Nghiện rượu là rối loạn mạn tính về thể chất, tâm thần và hành vi, đặc trưng bởi việc sử dụng quá mức đồ uống chứa cồn, cảm xúc và thể chất bị phụ thuộc vào chúng, tăng khả năng dung nạp theo thời gian và xuất hiện hội chứng cai nếu ngừng uống rượu.
Thống kê[sửa]
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới tiêu thụ đồ uống có cồn, điều đó có thể gây ra hậu quả trước mắt và lâu dài đối với sức khỏe và đời sống xã hội. Hơn 76 triệu người hiện đang chịu ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc và lạm dụng rượu. Rượu gây ra 3,3 triệu ca tử vong mỗi năm, chiếm 5,9% tổng số các ca tử vong trên toàn thế giới.
Năm 2010, Việt Nam có mức tiêu thụ lít cồn nguyên chất bình quân đầu người xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 Châu Á và thứ 29 thế giới (6,6 lít cồn/người/năm). Mức độ này sẽ còn gia tăng trong những năm tới nếu không có các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ để điều chỉnh kịp thời. Năm 2015, nghiên cứu chỉ ra 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua và có xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu bia. Có đến 44,2% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại (trong 30 ngày có ít nhất 1 lần uống từ 60 gam cồn trở lên).
Các yếu tố nguy cơ gây nghiện rượu[sửa]
Có nhiều yếu tố gia đình, văn hóa, xã hội liên quan đến nguy cơ nghiện rượu. Một số trong số đó là: bắt đầu uống từ khi còn trẻ, có bố mẹ nghiện rượu, uống rượu thường xuyên trong một thời gian dài, người bị rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, bao quanh bởi những người thường xuyên uống rượu, căng thẳng trong cuộc sống và sự sẵn có của rượu … là các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng nghiện rượu.
Triệu chứng[sửa]
Thường xuyên sử dụng nhiều rượu có thể gây ra tổn thương không phục hồi đối với một số hệ thống cơ quan của cơ thể, bao gồm hệ thống tim mạch, tiêu hóa, hệ thần kinh trung ương và ngoại vi. Những người nghiện rượu nặng có nguy cơ cao bị loét dạ dày hoặc tá tràng, xơ gan và ung thư đường tiêu hóa. Nhiều người nghiện rượu không ăn đúng cách và thường mắc các bệnh thiếu hụt dinh dưỡng cũng như tổn thương nội tạng.
Ngoài các triệu chứng thực thể, hầu hết những người nghiện rượu đều có tiền sử về các vấn đề tâm thần, nghề nghiệp, tài chính, pháp lý hoặc vấn đề cá nhân khác.
Chẩn đoán[sửa]
Chẩn đoán nghiện rượu thường dựa trên tiền sử uống rượu của bệnh nhân, kiểm tra sức khoẻ, các xét nghiệm và kết quả đánh giá triệu chứng tâm thần.
Khi nghi ngờ rằng bệnh nhân lạm dụng hoặc nghiện rượu, bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân kiểm tra sức khoẻ đầy đủ với các xét nghiệm thích hợp, đặc biệt chú ý đến chức năng gan và hệ thần kinh. Tổn thương thể chất do nghiện rượu bao gồm suy giảm trí nhớ, gãy xương, hoa mắt, thường xuyên té ngã, phù mí mắt, mặt đỏ bừng, hơi thở mùi cồn, run tay, nói khó hoặc run lưỡi, rung giật nhãn cầu, gan to, tăng huyết áp, mất ngủ và liệt dương (ở nam giới). Mất trí nhớ nghiêm trọng báo hiệu tiến triển tổn thương hệ thần kinh trung ương do rượu.
Một số xét nghiệm có thể được sử dụng để chẩn đoán lạm dụng rượu và đánh giá các vấn đề sức khỏe liên quan đến uống rượu bao gồm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm sinh hóa đánh giá chức năng gan.
Điều trị[sửa]
Hiện nay, chưa có cách chữa trị cho nghiện rượu hoặc lạm dụng rượu. Điều trị nghiện rượu là một quá trình lâu dài đòi hỏi cả sự nỗ lực của cá nhân người nghiện và các phương pháp điều trị hoặc liệu pháp khác nhau.
Hầu hết những người nghiện rượu được điều trị bằng nhiều cách tiếp cận tâm lý. Người bệnh phải có sự chuẩn bị tâm lý, chấp nhận rằng mình đã bị nghiện rượu, lạm dụng rượu và xây dựng quyết tâm điều trị, thay đổi hành vi, phòng ngừa tái nghiện. Kết hợp liệu pháp tâm lý với sự tham gia của gia đình bệnh nhân và các đồng nghiệp như một mạng lưới hỗ trợ. Người nghiện rượu cần được học các kỹ năng và cơ chế đối phó để giúp tránh xa rượu.
Hầu hết các loại thuốc hiện đang được sử dụng để điều trị nghiện rượu thuộc một trong hai nhóm:
+Loại thuốc hạn chế ham muốn rượu bằng cách tạo ra các triệu chứng khó chịu về thể chất (đỏ bừng mặt, tim đập nhanh, hồi hộp trống ngực, khó thở, hạ huyết áp, đau đầu, buồn nôn và nôn) nếu bệnh nhân uống rượu: Disulfiram (Antabuse), canxi carbimide (Temposeil);
+Thuốc làm giảm cảm giác thèm rượu trực tiếp: Acamprosate (Campral), naltrexone (Vivitrol). Một số thuốc trong nhóm này, ban đầu được phát triển để điều trị nghiện các chất opioid (ví dụ, heroin và morphin).
Các loại thuốc khác điều trị các triệu chứng hội chứng cai rượu, như điều trị run rẩy, buồn nôn và đổ mồ hôi xảy ra sau khi người nghiện rượu ngừng uống rượu.
Tuy nhiên, nếu chỉ dùng thuốc thôi là không đủ, quan trọng nhất trong quá trình cai nghiện rượu là thái độ của người bệnh.
Tiên lượng[sửa]
Tiên lượng cho sự phục hồi sau nghiện rượu rất khác nhau và phụ thuộc rất nhiều yếu tố: mức độ nghiện rượu, tình trạng sức khỏe hiện tại, các yếu tố tâm lý, gia đình, xã hội, tình trạng tái nghiện...
Phòng bệnh[sửa]
Người ta nhận ra rằng biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho trẻ em là nuôi dạy con cái nghiêm khắc. Điều này đòi hỏi sự giao tiếp tốt giữa cha mẹ và con cái, giáo dục về những tác hại của rượu bia và chất gây nghiện khác. Giáo dục cần được thực hiện ở trường học, nơi công cộng, báo chí, truyền thông... và có những quy định, chính sách, luật cụ thể.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lưu Bích Ngọc, Nguyễn Thị Thiềng, “Tiêu dùng rượu bia ở Việt Nam”, NXB Trường Đại học Kinh tế Quốc Dân, 2018.
- Tổ chức Y tế thế giới, Báo cáo thực trạng toàn cầu về đồ uống có cồn và sức khỏe năm 2016.
- WHO, “Global status report on alcohol and health 2018”, Geneva, 2018.