Ngộ độc thuốc là trạng thái rối loạn những hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể liên quan đến thuốc sau khi tiếp xúc với thuốc.
Phân loại[sửa]
Thuốc, gồm thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền, dùng để chữa bệnh nhưng tất cả các thuốc đều có thể gây ngộ độc. Ngộ độc thuốc là một khái niệm rộng bao gồm:
+ Các tác dụng có hại do dùng quá liều thuốc một cách vô tình hay cố ý.
+ Các tác dụng có hại khi dùng đúng liều lượng (các tác dụng có hại và ngoài ý muốn, không phải là tác dụng chính của thuốc); Các phản ứng có hại của thuốc. Nguyên nhân có thể do bản thân thuốc, do tác dụng qua lại giữa các thuốc dùng đồng thời hoặc giữa thuốc với thức ăn, đồ uống hoặc do một số yếu tố đặc biệt của cơ thể người bệnh.
Dịch tễ[sửa]
Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam hàng năm có khoảng 30% số bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu là do ngộ độc cấp và con số tử vong chiếm khoảng 12%, trong đó không ít bệnh nhân bị ngộ độc thuốc, chủ yếu là trẻ em. Theo ghi nhận từ các bệnh viện Nhi đã từng xử trí ngộ độc thuốc ở trẻ em, một số loại thuốc thường gây ngộ độc cho trẻ là thuốc kháng histamine (thuốc chống dị ứng), thuốc á phiện, thuốc ngủ, thuốc nhỏ mũi (Naptazoline), thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau …
Nguyên nhân[sửa]
- Ngộ độc thuốc do thuốc tương tác với các loại thuốc khác bao gồm:
+ Thuốc lợi tiểu. Thuốc lợi tiểu như hydrochlorothiazide có thể giảm nồng độ điện giải kali và natri huyết thanh khi dùng với digoxin và lithium, tương ứng.
+ Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI, thuốc chống trầm cảm) có thể gây co giật và các tác dụng phụ nghiêm trọng khác khi được sử dụng với thuốc chống trầm cảm ba vòng (như Imipramine, Nortriptyline), thuốc ức chế có chọn lọc tái hấp thu serotonin, hoặc thuốc cường giao cảm (như Amphetamine).
+ Thuốc ức chế chức năng enzyme gan, gây chuyển hóa chậm như ciprofloxacin, erythromycin, fluoxetine, nefazodone, paroxetine, và ritonavir. Các thuốc này có thể khuếch đại hiệu quả điều trị của các loại thuốc khác khi kết hợp. Warfarin, một thuốc chống đông máu, nên được sử dụng hết sức thận trọng khi kết hợp với các loại thuốc này.
- Thực phẩm và đồ uống có thể tương tác với thuốc bao gồm:
+ Thực phẩm và đồ uống có tyramine. Rượu vang đỏ, bia mạch nha, thực phẩm hun khói, trái cây khô và pho mát lâu năm có thể chứa tyramine, có thể gây tăng huyết áp khi dùng chung với thuốc ức chế MAOI (nhóm thuốc chống trầm cảm).
+ Rượu. Rượu là một chất gây suy nhược hệ thần kinh trung ương, không nên dùng chung với các thuốc chống trầm cảm.
+ Các loại thảo mộc. Bạch quả, nhân sâm và tỏi, có thể làm tăng tác dụng của warfarin chống đông máu.
Chẩn đoán ngộ độc thuốc[sửa]
Biểu hiện ngộ độc thuốc[sửa]
Biểu hiện rất đa dạng, có thể nhẹ (như buồn ngủ, hơi mệt, …) đến nặng, (như khó thở, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, …. thậm chí có thể tử vong). Các dấu hiệu bất thường này xuất hiện sau hoặc khi đang dùng thuốc. Các biểu hiện này có thể là các biểu hiện mới xuất hiện, không phải các biểu hiện bệnh bạn đang bị hoặc có thể bạn chỉ thấy bệnh nặng hơn.
Nghĩ tới ngộ độc thuốc khi thấy có các yếu tố sau[sửa]
- Dùng thuốc với số lượng nhiều hơn thường dùng.
- Người dùng thuốc đang trong tình trạng buồn chán, có mâu thuẫn, có ý tưởng tự sát, bức xúc.
- Nhầm lẫn khi dùng thuốc: nhầm thuốc với đồ ăn, thức uống, nhầm lẫn giữa các thuốc với nhau.
- Một số lượng lớn thuốc bị mất hoặc bị hao hụt không rõ lý do (căn cứ vào tổng lượng thuốc mua về, số lượng dùng hàng ngày).
Người bệnh và gia đình hoặc người đi cùng
Mang theo hoặc cung cấp tất cả các thông tin liên quan đến việc dùng thuốc của bệnh nhân dẫn tới ngộ độc: đơn thuốc, lọ thuốc, vỉ thuốc (kể cả đã bóc hết thuốc), viên thuốc, các thông tin về bệnh phải dùng thuốc.
