Cắt thận là phẫu thuật lấy toàn bộ một quả thận hoặc một phần quả thận ra khỏi cơ thể.
Mục đích[sửa]
Cắt thận được thực hiện ở những bệnh nhân mà thận mất hết chức năng do viêm nhiễm, ứ nước nặng, thận teo do lao, hoặc trong thận đa nang, ung thư thận, chấn thương thận nặng. Cắt thận có thể thực hiện trên một quả thận lành lặn để ghép cho bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối.
Cắt thận là phẫu thuật thường gặp do bệnh lý và chấn thương thận, đặc biệt nhu cầu ghép thân rất cao nên cắt thận ở những người hiến thận rất nhiều. Năm 2019 ở Mỹ có trên 6.000 người cắt thận để hiến ghép, ở Việt nam là trên 800 người.
Mô tả[sửa]
Cắt thận có thể lấy bỏ toàn bộ thận hoặc một phần thần gọi là cắt thận bán phần. Cắt thận có thể được thực hiện theo phương pháp mổ mở truyền thống hoặc bằng phẫu thuật nội soi.
Cắt thận bằng phẫu thuật mở truyền thống: Bệnh nhân được gây mê hoặc gây tê tủy sống. Đường mổ vào thận có thể là đường ngoài phúc mạc. Bệnh nhân nằm nghiêng rạch da theo đường thắt lưng bên từ xương sườn 11 hoặc 12 chéo xuống dưới ra trước dài khoảng 15-25 cm, để đường mổ đủ rộng có thể cắt một phần xương sườn 12 để dễ dàng tiếp cận với thận. Nếu đường mổ vào thận qua ổ bụng thì để bệnh nhân nằm ngửa, rạch da theo đường dưới bờ sườn bên thận phẫu thuât hoặc đường giữa bụng. Bóc tách thận bộc lộ cuống thận. Đầu tiên bộc lộ niệu quản, kẹp và cắt niệu quản, đầu dưới niệu quản được buộc lại. Động mạch và tĩnh mạch thận dược kẹp, cắt và khâu cẩn thận. Trường hợp động tĩnh mạch thận dễ phẫu tích thì buộc và cắt động mạch thận trước rồi đến tĩnh mạch. Cuối cùng khâu lại các cơ và da của thành bụng. Quá trình phẫu thuật khoảng 2 giờ.
Cắt thận bằng phẫu thuật nội soi : Bệnh nhân nằm nghiêng 75° đối với đường mổ qua phúc mạc và nghiêng 90° đối với đương mổ sau phúc mạc, độn ở dưới sườn thắt lưng bên đối diện. Rạch da 3 hoặc 4 đường rạch dài khoảng 10 mm. Đưa một camera vào để truyền hình ảnh trường mổ ra ngoài và các dụng cụ phẫu thuật vào để tiến hành phẫu thuật như phẫu thuật cắt thận truyền thống.
Phẫu thuật cắt thận bán phần: là cắt một phần nhu mô thận ở cực trên hay cực dưới thận hoặc cắt một phần thận hình chêm ở 1/3 giữa thận. Có ba kỹ thuật cắt thận bán phần: Cắt hình chêm, cắt hình phẳng và cắt thận theo giải phẫu động mạch. Cắt thận bán phần được thưc hiện khi có khối u lành tính hay ác tính hoặc chấn thương thận khư trú ở cực thận hay 1/3 giữa thận.
Chuẩn bị[sửa]
Bác sỹ phẫu thuật là bác sỹ chuyên khoa tiết niệu. Bệnh nhân và gia đình được giải thích về lý do, sự cần thiết và những rủi do của phẫu thuật. Các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh cần phải làm để chẩn đoán bệnh chính xác và đánh giá tình trạng sức khỏe bệnh nhân và chức năng của thận. Trên cở sở đó có kế hoạch hồi sức bệnh nhân có sức khỏe tốt nhất chiu đựng cuộc phẫu thuật, hạn chế các tai biến, biến chứng trong và sau mổ.
Hậu phẫu[sửa]
Cần theo dõi chẩy máu sau mổ do tuột chỉ cuống thận, hoặc các mạch máu nhỏ. Xẹp phổi do tràn thí màng phổi. Đề phòng nhiễm khuẩn dùng kháng sinh 5-7 ngày, Cho ăn uống khi có trung tiện. Cắt chỉ sau 7 ngày.
Bệnh nhân có thể đau và cảm giác tê bì vùng vết mổ làm hạn chế thở sâu và ho. Có thể dùng thuốc giảm đau và các bài tập thở để phòng ngừa viêm phổi.
Rủi ro[sửa]
Các tai biến có thể xẩy ra trong mổ là chẩy máu, tổn thương các tạng bên cạnh. Với cắt thận bên phải có thể tổn thương gan, tá tràng, đại tràng lên và tĩnh mạch chủ, với cắt thận trái có thể tổn thương lách, đuôi tụy, đại tràng xuống và động mạch chủ.
Các biến chứng sau mổ cắt thận cũng giống như các loại phẫu thuật khác bao gồm nhiễm trùng, chẩy máu và các biến chứng do gây mê. Tỷ lệ tử vong của những người hiến thận khỏe mạnh là rất thấp chỉ vào khoảng 0,03% của người hiến tặng.
Kết quả[sửa]
Kết quả của phẫu thuật cắt thận phụ thuộc vào mục đích của cuộc phẫu thuật và hình thức của phẫu thuật được thực hiện. Nếu thận còn lại khỏe mạnh, nó sẽ tăng cường hoạt động theo thời gian để bù đắp phần chức năng của thận đã cắt bỏ. Thời gian nằm viện tùy thuộc vào loại phẫu thuật cắt thận. Những bệnh nhân được cắt thận bằng phẫu thuật nội soi có thể được xuất viện sau ba, bốn ngày sau phẫu thuật. Bệnh nhân được cắt thận bằng phẫu thuật mở truyền thống thường phải nằm viện trong khoảng một tuần. Thời gian phục hồi sau phẫu thuật cũng khác nhau, trung bình từ ba đến sáu tuần.
Điều trị thay thế[sửa]
Thận có chức năng bài tiết và đào thải các chất cặn bã của cơ thể, vì vậy thận có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Các bệnh nhân có bệnh lý về thận nặng như ung thư hoặc nhiễm trùng thận nghiêm trọng thường có ít lựa chọn điều trị thay thế ngoài phẫu thuật cắt thận. Tuy nhiên, nếu thận còn lại bị mất chức năng thì bệnh nhân cần phải điều trị lọc máu kéo dài hoặc ghép thận từ một người khỏe mạnh để duy trì sự sống.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Y tế, Hướng dẫn quy trình phẫu thuật, tập I, Nxb Y học, Hà nội, 1999, Tr.367-371.
- Hội ghép tạng Viẹt nam, Hướng dẫn ghép thận Việt nam, NXB Y học, 2017.
- Jacqueline L. Longe. The Gale Encyclopedia of medicine. Fifth edition, Volum VI, 2015, Tr.3561-3564.
- Sabiston Texbook of surgery the Biological Basis of Modern surgical Practice, Vol.2, 2001, 1649-1662.