Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp do virus cúm gây nên. Các triệu chứng cúm điển hình như sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.
Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Dịch tễ học[sửa]
Cúm là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Cúm gây ra bệnh lẻ tẻ lan rộng hàng năm trong mùa thu và mùa đông ở vùng khí hậu ôn đới (các đợt bùng phát dịch theo mùa).
Đại dịch ít phổ biến hơn nhưng hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Năm 1918-1919, trong đại dịch cúm Tây Ban Nha số trường hợp tử vong lên tới 20-40 triệu ca khắp thế giới. Tính đến năm 2020, đã có 6 đại dịch lớn, thường được đặt tên theo vị trí xuất xứ: Cúm Nga (1898-H2N2), Cúm Hồng Kông cổ đại (1900-H3N8), Cúm Tây Ban Nha (1918-H1N1), Cúm Châu Á (1957-H2N2); Bệnh cúm Hồng Kông (1968-H3N2), Cúm lợn (2009-H1N1).
Kể từ khi xuất hiện cuối năm 2003, tính đến ngày 10/9/2008 tại Việt Nam đã có 106 trường hợp được xác định nhiễm cúm A/H5N1, 52 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc chung là 49%).
Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày 26/5/2009 và bùng phát mạnh vào những tháng cuối năm 2009, đến tháng 7/2010 Việt Nam đã cơ bản khống chế dịch cúm A(H1N1) trên phạm vi toàn quốc. Từ năm 2010 đến nay, cúm A(H1N1) 2009 lưu hành thường xuyên. Kết quả giám sát trọng điểm qua các năm ghi nhận khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với cúm A(H1N1).
Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]
Có 3 loại virus cúm khác nhau là cúm A, B và C. Cúm A có thể gây bệnh ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm người, lợn, ngựa và chim nhưng cúm B và C chỉ gây bệnh cho người. Cúm A thường gặp hơn, trong khi đó cúm B và C ít gặp hơn và thường nhẹ hơn. Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.
Sau khoảng 1-4 ngày nhiễm virus cúm, các triệu chứng xuất hiện đột ngột, không thể đoán trước được, bao gồm: sốt có thể lên tới 400C, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Bệnh nhân cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, yếu và có thể hồi phục sau vài ngày hoặc có thể kéo dài hàng tuần.
Các biến chứng của cúm thường do nhiễm trùng thứ phát đường hô hấp dưới xuất hiện khi bệnh nhân tưởng chừng đang khỏe lại. Các dấu hiệu đó bao gồm: sốt cao, gai rét, đau ngực liên quan tới nhịp thở và ho khạc đờm xanh vàng đặc. Các vấn đề về tim và phổi và các bệnh lý mạn tính khác có thể nặng lên vì cúm, đây là các mối lo ngại ở các bệnh nhân lớn tuổi.
Một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm:
- Trẻ em < 5 tuổi; trẻ em < 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao;
- Người lớn > 65 tuổi;
- Những người có tình trạng bệnh lý mạn tính (ví dụ: bệnh tim phổi, tiểu đường, suy thận hoặc suy gan, bệnh hemoglobin, suy giảm miễn dịch);
- Phụ nữ trong ba tháng giữa hoặc cuối của thai kỳ;
Chẩn đoán[sửa]
Mặc dù có 1 số xét nghiệm đặc hiệu để xác định các chủng virus cúm từ mẫu bệnh phẩm đường hô hấp nhưng các bác sĩ thường dựa trên các triệu chứng lâm sàng và dịch tễ bệnh cúm trong cộng đồng để chẩn đoán. Các xét nghiệm đặc hiệu hữu ích trong xác định loại cúm trong cộng đồng nhưng lại có ít vai trò trong điều trị cá thể. Các bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm như cấy khuẩn bệnh phẩm là dịch ngoáy họng để xác định các nhiễm khuẩn thứ phát.
Điều trị[sửa]
Xử trí theo mức độ bệnh:
- Cúm có biến chứng: cần được nhập viện để điều trị và dùng thuốc kháng vi rút càng sớm càng tốt.
- Cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ: nên được nhập viện để theo dõi và xem xét điều trị sớm thuốc kháng vi rút.
- Cúm chưa biến chứng: không cần xét nghiệm hoặc điều trị cúm tại cơ sở y tế nếu biểu hiện triệu chứng nhẹ. Nếu triệu chứng nặng lên hoặc người bệnh lo lắng về tình trạng sức khỏe nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc.