Các thông tin về việc dùng thuốc của người bệnh rất quan trọng, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nhanh chóng và giảm các xét nghiệm không cần thiết.
Các bác sĩ
Các bác sĩ dựa trên các thông tin hỏi bệnh, khám, các thông tin về việc dùng thuốc, kết hợp với các kết quả xét nghiệm (gồm các xét nghiệm thông thường và xét nghiệm xác định thuốc đã gây ra ngộ độc) và theo dõi sẽ cho ra hướng chẩn đoán ngộ độc thuốc.
Điều trị[sửa]
Xử trí[sửa]
Gọi điện tới trung tâm chống độc, thông báo cho bác sĩ đã kê đơn và dược sĩ liên quan. Trường hợp nặng, gọi cấp cứu, nhân viên y tế, người hỗ trợ gần nhất hoặc mang bệnh nhân tới cơ sở y tế.
Các thông tin cần cung cấp cho nhân viên trung tâm kiểm soát chất độc, nhân viên y tế và cấp cứu là:
- Những thuốc gì đã dùng? (mang theo hộp thuốc)
- Đã dùng thuốc đó với liều lượng thế nào?
- Uống thuốc khi nào?
- Có dùng thuốc cùng với rượu hay các thuốc khác không?
- Bệnh nhân bao nhiêu tuổi?
- Bệnh nhân đã gặp phải những triệu chứng gì?
- Bệnh nhân có hôn mê không?
- Bệnh nhân có thở được không?
Trung tâm kiểm soát chống độc có thể sử dụng chất gây nôn trên bệnh nhân. Không được gây nôn nếu bệnh nhân bất tỉnh.
Chăm sóc y tế khẩn cấp[sửa]
Chăm sóc y tế khẩn cấp có thể bao gồm:
- Đánh giá đường thở và khả năng thở của bệnh nhân để đảm bảo khí quản không bị tắc nghẽn. Nếu cần thiết, đặt nội khí quản có thể áp dụng để giúp bệnh nhân thở được.
- Đánh giá nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, và các dấu hiệu sinh tồn khác liên quan tới quá liều thuốc đó. Có thể lấy mẫu máu và nước tiểu để kiểm tra sự hiện diện của thuốc nghi ngờ quá liều và bất kỳ loại thuốc nào khác hoặc rượu.
- Loại bỏ thuốc chưa được hấp thu. Gây nôn có thể thực hiện bằng si-rô ipecac hoặc các thuốc khác. Không nên dùng si-rô Ipecac cho bệnh nhân quá liều với thuốc chống trầm cảm ba vòng, theophylline hoặc bất kỳ thuốc nào gây ra sự thay đổi lớn về tinh thần. Nếu bệnh nhân nôn trong khi bất tỉnh, có nguy cơ tắc nghẽn đường thở nghiêm trọng.
- Rửa dạ dày có thể được áp dụng. Thủ thuật này được thực hiện bằng cách đưa một ống qua mũi, xuống cổ họng, và vào dạ dày. Các thức ăn và các chất khác trong dạ dày được hút ra ngoài qua ống. Dung dịch nước muối được bơm vào ống để rửa dạ dày, sau đó lại được rút ra.
- Sử dụng than hoạt tính để hấp thụ thuốc.
- Có thể dùng thuốc để kích thích đi tiểu hoặc đi vệ sinh để đẩy lượng thuốc thừa ra khỏi cơ thể nhanh hơn.
- Có thể truyền dung dịch nước muối hoặc dextrose qua đường tĩnh mạch (IV) giúp đẩy thuốc ra khỏi hệ thống và tái lập sự cân bằng chất lỏng và chất khoáng trong cơ thể. Độ pH của cơ thể có thể cần được điều chỉnh bằng cách sử dụng các chất điện phân như natri, kali và bicarbonate qua đường IV. Nếu cần phải dùng thuốc cấp cứu, chúng ta có thể tiêm trực tiếp qua đường tĩnh mạch
- Lọc máu là một thủ thuật đưa máu ra khỏi cơ thể, bơm qua máy lọc máu, sau đó được đưa trở lại cơ thể. Quá trình này có thể được sử dụng để lọc một số loại thuốc ra khỏi máu. Nó cũng có thể được sử dụng tạm thời hoặc dài hạn nếu thận bị tổn thương do quá liều thuốc.
- Sử dụng thuốc đối kháng cũng là một biện pháp điều trị. Thuốc đối kháng là một loại thuốc khác để chống lại hoặc ngăn chặn tác dụng của thuốc đã dùng quá liều. Ví dụ, dùng Acetaminophen quá liều có thể điều trị bằng thuốc N-acetylcystein (Mucomyst). Naloxone là một loại thuốc chống ma túy được sử dụng để chống lại việc ngộ độc chất ma tuý, Nalmefen hoặc Methadone cũng có thể được sử dụng.
