Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phình động mạch chủ
Phiên bản vào lúc 15:46, ngày 30 tháng 9 năm 2022 của Deepmind (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{sơ}}'''Phình động mạch chủ''' là sự xuất hiện khối phình lên bất thường ở một đoạn mạch máu. Động mạch chủ là…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Phình động mạch chủ là sự xuất hiện khối phình lên bất thường ở một đoạn mạch máu. Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể, vận chuyển máu giàu Oxy từ tim đến các cơ quan trong cơ thể, là nơi rất dễ xuất hiện các khối phình này.

Mô tả[sửa]

Động mạch chủ vận chuyển máu từ tim đến các mô, cơ quan trong cơ thể (trung bình khoảng 200 triệu lít máu trong cả đời một người). Thành động mạch chủ giống các cấu trúc mạch máu khác bao gồm 3 lớp: lớp trong, lớp giữa (chứa các cấu trúc cơ giúp mạch máu đàn hồi để co bóp tống máu) và lớp ngoài có thành phần xơ sợi nhằm tăng cường sức bền thành mạch khi tim co bóp đẩy máu vào lòng mạch.

Phình động mạch chủ thường xuất hiện tại vị trí thành mạch yếu (yếu có thể tại 1 trong 3 lớp thành mạch). Nếu cả 3 lớp thành mạch yếu thì khối phình hình thoi sẽ xuất hiện. Nếu lớp trong và lớp ngoài thành mạch đều yếu, máu sẽ đi qua cấu trúc tổn thương tại thành mạch, lóc tách thành và hình thành khối phình giữa các lớp thành mạch. Hiện tượng này gọi là phình tách thành động mạch chủ. Nếu tổn thương lớp áo giữa có thể xuất hiện khối phình dạng túi. Nguyên nhân và triệu chứng

Giới nam, tuổi cao và thuốc lá là những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất, song song đó là tăng huyết áp và rối loạn lipid máu. Hội chứng Marfan cũng có thể là nguyên nhân của bệnh lý này, đặc biệt là đối với động mạch chủ ngực.

Thoracic_Aortic_Aneurysm

Khối phình có thể xảy ra ở mọi vị trí giải phẫu trên động mạch chủ, từ chỗ bắt nguồn ở tim xuống đến động mạch chủ bụng. Khối phình xuất hiện ở động mạch chủ trong lồng ngực gọi là phình động mạch chủ ngực, trong ổ bụng gọi là phình động mạch chủ bụng. Các vị trí phình hay gặp nhất là đọng mạch chủ lên và động mạch chủ bụng đoạn dưới thận.

Phình động mạch chủ ngực ít gây ra triệu chứng trên lâm sàng. Tuy nhiên nếu kích thước khối phình lớn, bệnh nhân có thể có triệu chứng đau tức ngực trái, vai, cổ, lưng hoặc đau bụng. Phình động mạch chủ bụng thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới, bệnh thường gây các triệu chứng như đau bụng, đau lưng hoặc vùng ố chậu. Đau bụng dữ dội là biểu hiện cảnh báo sớm của phối phình dọa vỡ.

Vữa xơ là nguyên nhân chính gây phình động mạch chủ bụng Đây là hiện tượng chất béo (chủ yếu cholesterol) lắng đọng nhiều tại thành mạch gây ra mảng vữa xơ, khi đó thành mạch sẽ yếu và dễ hình thành khối phình.

Hình ảnh CT tái tạo của phình động mạch chủ bụng (mũi tên trắng)

Ngoài ra, phình động mạch chủ còn do tổn thương lớp giữa của thành mạch, do tăng huyết áp hoặc các tổn thương từ bên ngoài như chấn thương ngực hoặc nhiễm trùng gây viêm thành mạch.

Chẩn đoán[sửa]

Những trường hợp phình động mạch không triệu chứng và lâm sàng ổn định thường được phát hiện trên phim chụp X quang thường quy. Những trường hợp đau bụng hoặc ngực dữ dội mà nghi ngờ do phình động mạch chủ cần được chẩn đoán xác định hoặc loại trừ bằng phim chụp Xquang hoặc CT ngực.

Điều trị[sửa]

Phình động mạch chủ là bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng. Những khối phình nhỏ cần được theo dõi tốc độ phát triển song song với điều trị các nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ và xem xét chỉ định can thiệp các đoạn phình kích thước lớn. Hiện tại có hai phương pháp can thiệp là phẫu thuật và đặt stent graph.

Phẫu thuật hở là phương pháp kính điển nhất, thường được thực hiện với tuần hoàn ngoài cơ thể để cắt đoạn phình động mạch chủ bụng và thay vào đó bằng đoạn mạch nhân tạo từ sợi tổng hợp. Phương pháp này chủ yếu được chỉ định trong phình tách động mạch chủ lên.

Gần đây, y học rất thành công với phương pháp can thiệp nội mạch (đặt stent graft - một giá đỡ làm bằng kim loại đặc biệt có phủ màng sợi tổng hợp sử dụng để đặt vào vị trí động mạch chủ phình nhằm mục đích tránh cho nó bị vỡ và điều chỉnh dòng máu chảy bên trong một cách bình thường). Can thiệp nội mạch là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, bệnh nhân không cần trải qua cuộc đại phẫu. Tuy nhiên để thực hiện được, bệnh nhân có tổn thương giải phẫu thích hợp.

Tiên lượng[sửa]

Nguy cơ tử vong do phẫu thuật phình động mạch chủ chỉ là 1-2 % và nguy cơ tử vong do can thiệp nội mạch còn thấp hơn. Trong khi đó, những khối phình không được điều trị có thể vỡ ra và dưới 50% người vỡ khối phình có thể sống sót. Vấn đề đặt ra là các bác sĩ lâm sàng cần cân nhắc khi nào cần can thiệp và có nên can thiệp hay không.

Dự phòng[sửa]

Người có bệnh lý vừa xơ hoặc tăng huyết áp đều có thể hình thành khối phình động mạch. Mặc dù không có phương pháp dự phòng bệnh cụ thể nhưng thay đổi lối sống và chế độ ăn lành mạnh có thể giúp làm giảm huyết áp và nồng độ mỡ trong máu giúp làm chậm quá trình hình thành phình mạch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Sakalihasan N, Limet R, Defawe OD. Abdominal aortic aneurysm. Lancet. 2005 Apr 30-May 6; 365 (9470): 1577-89
  2. Calero A, Illig KA. Overview of aortic aneurysm management in the endovascular era. Semin Vasc Surg. 2016 Mar;29(1-2):3-17
  3. Liu B, Granville DJ, Golledge J, Kassiri Z. Pathogenic mechanisms and the potential of drug therapies for aortic aneurysm. Am J Physiol Heart Circ Physiol. 2020 Mar 1;318(3):H652-H670
  4. Lu H, Daugherty A. Aortic Aneurysms. Arterioscler Thromb Vasc Biol. 2017 Jun;37(6): e59-e65.
  5. Bộ môn ngoại- trường đại học y Hà Nội. Bệnh học ngoại khoa tim mạch-lồng ngực, Nhà xuất bản y học.