh thiết xuyên thành và phẫu thuật sinh thiết.

Xét nghiệm sinh học phân tử[sửa]

Đột biến gene EGFR, ALK, ROS1, PDL-1, PD-1…

Dấu ấn ung thư[sửa]

SCC, CEA, Cyfra 21-1, Pro GRP…

Các phương pháp y học hạt nhân[sửa]

Xạ hình xương, PET/CT…đóng vai trò trong chẩn đoán giai đoạn bệnh ung thư.

Chẩn đoán mô bệnh học[sửa]

Phân loại mô bệnh học chủ yếu dựa vào phân loại của WHO (2015), đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ có các týp cần chú ý sau: Ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô vảy, ung thư biểu mô tuyến – vảy, ung thư biểu mô tế bào lớn, ung thư thần kinh nội tiết, ung thư biểu mô dạng sarcoma… Ngoài ra, cần đánh giá các đột biến gene như EGFR, ALK, ROS1, V600E, PDL-1, PD-1…

Chẩn đoán giai đoạn[sửa]

Đánh giá theo phân loại TNM của AJCC (2017) dựa trên các yếu tố: kích thước và xâm lấn u, số lượng và vị trí hạch di căn, tình trạng di căn xa.

Giai đoạn 0: Ung thư giai đoạn tại chỗ.

Giai đoạn I: Khối u có kích thước không quá 4 cm, có hoặc không xâm lấn màng phổi tạng, phế quản gốc, hoặc gây xẹp/viêm phổi thuỳ.

Giai đoạn II: Khối u có kích thước không quá 7 cm, có thể xâm lấn vào thành ngực, cơ hoành, màng ngoài tim, xâm lấn phế quản gốc gần carina, xẹp/viêm một phần hoặc toàn bộ 1 bên phổi, di căn cùng thuỳ phổi. Hoặc có di căn hạch quanh phế quản, hạch rốn phổi, hạch trong phổi cùng bên.

Giai đoạn III: Khối u kích thước có thể lớn hơn 7 cm, có thể xâm lấn vào tim, thực quản, mạch máu lớn, thân đốt sống, carina hoặc di căn khác thuỳ một bên phổi. Hoặc có hạch vùng cùng bên hoặc đối bên ở các vị trí khác nhau.

Giai đoạn IV: Có di căn xa.

Điều trị[sửa]

Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ phụ thuộc chủ yếu ở giai đoạn bệnh.

Phẫu thuật[sửa]

Phẫu thuật là phương pháp điều trị cơ bản cho ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn sớm, giai đoạn I, II, III. Các phương pháp phẫu thuật: cắt thuỳ phổi, cắt phổi hình chêm, cắt toàn bộ phổi.

Xạ trị[sửa]

Các vai trò của xạ trị trong điều trị ung thư phổi bao gồm: xạ trị bổ trợ, xạ trị triệt căn và xạ trị giảm nhẹ. Xạ trị bổ trợ được tiến hành sau phẫu thuật, nhằm tiêu diệt triệt để các tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát. Xạ trị triệt căn đối với giai đoạn khu trú nhưng không phẫu thuật được, xạ trị có thể được kết hợp với hoá trị. Xạ trị giảm nhẹ trong trường hợp giai đoạn muộn, u lớn gây chèn ép mạch máu, thần kinh, đường thở, hoặc xạ trị các tổn thương di căn xương, não.

Hoá trị[sửa]

Hóa trị đóng vai trò chủ đạo trong điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn không thể phẫu thuật. Hóa trị là phương pháp dung thuốc thường đưa vào cơ thể qua đường tĩnh mạch để tiêu diệt tế bào ung thư. Hoá trị có thể được dùng trong điều trị tân bổ trợ (trước phẫu thuật), bổ trợ (sau phẫu thuật), điều trị triệt căn (phối hợp với xạ trị), hoá trị giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn.

Các hoá chất hay được sử dụng: nhóm Taxan (Docetaxel, Palcitaxel…), nhóm Platinum (Carboplatin, Cisplatin…), Gemcitabine, Vinorelbine…

Điều trị đích, điều trị miễn dịch[sửa]

Chỉ định trong điều trị ung thư phổi giai đoạn tiến triển, tái phát, di căn:

- Có đột biến EGFR: sử dụng nhóm TKIs (Gefitinib, Erlotinib, Afatinib, Osimertinib, Dacomitinib).

- Có đột biến tái sắp xếp dạng ALK: thuốc Crizotinib, Ceritinib, Alectinib…

- Không có đột biến đích, có tăng biểu hiện PDL-1 > 50%, sử dụng thuốc Pembrolizumab.

- Không có đột biến: Bevacizumab…

Tiên lượng[sửa]

Giai đoạn là yếu tố tiên lượng quan trọng nhất. Giai đoạn I, II có thể phẫu thuật được, tỷ lệ sống 5 năm đạt 50-80%, giai đoạn III tỷ lệ này giảm xuống còn 20-40%. Riêng giai đoạn IV tỷ lệ này rất thấp, < 5%. Chỉ số toàn trạng rất có ý nghĩa trong giai đoạn tiến xa. Các yếu tố tiên lượng xấu: đột biến KRAS, tăng biểu hiện EGFR, c-MET, đột biến p53… Yếu tố tiên lượng tốt: đột biến hoạt hoá EGFR.


Phòng bệnh[sửa]

- Quan trọng nhất là hạn chế hoặc không hút thuốc lá.

- Hạn chế tiếp xúc với các chất gây ung thư.

- Kiểm tra các ngôi nhà có nguy cơ rơi bụi amiang và khí radon.

- Đảm bảo an toàn lao động trong môi trường làm việc có nhiều nguy cơ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Abeloff, M. D., et al. Clinical Oncology. 3rd ed. Philadelphia:Elsevier, 2004.
  2. Goldman, L., and D. Ausiello, eds. Cecil Textbook of Internal Medicine. 23rd ed. Philadelphia: Saunders, 2008.
  3. Cohen, M. H., G. A. Williams, R. Sridhara, et al. ‘‘United States Food and Drug Administration Drug Approval Summary: Gefitinib (ZD1839; Iressa) Tablets.’’ Clinical Cancer Research 10 (February 15, 2004): 1212–1218.
  4. Fossella, F. V. ‘‘Pemetrexed for Treatment of Advanced Non-Small Cell Lung Cancer.’’ Seminars in Oncology 31 (February 2004): 100–105.
  5. Frampton, J. E., and S. E. Easthope. ‘‘Gefitinib: A Review of Its Use in the Management of Advanced Non-Small-Cell Lung Cancer.’’ Drugs 64 (2004): 2475–2492.
  6. Stephen B., Frederick L. G., et al. Lung, AJCC Cancer Staging Manual eighth edition, Springer, 2017, pp.431-456.
  7. Nguyễn Bá Đức, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Tuyết Mai (2010), Ung thư phổi, Điều trị nội khoa bệnh ung thư, Nhà xuất bản Y học, 2019.
  8. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ, 2018.
  9. Trần Văn Thuấn, Lê Văn Quảng, Nguyễn Tiến Quang, Ung thư phổi không tế bào nhỏ, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư thường gặp, Nhà xuất bản Y học, 2019, Tr.92-104.