- Cần đánh giá về tâm thần nếu quá liều thuốc do cố ý sử dụng.
Tiên lượng[sửa]
Trong khi nhiều nạn nhân của ngộ độc thuốc phục hồi mà không có ảnh hưởng lâu dài, thì cũng có nhiều bệnh nhân gặp những hậu quả nghiêm trọng. Một số thuốc quá liều gây ra suy thận hoặc gan, hoặc suy toàn bộ hệ thống như hệ thống hô hấp hoặc tuần hoàn. Bệnh nhân sống sót sau khi ngộ độc thuốc có thể cần lọc máu, ghép thận hoặc gan, hoặc chăm sóc đặc biệt do suy tim, đột quỵ, hoặc hôn mê. Tử vong thường gặp trong tình trạng quá liều thuốc, đặc biệt nếu điều trị muộn.
Dự phòng[sửa]
- Trước khi dùng thuốc hoặc dùng thêm một thuốc mới, cần cung cấp các thông tin sau cho bác sĩ, dược sĩ: Tiền sử bệnh, các trạng thái đặc biệt của cơ thể (đặc biệt là có thai, cho con bú). Các thuốc và các biện pháp chữa trị mới hoặc đang áp dụng. Lưu ý bao gồm tất cả các thuốc tự mua và mua theo đơn, các vitamin, thực phẩm chức năng.
- Cần chủ động hỏi bác sĩ, dược sĩ:
+ Các câu hỏi liên quan đến thuốc sẽ dùng, diễn biến bệnh tật khi dùng thuốc, cách theo dõi khi dùng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt…
+ Có thể ghi sẵn các câu hỏi để tránh quên và ghi chép lại khi được trả lời. Có thể cần người đi cùng nếu không hiểu hết, không nhớ được các thông tin (đặc biệt người già, trẻ em, người mắc bệnh tâm thần, người hay quên).
- Tìm hiểu các thông tin về thuốc:
1) Tên biệt dược (tên thương mại), tên gốc (tên hóa chất) của thuốc. Ví dụ biệt dược Losec có hoạt chất là omeprazole; 2) Thành phần của thuốc: ví dụ trong 1 viên thuốc Losec 20mg có thành phần là omeprazole với hàm lượng 20mg; 3) Chỉ định và chống chỉ định của thuốc; 4) Cảnh báo, thận trọng khi dùng thuốc; 5) Các tác động qua lại của thuốc với thuốc khác, với thức ăn, đồ uống, thuốc lá; 6) Tác dụng có hại, tác dụng phụ của thuốc; 7) Khả năng cơ thể của bạn trở nên quen thuốc, phụ thuộc vào thuốc, nghiện thuốc; 8) Quá liều thuốc: biểu hiện, cách xử trí; 9) Liều dùng, cách dùng thuốc; 10) Cách bảo quản thuốc; 11) Hạn sử dụng của thuốc; 12) Có thể tìm các thông tin trên từ bác sĩ, dược sĩ, tờ rơi trong hộp thuốc, vỉ thuốc …, sách báo thư viện, internet.
- Khi đang dùng thuốc, không tự ngừng thuốc hoặc thay đổi việc dùng thuốc, khác với những gì đã được hướng dẫn.
- Thông báo ngay khi cần thiết khi thấy dấu hiệu bất thường.
- Để bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng quá liều thuốc do vô ý, tất cả các loại thuốc phải được lưu trữ trong các hộp chứa có nắp. Tất cả các loại thuốc phải nằm ngoài tầm nhìn và ngoài tầm với của trẻ em, tốt nhất là trong tủ khóa. Thuốc kê đơn nên được sử dụng theo chỉ dẫn và y bác sỹ.
- Các dấu hiệu về tự sát cần được quan tâm nghiêm túc và giúp đỡ tận tình để tìm ra những người bị trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác có thể dẫn đến tự sát.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- MedlinePlus Medical Encyclopedia. ‘‘Drug abuse first aid.’’ June 29, 2010.http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000016.htm6/29/2010 (accessed November 23, 2010).
- University of Maryland Medical Center (UMMC). ‘‘Drug abuse first aid.’’ July 23, 2008. http://www.umm.edu/ency/article/000016.htm (accessed November 23,2010).
- Beers, Mark H., Robert S. Porter, and Thomas V. Jones, eds. The Merck Manual of Diagnosis and Therapy. 18th ed. Whitehouse Station, NJ: Merck Research Laboratories, 2006.
- Hardy, Mary L. ‘‘Herb-Drug Interactions: An EvidenceBased Table.’’ Internal Medicine Alert 23 (January 29, 2001): 1.
- Bộ y tế (2017). Ngộ độc thuốc ở trẻ em, https://moh.gov.vn/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/tin-noi-bat/-/asset_publisher/iinMRn208ZoI/content/ngo-oc-thuoc-o-tre-em?inheritRedirect=false, truy cập 20/02/2021.