Điều trị thuốc kháng vi rút: Các trường hợp nhiễm cúm (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ cần được điều trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt. Thuốc được sử dụng hiện nay là Oseltamivir (Tamiflu) hoặc Zanamivir.
Kháng sinh: Vì cúm là nhiễm trùng do virus nên không cần phải sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên kháng sinh thường xuyên được sử dụng để điều trị các nhiễm trùng thứ phát.
Hạ sốt: Chỉ dùng Paracetamol khi sốt trên 3805, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt.
Điều trị hỗ trợ: Đảm bảo cân bằng nước điện giải, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Tiên lượng[sửa]
Nếu điều trị đúng theo các hướng dẫn thì những người khỏe mạnh dưới 65 tuổi thường không để lại các hậu quả kéo dài nào do bệnh. Còn các bệnh nhân trên 65 tuổi và có các bệnh lý mạn tính có nguy cơ nhiễm trùng thứ phát và nhiều biến chứng nhưng có thể hồi phục hoàn toàn.
Hầu hết người mắc cúm sẽ hồi phục hoàn toàn nhưng cần được xem xét 1 cách toàn diện. Cứ khoảng 1000 bệnh nhân cúm thì có 1 ca tử vong.
Dự phòng[sửa]
Các biện pháp phòng bệnh chung: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm, rửa tay, tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.
Nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là:
- Nhân viên y tế;
- Trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi;
- Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…);
- Người trên 65 tuổi;
- Trẻ em và thanh thiếu niên có sử dụng aspirin kéo dài;
- Phụ nữ mang thai.
Người không nằm trong các nhóm phân loại trên vẫn có thể chủng vaccine.
Các vắc xin cúm hiện có bán trên thị trường bảo vệ chống lại H3N2 theo mùa, đại dịch cúm A H1N1 và cúm B. Một loại vắc xin cho cúm gia cầm H5N1 đã được phê chuẩn dùng cho những người > 18 tuổi có nguy cơ phơi nhiễm H5N1 cao nhưng chỉ do các nhân viên y tế công cộng cung cấp. Hiện không có loại vắc xin nào cho các loại virus cúm gia cầm khác hiếm khi liên quan đến bệnh ở người (H7N7, H9N2, H7N3 và H7N9).
Vaccine cúm mùa chứa 3 chủng virus khác nhau thường gặp trong các mùa cúm. Nếu có sự phù hợp giữa chủng cúm sắp tới và chủng được dùng trong vaccine thì vaccine có hiệu quả tới 76-90% ở người dưới 65 tuổi. Do đáp ứng miễn dịch giảm theo tuổi, nên ở người trên 65 tuổi có thể không nhận được sự bảo vệ từ vaccine như người dưới 65 tuổi nhưng nếu họ mắc cúm thì có thể làm giảm được mức độ nặng và ngăn ngừa được các biến chứng.
Các tác dụng không mong muốn của vaccine hiện nay cực kỳ hiếm gặp. Một vài người có biểu hiện sưng nhẹ vị trí tiêm, và có thể tự hết sau 1 hoặc 2 ngày. Người mà chưa tiếp xúc với cúm bao giờ, đặc biệt là trẻ em có thể có xuất hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, đau cơ trong 1-2 ngày. Các triệu chứng này xuất hiện trong vòng 6-12 giờ sau tiêm chủng vaccine.
Các đối tượng không nên chủng ngừa vaccine cúm:
- Trẻ em dưới 6 tháng tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên sẽ không nhận được lợi ích từ tiêm vaccine.
- Người mà có dị ứng nặng với trứng gà hoặc các thành phần khác của vaccine cũng không nên tiêm vaccine.
Có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm. Thời gian điều trị dự phòng là 10 ngày.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Y tế, Quyết định số 2078/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cúm mùa ban hành ngày 23/06/2011.
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, “Thông tin báo chí: Chủ động phòng chống bệnh cúm mùa”, https://www.moh.gov.vn/web/guest/thong-cao-bao-chi/-/asset_publisher/kp1jYbzNp2X6/content/thong-tin-bao-chi-chu-ong-phong-chong-benh-cum-mua?
- Bùi Đại. Bệnh học truyền nhiễm, Nhà xuất bản y học, Hà Nội, 2005.